Pages

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

"Vẫn loay hoay cãi nhau đường sắt 1m hay 1,435 m"

Ở Việt Nam có rất nhiều nhiều người đã từng đi học tập, lao động ở nước ngoài hẳn biết đường sắt tốc độ cao. Trong khi các nước phát triển mạng lưới tàu siêu tốc đến 300 -350 km/h thì ở Việt Nam vẫn “ung dung” với tuyến đường sắt 1 m khắp nơi và tự hào “Ngành đường sắt Việt Nam”.

Tôi không có ý “bêu xấu” ngành đường sắt, mà bày tỏ ý kiến mong muốn lãnh đạo Bộ GTVT hãy mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật để làm.

Xin Bộ trưởng Đinh la Thăng đi nước ngoài và sang đấy hãy đi tàu điện, tàu điện ngầm, tàu đường sắt để suy ngẫm.

Tất nhiên, ngành đường sắt đã đóng góp rất to lớn vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước, song có thể vì cơ chế và có tình trạng “bụt chùa nhà không thiêng”; hay “nghe tư vấn nước ngoài” nhiều hơn nghe các TS trong Bộ GTVT.

Từ những thập niên 80 của thế kỷ trước, khi chúng tôi sang Liên Xô, thấy đường sắt 1,435 m, có đoàn tàu dài đến 40-50 toa (toa to, dài gấp 2 3 lần /toa tàu Việt Nam) khiến chúng tôi rất ngạc nhiên.

Khi đi tàu đường sắt, tàu điện thấy một toa cả một khoang khổng lồ như vài chiếc ô tô chập lại. Nhất là khi đi tàu ghế ngồi, ghế nằm, ghế mềm mới thấy như nằm ở phòng khách sạn. Còn tốc độ thì không phải bàn, trung bình 80 -100 km/h. Có đoàn tàu đạt 120 km/h.

Điều rất đáng nói là giờ tàu đến, tàu đi cực kỳ chính xác, không sai quá chục giây (tất nhiên ở đâu chẳng có sự cố, nhưng được giải quyết rất nhanh) đảm bảo cho mọi người một nền nếp, ý thức được tác phong công nghiệp, nghiêm túc.

Ngoài những tàu đường sắt chạy tuyến dài vài ngày đêm, xung quanh các thành phố lớn, đi ngoại ô cũng có tàu đường sắt, hay gọi tàu điện vì tàu như nhau nhưng chạy bằng điện (đường dây trên cao nóc tầu, kiểu như tàu điện Hà Nội ngày xưa).

Nhưng tàu điện này chạy rất nhanh và là phương tiện giao thông chủ yếu nhất của người dân nước Liên Xô – Một đất nước xưa có 15 nước cộng hòa với diện tích gần nửa trái đất.

Đấy là ở nước Liên Xô thời đó còn lạc hậu chứ bây giờ ở các nước Liên xô cũ, nước Nga hay nhiều nước trên thế giới chắc là khác và tàu hiện đại hơn nhiều.

Còn ở Việt Nam hiện nay, sau gần 4 thập niên giao qua hai thế kỷ thì sao? Tôi lại bất ngờ vì đường sắt 1,435 m bây giờ mới được đưa ra bàn thảo. Và lại thấy là cách đây chục năm chúng ta đã có “sửa đổi" đường sắt 1 m mà mất nhiều tiền của đến nay chúng ta vẫn trở về số “mo”.

Thực tế mới đây, hồi tháng 5/2013 tôi có thử đi tàu đường sắt Hà Nội - Hải Phòng thấy nhu cầu người đi lại rất nhiều, rất đông. Toa ngồi ghế cũng đẹp, có máy lạnh hẳn hoi, nhân viên phục vụ rất lịch sự, niềm nở chu đáo.

Đường sắt, tự hào, nước ngoài, thế kỷ

"Chúng ta vẫn loay hoay, tranh luận, cãi nhau về đường sắt 1m hay 1,435 m???"

Nhưng nhìn các ga tàu thật tệ hại. Nhiều ga tàu tôi nhìn đường đi, nơi đứng chờ đón tàu, khách lên xuống vẫn là lớp bê tông cũ hàng chục năm nay. Đường sắt thì khỏi bàn, 1m và cũ quá, chẳng thấy thay đổi gì.

Và điều đáng ngại hơn là từ Hà Nội đến Hải Phòng có khoảng 100 km mà chậm tới 35 phút. (theo lịch ghi giờ xuất phát từ bến đầu, giờ đến bến cuối).

Ngoài sự lạc hậu xuống cấp thì độ chính xác của tàu như dây cao su. Có lẽ đó là hạn chế của Việt Nam ta nói chung, ngành đường sắt nói riêng.

Còn tuyến đường sắt Bắc - Nam không phát triển càng kéo chậm lại tốc độ phát triển kinh tế Việt Nam là điều khó tránh khỏi. Bởi lưu lượng hàng hóa, hành khách di chuyển trên đường sắt thuận lợi hơn nhiều các loại giao thông khác.

Nếu khách mang xe mô tô đi tàu thì chẳng cần phải tự lái xe đi từ Hải Phòng –lên Hà Nội; Hay ở các tỉnh phía nam cũng vậy. Đi tàu còn thoải mái ngắm phong cảnh, nghỉ ngơi, thoải mái hơn ô tô.

Về kinh tế, thì so với dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam – 50 tỷ USD, đầu tư đường sắt 1,435 m mất chừng 5 -6 tỷ, thậm chí 10 tỷ USD vẫn rẻ chán mà còn làm được nhiều đường sắt khác.

Còn đầu tư cho đường bộ, cho ô tô chắc chắn cũng không rẻ hơn đường sắt. Mà ô tô nhiều, xe máy nhiều gây ùn tắc giao thông, gây tai họa, thiệt hại kinh tế, hủy hoại tinh thần của người dân.

Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của TS Trần Đình Bá đăng trên VietNamNet.

Qua bài của TS Trần Đình Bá, tôi chỉ mong muốn các nhà khoa học, các chuyên gia ngành đường sắt, ngành kinh tế hãy thông qua báo chí, bày tỏ quan điểm, tư duy và kiến nghị ý tưởng khoa học của mình với đất nước.

Và với Bộ trưởng Đinh La Thăng – (nghe nói ông còn trẻ - mạnh dạn dám nghĩ dám làm  chắc dễ tiếp thu và ủng hộ hộ các nhà khoa học. Vì một quốc gia Việt Nam thịnh vượng, phát triển.

Tôi càng thấy buồn trong khi báo chí thông tin: Trung Quốc đang sôi động, phấn khởi rạng rỡ đón tầu Thần Châu 10 trở về trái đất với ba nhà phi công vũ trụ, trong đó có người nữ phi hành gia thứ 2 đi vào quĩ đạo! Còn ở Việt Nam chúng ta vẫn loay hoay, tranh luận, cãi nhau về đường sắt 1m hay 1,435 m??? 

Thiên Bình

(Vietnamnet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét