Pages

Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

NHIỀU ĐẠI BIỂU QH ĐỀ NGHỊ CHƯA VỘI THÔNG QUA HIẾN PHÁP

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị đưa dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 ra khỏi chương trình kỳ họp thứ 6 và đến kỳ họp thứ 7 (năm 2014) mới đưa vào để xem xét thông qua

Ngày 5-6, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014; điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của QH.

Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho rằng nhiều chế định quan trọng
vẫn còn ý kiến rất khác nhau nên chưa vội thông qua dự thảo Hiến pháp Ảnh: BẢO TRÂN

Không đủ thời gian

Nhiều đại biểu (ĐB) QH đề nghị đưa dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (dự thảo Hiến pháp) ra khỏi chương trình kỳ họp thứ 6 và đến kỳ họp thứ 7 (năm 2014) mới đưa vào để xem xét thông qua. 

ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) thẳng thắn: "Qua 2 ngày góp ý dự thảo Hiến pháp cho thấy nhiều chế định quan trọng vẫn còn ý kiến rất khác nhau, thậm chí ngược nhau như: chính quyền địa phương, Hội đồng Bảo hiến, viện kiểm sát... Chỉ còn hơn 3 tháng nữa sau kỳ họp này, QH sẽ thông qua nên tôi sợ rằng không đủ thời gian để tổng kết, nghiên cứu hội thảo và kết luận những vấn đề lớn như vậy".

Đồng tình, ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) đề xuất kéo dài thêm thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp. "Hiến pháp không chỉ dừng lại trong hội trường này với 500 ĐBQH mà là đại diện cho 85 triệu dân. Nếu QH bấm nút thông qua thì một bản Hiến pháp mới sẽ ra đời nhưng xin nhớ đây là vấn đề hết sức hệ trọng" - ông Lai cảnh báo. 

Luật Biểu tình sẽ ngăn hành vi xấu

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đề nghị bổ sung Luật Biểu tình vào chương trình năm 2014. Theo ông Nghĩa, vấn đề chúng ta đang băn khoăn là có những hành vi lợi dụng quyền biểu tình để làm mất an ninh trật tự, thậm chí vận động chống Đảng, chống nhà nước... "Tôi tin rằng chính Luật Biểu tình sẽ ngăn chặn, đề phòng và chống được những hành vi trên và đáp ứng được quyền hiến định của nhân dân" - ông Nghĩa nhận định. 

Theo ông Nghĩa, từ "biểu tình "không phải mới nghĩ ra mà từ ngày 13-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành một sắc lệnh, trong đó nêu rõ: "Xét quyền tự do hội họp là một trong những nguyên tắc của chế độ dân chủ cộng hòa nhưng trong tình thế đặc biệt hiện thời, cần xem xét, kiểm soát những cuộc biểu tình để tránh bất trắc có thể ảnh hưởng đáng tiếc đến nội trị hay ngoại giao…" và cho phép biểu tình với điều kiện báo trước 21 giờ. "Không cần ban hành ngay Luật Biểu tình trong năm 2014 mà có thể lùi đến năm 2015 hoặc 2016" - ông Nghĩa nói. 

Nhiều ĐB đề xuất đưa thêm vào chương trình một số dự luật mới. ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) cho rằng cần sớm sửa đổi Bộ Luật Hình sự. "Cử tri bức xúc về tội phạm như Lê Văn Luyện giết cả nhà người ta cướp vàng mà chỉ có thể xử mức án cao nhất là 18 năm tù. Trường hợp đó ít nhất phải 30 năm mới giữ được yên ổn cho xã hội và đời sống của nhân dân..." - ông Đương lý giải.


Blog : Tễu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét