Pages

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

Ông Sang Gặp Ông Tập


  Tác giả : Trần Khả
Vậy là 2 người cao cấp nhất của hai quốc gia thiên đường xã hội chủ nghĩa Việt-Hoa gặp nhau.
Ông Sang là Trương Tấn Sang, còn ông Tập là Tập Cận Bình.
Trên nguyên tắc, ông Sang chưa chắc đã là người quyền lực nhất VN, nhưng Chức vụ Chủ Tịch Nước phải được hiểu là người nắm quyền cao nhất, cho dù thực tế quyền lực vẫn còn lép vế so với Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng — mà trận so găng khi cơ cấu bổ sung  Bộ Chính trị trong tháng 5-2013 cho thấy ông Sang không đưa nổi ai vào, trong khi ông Dũng đưa 2 người thân tín là ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyễn Thị Kim Ngân vào bổ sung.

Còn ông Tập Cận Bình hiện là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18, Chủ tịch Quân Ủy Trung ương, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và là nhân vật số một trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan thực quyền cao nhất Trung Quốc. Nghĩa là, quyền lực tột trời.
Chuyện 2 ông gặp nhau là nhu cầu lớn, đối với Việt Nam, đặc biệt về Biển Đông và thương mại.
VN là nước nhỏ, tất nhiên phải cầu hòa. Việt Nam kinh tế yếu, tất nhiên phải chiêu mãi.
Do vậy, nhiệm vụ đi sứ của ông Sang là quan trọng. Nhưng thực tế, vẫn có thể đoán rằng không có bao nhiêu là căng thẳng, vì TQ cần có VN làm bạn, hơn là thù. Chuyện gây rối hằng ngày ở biển Đông, hay ở các cửa khẩu Lạng Sơn, Hà Giang là chuyện nhỏ, so với tầm nhìn chiến lược bá chủ điạ cầu của các nhà chiến lược Bắc Kinh.
Chuyện hù dọa VN là dễ, nhưng hẳn là TQ thấy không cần thiết phải đẩy VN vào thế đối đầu, khi thấy đã có sẵn những đối đầu từ Biển Hoa Đông với Nhật Bản và Biển Đông với Philippines. Nguyên tắc là thêm bạn bớt thù. Thêm nữa, chưa tới mức để TQ phải tuyên bố VN là lợi ích cốt lõi như Tây Tạng, Tân Cương… ngày nào các lãnh đaọ VN còn chưa trở thành gai nhọn.
Nhưng vẫn thói quen hải tặc, Trung Quốc vẫn có những độc chiêu khi ông Sang tới Bắc Kinh: trước mặt trải thảm đỏ đón ông Sang, sau lưng vẫn phóng phi tiêu vào ngư dân Bình Định.
Báo Thanh Niên kể chuyện ngư dân Bình Định lại bị tàu lạ tấn công. May mắn, cứu được 8 ngư dân bị tàu lạ đâm chìm.
Báo Thanh Niên kể:
“…vào khoảng 22 giờ ngày 17.6, tàu cá BĐ 31138 cùng 8 ngư dân đang đánh bắt tại vị trí có tọa độ 8,31 độ vĩ bắc – 106,10 độ kinh đông, cách Côn Đảo khoảng 24 hải lý về phía Nam Tây Nam thì bị một tàu không rõ danh tính đâm va phải.
Hệ thống Đài TTDH Việt Nam đã thông báo tới các đơn vị tìm kiếm cứu nạn khu vực và địa phương, đồng thời yêu cầu các phương tiện hoạt động trong khu vực tăng cường quan sát và hỗ trợ tàu bị nạn cùng 8 ngư dân.
Sau tai nạn, tàu BĐ 31138 bị chìm, toàn bộ 8 ngư dân của tàu bị rơi xuống biển.
Nhận tin báo, tàu cá BĐ 30806 đã hành trình đến khu vực cứu nạn.
Đến 10 giờ 30 phút sáng ngày 18.6, tàu cá BĐ 30806 báo tin về Đài TTDH Việt Nam đã cứu vớt được toàn bộ 8 ngư dân.”(hết trích)
Tất nhiên, viên gạch nhỏ không làm lật xe, đụng tàu ngư dân chìm không làm ông Sang nổi giận bỏ về ngang. Bắc Kinh đoán biết cả.
Bản tin TTXVN hôm 20-6-2013 kể rằng:
“Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng kiến lễ ký kết 10 văn kiện hợp tác. Đây là những văn kiện quan trọng nhằm tạo bước đột phá và thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.”
Tuy nhiên, điểm nhạy cảm là khai thác chung dầu khí ở Vịnh Bắc Bộ.
Bản tin TTXVN thanh minh thang nga ngay ở tưạ đề bản tin: “Thỏa thuận thăm dò dầu khí chung: Thuần túy kinh tế.” Nghĩa là gì? Nghĩa là không có chuyện nhượng biển, nhượng đất hay chính trị gì. Mà chỉ là kiếm tiền thôi.
Bản tin TTXVN viết:
”Đáng chú ý nhất trong các văn kiện này là việc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam-PVN) và Tổng Công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) ký thỏa thuận sửa đổi lần thứ 4 liên quan tới thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ, là tiếp nối các thỏa thuận thăm dò dầu khí từ năm 2006 tới nay.
Theo Quy định tại Điều 7 của Hiệp định Việt Nam-Trung Quốc về Phân định Lãnh hải, Vùng Đặc quyền Kinh tế và Thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ (ký ngày 25/12/2000 và có hiệu lực từ ngày 20/6/2004), nếu có các mỏ dầu khí vắt ngang qua Đường Phân định, hai nước sẽ cùng nhau hợp tác khai thác chung.”(hết trích)
Bạn có thể suy nghĩ: tại sao không chia lô để đấu thầu, mời các  công ty quốc tế vào cùng khai thác dầu ở Vịnh Bắc Bộ của VN? Mà sao lại bắt tay ngay với TQ để múc dầu Vịnh Bắc Bộ?
Như dường tiên đoán các thắc mắc đó, bản tin TTXVN  đã phỏng vấn ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam, về nội dung có thể là nhạy cảm, qua hỏi và đáp:
“- Vậy thỏa thuận này có gì khác so với những thỏa thuận hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí giữa Việt Nam và một số quốc gia khác?
Ông Đỗ Văn Hậu: Thỏa thuận này có khác. Trước đây ta ký kết những hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí với những quốc gia khác là hợp đồng thực hiện trên vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam. Còn đây là hợp tác giữa hai tổng công ty dầu khí quốc gia của hai nước, về việc thăm dò và khai thác ở một vùng biển chung, có diện tích chồng lấn hai bên, nhưng đã được phân định đường biên giới trên biển. Theo dự báo, khu vực này có cấu tạo địa chất liền nhau, có khả năng có dầu khí, nên hai bên xác định để có lợi cao nhất, thì cùng hợp tác thăm dò và tiến tới khai thác. Điều này chỉ phục vụ lợi ích kinh tế hai nước, không liên quan đến nước thứ ba.
- Ý nghĩa của thỏa thuận lần này là gì, thưa ông?
Ông Đỗ Văn Hậu: Ý nghĩa quan trọng nhất là sự tăng cường hợp tác giữa PVN và CNOOC. Qua đó sẽ góp phần tăng cường sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nhà nước nói chung. Thực ra, trong nhiều năm qua, hai công ty đã có sự hợp tác với nhau. Những gì liên quan đến lợi ích, chủ quyền quốc gia thì hai bên đều tôn trọng, đề cao trong quá trình hợp tác này. Nếu có ai đó không tôn trọng chủ quyền của nhau thì chúng tôi sẽ phản đối.” (hết trích)
Cũng cần nêu nghi vấn rằng có một số học giả từng nêu nghi vấn rằng Hà Nội đã nhượng biển quá nhiều khi ký hiệp Định Vịnh Bắc Bộ. Ngay cả trang Tự Điên Bách Khoa Mở Wikipedia, ghi rằng:
“…Tuy Hiệp định được ký từ năm 2000 nhưng mãi đến năm 2004 thì chính phủ Việt Nam mới công bố những toạ độ chính xác. Vì thế trong dư luận có sự bất bình, không tán thành hiệp định vì cho rằng chính phủ Việt Nam đã nhượng bộ cho Trung Quốc quá nhiều…”
Đặc biệt, nhà nghiên cứu Dương Danh Huy nói rằng khi chính phủ nói hiệp định Vịnh Bắc Bộ năm 2000 là công bằng là không thuyết phục vì “khi phân tích đường trung tuyến trong vịnh do Quỹ Nghiên cứu Biển Đông thực hiện lại cho thấy khi vẽ các đường tròn có tâm là 21 điểm phân định thì bên Việt Nam bị lấn từ 3 cho đến 27 hải lý ở khu vực các đảo Vĩnh Thực, đảo Trần, đảo Thanh Lam, đảo Cô Tô tỉnh Quảng Ninh, đảo Bạch Long Vĩ thuộc Hải Phòng, vùng cửa Ba Lạt, bờ biển Ninh Bình và khu vực nam Hà Tĩnh đối chiếu với bờ tây và bờ nam đảo Hải Nam của Trung Quốc. Do đó, Dương Danh Huy kết luận quan điểm cho rằng hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ năm 2000 là công bằng vẫn chưa thuyết phục.”
Tất nhiên ông Sang khi đi sứ, là đã hội ý sẳn với với Bộ Chính Trị và các đoàn chuyên gia, vì các bản văn phải soạn sẵn từ nhiều tháng trước.
Chỉ tiếc một điều rất lớn trong chuyến đi của ông Sang, lẽ ra nên trả tự do cho tất cả những nhà hoạt động có liên hệ tới Biển Đông  và tới những cuộc biểu tình chống Trung Quốc.
Trong khi Bắc Kinh cho tàu đụng chìm tàu ngư dân Việt, Hà Nội lẽ ra phải cho thấy có một thế đoàn kết toàn dân trong lập trường giữ đất, giữ biển.
Hay phải chăng, như một số người nói, ông Sang cần có món quà triều cống bằng cách mạnh tay với người biểu tình chống TQ?
Một suy nghĩ nữa, khi các hãng dầu  TQ, VN kết chặt hợp tác, có phải là một bước dần tới đồng hóa nền kinh tế tương lai, khi kỹ nghệ dầu khí sẽ lệ thuôc Phương Bắc chặt chẽ hơn?

Không có nhận xét nào: