Pages

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

Câu chuyện nước Mỹ: Gửi con…du học

Mấy tuần rồi, có cô bạn tự nhiên thăm hỏi rối rít, dù mấy chục năm trước chẳng biết mình đi đâu.

Anh dạo này thế nào, có khỏe không, vợ đã bỏ chưa, con cái học hành ra sao. Tóc bạc nhiều không, hàm răng giả ngày xưa em tặng nay còn dùng.

Kinh nghiệm cho biết, nàng sẽ nhờ cái gì đó. Nhân bảo như thần bảo, sau khi vòng vo Tam quốc, cô hỏi, anh ơi, em cho con gái sang Mỹ học đại học, nên chuẩn bị gì. Em muốn đi theo để nấu cơm, giặt rũ cho cháu. Nhà em có 30.000 đô la đủ cho cháu học không?

Câu này nghe hàng trăm lần rồi, nhưng không có câu trả lời cụ thể. Mình nghĩ đây cũng là đề tài hay nên viết vài entry tặng bà con hang Cua, biết đâu có ngày cần cho con cháu thành công dân toàn cầu thì sao.

Cũng không phải chỉ đi Mỹ thôi đâu, đi nước khác cũng vậy, kể cả du học ở cố đô Hoa Lư cũng đúng luôn.

Nghĩ được gì viết nấy, chẳng có lớp lang, ý tứ gì, bà con thông cảm. Ai có kinh nghiệm đóng góp, cùng chia sẻ.

Kỹ năng sống độc lập – Bắt đầu là rửa bát, quét nhà

Nghe cô bạn hỏi dồn dập, mình trả lời đại, cứ cho cháu sang, thế nào cháu cũng lớn mỗi năm một tuổi và quay về thăm bố mẹ vài lần trước khi định cư tại Mỹ.

Chỉ nhớ một điều, nước Mỹ là nước Mỹ, nước mình là CHXHCN VN, hai quốc gia, hai dân tộc khác nhau hoàn toàn.

Trong khi chờ đợi cuộc cách mạng vô sản thành công tại Hoa Kỳ thì ta cứ phải theo pháp luật của tư bản. Những thói ở thiên đường bên nhà mang theo sang Mỹ đôi khi không hợp, thành xung đột văn hóa và có thể phạm luật.

Mấy năm trước, có thằng cu sinh viên Việt ở California, lấy dao dọa bạn, bị cảnh sát đến còng tay và đánh một trận nhớ đời. Dù có thắng kiện nhưng cu cậu hiểu ra một điều, Mỹ khác Việt Nam.
Nền giáo dục và gia đình Việt nuôi con theo kiểu gà chọi, phần đông cha mẹ cơm bưng nước rót, con chẳng phải làm gì, chỉ ăn, học và ngủ, suốt 12 năm liền.

Nếu thi vào đại học thành công coi như công ơn được đền đáp. Ra trường có công ăn việc làm, tiền của nhiều, nó sẽ phụng dưỡng mình khi về già. Nếu thất bại, bố mẹ nuôi báo cô.

Vì thế, khi con rời tổ ấm, ra đi một mình, ai mà chẳng lo.

Cô bạn than, con em chẳng biết luộc trứng, không biết nấu cơm, nhìn miếng thịt đông lạnh chẳng biết đập thế nào cho tan đá. Bây giờ mà sang Mỹ ăn uống thế nào. Nói rồi nàng khóc tu tu, dù con đã có trường nào nhận đâu.

 
Du học như anh Osin cũng phải biết rửa bát. Ảnh: HM
Lỗi tại bọn trẻ ư. Các cụ đẻ chúng ra mà không dạy nên người là do lỗi của…”nơi sinh”. Sorry. Dân trí kém, quan trí thấp là do dân, vì dân và từ dân mà ra cả.

Giáo dục Mỹ dạy trẻ học để ra đời học tiếp phần đời còn lại. Làm công nhân cũng ok, làm kỹ sư cũng được, nếu tiện, làm tổng thống cũng chẳng sao.

Vì thế, dù bọn trẻ Mỹ cũng gà mờ khi ra trường, nhưng khi cần, chúng tiếp cận cuộc sống mới nhanh hơn, bởi tất cả những kỹ năng đã được học và thực tập từ lúc còn bé do cha mẹ, nhà trường và xã hội hướng dẫn.

Tổng Cua chỉ khuyên đơn giản thế này. Trong lúc chờ đợi xin các trường thông báo nhận học, các bậc cha mẹ nên dạy các cháu biết rửa bát, quét nhà, biết tự giặt quần áo, biết nấu cơm, biết ăn bánh mỳ với bơ, học nấu súp, biết cách luộc trứng 3 phút, biết làm tan đá cho miếng thịt.

Nếu cần, để cháu nấu vài bữa cho cả nhà, chịu khó ăn mặn, nuốt nhạt chút. Học nấu ăn sẽ biết cách sống tự lập khi không còn cha mẹ bên cạnh. Quan trọng nhất là không chết đói. Người sống đống của, các cụ nói cấm sai.

Nhắc các cháu ăn uống không nhai tóp tép, không lấy tay ngoáy mũi như bác Hiệu Minh, không khạc nhổ như bác Hồ Thơm, không văng bậy chửi thề như bác Xang Hứng, không đá đểu như lão Cu Sờ (QX), làm thơ thì phải biết song ngữ như anh Tịt, không hiểu tiếng Anh phải hỏi lại, đừng nhe răng cười như người đẹp Kim Dung 

Nói chuyện răng miệng cũng phải cẩn thận. Răng thì phải đến nha sỹ cạo cho sạch cao. Bên Mỹ đi thi vấn đáp hay tuyển việc với hàm răng nham nhở, thò ra thụt vào, dính cả phở lẫn hành thì…chắc trượt.

Từ chuyện nhỏ sẽ học được chuyện lớn. Các cô các cậu 17-18 tuổi không phải là đứa trẻ nữa, phải biết độc lập và tự mình bắt đầu kiếm sống, tự biết làm gì để không đói khát, không ốm đau, không bị lừa đảo khi cưỡi ngựa chung với cánh cao bồi.

Cái đó các cụ đi hoạt động cách mạng gọi là “bài học từ thực tiễn của cuộc sống”. Sách vở thế là đủ rồi, các cháu VN sang hầu hết là học giỏi, có kiến thức cơ bản vững. Nhưng học sống để tồn tại thì nhiều điều phải bàn.

Ngoại ngữ, IT và công dân toàn cầu

Tổng dân số thế giới vào tháng 6-2012 khoảng hơn 7 tỷ người. Năm 2000 có 360 triệu người dùng internet, vào cuối năm 2012 con số này lên tới 2,4 tỷ, tăng tới 566% so với năm 2000.

Trong hơn một thập kỷ qua, Internet phát triển mạnh nhất tại Trung Quốc với 538 triệu người, tăng 1400.

Việt Nam với dân số 91 triệu, năm 2000 có vẻn vẹn 200.000 biết mùi vị net, ba năm sau khi chính phủ cho phép mở internet từ năm 1997.

Tháng 6-2012, con số này đã là 31 triệu, chiếm 1/3 dân số, hầu hết là giới trẻ. Riêng facebook đã có hơn 10 triệu tài khoản đang hoạt động. Mức tăng của Việt Nam cũng chóng mặt, lên tới 1500%, vượt cả người hàng xóm khổng lồ.

Nói thế để biết, PC, iPhone, iPad, IT, internet, facebook, blog, twitter… là hành trang của tuổi trẻ bước vào đời.

Gõ máy tính bằng mười đầu ngón tay, tốc độ 60 từ 1 phút, đừng bắt chước cụ Hồ mổ cò trên máy chữ thời ở Pắc Bó.

Gà mờ mấy thứ đó là coi như trượt từ vòng gửi xe.

 
Sân thể thao của trường ĐH Georgetown. Ảnh: HM
Trên thế giới ảo, tiếng Anh là thông dụng nhất, tiếp theo là tiếng Trung, Tây Ban Nha, Nhật, và Bồ Đào Nha.

Số người dùng tiếng Anh trên internet khoảng 536 triệu, vị trí tiếp sau là tiếng Trung chiếm tới 444 triệu. Cánh trẻ giao tiếp bằng internet là chính.

Dù tiếng Trung có đứng thứ 2, tiếng Nga thân thương của Lê Nin có thứ hạng, dù tiếng Việt mang đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng không phải là thứ tiếng mà thế giới đang dùng nhiều.

Đối với người Việt, muốn hội nhập, ngoài chuyện trình độ phải có, chấp nhận văn hóa khác biệt, hiểu quan niệm đa chiều, phải thông thạo ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, không còn cách nào khác.

Bao giờ nước mình mạnh như Hoa Kỳ, giỏi như Do Thái hay Nhật, mafia như Nga, thâm như Tầu,  thế nào thế giới cũng học tiếng Việt như một ngoại ngữ.

Ngoại ngữ không biết và muốn kiên định chủ nghĩa Mác Lê, thì ở nhà làm lãnh đạo chủ chốt hay cán bộ nguồn, đừng du học cho mệt đầu.

Đi phỏng vấn phải cho đàng hoàng

Nếu được trường nào hứa xem xét, phải nghiên cứu kỹ về trường đó. Khi phỏng vấn visa hoặc  nhà trường hỏi thêm thì cũng phải biết khuôn viên của trường to bé ra sao, thành lập từ năm nào, ở bang nào, đứng thứ mấy ở Mỹ.

Vào trang web của trường là ra tất, hoặc google cũng đủ thông tin. Trường nào không có trang web thì đừng xin cho con học. Đơn giản, loại nghèo và dốt đến nỗi không có nổi trang web thì ngang bằng gửi trứng cho ác, dù đó là nước Mỹ.

Người đẹp yêu ai là vì chàng đó hiểu nàng từ chân tơ kẽ tóc. Trường học cũng vậy thôi, có quan tâm thì mới đọc, không biết gì về trường đó xin vào học làm gì.

Không thể có chuyện nghe bạn bảo thế này, chị họ nói thế kia, mà phải có thông tin cụ thể, tự mình đọc, tự mình nhớ.

Kiểu nhờ chung chung, anh ơi xem bên Mỹ có trường nào học tốt, giới thiệu cho con em với, khó mà nên cơm cháo.

Cô bạn hỏi kỹ về việc xin visa có màn phỏng vấn. Mình hỏi, con gái em có xinh không. Ôi, cháu xinh lắm, chân dài, cổ cao, trông như người mẫu, từng dự thi hoa hậu phường. Mình bảo, dễ được lắm.

Ngày xưa (năm 2000), anh Triệu bên Cục Tần số (VNPT) nhờ mình giới thiệu cho con gái sang Mỹ học.

Hôm đến sứ quán, anh lo lắm, dẫn cả cháu đến 53 Trần Phú (VP cũ của WB) cho mình xem mặt và phỏng vấn thử trước.

Vừa nhìn đã choáng, cháu xinh và nhanh nhẹn, tiếng Anh như gió. Mình phán kiểu Cua, chắc chắn được.

 
Khuôn viên ĐH Georgetown. Ảnh: HM
Y như rằng, cô nhân viên sứ quán hỏi vài câu và cộp cái roẹt, mai ra lấy hộ chiếu. Bây giờ chẳng hiểu cháu ở phương trời nào.

Dân phỏng vấn khôn lắm, trông ai trẻ, xinh đẹp, thông minh, là xét nhanh, vì nếu trốn lại thì nước nhận cũng được một công dân…đẹp. Mặt mũi sáng sủa chẳng ai chịu nghèo cả. Cao bồi gọi là immigration (di dân) có chọn lọc 

Nói vui thế thôi, đi phỏng vấn xin visa, hay qua video, dù chẳng yêu cầu ăn mặc comple cavat, diêm dúa như đi dạ hội, cũng phải sạch sẽ, gọn gàng, bắt mắt chút. Lôi thôi lếch thếch dễ bị trừ điểm.

Bên Mỹ ăn mặc đa dạng, từ cao cấp đến bụi đời, đang comple nhưng lại đi giầy thể thao, váy mốt đi với giày bệt vì đi bộ cho dễ, nhưng tới nơi làm việc lại nghiêm túc.

Nhưng mình chưa sang đó, cứ phải lịch sự chút đã. Khi nào thành công dân, có thẻ xanh, vào rừng cởi truồng cũng chẳng ai nói gì.

Tưởng tượng, một ngày, chị phỏng vấn quay mấy chục người, vài câu, nhắc đi nhắc lại. Cấp visa nhiều khi do cảm tính, mà cảm tính hay hướng tới cái đẹp, khổ thế.

Hàng ngày có hàng triệu người muốn xin vào nước Mỹ, họ rất sợ dân đến rồi ở lỳ, dù đất trống vẫn đủ cho cả 3 tỷ dân Ấn Độ và Trung Quốc vào ở thoải mái.

Ở lại không có công ăn việc làm, hay là tội phạm trốn, rửa tiền, tham nhũng trộm cắp ở nước nhà rồi trốn sang thì sao.

Nếu hỏi, học xong có về không. Nhất định em về, em còn bố mẹ, còn ông bà, anh em, ba bốn người yêu thương, làm sao ở lại xứ lạ được.

Mắt nhìn thẳng vào mắt người đối thoại và phải thật lòng. Kiểu vừa nói vừa cúi mặt xuống, tránh ánh mắt như dân Việt ta hay làm, dân Mỹ tưởng mình che giấu gì đó, mà họ thì chúa ghét nói dối. Cheating is not going to work.

Còn sau này em không về là do em tài hơn Ngô Bảo Châu, giỏi hơn Đàm Thanh Sơn, trường giữ lại làm giáo sư suốt đời. Chuyện này nằm ngoài kế hoạch và do phía Mỹ hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Rất có thể do thằng tây mũi lõ mắt xanh, nó quấn lấy em, nó đòi cưới, nó cho cả green card, rồi xin hộ chiếu, nó cho bừa vào, bây giờ em có con nửa Mỹ nửa Việt, đó không phải là lỗi của em.

Nói tóm lại, gửi con đi học thì đừng lo tiền nhiều hay ít mà nên giúp con có kiến thức cuộc sống và tự bươn chải.

Vĩ thanh 1

Nhớ hồi tháng 8-1970, cả nhà tiễn anh Cua 17 tuổi du học Ba Lan. Bà con trong xã, người cho 1 đồng, người năm hào, cũng được mấy chục, một gia tài lớn lúc đó của cậu học trò bước vào đời.

Riêng ông già chìa bàn tay cho Cua con và nói như có nước mắt “Chẳng có gì cho con, bố chỉ có bàn tay đầy chai sạn này. Con nhớ về thăm nhà là được rồi. Mà con không về nhưng nên người ở đâu đó bố cũng…mừng”.

 
Làng quê Hoa Lư yêu dấu. Ảnh: HM
Thằng cu Cua ấy ra đi biệt tích đã gần nửa thế kỷ. Thỉnh thoảng về nhà, nhưng y như khách qua đường.

Nếu gửi con đi học xa, hy vọng chúng thành đạt, bạn hãy như ông già nhà này. Thấy con không quay về là rất…may. Thế mới xứng là bậc sinh thành của công dân toàn cầu. Giang hồ nửa vời, nghe tiếng gà gáy đã nhớ quê, khó mà hội nhập.

Chuyện hôm nay đã dài, xin hẹn lần sau tiếp tục làm thế nào xuống sân bay, khai hải quan, thuê taxi, thuê nhà…cho tới khi nó bế đứa con mắt xanh mũi lõ, da đen hoặc người yêu cùng giới, mang về chào ông bà ngoại mới hết series này  

Nguồn: hieuminh Blog

Không có nhận xét nào: