Pages

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

BÀN VỀ KHẢ NĂNG XÂY DỰNG COC


BienDong.Net: Tại Hội nghị ASEAN – Trung Quốc ngày 30/6/2013, Trung Quốc tỏ ra “mềm dẻo” hơn trong việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC.
Nhưng Trung Quốc đã thực tâm muốn xây dựng COC hay chưa và liệu có thể sớm có được COC có tính thực chất để làm cơ sở cho việc giải quyết các tranh chấp, duy trì hoà bình ổn định ở Biển Đông hay không? Đây là câu hỏi đang đặt ra cho các nhà phân tích, nghiên cứu quốc tế.

Tại Hội nghị ASEAN – Trung Quốc ngày 30/6/2013, ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc tỏ ý sẵn sàng trao đổi với ASEAN về COC. Như vậy có vẻ như Trung Quốc và ASEAN đã có nhận thức chung về COC, nhưng thực chất không phải như vậy. Quan điểm nhất quán của ASEAN là cần ngay lập tức tiến hành đàm phán chính ở cấp SOM (quan chức cao cấp) về COC. Còn quan điểm của Trung Quốc vẫn rất không rõ ràng. Trung Quốc đề nghị dành một đề mục trong cuộc họp kiểm điểm về thực hiện DOC để tham vấn về COC; đồng thời, Trung Quốc đề nghị thành lập Nhóm chuyên gia nổi tiếng (thực chất là ở kênh 2 của các học giả) để trao đổi về COC. Theo ông Lê Lương Minh, Tổng thư ký ASEAN thì cuộc họp Nhóm các nhân vật nổi tiếng này họp vào tháng 9 và sẽ thảo luận khi nào đàm phán chính thức về COC. Một số tờ báo ở Hoa Kỳ có vẻ lạc quan về việc xây dựng COC khi cho rằng Trung Quốc và ASEAN dường như đã đạt được tiến triển ban đầu về xây dựng COC để làm dịu lại quan hệ giữa các bên ở Biển Đông. Nhận định này xem ra chưa hiểu về bản chất chính sách của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Câu hỏi đặt ra là không rõ tại sao các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc không quyết định việc đàm phán chính thức về COC mà lại phải để kênh 2 của các chuyên gia nổi tiếng quyết định việc thảo luận chính thức về COC.
Thực chất việc Trung Quốc đề nghị họp Nhóm chuyên gia nổi tiếng về COC chỉ là hình thức “câu giờ” làm chậm lại tiến trình xây dựng COC và qua đây để thể hiện “thiện chí” của Trung Quốc trước sức ép của cộng đồng quốc tế cần sớm có Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Bản chất chính sách của Trung Quốc không có gì thay đổi. Trên thực tế, Trung Quốc hoàn toàn không có thiện chí, họ đang thi hành một chính sách ngày càng cứng rắn trên vấn đề Biển Đông và không có ý định nhượng bộ bất cứ điều gì trên vấn đề Biển Đông. Trung Quốc dùng sách lược tổ chức họp Nhóm chuyên gia nổi tiếng để trì hoãn đàm phán chính thức về COC để có thêm thời gian hành động trên thực địa, phá vỡ cục diện hiện nay ở Biển Đông, thiết lập một trật tự mới theo ý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngay trong phát biểu tại Hội nghị ASEAN – Trung Quốc ngày 30/6/2013, ông Vương Nghị vẫn tiếp tục nhấn mạnh “những tranh chấp cá biệt được giải quyết một cách hoà bình thông qua hiệp thương hữu nghị với nước đương sự (tức đàm phán song phương”. Quan điểm này của Trung Quốc ro ràng thể hiện cách tiếp cận rất tiêu cực của Trung Quốc đối với việc tiến tới xây dựng COC.
Như vậy, có thể thấy tiến trình xây dựng COC sẽ tiếp tục bị cản trở và không thể mong đợi sớm có được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC, thậm chí việc khởi động đàm phán chính thức về COC vẫn còn rất xa vời.
Bây giờ chúng ta hãy bàn xem nếu như Trung Quốc đàm phán với ASEAN về COC thì liệu có thể mong đợi có được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông có giá trị ràng buộc pháp lý cao để làm cơ sở cho việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông hay không thì câu trả lời là hoàn toàn không vì Trung Quốc sẽ không chấp nhận đưa những nội dung mang tính thực chất vào văn bản của COC. Chúng ta nhớ lại từ giữa những năm 90 của Thế kỷ 20 ASEAN và Trung Quốc đã thảo luận về việc xây dựng COC nhưng do Trung Quốc kiên quyết không chấp nhận những nội dung mang tính ràng buộc cao của văn kiện này nên việc xây dựng COC đã không thành công và phải chuyển sang xây dựng DOC.
Trong quá trình thực hiện DOC 10 năm qua, chính Trung Quốc luôn luôn vi phạm DOC khi liên tiếp gây hấn với các nước láng giềng ở Biển Đông, nhưng lại luôn vu cáo các nước khác vi phạm DOC để đòi “cần thực hiện nghiêm túc DOC rồi mới có thể tính tới việc xây dựng COC”. Do vậy, việc Trung Quốc tỏ ra “mềm dẻo” hơn trong vấn đề COC chỉ mang tính sách lược nhằm hạn chế phản ứng bất lợi của cộng đồng quốc tế trước những hành động leo thang của Trung Quốc gây tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Còn mục tiêu độc chiếm, thôn tính Biển Đông là không thay đổi.
Đến Brunei dự Hội nghị ARF20, ngày 01/7/2013 Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nhấn mạnh “Hoa Kỳ hy vọng nhìn thấy tiến triển trên phương diện xây dựng bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC giúp bảo đảm sự ổn định của khu vực quan trọng này”./.

Không có nhận xét nào: