Pages

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Bùi Tín - Tầng lớp trung lưu kêu cứu!

Tầng lớp trung lưu là một khái niệm thường được đề cập đến trong các giáo trình xã hội – kinh tế của các trường đại học. Những năm gần đây, trong các bài bình luận thời sự Việt Nam, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cũng nhắc đến khái niệm «tầng lớp trung lưu».

Thế nào là tầng lớp trung lưu (TLTL)? Phải chăng đó là một tầng lớp xã hội đứng ở giữa - giữa thượng lưu và hạ lưu - không giàu mà cũng chẳng nghèo, thường thường bậc trung. Xưa kia có người gọi tầng lớp ấy là tầng lớp «tạch tạch xè», tiểu tư sản.

TLTL, về lý thuyết cũng như trên thực tế, có vai trò và ví trí nhất định trong xã hội, đặc biệt là trong một xã hội có nền kinh tế thị trường đang phát triển. Phải chăng trong xã hội có tốc độ phát triển cao, hiện tượng tốt đẹp đáng mừng là số người giàu càng ngày càng đông, số triệu phú USD, rồi số tỷ phú USD xuất hiện ngày càng nhiều, như sự xuất hiện số tư sản đỏ ở Trung Quốc và Việt Nam trong 20, 25 năm nay? Hay như ở Nga, số người giàu sụ tăng lên nhanh chóng, đang đổ sang trung Âu và tây Âu, mua biệt thự sang, mua cả lâu đài cổ ở vùng sông Loire của nước Pháp?

Không phải như vậy. Việc một thiểu số 10 % nắm đến 50% tài sản chung và đa số 90 % chia nhau 50% tài sản còn lại là một tình hình cực kỳ nguy hiểm. Nó báo hiệu một hiện tượng  không bình thường, dẫn đến xã hội phân hóa, đầy bất công, xáo trộn, mất ổn định.

Ở Trung Quốc và Việt Nam, hiện nay TLTL bị kiềm chế chặt chẽ, gần như là bị cầm tù bởi các phe nhóm lãnh đạo cầm quyền mang danh cách mạng nhưng bị tha hóa bởi quyền lực, bởi đặc quyền đặc lợi. Có thể nói TLTL nước ta rất đông nhưng còn tản mạn, bao gồm hàng triệu tiểu nông và trung nông đã bị mất đất do hậu quả của chế độ sở hữu toàn dân do đảng Cộng sản áp đặt, cùng với hàng triệu tiểu thương, tiểu chủ bị các công ty quốc doanh khống chế, và lực lượng trí thức tiểu tư sản đông đảo, gồm có giáo viên, bác sỹ, dược sỹ, luật sư, sinh viên, viên chức công và tư….

Sinh ra từ lao động, chưa nhiễm phải lòng tham vô hạn của bọn trọc phú mới, lại có chút vốn vật chất cũng như tinh thần, tri thức, TLTL chính là tinh hoa của dân tộc, là hy vọng chính của đất nước.


Có thể nói hơn nửa thế kỷ trước, đông đảo tầng lớp tiểu tư sản nước ta ở thành thị cũng như ở nông thôn đã ủng hộ và gia nhập đảng Cộng sản (đặc biệt là ở miền Bắc) với lòng yêu nước truyền thống trong một xã hội thuộc địa bị thực dân Pháp thống trị. Từ khi đổi mới và mở cửa hòa nhập với thế giới, đảng CS dần dần suy thoái nghiêm trọng và phân hóa rất nhanh thành một tầng lớp tư bản đỏ mới, phất lên do tham nhũng, biển thủ tài sản quốc gia trên quy mô lớn, đoạn tuyệt với giai cấp vô sản mà họ tự nhận là đại diện, đồng thời xa rời các đồng chí của họ ở cơ sở, trong đó có không ít trung nông mất đất và trí thức ở thành thị. TLTL đến nay  bị đảng khinh thị, bỏ rơi, thậm chí đàn áp trong quá trình tư bản hóa bản thân, trọc phú hóa phe nhóm, thượng lưu hóa gia đình theo tốc độ tên lửa.

Trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, TLTL với các giai cấp công nhân và nông dân có vai trò quan trọng. Kinh nhiệm phổ biến chỉ ra rằng sở dĩ chủ nghĩa tư bản đạt tốc độ phát triển cao là do chế độ tư hữu hợp pháp được tôn trọng và quy luật cạnh tranh bình đẳng được thi hành triệt để, giải phóng mọi sáng kiến cá nhân và quy mô kinh doanh. Nền tảng vững mạnh nhất của nền kinh tế tư bản từ khởi đầu không phải là các đại công ty tư bản độc quyền từng ngành, mà bao giờ cũng là hàng triệu nhà kinh doanh vừa và nhỏ, như những tế bào sống trong nền kinh tế cả nước. Không phải ngẫu nhiên mà cho đến nay khi chủ nghĩa tư bản đã phát triển tới mức tập trung cao độ, có mối quan hệ chằng chịt toàn cầu, mà ở Pháp, Đức, Anh, Ý hay ở Hoa Kỳ, Canada trong chính phủ vẫn có một bộ quan trọng chuyên lo đến sự phát triển mạnh của các cơ sở kinh doanh nhỏ và vừa.

Sau khi trúng cử  lần thứ 2, trong diễn văn nhậm chức tháng giêng năm 2013, Tổng thống Hoa Kỳ Barak Obama có một câu nói rất đáng nhớ : «Chúng ta tin tưởng rằng phồn vình của nước Mỹ phải được đặt trên bờ vai rộng của tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển» (We believe that America ‘s prosperity must rest on the broad shoulders of a rising middle class).  Đây vừa là sự thật, là quy luật, vừa là yêu cầu của cuộc sống và phát triển bền vững trong một đất nước văn minh.

Trong một nước phát triển lành mạnh, dù nền công nghiệp có tập trung đến mức rất cao, xuất hiện những ngành công nghiệp nhà nước, những tổng công ty quốc doanh  lo về điện lực, giao thông, hàng không, công nghiệp quốc phòng… thì nhìn chung giá trị sản lượng của tư nhân trong các xí nghiệp nhỏ và vừa vẫn chiếm phần áp đảo. Ngay trong sản lượng của các tổng công ty quốc doanh, phần các công ty tư nhân vừa và nhỏ đóng góp cũng chiếm phần quan trọng, khi nhận làm những sản phẩm phụ, những chi tiết thiết bị, những dự án nhỏ của những công trình quốc gia.

Ở nước ta đang có tình hình ngược lại. TLTL bị hạn chế, kìm hãm và cản trở. Hai nguyên tắc lớn nhất trong kinh tế thị trường là quyền sở hữu phương tiện sản xuất và quyền tự do cạnh tranh không được khẳng định và bảo vệ bằng luật pháp. Trong cuộc họp Quốc hội mới đây, nhiều đại biểu báo động là số công ty tư nhân vừa và nhỏ bị phá sản mỗi năm lên đến trên dưới 100 ngàn.

Phương châm lấy sở hữu quốc doanh làm chủ đạo cho nền kinh tế còn dẫn đến các tổng công ty quốc doanh được nuông chiều quá mức, sinh ra hư hỏng lỗ lã, cũng bị phá sản hàng loạt, lãng phí và tham nhũng hoành hành trên quy mô lớn. Đó là nguyên nhân, nguồn gốc của thảm họa kinh tế - xã hộ.

Đã vậy, ở nước ta các nhà chính trị mù tịt về khoa học kinh doanh lại hăng hái lao vào đảm nhận các chức vụ tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị các tổng công ty nhà nước có vốn hàng chục, hàng trăm triệu cho đến vài tỷ đôla.

Khi còn sống ông Võ Văn Kiệt đã nhìn ra nguy cơ trên và nghiêm cấm các bộ trưởng, thứ trưởng không được kiêm nhiêm các chức vụ kinh doanh. Các bộ trưởng, thứ trưởng chỉ quản lý về luật pháp và chính sách, cấm không được vừa đá bóng vừa thổi còi. Thế nhưng không một ai tuân hành. Tất cả, từ thủ tướng, phó thủ tướng, bộ trưởng, thứ trưởng cho đến các vụ trưởng các bộ, đều nhất loạt nắm pháp luật, chính sách ở cổng trước cơ quan, còn kiêm nhiệm hàng loạt chức vụ kinh doanh trực tiếp cực kỳ béo bở ở sân sau. Và chính cái sân sau ăn vụng, bất hợp pháp mới là nơi tấp nập, sôi động  ra vào, lót tay các dự án, chia chác hoa hồng, chia lãi, chia phần thưởng kết thúc dự án hết sức hào phóng cho các quan lớn.

Không phải ngẫunhiên mà Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh Vốn Nhà nước (State Capital Investment Corporation) là con bạch tuộc khổng lồ, toàn do các quan chức cấp cao nhất của Phủ thủ tướng và các bộ Kế hoạch, Kinh tế, Tài chính… điều hành và nắm quyền quản trị là cơ quan kém cỏi nhất về quản lý, nhưng lại tệ hại nhất về nhũng lạm và chia chác bổng lộc.  

Cả làng báo hàng chục ngàn người  bị bịt mồm, bịt mắt, luật gia bị răn đe, vào tù hàng loạt, các blogger bị truy bức đe dọa khẩn cấp cũng đều thuộc TLTL, bị coi là "đối tượng, là phần tử nguy hiểm, là tay chân của bọn phản động ở nước ngoài", khi vạch trần tình hình trên.

Cho nên một việc làm cấp bách là cả TLTL Việt Nam cần nhìn lại mình, xác định mình là những ai, có vai trò lịch sử ra sao, bị kềm chế đàn áp đến mức nào, vì sao có hại cho đất nước, để đoàn kết, bênh vực nhau, tạo nên lực lượng xã hội chống độc đoán bất công, khẳng định vai trò lịch sử của mình, đưa đất nước phát triển đúng quỹ đạo cần thiết, đạt phát triển phồn vinh cho toàn xã hội chung hưởng. Một cuộc đấu tranh quyết liệt đang mở ra để nền kinh tế đất nước thật sự nằm trên đôi vai rộng lớn của TLTL Việt Nam, trên nền tảng kinh doanh và cạnh tranh theo luật pháp, tạo nên triệu triệu tế bào kinh doanh khỏe khoắn trong toàn xã hội.

Bùi Tín
15.07.2013

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

(VOA)

Không có nhận xét nào: