GS. Robert Beckman (CIL)
Người dịch: Lan Hương
Hiệu đính: Minh Ngọc
Bài tham luận xem xét vai trò của UNCLOS và luật quốc tế trong tranh chấp Biển Đông, giải thích các vấn đề pháp lý đặt ra trong Tuyên bố yêu sách của Philippines, phân tích khả năng tác động của vụ kiện đối với các yêu sách vùng biển ở Biển Đông.
Tóm tắt
Ngày 22/1/2013, Philippines chính thức thông báo với Trung Quốc rằng nước này đã bắt đầu thủ tục trọng tài kiện Trung Quốc theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển (viết tắt: UNCLOS). Bài tham luận này sẽ xem xét vai trò của UNCLOS và luật quốc tế trong các tranh chấp Biển Đông và cụ thể sẽ tập trung vào ý nghĩa của vụ việc mà Philippines khởi xướng. Bài tham luận sẽ giải thích những vấn đề pháp lý đặt ra trong Tuyên bố yêu sách của Philippines; phân tích khả năng tác động của vụ việc đối với các tranh chấp liên quan đến các yêu sách vùng biển ở Biển Đông, trong đó có yêu sách của Trung Quốc đối với các quyền và quyền tài phán tại vùng biển nằm trong đường chín đoạn nổi tiếng trên bản đồ Biển Đông của Trung Quốc.
I. CÁC TRANH CHẤP PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG
A. Các tranh chấp về chủ quyền đối với các đảo xa bờ
Tranh chấp chính tại Biển Đông liên quan đến chủ quyền đối với các đảo xa bờ. Trung Quốc, Brunei Darussalam, Malaysia, Philippines và Việt Nam yêu sách một số hoặc tất cả các đảo ở quần đảo Trường Sa. Trung Quốc và Philippines yêu sách các đảo tại bãi cạn Scarborough, Trung Quốc và Việt Nam yêu sách quần đảo Hoàng Sa. Ngoài ra, Đài Loan yêu sách các quần đảo giống như Trung Quốc.
Luật quốc tế về thụ đắc và đánh mất lãnh thổ (bao gồm các đảo) được quy định trong các nguyên tắc và quy tắc của luật tập quán quốc tế. Trong Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS)[1][1]không có quy định về cách thức xác định quốc gia nào có yêu sách thuận lợi hơn về chủ quyền đối với lãnh thổ tranh chấp. UNCLOS chỉ quy định vùng biển nào có thể được yêu sách từ lãnh thổ đất liền (bao gồm các đảo), cũng như các quyền và quyền tài phán của các quốc gia trong vùng biển đó.
Nguyên tắc chủ đạo của luật quốc tế điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp là tranh chấp giữa hai quốc gia về một vấn đề luật quốc tế không thể đưa ra tòa quốc tế mà không có sự chấp thuận của cả hai bên tranh chấp. Do đó, các tranh chấp về việc quốc gia nào có yêu sách thuận lợi hơn về chủ quyền đối với các đảo tranh chấp tại Biển Đông không thể đưa ra bất kỳ hình thức giải quyết tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba mà không được sự chấp thuận của tất cả các bên tham gia tranh chấp.
B. Các tranh chấp liên quan tới Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982
Tất cả các Quốc gia quanh Biển Đông và có yêu sách chủ quyền đối với các đảo tại Biển Đông đều là thành viên của UNCLOS. Do đó, UNCLOS đóng vai trò vô cùng quan trọng khi phân tích các tranh chấp pháp lý tại Biển Đông.
UNCLOS thừa nhận nếu quốc gia nào có chủ quyền đối với lãnh thổ đất liền, bao gồm các đảo xa bờ, quốc gia đó có thể yêu sách các vùng biển từ lãnh thổ đất liền và đảo, đồng thời UNCLOS cũng quy định các quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển và các quốc gia khác trong các vùng biển khác nhau.
Khi một quốc gia trở thành thành viên của UNCLOS, trước hết quốc gia phải chấp nhận các điều khoản giải quyết tranh chấp trong Phần XV của UNCLOS. Nguyên tắc chung của Phần XV là nếu tranh chấp nảy sinh giữa hai quốc gia về việc giải thích hay áp dụng điều khoản trong UNCLOS và tranh chấp không thể giải quyết thông qua tham vấn và thương lượng, bên tranh chấp có thể đơn phương đưa tranh chấp ra tòa án hoặc tòa trọng tài quốc tế,[2][2] và phán quyết của tòa án hoặc tòa trọng tài có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý với cả hai bên tranh chấp[3][3].
C. Tòa án với thẩm quyền phán xét một tranh chấp theo Phần XV của UNCLOS
Khi quốc gia trở thành thành viên của UNCLOS, hoặc vào bất kỳ thời điểm nào sau đó, trước hết quốc gia đó có quyền lựa chọn phương thức thích hợp để giải quyết bất kỳ tranh chấp nào liên quan tới quốc gia.[4][4] Thông qua việc đệ trình một tuyên bố chính thức lên Tổng thư ký Liên Hợp quốc, một quốc gia thành viên có thể tuyên bố lựa chọn một hay nhiều các tòa sau đây: (1) Tòa án Luật biển quốc tế (ITLOS); (2) Tòa án Công lý quốc tế (ICJ); (3) Tòa Trọng tài được thành lập dựa vào Phụ lục VII của UNCLOS; hay (4) Tòa trọng tài đặc biệt được thành lập dựa vào Phụ lục VIII của UNCLOS.
Nếu cả hai quốc gia thành viên của tranh chấp đều lựa chọn cùng một tòa, tòa đó sẽ có thẩm quyền phán xét vụ việc, trừ khi các bên chấp nhận lựa chọn cách khác.[5][5] Nếu các quốc gia thành viên tranh chấp không lựa chọn cùng một tòa[6][6], hay không đưa ra sự lựa chọn[7][7], thì tranh chấp sẽ được đưa ra trọng tài theo Phụ lục VII, trừ khi các bên chấp nhận cách khác[8][8].
Cả Trung Quốc và Philippines đều có tuyên bố chỉ ra việc lựa chọn một tòa cụ thể[9][9]. Do đó, Philippines thiết lập thủ tục trọng tài chống lại Trung Quốc theo Phụ lục VII.
D. Quyết định của Tòa trọng tài có tính chất ràng buộc.
Điều 296 quy định bất kỳ quyết định nào do tòa trọng tài có thẩm quyền theo Mục 2 đưa ra đều là phán quyết cuối cùng và tất cả các bên tham gia tranh chấp phải tuân thủ. Hơn nữa, quyết định trên chỉ có tính chất ràng buộc đối với các bên liên quan và trong tranh chấp cụ thể đó[10][10]. Những quy định về các phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế cũng áp dụng tương tự như trên[11][11].
E. Các trường hợp ngoại lệ của các thủ tục giải quyết tranh chấp trong UNCLOS
Vì một số loại tranh chấp rất nhạy cảm ở một số quốc gia, điều 298 UNCLOS quy định các quốc gia có thể đưa ra một tuyên bố chính thức gửi lên Tổng Thư ký Liên Hợp quốc thông báo với tất cả các bên khác rằng nước này không chấp nhận các thủ tục bắt buộc có thể dẫn tới những phán quyết ràng buộc theo Mục 2 của Phần XV đối với một số loại tranh chấp. Các loại tranh chấp đó là[12][12]:
(a) tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng điều 15, 74 và 83 liên quan đến việc phân định biên giới biển hoặc liên quan đến vịnh hoặc danh nghĩa lịch sử;
(b) tranh chấp liên quan đến các hoạt động quân sự, bao gồm các hoạt động quân sự do các tàu thuyền và máy bay của chính phủ được sử dụng cho các mục đích phi thương mại;
(c) tranh chấp liên quan đến việc thực hiện các thẩm quyền mà Hiến chương Liên Hợp quốc trao cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc
Năm 1996, Trung Quốc đưa ra tuyên bố chính thức theo điều 298 tuyên bố rằng nước này không chấp nhận hệ thống các thủ tục có tính chất bắt buộc đưa có thể dẫn tới phán quyết ràng buộc theo Mục 2 Phần XV UNCLOS đối với bất kỳ loại tranh chấp nào được liệt kê trong điều 298[13][13]. Đây là quốc gia duy nhất tại Biển Đông đưa ra tuyên bố như vậy[14][14].
F. Tranh chấp liên quan đến các quy định UCNLOS mà tuyên bố của Trung Quốc không loại trừ
Nếu một tranh chấp nảy sinh giữa một bên yêu sách thuộc ASEAN và Trung Quốc liên quan đến việc giải thích hay áp dụng các quy định của UNCLOS mà không nằm trong danh sách loại trừ của Trung Quốc theo điều 298, và tranh chấp không thể giải quyết thông qua tham vấn và đàm phán, những tranh chấp đó sẽ được giải quyết bằng các thủ tục bắt buộc đưa ra các quyết định ràng buộc theo Mục 2 Phần XV UNCLOS.
II. VỤ PHILIPPINES KIỆN TRUNG QUỐC RA TRỌNG TÀI THEO PHỤ LỤC VII
Ngày 22/1/2013, Philippines chính thức thông báo với Trung Quốc rằng nước này đã thiết lập thủ tục trọng tài chống lại Trung Quốc theo Phụ lục VII UNCLOS[15][15].
A. Giới hạn trong yêu sách của Philippines
Yêu sách của Philippines công nhận rằng Tòa không có thẩm quyền quyết định hai loại vấn đề pháp lý.
Thứ nhất, yêu sách của Philippines công nhận rằng Tòa không có thẩm quyền đối với các vấn đề về chủ quyền lãnh thổ.[16][16] Nói cách khác, Philippines công nhận rằng Tòa không có thẩm quyền quyết định xem quốc gia nào có yêu sách thuận lợi hơn về chủ quyền đối với các đảo tranh chấp.
Thứ hai, yêu sách của Philippines công nhận rằng Tòa không có thẩm quyền đối với một số loại tranh chấp, đó là những tranh chấp được loại trừ khỏi các thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc trong UNCLOS vì Trung Quốc đã có tuyên bố theo điều 298 UNCLOS.[17][17] Trong Tuyên bố yêu sách của mình, Philippines tuyên bố rõ ràng rằng nước này biết tới Tuyên bố của Trung Quốc theo điều 298 UNCLOS theo đó loại trừ một số loại tranh chấp ra khỏi thủ tục giải quyết tranh chấp ràng buộc, trong đó có các tranh chấp về phân định biên giới biển và các danh nghĩa lịch sử[18][18]. Philippines cũng tuyên bố rằng nước này tránh đặt ra những vấn đề hay đưa ra các
yêu sách mà Trung Quốc đã loại trừ trong Tuyên bố của nước này chiểu theo điều 298, đặc biệt là những yêu sách liên quan đến phân định biên giới hay danh nghĩa lịch sử.[19][19]
Philippines lập luận rằng có những tranh chấp giữa nước này và Trung Quốc về việc giải thích hay áp dụng các điều khoản của UNCLOS ngoài các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, phân định biên giới hay danh nghĩa lịch sử. Các tranh chấp đó bao gồm:
· Trung Quốc đã cản trở Philippines trong việc thực hiện quyền tài phán đối với tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines [UNCLOS, điều 56];
· Trung Quốc đã đưa ra yêu sách thái quá về các vùng biển từ các đảo nhỏ mà nước này tuyên bố chủ quyền và chiếm đóng vì những đảo này là “đá không thể đảm bảo cuộc sống của con người hay đời sống kinh tế” theo điều 121 (3) của UNCLOS và do đó không thể mở rộng vùng ĐQKT hay TLĐ;
· Trung Quốc đã chiếm đóng bất hợp pháp và nêu yêu sách chủ quyền đối với một số thực thể chìm không phải đối tượng của yêu sách chủ quyền vì các thực thể đó không phải là đảo, mà đó là một phần của đáy biển.
B. Một số vấn đề chính đặt ra trong vụ Philippines
Thông báo và Tuyên bố yêu sách của Philippines đặt ra bốn vấn đề chính. Vấn đề quan trong nhất là liệu Trung Quốc có đưa ra yêu sách hợp pháp về vùng biển dựa trên đường chín đoạn, dù đó là chủ quyền đối với các vùng biển hay quyền chủ quyền đối với tài nguyên thiên nhiên trong vùng biển đó. Philippines yêu cầu Tòa trọng tài đưa ra phán quyết rằng Trung Quốc chỉ có thể yêu sách quyền với các vùng biển tính từ lãnh thổ đất liền (bao gồm các đảo), và rằng yêu sách từ đường chín đoạn không phù hợp với UNCLOS. Mục tiêu chính của vụ việc này dường như là nhằm không thừa nhận tính hợp pháp trong yêu sách của Trung Quốc đối với quyền lịch sử và quyền tài phán trong đường chín đoạn.
Vấn đề thứ hai đặt ra trong Tuyên bố yêu sách liên quan đến các yêu sách vùng biển tính từ các đảo tranh chấp hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng, đó là bãi cạn Scarborough và ba đảo nằm trong nhóm đảo Kalayaan (KIG) mà Philippines yêu sách (đó là các đá Colin (tiếng Anh: Johnson Reef), đá Châu Viên (Cuarteron Reef) và đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef). Philippines yêu cầu Tòa đưa ra phán quyết về việc tất cả các “đảo” (là những khu vực đất liền hình thành tự nhiên và cao hơn mực nước biển khi thủy triều dâng cao) do phía Trung Quốc chiếm đóng là “đá” chỉ được hưởng lãnh hải 12 hải lý vì chúng không thể “duy trì đời sống con người hay đời sống kinh tế” theo như quy định tại điều 121(3) UNCLOS. Nước này cũng yêu cầu Tòa khẳng định rằng Trung Quốc đã đưa ra yêu sách bất hợp pháp đối với các vùng biển ngoài 12 hải lý từ các thực thể đó và đã can thiệp bất hợp pháp khi Philippines thực hiện các quyền và tự do tại vùng biển bao quanh bãi cạn Scarborough và đá Colin.
Vấn đề thứ ba đặt trong Tuyên bố yêu sách liên quan đến các thực thể địa lý trong nhóm KIG hiện Trung Quốc đang chiếm đóng nhưng không đáp ứng định nghĩa “đảo” theo quy định của điều 121(1) vì chúng không phải là những khu vực đất liền được hình thành tự nhiên nằm trên mực nước biển khi thủy triều dâng cao (đó là các đá Vành Khăn (Mischief Reef), đá KenNan (McKennan Reef), đá Gaven (Gaven Reef), đá Subi (Subi Reef). Philippines lập luận rằng những thực thể như trên không phải là đối tượng yêu sách chủ quyền và việc Trung Quốc chiếm đóng là bất hợp pháp vì chúng là một phần thuộc thềm lục địa của Philippines.
Vấn đề thứ tư đặt ra trong Tuyên bố yêu sách là Trung Quốc ngăn chặn bất hợp pháp tàu thuyền của Philippines khỏi việc khai thác tài nguyên sinh vật trong vùng biển “kề cận” bãi cạn Scarborough và đá Colin. Philippines cũng yêu cầu Tòa đưa ra phán quyết bắt buộc Trung Quốc dừng lại việc ngăn chặn tàu của Philippines khỏi các hoạt động khai thác nguồn tài nguyên sinh vật trong vùng nước “kề cận” với bãi cạn Scarborough và đá Colin một cách bền vững, và không được thực hiện các hoạt động trái với UNCLOS ở các vùng kề cận với các thực thể trên.
III. CÁC VẤN ĐỀ THỦ TỤC
A. Tác động của việc Trung Quốc không tham gia vào thủ tục trọng tài
Khi Philippines thiết lập thủ tục vào ngày 22/1/2013 bằng việc gửi Thông báo tới Trung Quốc, nước này đã chỉ định Thẩm phán Rudiger Wolfrum của Đức làm trọng tài. Trung Quốc có 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo để chỉ định một trọng tài khác. Tuy nhiên, 19/2/2013, trước khi thời hạn 30 ngày hết, Trung Quốc thông báo nước này từ chối và gửi trả lại thông báo của Philippines.
Philippines hiện nay có thể yêu cầu Chủ tịch Tòa án luật biển quốc tế, Thẩm phán Yanai của Nhật Bản, chỉ định một trọng tài cho phía Trung Quốc-người này phải nằm trong danh sách Trọng tài của Liên Hợp quốc. Ba trọng tài còn lại sẽ được chỉ định dựa trên thỏa thuận giữa Philippines và Trung Quốc trong vòng 60 ngày kể từ ngày Philippines đưa ra Thông báo yêu sách.. Nếu các bên không đạt được thỏa thuận trong thời hạn nói trên, Chủ tịch Tòa ITLOS sẽ chỉ định ba trọng tài còn lại, những người này phải nằm trong Danh sách Trọng tài của Liên Hơp quốc[20][20]. Danh sách của Liên Hợp quốc bao gồm những người được các quốc gia thành viên của UNCLOS chỉ định.[21][21] Chủ tịch ITLOS cũng có thể chỉ định một trong ba trọng tài làm chủ tịch Tòa xét xử. Sau đó Tòa này sẽ được hình thành và xác định Quy tắc làm việc.
Việc Trung Quốc đang từ chối tham gia trọng tài sẽ không ngăn được việc tiến hành các thủ tục trọng tài. Nếu Trung Quốc không xuất hiện để bảo vệ lập trường, Philippines có thể yêu cầu Tòa tiếp tục tranh tụng và đưa ra Phán quyết[22][22] (trường hợp này là award – nd). Sự vắng mặt của một trong các bên tham gia tranh chấp hay việc một bên tranh chấp không tham gia bảo vệ lập trường không phải là cản trở cho tiến trình trọng tài. Trước khi đưa ra Phán quyết trong trường hợp một bên tranh chấp vắng mặt, bản thân Tòa Trọng tài phải xác định: (1) Tňa có thẩm quyền vŕ (2) yęu sách được thiết lập có cơ sở dựa trên thực tế và luật[23][23].
Philippines đã rất cẩn thận soạn thảo Tuyên bố yêu sách của mình để bản Tuyên bố chủ yếu xem xét những tranh chấp về giải thích và áp dụng các quy định của UNCLOS thay vì xem xét những tranh chấp về phân định biên giới biển. Do đó, đây là dịp tốt để Tòa sẽ quyết định liệu Tòa có thẩm quyền với các vấn đề đặt ra trong Tuyên bố yêu sách của Philippines, và sau đó Tòa sẽ tiến hành tranh tụng.
Bên cạnh đó, nếu Tòa đưa ra phán quyết, phán quyết đó sẽ có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý đối với cả Trung Quốc và Philippines[24][24]. Nếu Trung Quốc không thực hiện phán quyết hay có hành vi trái với phán quyết, Philippines có quyền đưa ra Tòa án đó và yêu cầu Tòa đưa ra các mệnh lệnh khác bắt buộc thực hiện phán quyết[25][25]. Điều này cũng có thể khiến cho Trung Quốc rơi vào thế bẽ mặt.
B. Sự can thiệp của các quốc gia khác vào vụ kiện
Khác với các vụ việc do ITLOS hay ICJ xét xử, không có thủ tục nào cho phép quốc gia thứ ba của UNCLOS can thiệp vào các vụ do Tòa trọng tài theo Phụ lục VII xét xử. Nói chung, không có quyền can thiệp vào quá trình giải quyết bằng phương pháp trọng tài, bởi biện pháp này hoàn toàn dựa trên sự chấp thuận của các bên tham gia. Theo đó, không quốc gia nào có thể can thiệp vào vụ việc mà không có sự chấp thuận của các bên tham gia tranh chấp[26][26].
C. Giải quyết vụ việc
Các bên tranh chấp do Phần XV của UNCLOS điều chỉnh có thể chấp thuận giải quyết vụ việc qua đàm phán trước khi thủ tục trọng tài chính thức bắt đầu, hay vào bất kỳ thời điểm nào sau đó[27][27]. Do đó, Trung Quốc có nhiều tháng để đàm phán với Philippiné nhằm đạt được thỏa thuận giải quyết tranh chấp trước khi Tòa đưa ra phán quyết cuối cùng.
D. Philippines có thể yêu cầu các biện pháp tạm thời
Trong đoạn cuối cùng của Tuyên bố yêu sách, Philippines công khai bảo lưu quyền bảo vệ các quyền theo UNCLOS, bao gồm quyền đưa ra yêu cầu có những biện pháp tạm thời[28][28]. Nếu Trung Quốc đáp lại yêu sách của Philippines bằng cách khẳng định các quyền của nước này đi ngược lại với các quyền của Philippines, Philippines có thể tìm giải pháp thông qua các Biên pháp tạm thời từ ITLOS hay Tòa Trọng tài để bảo vệ quyền của mình, trong khi chờ đợi phán quyết cuối cùng của Tòa Trọng tài.
Nếu Philippines mong muốn yêu cầu các Biện pháp tạm thời để bảo vệ các quyền trước khi Tòa Trọng tài thành lập, Philippines có thể yêu cầu các Giải pháp tạm thời từ ITLOS[29][29]. Ngay khi Tòa Trọng tài được thành lập, nước này phải yêu cầu các Giải pháp tạm thời từ Tòa Trọng tài.
Trước khi đưa ra các Giải pháp Tạm thời, trước hết Tòa phải khẳng định rằng Tòa mặc nhiên (prima facie) có thẩm quyền theo Phần XV của UNCLOS và sự cấp thiết của tình huống yêu cầu phải đưa ra các giải pháp tạm thời.
IV. TÁC ĐỘNG CỦA PHÁN QUYẾT ĐỐI VỚI TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG
A. Tính hợp pháp của yêu sách về vùng biển trong đường chín đoạn
Nếu Tòa phán quyết rằng Trung Quốc không được phép đưa ra các yêu sách vùng biển dựa vào đường chín đoạn, mà chỉ từ đảo, Trung Quốc có thể phải có nghĩa vụ pháp lý đưa ra yêu sách vùng biển phù hợp với UNCLOS và yêu sách các quyền và quyền tài phán đối với tài nguyên chỉ trong những vùng biển tính từ các đảo mà nước này yêu sách chủ quyền. Điều này sẽ gây bất lợi cho tính chính đáng của bất kỳ yêu sách nào mà Trung Quốc đưa ra đối với các nguồn tài nguyên trong vùng biển nằm trong đường chín đoạn vốn không nằm trong vùng biển yêu sách tính từ đảo.
Từ góc độ luật, một phán quyết như vậy chỉ có thể ràng buộc với hai bên tham gia vụ kiện. Tuy nhiên, một phán quyết như vậy sẽ có lợi cho Việt Nam, Malaysia, Brunei và thậm chí với Indonesia, vì đường chín đoạn cũng chồng lấn lên các yêu sách vùng đặc quyền kinh tế của các nước này.
B. Các vấn đề liên quan đến đảo và đá
Một trong những vấn đề quan trọng khác đặt ra trong vụ này là liệu các đảo do Trung Quốc chiếm đóng có phải là đá hay không như điều 121 (3), vốn chỉ được hưởng lãnh hải 12 hải lý nhưng không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Một phán quyết như vậy sẽ có lợi rất nhiều cho Philippines, đặc biệt là trong vụ Scarborough. Bãi cạn Scarborough nằm trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Bãi cạn bao gồm nhiều đá chìm nhưng có những đá bao gồm 4-6 đá thường xuyên nằm trên mặt nước khi thủy triều lên cao. Nếu tòa xem xét về khía cạnh luật liệu những thực thể đó có phải là đá theo điều 121(3) và chỉ có lãnh hải 12 hải lý hay không, điều này sẽ trao cho Philippines quyền chủ quyền trong việc thăm dò và khai thác tất cả các tài nguyên trong và dưới vùng biển nằm ngoài 12 hải lý từ các đá.
Ý nghĩa lớn hơn của phán quyết của Tòa đối với điều 121(3) phụ thuộc vào lập luận của Tòa. Tòa có thể quyết định chỉ đưa ra phán quyết đối việc xác định liệu các đảo nhỏ do Trung Quốc chiếm đóng có phải là đá theo điều 121 (3) hay không và có thể sẽ hạn chế phán quyết trong phạm vi xác định những đặc điểm cụ thể của các đảo này. Điều này để mở câu hỏi là liệu những đảo lớn của quần đảo Trường Sa (mà Trung Quốc yêu sách và các nước khác chiếm đóng) về nguyên tắc có được hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hay không. Và điều này có
thể cho phép Trung Quốc yêu sách vùng đặc quyền kinh tế từ các đảo lớn hơn, tạo ra một khu vực lớn có các yêu sách chồng lấn về vùng đặc quyền kinh tế.
C. Các vấn đề liên quan đến bãi cạn lúc chìm lúc nổi và các thực thể chìm
Tòa cũng có thể đưa ra phán quyết liệu một số thực thể do Trung Quốc chiếm đóng có phải là đảo hay không vì chúng không phải là những vùng đất liền được hình thành tự nhiên có nước biển bao quanh và ở trên mặt nước khi thủy triều dâng cao, theo quy định của UNCLOS. Do đó, Tòa cũng có thể quyết định rằng từ các thực thể đó không được yêu sách bất kỳ vùng biển bao quanh nó. Tuy nhiên, Tòa cũng có thể xem xét rằng theo UNCLOS, nếu bãi cạn lúc nổi lúc chìm nằm trong khu vực 12 hải lý của một thực thể đáp ứng được đinh nghĩa đảo, thì khi đó bãi cạn lúc nổi lúc chìm có thể được sử dụng như là một điểm cở sở để tính lãnh hải từ các đảo đó.
Philippines cũng yêu cầu Tòa xem xét việc Trung Quốc chiếm đóng các bãi cạn lúc chìm lúc nổi hay các thực thể chìm có bất hợp pháp hay không vì những thực thể đó nằm trong thềm lục địa của Philippines tính từ quần đảo chính của nước này. Tuy nhiên, nếu Tòa để mở câu hỏi liệu các đảo trong Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa hay không, Tòa có thể quyết định rằng Tòa không thể phán xét liệu những thực thể đó thuộc thềm lục địa của quốc gia nào mà không dính dáng tới vấn đề phân định biên giới biển và điều này nằm ngoài thẩm quyền của Tòa.
D. Các vấn đề liên quan đến việc can thiệp vào quyền chủ quyền và quyền tài phán
Philippines cũng đã yêu cầu Tòa đưa ra phán quyết về việc Trung Quốc can thiệp vào quyền hàng hải và một số quyền khác của Philippines trong vùng biển quanh các thực thể tranh chấp mà Philippines khẳng định là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Nếu Tòa quyết định các đảo ở bãi cạn Scarborough là đá theo điều 121 (3) và không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines sẽ bị giới hạn tới các đá và lãnh hải 12 hải lý kề cận đá. Nếu Tòa cũng quyết định rằng Trung Quốc không có quyền lịch sử và quyền tài phán trong đường chín đoạn, thì khu vực ngoài lãnh hải 12 hải lý được tính từ đá sẽ nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Do đó, Tòa có thể đưa ra quyết định rằng Trung Quốc đã can thiệp bất hợp pháp vào quyền hàng hải hoặc những quyền khác của Philippines trong những vùng nước bao quanh bãi cạn Scarborough nằm ngoài lãnh hải tính từ các đá.
V. KẾT LUẬN
Thứ nhất, các thủ tục trọng tài dường như sẽ tiếp tục mà không có sự tham gia của Trung Quốc, trừ khi các bên thỏa thuận giải quyết vụ việc; và khi Tòa đưa ra phán quyết thì phán quyết đó sẽ có giá trị ràng buộc pháp lý với cả Trung Quốc và Philippines.
Thứ hai, quyết định của Tòa sẽ không giải quyết tranh chấp liệu quốc gia nào có yêu sách thuận lợi hơn về chủ quyền đối với các đảo tranh chấp. Vấn đề này không do UNCLOS điều chỉnh.
Thứ ba, phán quyết của Tòa sẽ không giải quyết vấn đề làm thế nào xác định biên giới biển trong các khu vực có các yêu sách chồng lấn. Phán quyết sẽ không thể giải quyết vấn đề các đảo nhỏ có hiệu lực như thế nào trong vấn đề phân định biển. Đó là vì các tranh chấp về phân định ranh giới biển nằm ngoài thẩm quyền của Tòa.
Thứ tư, Philippines sẽ đạt được chiến thắng to lớn nếu Tòa kết luận theo hướng có lợi cho họ trong vấn đề quan trọng nhất – đó là Trung Quốc không thể đưa ra yêu sách đối với vùng biển dựa trên lịch sử và đường chín đoạn, nhưng giống như Philippines và các bên khác tham gia UNCLOS, Trung Quốc có thể đưa ra yêu sách vùng biển từ đất liền và các đảo phù hợp với UNCLOS và luật quốc tế. Thắng lợi về vấn đề này sẽ có ý nghĩa quan trọng không chỉ với Philippines mà với cả các bên tranh chấp khác.
Thứ năm, cũng có khả năng Philippines sẽ giành thắng lợi trong vấn đề đường chín đoạn và các vấn đề liên quan đến đá và đảo, nhưng quyết định của Tòa sẽ không làm rõ những khu vực tranh chấp để khai thác chung. Vì quyết định của Tòa Trọng tài về điều 121(3) có thể chỉ tập trung vào việc xác định các đảo do Trung Quốc chiếm đóng là đá không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Tòa có thể để ngỏ câu hỏi là liệu Trung Quốc có hợp pháp khi khẳng định rằng các đảo lớn hơn trong khu vực quần đảo Trường Sa (hiện đang do Đài Loan, Philippines và Việt Nam chiếm đóng) về nguyên tắc có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Nếu vấn đề này vẫn không được giải quyết, Trung Quốc có thể hợp pháp khẳng định là nhiều điểm thuộc nhóm KIG là khu vực có yêu sách chồng lấn.
Cuối cùng, mặc dù không thể dự đoán xem liệu vụ việc sẽ tiến triển ra sao, hy vọng rằng thông qua quyết định của Tòa Trọng tài, tất cả các bên yêu sách, kể cả Trung Quốc sẽ làm rõ yêu sách của mình và tuân thủ UNCLOS. Điều này sẽ tạo điều kiện cho quá trình đàm phán, vốn được nhiều nhà quan sát tin tưởng rằng là giải pháp dài hạn bền vững nhất cho các tranh chấp pháp lý tại Biển Đông-gác lại tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và cùng khai thác các tài nguyên tại các khu vực có yêu sách vùng biển chồng lấn.
Tác giả là GS. Robert Beckman, Giám đốc Trung tâm Luật Quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore. Bài viết được trình bày tại Hội thảo “Biển Đông: vai trò then chốt đối với hòa bình và an ninh Châu Á-Thái Bình Dương” do Tổ chức Châu Á và Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu tổ chức tại New York, Mỹ (13-15/3/2013). Bài gốc tiếng Anh đăng tại trang CIL
Người dịch: Lan Hương
Hiệu đính: Minh Ngọc
[1][1] UnitedNationsConventionontheLawoftheSea,10/12/,UNTS1833, tr3 (có hiệu lực ngày 16/11/1994). Tính đến ngày 19/2/2013, UNCLOS có 165 thành viên (bao gồm cả Liên minh châu Âu).
[2][2] Điều286,UNCLOS;tham khảoTommyTBKohvàSJayakumar,“NegotiatingProcessoftheThirdUnited NationsConferenceontheLawoftheSea”,MyronHNordquist,ed.,UnitedNationsConventiononthe LawoftheSea 1982:A Commentary,vol1 (MartinusNijhoff,1985),đoạn29-134.
[3][3] Điều 296(1), UNCLOS.
[4][4] Điều287,UNCLOS.
[5][5] Điều287(4),UNCLOS.
[6][6] Điều287(5),UNCLOS.
[7][7] Điều287(3),UNCLOS.
[8][8] Điều287(5),UNCLOS.
[9][9] Các văn bản tuyên bố chính thức quy định các lực chọn thủ tục theo điều 287, UNCLOS tham khảo trực tuyến:UN DivisionforOceanAffairsandtheLawoftheSea
[10][10] Điều296(1),UNCLOS.
[11][11] Điều296(2),UNCLOS.
[12][12] Điều298(1), UNCLOS.
[13][13] Tuyên bố theo điều 298 của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (25/8/2006),tham khảo trực tuyến:UNDivisionforOceanAffairsandtheLawoftheSea
[14][14] Các văn bản tuyên bố chính thức quy định về các ngoại lê đối với việc áp dụng Phần XV Mục 2 theo điều 298 UNCLOS, tham khảo trực tuyến:UNDivisionforOcean AffairsandtheLawoftheSea,supranote9.
[15][15] Tham khảo Thông báo và Tuyên bố yêu sách của Philippines ngày 22/1/2013.
[16][16] Tham khảo Đoạn 7 Thông báo và Tuyên bố yêu sách.
[17][17] Tuyên bố theo điều 298 của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, xem điểm 13.
[18][18] Tham khảo Đoạn 7 Thông báo và Tuyên bố yêu sách.
[19][19] Tham khảo đoạn 7 và 33-40, Thông báo và Tuyên bố yêu sách.
[20][20]Điều3 (c),(d)&(e), Phụ lục VII,UNCLOS.
[21][21]Danh sách đầy đủ các trọng tài được các Quốc gia thành viên chỉ định theo Phụ lục VII, tham khảo trực tuyến:UN TreatyCollections
[22][22]Tham khảo điều9,Phụ lụcVII,UNCLOS.
[23][23]Điều 9,Phụ lụcVII,UNCLOS.
[24][24]Điều11, Phụ lụcVII,UNCLOS.
[25][25]Điều12,Phụ lụcVII,UNCLOS.
[26][26] JohnCollierandVaughanLowe,TheSettlementofDisputesinInternationalLaw:Institutionsand
Procedures(OxfordUniversityPress,1999) ,tr.208–209.
[27][27] Điều280,UNCLOS.
[28][28] Đoạn 43 Tuyên bố yêu sách.
[29][29] Điều290(5),UNCLOS.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét