Pages

Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

Tên nước Việt Nam, một hành trình lịch sử

92276-nhunglaco_vn
Gần đây việc thay đổi quốc hiệu Việt Nam đã trở thành một đề tài chính trị sôi nổi đối với những người quan tâm đến tên gọi của đất nước. Trở lại với quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay vẫn giữ nguyênCộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam? Ý kiến thì rất nhiều, nhưng xem ra các đại biểu Quốc hội có khuynh hướng giữ nguyên tên gọi còn trong dân chúng lại có luồng ý kiến nên trở về với tên gọi ngày xưa.
Lý lẽ của cả hai phía rất đa dạng, lợi hay hại cũng được nêu lên để biện minh cho lý do của mỗi bên. Xem ra, việc chọn lựa quốc hiệu cho cả nước là một vấn đề có tầm quan trọng không nhỏ đến tương lai của đất nước trong thế giới ngày nay.
Bài viết này điểm lại một số tên gọi trước đây của nước Việt Nam. Điều mà ít người để ý là Việt Nam đã có tới gần 20 quốc hiệu, chính thức cũng như bán chính thức, trong suốt quá trình lập quốc cho đến ngày nay. Các tên gọi này đều được ghi chép trong sử sách hoặc được chính thức sử dụng trong nghi thức ngoại giao quốc tế.
Văn Lang (文郎) được coi là quốc hiệu đầu tiên của Việt Nam để chỉ một quốc gia có kinh đô đặt tại Phong Châu, nay thuộc tỉnh Phú Thọ. Lãnh thổ Văn Lang gồm khu vực đồng bằng miền Bắc và ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bây giờ. Quốc gia Văn Lang tồn tại cho đến năm 258 Trước công nguyên (TCN).
Đó là thời kỳ của các vua Hùng, giống như những tộc trưởng người Mường mà sau này các quan lang ở Hòa Bình, hay ở Thanh Hóa, chính là những người kế tục. “Văn” là tri thức, hiểu đơn giản liệu đó có phải là những người xăm mình theo tập tục cổ xưa?
Năm 257 TCN, nước Âu Lạc (甌雒, 甌駱, 甌貉) được hình thành từ việc liên kết các bộ lạc Lạc Việt (Văn Lang) và Âu Việt, dưới uy thế của Thục Phán – An Dương Vương. Âu Lạc có lãnh thổ bao gồm lãnh thổ của Văn Lang trước đây và một phần đông nam Quảng Tây (Trung Quốc).
Khoảng cuối thế kỷ thứ 3 TCN, đầu thế kỷ thứ 2 TCN (năm 208 TCN hoặc 179 TCN), Triệu Đà (quận úy Nam Hải nhà Tần) tung quân đánh chiếm Âu Lạc. Cuộc kháng cự của An Dương Vương thất bại, nhà nước Âu Lạc bị xóa sổ.
Sau Âu Lạc là Vạn Xuân (萬春), với hàm ý đất nước của “mười ngàn mùa xuân”, một cái tên thật đẹp dưới sự lãnh đạo của Lý Nam Đế nhưng tiếc thay lại có thời kỳ độc lập ngắn ngủi, thoát khỏi ách đô hộ của Trung Hoa. Quốc hiệu này tồn tại từ năm 544 đến năm 602 thì bị nhà Tùy tiêu diệt.
Đại Cồ Việt (大瞿越) là quốc hiệu của Việt Nam từ thời nhà Đinh đến đầu thời nhà Lý, do Đinh Tiên Hoàng đặt tên năm 968. Quốc hiệu này tồn tại 86 năm đến năm 1054, đời vua Lý Thánh Tông đổi sang quốc hiệuĐại Việt.
Đại Việt (大越) là quốc hiệu từ thời nhà Lý, bắt đầu từ năm 1054, khi vua Lý Thánh Tông lên ngôi. Quốc hiệu này tồn tại không liên tục (bị gián đoạn 7 năm thời nhà Hồ và 20 năm thời thuộc Minh). Đại Việt kéo dài từ năm 1054 đến 1804, trải qua các vương triều Lý, Trần, Lê, Mạc và Tây Sơn, nhưng thời gian thực quyền chỉ được 743 năm.
Đại Ngu (大虞) là quốc hiệu của Việt Nam thời nhà Hồ. Đại Việt được đổi thành Đại Ngu năm 1400 khi Hồ Quý Ly lên nắm quyền. Về quốc hiệu này, theo truyền thuyết, họ Hồ là con cháu Ngu Thuấn (là một trong Ngũ Đế nổi tiếng ở Trung Hoa thời thượng cổ); sau này con Ngu Yên là Vĩ Mãn được Chu Vũ Vương của nhà Chu phong cho ở đất Trần gọi là Hồ Công, sau dùng chữ Hồ làm tên họ.
Hồ Quý Ly nhận mình là dòng dõi họ Hồ, con cháu Ngu Thuấn, nên đặt quốc hiệu là Đại Ngu. Chữ Ngu (虞) ở đây có nghĩa là “sự yên vui, hòa bình”, chứ không có nghĩa là “ngu si” (愚癡) như nhiều người lầm tưởng.
Sau khi nhà Hồ bị thất bại trước nhà Minh, và nhà Hậu Lê giành lại độc lập cho Việt Nam, quốc hiệu của Việt Nam đổi lại thành Đại Việt. Người ta nhận thấy những tên gọi như Đại Ngu và Đại Việt thường được hiểu với ý nghĩa “vĩ đại”. Trong thực tế, lịch sử thế giới cho thấy nghĩa của chữ “vĩ đại” thường dùng chỉ một số quốc gia nổi tiếng trong việc đi xâm chiếm hoặc làm khuynh đảo thế giới trong một thời kỳ dài.
Học giả Nguyễn Văn Vĩnh bình luận: “Các vị Vua của chúng ta đã từng hơi vội vã áp dụng cách nghĩ đó cho việc đặt tên cho đất nước nhỏ bé của mình, vì thế mà sẽ khó giữ được lâu dài cho hậu thế. Người ta chỉ nên nghĩ đến chữ “đại”, khi mình là một nước lớn, và chính bản thân mình phải giữ được cho nó lớn!”
Quốc hiệu Việt Nam (越南) chính thức xuất hiện vào thời nhà Nguyễn. Ban đầu vua Gia Long đã đề nghị nhà Thanh công nhận quốc hiệu Nam Việt, với lý lẽ rằng “Nam” có ý nghĩa “An Nam” còn “Việt” có ý nghĩa “Việt Thường”. Tuy nhiên, tên Nam Việt lại trùng với quốc hiệu của quốc gia cổ Nam Việt thời nhà Triệu, gồm cả Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Hoa. Nhà Thanh đề nghị nhà Nguyễn đổi ngược lại thành Việt Nam để tránh nhầm lẫn. Quốc hiệu Việt Nam được chính thức tuyên phong từ năm 1804.
Tuy nhiên, tên gọi Việt Nam đã xuất hiện sớm hơn, nghĩa là trước 1804. Ngay từ cuối thế kỷ 14, đã có một bộ sách nhan đề Việt Nam thế chí (nay không còn) do hàn lâm viện học sĩ Hồ Tông Thốc biên soạn. CuốnDư địa chí viết đầu thế kỷ 15 của Nguyễn Trãi (1380-1442) cũng đã nhiều lần nhắc đến hai chữ Việt Nam.
Điều này còn được đề cập rő trong những tác phẩm của trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), ngay trang mở đầu tập Trình tiên sinh quốc ngữ đã có câu: “Việt Nam khởi tổ xây nền”. Người ta cũng tìm thấy hai chữ Việt Nam trên một số tấm bia khắc từ thế kỷ 16-17 như bia chùa Bảo Lâm (1558) ở Hải Dương, bia chùa Cam Lộ (1590) ở Hà Nội, bia chùa Phúc Thánh (1664) ở Bắc Ninh…
Đặc biệt bia Thủy Môn Đình (1670) ở biên giới Lạng Sơn có câu: “Việt Nam hầu thiệt, trấn Bắc ải quan”(đây là cửa ngő yết hầu của nước Việt Nam và là tiền đồn trấn giữ phương Bắc). Về ý nghĩa, phần lớn các giả thuyết đều cho rằng hai chữ Việt Nam được cấu thành bởi hai yếu tố: chủng tộc và địa lý (người Việt ở phương Nam).
Năm 1820, vua Minh Mạng lên ngôi, xin phép nhà Thanh cho đổi quốc hiệu Việt Nam thành Đại Nam (大南), ngụ ý một nước Nam rộng lớn. Tuy nhiên nhà Thanh đã không chính thức chấp thuận. Khi nhà Thanh bắt đầu suy yếu, vua Minh Mạng đã đơn phương công bố quốc hiệu mới Đại Nam vào ngày 15/2/1839. Quốc hiệu này tồn tại cho đến năm 1945.
 
Cờ Việt Nam trong giai đoạn từ 1802 đến 1945
Sau khi Nhật đảo chính Pháp vào ngày 9/3/1945, hoàng đế Bảo Đại tuyên bố độc lập và thành lập chính phủ độc lập trên danh nghĩa vào ngày 17/4/1945, đứng đầu là học giả Trần Trọng Kim (tác giả cuốn Việt Nam Sử Lược), với quốc hiệu Đế quốc Việt Nam. Trên thực tế, khi đó Nhật Bản vẫn cai trị Nam Kỳ.
Sau khi Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, Nam Kỳ mới được trao trả cho Việt Nam ngày 14/8/1945, nhưng 10 ngày sau đó Hoàng đế Bảo Đại thoái vị. Trên danh nghĩa, đây là chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, danh xưng Đế quốc Việt Nam được chính thức dùng làm quốc hiệu và đất Nam Kỳ được thống nhất về mặt địa lý vào đất nước Việt Nam.
 
Cờ Việt Nam trong giai đoạn từ 1945 đến 1948
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là tên gọi của cả nước Việt Nam từ 1945 đến 1954 và miền Bắc Việt Nam từ 1954 đến 1976. Nhà nước này được thành lập vào ngày 2/9/1945 (ngày Quốc khánh của Việt Nam ngày nay). Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải đối đầu với thực dân Pháp và Quốc gia Việt Nam được lập ra năm 1949. Trong thời kỳ 1954-1975, chính thể này còn phải đối đầu với Việt Nam Cộng hòa được thành lập tại miền Nam Việt Nam.
 
Quốc kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Quốc gia Việt Nam là danh xưng của toàn bộ vùng lãnh thổ Việt Nam, được ra đời chính thức từ Hiệp ước Elysée ký ngày 8/3/1949, giữa Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại. Về danh nghĩa, chính quyền thuộc khối Liên hiệp Pháp, độc lập, đối kháng và tồn tại trên cùng lãnh thổ với chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Danh xưng Quốc gia Việt Nam tồn tại trong 6 năm (1949-1955).
Năm 1955, Ngô Đình Diệm phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, giải tán Quốc gia Việt Nam, thành lập chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Chính xác hơn, đó là Đệ nhất Cộng hòa để phân biệt với giai đoạn chính trị tiếp theo được gọi là Đệ nhị Cộng hòa sau khi Tổng thống Diệm bị lật đổ.
Như vậy, Việt Nam Cộng hòa là tên gọi quốc gia được thành lập tại miền Nam Việt Nam, kế tục Quốc gia Việt Nam (1949–1955). Trong cuộc trưng cầu dân ý tại miền Nam Việt Nam năm 1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã truất phế Quốc trưởng Bảo Đại, thành lập chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Chính quyền này, gồmĐệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa, tồn tại độc lập và đối kháng khốc liệt với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại miền Bắc trong 20 năm. Việt Nam Cộng hòa sụp đổ vào ngày 30/4/1975.
 
Quốc kỳ Quốc gia Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa
Cộng hòa Miền Nam Việt Nam là tên gọi mà Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, được Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hậu thuẫn. Tổ chức này được đặt ra tại miền Nam Việt Nam với việc thành lập một chính phủ mới để chống lại chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Danh xưng tồn tại trong 7 năm (1969-1976), sau đó, chính quyền lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã giải tán để hợp nhất với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành một quốc gia Việt Nam thống nhất.
 
Cờ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam
Ngày 2/7/1976, Quốc hội khóa 6 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hiệu này được sử dụng từ đó đến nay.
 
Quốc kỳ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Ngoài ra còn một số danh xưng gây nhiều tranh cãi  như quốc hiệu Xích Quỷ (赤鬼), còn gọi là Thích Quỷ, một cái tên chẳng đẹp đẽ gì vì nó hàm ý… những con quỷ đỏ.
Theo Việt Nam Sử lược của Trần Trọng Kim, Xích Qủy có nguồn gốc từ thủy tổ của người Việt là Kinh Dương Vương. Sách chép:

“Cứ theo tục truyền thì vua Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương nam đến núi Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ) gặp một nàng tiên, lấy nhau, đẻ ra người con tên là Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương bắc, và phong cho Lộc Tục làm vua phương nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ “.
 
Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ phía bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ Nam), phía nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía đông giáp biển Nam Hải. Kinh Dương Vương làm vua nướcXích Quỷ vào khoảng năm Nhâm Tuất (2879 trước Tây Lịch?) và lấy con gái Động Đình Quân là Long Nữ đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân.
Vấn nạn thứ hai: Nam Việt (南越) là quốc hiệu thời nhà Triệu (207 TCN-111 TCN). Nói chính xác thì đối tượng tranh cãi không phải là bản thân tên gọi Nam Việt, mà vấn đề là quốc hiệu này có đại diện cho nước Việt Nam hay không. Thời phong kiến xem Nam Việt chính là quốc hiệu của tộc người Việt, nhưng quan điểm chính thống ngày nay cho rằng quốc gia Nam Việt khi đó là của người Trung Hoa.
Không coi Nam Việt là của Việt Nam vì lý do Triệu Đà là người Hán, quê huyện Chân Định, nhân lúc nhà Tần suy loạn đã nổi lên lập ra nhà Triệu, lấy quốc hiệu là Nam Việt. Các ý kiến ngược lại, cho rằng quốc hiệu này là của người Việt, có các nhận định của các học giả như Lê Văn Hưu hay Ngô Sĩ Liên.
Lê Văn Hưu viết: “Đất Liêu Đông không có Cơ Tử thì không thành phong tục mặc áo đội mũ (như Trung Hoa), đất Ngô Cối không có Thái Bá thì không thể lên cái mạnh của bá vương. Đại Thuấn là người Đông Di nhưng là bậc vua giỏi trong Ngũ Đế. Văn Vương là người Tây Di mà là bậc vua hiền trong Tam Đại. Thế mới biết người giỏi trị nước không cứ đất rộng hay hẹp, người Hoa hay Di, chỉ xem ở đức mà thôi. Triệu Vũ Đế khai thác đất Việt ta mà tự làm đế trong nước, đối ngang với nhà Hán, gửi thư xưng là “lão phu”, mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước Việt ta, công ấy có thể nói là to lắm vậy. Người làm vua nước Việt sau này nếu biết bắt chước Vũ Đế mà giữ vững bờ cõi, thiết lập việc quân quốc, giao thiệp với láng giềng phải đạo, giữ ngôi bằng nhân, thì gìn giữ bờ cõi được lâu dài, người phương Bắc không thể lại ngấp nghé được”.
Ngô Sĩ Liên nói: “Truyện Trung Dung có câu: “Người có đức lớn thì ắt có ngôi, ắt có danh, ắt được sống lâu”. Vũ Đế làm gì mà được như thế? Cũng chỉ vì có đức mà thôi. Xem câu trả lời Lục Giả thì oai anh vũ kém gì Hán Cao. Đến khi nghe tin Văn Đế đặt thủ ấp trông coi phần mộ tổ tiên, tuế thời cúng tế, lại ban thưởng ưu hậu cho anh em, thì bấy giờ vua lại khuất phục nhà Hán, do đó tông miếu được cúng tế, con cháu được bảo tồn, thế chẳng phải là nhờ đức ư? Kinh Dịch nói: “Biết khiêm nhường thì ngôi tôn mà đức sáng, ngôi thấp mà không ai dám vượt qua”. Vua chính hợp câu ấy”.
Hoặc vua Quang Trung sau khi đánh bại đội quân nhà Thanh năm 1789 đã có ý định đòi lại đất hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây với lý do đây là đất cũ của Nam Việt thời Triệu Đà.
Vấn nạn thứ ba: An Nam (安南) là danh xưng của người nước ngoài chỉ lãnh thổ Việt Nam trong một số thời kỳ. Nguồn gốc danh xưng này từ thời Bắc thuộc (Việt Nam bị Trung Quốc đô hộ), nhà Đường ở Trung Quốc đã đặt tên cho khu vực lãnh thổ tương ứng với khu vực miền Bắc Việt Nam ngày nay là An Nam đô hộ phủ (673-757 và 768-866).
Sau khi giành được độc lập, các triều vua Việt Nam thường phải nhận thụ phong của Trung Quốc, danh hiệu An Nam quốc vương (kể từ năm 1164). Từ đó người Trung Quốc thường gọi nước Việt Nam là An Nam, bất kể quốc hiệu là gì. Cách gọi này đã ảnh hưởng đến cách gọi của người châu Âu trước năm 1945.
Thời kỳ thuộc Pháp, Annam (gọi theo tiếng Pháp) là tên gọi chỉ vùng lãnh thổ Trung Kỳ do nhà Nguyễn cai trị dưới sự bảo hộ của Pháp. Tuy vậy, người Pháp vẫn dùng danh xưng Annam để chỉ người Việt nói chung ở cả 3 vùng Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (Annam) và Nam Kỳ (Cochinchine).
 
Quốc kỳ An Nam (1920-1945)
Học giả Nguyễn Văn Vĩnh có một bài viết nhan đề An Nam, Đại Nam hay Việt Nam? (Annam, Đại Nam ou Việt Nam?) đăng trên báo L’Annam Nouveau, số 142, ngày 2/6/1932. Bài báo viết cách đây 71 năm nhưng đối với chúng ta ngày nay đó là một đề tài đáng để suy gẫm.
Ông viết: “Nếu đất nước Trung Hoa là vĩ đại, một nước Trung Hoa trường tồn mà không phải là một nước Trung Hoa đã bị Âu hóa, thì nước ta có thể tự hào là đất nước duy nhất không có tên trên bản đồ thế giới. Nước An Nam, một bộ lạc nhỏ nhưng đã tự trưởng thành được nhờ có đất đai màu mỡ, khí hậu tuy không phải là dễ chịu thì cũng là thuận lợi cho một cuộc sống khá dễ dàng đối với những nhóm cư dân đã quen với môi trường ở đây…”
 
Bài viết của Nguyễn Văn Vĩnh
trên báo L’Annam Nouveau, số 142, ngày 2/6/1932
Theo Nguyễn Văn Vĩnh, cái tên An Nam là gia tài để lại từ người Trung Quốc, nhưng không phải là một Trung Hoa của đời Nhà Thanh, hay là một Trung Quốc của Tôn Dật Tiên, hoặc một Trung Quốc của những người thương lái ở Quảng Đông, mà là một Trung Quốc trường tồn theo Khổng giáo ở phần lục địa châu Á, chẳng khác bao nhiêu so với một Roma đối với châu Âu La tinh (L’Europe latine).
Có người, vì lòng ái quốc, muốn chúng ta vứt bỏ cái tên An Nam của quá khứ nhục nhã đó đi… Ông lý luận: “Nguồn gốc của loài người, theo giả thuyết là được sinh ra từ loài vượn, điều này đâu có làm cho chúng ta phải đỏ mặt mà hổ thẹn với cái xuất xứ đó, và cũng không ai muốn phủ nhận những chứng cứ khoa học nếu điều đó được chứng minh theo cách không thể phủ nhận”.
Nhìn từ góc độ này, đâu có gì là quan trọng nếu cái tên An Nam có nghĩa là một phương Nam bị Trung Hoa cai trị. Việc này, hiểu đơn giản chỉ có nghĩa là xưa kia, chúng ta là một bộ lạc, một nhóm cư dân đã từng tồn tại rất năng động, người ta chẳng khi nào lại thấy xấu hổ vì hồi trẻ mình đã rất hiếu động.
 
Bản đồ sơ lược Annam (1651) do Alexandre de Rhodes phác hoạ
Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng nếu chúng ta tự gọi mình là người An Nam sẽ không cảm thấy lố bịch như cách gọi mình là Đại Nam, vì cái tên đó nó chỉ gợi lên một cái gì không thật, mà chính chúng ta cũng cho rằng không đúng. Chúng ta mong muốn có một sự vĩ đại khác thực tế hơn.
Ông kết luận: “Chúng ta từng gọi nước Pháp là Đại Pháp, cũng như ta cũng đã từng gọi Trung Quốc là Đại Thanh. Nhưng việc tự gọi mình là Đại Nam thì giống như một người nghèo khổ, vốn vẫn đi làm thuê, bỗng dưng trở thành giầu có, rồi lấy tên mình đặt tên cho một trường học được xây dựng nên bằng tiền của người khác, và để tránh nghe nó cộc lốc, đã viết tên trên bảng hiệu là: “Trường Trần văn N…”. Vậy đó, chữ Đại Nam cũng thế, dễ làm người ngoài nghĩ về một nước nghèo mới khá lên. Trong khi chúng ta không phải như vậy, điều này trở thành mỉa mai quá!”
Chúng ta tự gọi tên mình là An Nam, người Trung Quốc gọi chúng ta là “Ố nàm”, hay “Ngan-nan”. Những người phương Tây gọi chúng ta là người “Annammites”… tất cả những cái đó đều không thể ngăn cản được việc chúng ta vẫn lớn lên, một ngày kia chúng ta sẽ lớn mạnh. Chính cái tên này, sẽ nhắc nhở mỗi chúng ta rằng: chúng ta là một nước nhỏ, và sẽ càng tuyệt vời để trở thành một nước lớn từ chỗ chúng ta là một nước nhỏ!
 
Bản đồ “Carte de l’Asia” do Homann Heirs vẽ năm 1744
Theo tôi, cách gọi tên nước theo thời của ông Nguyễn Văn Vĩnh là quá đơn giản vì không bị ràng buộc về thể chế chính trị như ngày nay. Ở vào thời đại của chúng ta, những từ ngữ đi kèm với quốc hiệu của một nước nói lên đường lối chính trị của nước đó. Không dễ gì thay đổi dù trong thâm tâm người dân trong nước rất muốn đổi thay.
Xét cho cùng, những từ ngữ như Dân chủCộng hòa hay Xã hội Chủ nghĩa chỉ là hình thức bề ngoài, cốt lõi bên trong là giới cầm quyền nước đó có được lòng dân hay không. 
Chính trị và Đạo đức là hai phạm trù tuy xa mà lại rất gần nhau, cũng vì thế Daniel O’Connell, một nhà chính trị người Anh, cho rằng “Không có điều gì đúng về mặt chính trị mà lại sai về mặt đạo đức” (Nothing is politically right which is morally wrong).    
***
Tài liệu tham khảo:
1.    Wikipedia
2.    Trần Trọng Kim: Việt Nam Sử Lược (1919)
3.    Tân Nam Tử Nguyễn Văn Vĩnh
***
(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)
Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:
Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (Những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Được đăng bởi 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét