Pages

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

Brendan Brady – Bất đồng chính kiến tăng, Việt Nam bắt blogger

Brendan Brady – DCVOnline lược dịch

jail“Nếu những căng thẳng xã hội hiện nay không được giới lãnh đạo chính trị giải quyết, người ta có thể hình dung được một kịch bản tương tự như Mùa Xuân Ả Rập sẽ diễn lại trong tương lai.”
Trên blog và mạng truyền thông xã hội, dân Việt Nam vượt qua sự độc quyền của chính phủ độc tài về mặt truyền thông đại chúng, họ đưa tin về những thất bại của nhà nước và nung nấu sự bất mãn với chế độ. Một số đã lên tiếng chống lại sự bất công, những người khác đã thách thức cả chế độ. Trương Duy Nhất, một nhà báo bất bình đã nghỉ việc viết báo để tập trung vào việc viết blog riêng, đặc biệt với những lời lên án thẳng thừng. Trong một bài viết không lâu trước khi bị bắt, ông đổ lỗi cho hai quan chức cao cấp nhất của Việt Nam cho “sự hỗn loạn chính trị” và nạn “tham nhũng không kiểm soát được” ở Việt Nam và kết luận: “Nếu không thể quản lý hiệu quả, các ông nên từ chức.” Sau khi ông Nhất bị bắt vào cuối tháng trước, hai người đã bị bắt giữ trong vòng ba tuần vì chỉ trích chính quyền trên mạng. Họ bị cáo buộc bằng ngôn ngữ của chế độ là “lạm dụng tự do dân chủ” – và có thể bị án tù đến bảy năm.


Cafe internet ở Hanoi (2009). Nguồn: HOANG DINH NAM / AFP / GETTY IMAGES


Cafe internet ở Hanoi (2009). Nguồn: HOANG DINH NAM / AFP / GETTY IMAGES

Phải đương đầu với những khó khăn kinh tế, đấu đá nội bộ và chỉ trích công khai, Đảng Cộng sản Việt Nam đang đàn áp người bất đồng chính kiến. Bốn mươi sáu blogger hay người hoạt động đã bị kết án tù trong năm nay, vượt qua tổng số 40 người cho cả năm 2012. Trong Chỉ số Báo chí Tự do năm 2013, tổ chức Phóng viên Không Biên giới xếp Việt Nam hạng 172 trong 179 quốc gia — chỉ cao hơn những nước như Iran và Bắc Hàn. Theo Phóng viên Không Biên giới, chỉ có Trung Quốc và Ô-man là hai nước có nhiều người tù vì hoạt động liên quan đến Internet hơn. Vì sự tấn công dồn dập vào vào những lời chỉ trích công khai trong những tuần gần đây nên các nhà báo Việt Nam nói chuyện với tạp chí TIME yêu cầu được giấu tên vì sợ bị trả thù, và ngay cả giới phân tích nước ngoài cũng chỉ tuyên bố kín.

Mạng Internet đã trở nên có hiệu lực một cách đặc biệt — và, dưới mắt của Đảng Cộng sản, nguy hiểm — là phương tiện thách thức chính sách và quyền lực của nhà nước vì, trong khi tất cả các phương tiện truyền thông truyền thống vẫn thuộc về và do nhà nước quy định, thì truy cập Internet ở Việt Nam đã lan rộng theo cấp số nhân trong những năm gần đây. Chính quyền đã dùng tường lửa để chặn truy cập vào một số trang web với thông tin và quan điểm mà họ cho là có khả năng làm phiền. Nhưng người hoạt động không ngừng nghĩ ra những cách thức mới để vượt qua tường lửa, và các biện pháp nghiêm trọng hơn của chính quyền đang dùng để hạn chế sự truy cập Web ngay cả có nguy cơ lấn vào hoạt động thương mại hay giải trí trực tuyến, có thể gây ra một sự khuấy động quần chúng một cách rộng lớn hơn.

Theo Sarah Cook, một người phân tích về khu vực Đông Á Freedom House tại Hoa Thịnh Đốn (Washington, D.C.) điều đó giải thích tại sao chính quyền đã cảm thấy bắt buộc phải tăng cường sự săn đuổi các blogger “có vấn đề”, và để đảm bảo có thể gây nên “một sự run sợ trong thế giới blog Việt Nam,” đã kết án tù lâu hơn [cho những blogger bị bắt].

(Nó cũng có thể giải thích tại sao chính phủ đã chuyển sang việc sử dụng một mạng lưới hàng trăm “dư luận viên” ủng hộ chế độ; đây là những người sử dụng mạng internet nặc danh được giao trách nhiệm dựng blog ca ngợi chính sách của chính phủ và mắc võng ở các diễn đàn trực tuyến để bác bỏ những lời bình luận chỉ trích chế độ.)

Cuộc đàn áp diễn ra giữa lúc tình hình chính trị đã khiến giới nhà lãnh đạo hàng đầu của đảng cảm thấy đang hở sườn, dễ bị tấn công. Chính phủ hiện đang soạn dự thảo thay đổi hiến pháp năm 1992 của Việt Nam, và, trong một nỗ lực để tỏ ra lắng nghe dân, đầu năm nay đã tổ chức một cuộc tham vấn đại chúng, người dân đã được mời để góp ý kiến. Thông tin phản hồi đáng chú ý nhất lại không phải là những gì chính phủ dự kiến: một nhóm gồm vài chục trí thức có tiếng và cựu đảng viên nắm lấy cơ hội để đề nghị một hiến pháp riêng của họ, và gửi nó lên mạng. Họ kêu gọi bầu cử đa đảng và các nguyên lý cơ bản khác của nền dân chủ, cùng chấm dứt vị trí quyền lực tối thượng của đảng. Kiến nghị của họ thu hút được khoảng 30.000 chữ ký trực tuyến hỗ trợ. Chính phủ muốn báo hiệu cho dân chúng rằng họ đã sẵn sàng đổi mới nhưng theo cách riêng của họ vì đang phải “đấu tranh để duy trì một hệ thống chính trị thẩm thấu đến mọi khía cạnh của xã hội,” Andrew Billo, thuộc tổ chức Asia Society ở New York nói. Bắt giữ các blogger mà lới chỉ trích của họ đang thúc đẩy và kêu gọi đổi mới nhanh hơn, là cách “họ muốn gửi một thông điệp rằng [đổi mới] sẽ xảy ra theo trình tự của chính phủ, chứ không phải theo ý kiến của những người ngoài đảng.”

Quản lý yếu kém kinh tế — đánh dấu bằng một loạt các vụ bê bối tham nhũng cấp cao — là một động lực lớn đưa đên bất đồng chính kiến. Trong nhiều năm qua Việt Nam đã được ca ngợi như một phép lạ kinh tế, khi nền kinh tế tồi tệ thời hậu chiến đã chuyển đổi nhanh chóng sang thời kỳ bùng nổ công nghiệp. Trong hai mươi năm sau khi chính phủ đổi mới kinh tế vào năm 1986 để đưa Việt Nam vào một nền kinh tế tư bản do nhà nước quản lý [kinh tế thị trường định hướng XHCN], GDP tăng trưởng trung bình trên 7%, trong năm 2005 đã tăng 8,4%, chỉ đứng sau Trung Quốc ở châu Á. Mức thịnh vượng gia tăng ở hầu hết các lĩnh vực của xã hội, và quần chúng đã nghiến răng cắn lưỡi, im tiếng trước những dấu hiệu rõ ràng của nạn tham nhũng ở mọi tấng lớp. Nhưng khi mức tăng trưởng chậm lại – năm nay ở mức 5% – dân chúng có khuynh hướng ít chịu bỏ qua những bàn tay ăn cắp đang phá hoại nền kinh tế.

Những phàn nàn về nền kinh tế (yếu kếm) cũng đã giúp đưa chính trị ra ánh sáng cho một thế hệ thanh thiếu niên lâu ít quan tâm về các vấn đề mà dường như không ảnh hưởng đến đời sống của họ. “Giới trẻ Việt Nam trước kia không sử dụng Internet nhiều để thảo luận về các vấn đề chính trị bởi vì họ đã được dạy phải chấp nhận rằng chính trị là chỉ dành cho Đảng Cộng sản quyết định,” một nhà báo Việt Nam tại Hà Nội nhận xét. “Tuy nhiên, từ năm 2008, trong cuộc khủng hoảng kinh tế, những người trẻ tuổi bắt đầu quan tâm nhiều hơn về chính trị bởi vì họ thấy có sự liên hệ” giữa hệ thống chính trị của Việt Nam và các vấn đề kinh tế, nhà báo cho biết thêm; giới trẻ đã đua tin cho các cơ quan thông tấn nước ngoài và giúp tổ chức vận động tự do phát biểu và dân chủ qua mạng internet.

Trong quá khứ, những người bất đồng chính kiến ​​bị loại ra ngoài lề xã hội và không thu hút được quan tâm của công chúng. Hiện nay thông tin và quan điểm khác với tuyên truyền của nhà nước có đầy, cho những người đi tìm, trên mạng Internet. Điều này đã làm tăng sự hoài nghi về nhãn hiệu mà chính phủ đã gán cho những người phê bình chỉ trích là kẻ phản bội (làm tay sai cho các “thế lực thù địch” ở nước ngoài như đảng đã quy chụp cho họ) và nó đã tạo nên sự đồng cảm với nỗ lực của những người đã bị bắt, giới quan sát nhận xét. Sự có mặt của các nhân vật nổi tiếng, như Cù Huy Hà Vũ, một luật gia nổi tiếng con nhà cách mạng, một trong những blogger đang ở trong tù cũng đã làm tăng giá trị và sự chấp nhận các hoạt động bất đồng chính kiến. Là con của một nhà thơ nổi tiếng, Cù Huy Cận, người bạn đồng hành thân thiết của Hồ Chí Minh trong cuộc cách mạng cộng sản, ông Cù Huy Hà Vũ đã bị bỏ tù vào năm 2010 và đang thụ án bảy năm, sau khi ông công khai thách thức tính hợp pháp của một số quyết định của chính phủ và kêu gọi cải cách dân chủ .

Mạn hình ở cafe internet (Thủ Đức). Nguồn: www.irrawaddy.org


Mạn hình ở một cafe internet tại Thủ Đức. Nguồn: http://www.irrawaddy.org

Công chúng càng ngày xem những nhóm người bất đồng chính kiến ​​là những người bình thường, nhiều người trước đây đã có thể tránh xa những cơ sở truyền thông độc lập trực tuyến mang tiếng chống phá nay đã có thể xem họ như là những nguồn thông tin chính thức – và còn có thể là đồng minh. “Trong những năm trước, chỉ có những người Thiên Chúa giáo đã đến với tổ chức của chúng tôi khi họ đã gặp vấn đề,” một nhà báo Việt Nam ở Sài Gòn của một cơ sở truyền thông trực tuyến Thiên Chúa giáo mà nhân viên của họ thường bị sách nhiễu (và đôi khi bị bắt) vì những bản tin của họ nói về những lạm dụng của chính phủ. “Nay bất cứ ai cũng có thể đến gặp chúng tôi khi họ có vấn đề công bố những gì xảy ra với họ.” Chẳng bao lâu sau khi Đinh Nhất Uy, blogger mới bị chính quyền bắt giữ, gia đình ông đã tìm đến các các cơ sở truyền thông để đưa tin chi tiết về trường hợp của ông. “Mẹ ông đã trực tiếp nói chuyện với tôi vì nghĩ rằng chúng tôi có thể giúp được.”

Tại thời điểm này, ít người dự đoán sẽ có rối loạn trong quần chúng hoặc có một cuộc nổi dậy như đã xảy ra trên toàn thế giới Ả Rập trong vài năm qua. Thật vậy, trong thời gian qua đàn áp chính thức ở Việt Nam, có khuynh hướng thăng trầm. Nhưng, theo một chuyên gia người Mỹ về chính trị Việt Nam ở đây thì “nếu những căng thẳng xã hội hiện nay không được giới lãnh đạo chính trị giải quyết, người ta có thể hình dung được một kịch bản tương tự như Mùa Xuân Ả Rập sẽ diễn lại trong tương lai.”

© 2013 DCVOnline

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét