Pages

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

Giấc mơ công nghiệp hóa Việt Nam vào năm 2020?

Đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa hiện đại với vật chất dồi dào, sản phẩm các ngành sản xuất dư thừa đã trở thành đường lối phát triển vĩ mô từ lâu và làm Đảng tốn không biết bao nghị quyết. Ngay từ Đại hội 4 năm 1976, Đảng đã xác định ưu tiên phát triển công nghiệp nặng. Đại hội 5 thì Đảng có sự chuyển hướng sang công nghiệp nhẹ. Chưa thực hiện hết kế hoạch 5 năm, cả nước thiếu lương thực trầm trọng. Chưa thấy công nghiệp nặng nhẹ ở đâu mà cái đói bám từng người, từng nhà trên cả nước.

Đại hội 6 năm 1986, Đảng làm cú đảo người với 3 chương trình kinh tế lớn: lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Giấc mơ công nghiệp tạm gác lại. Đại hội 11 năm 2011, người ta bắt đầu mơ lại giấc mơ xưa, hô hào biến Việt Nam thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020. Thời điểm chỉ cách mục tiêu vẻn vẹn có hơn 8 năm, với cơ cấu sản xuất nhỏ lẻ, quan hệ sản xuất manh mún, lạc hậu, công tác quản lý yếu kém, lực lượng lao động tuy đông nhưng chỉ có duy nhất một lợi thế là … giá rẻ vì tay ngề và trình độ thấp. Làm thế nào Việt Nam thực hiện mục tiêu này?

Mục tiêu Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 là cơ bản trở thành nước công nghiệp với giá trị công nghiệp chiếm khoảng 40-41% tỷ trọng trong GDP, giá trị sản phẩm công nghiệp chế tạo chiếm khoảng 40% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Muốn vậy phải xác định ngành nghề “mũi nhọn” để đầu tư, để dẫn dắt các ngành phụ trợ khác phát triển. Thế là các cuộc họp “mổ bò” bắt đầu được nhóm lên. Ngành nào cũng xin nhận trước Trung ương mình là ngành ưu tiên để được rót vốn. Với mục tiêu giành kinh phí từ Trung ương, địa phương nào cũng tung ra thật lắm ngành nghề mũi nhọn. Có anh xin Trung ương cho phát triển du lịch sinh thái cùng phát triển công nghiệp nặng trên một địa bàn (nghe thật mâu thuẫn).

Trung ương đứng trước một rừng các ngành nghề gọi là mũi nhọn (mà không biết nhọn ở cái gì): cơ khí, điện tử, ôtô, xe gắn máy, đóng tàu, chế biến thực phẩm, thép, hoá dầu, giày da và may mặc, phần mềm, thiết bị hạ tầng thân thiện với môi trường sinh thái, thiết bị máy móc cỡ nặng và máy nông nghiệp. … Thực tế, nhiều ngành “mũi nhọn” vẫn loay hoay tìm hướng đi như: Công nghiệp cơ khí còn kém phát triển. Ngành công nghiệp ô tô èo uột, cho đến nay vẫn phải dựa dẫm quá nhiều vào chính sách thuế của Nhà nước, sự bảo hộ để phát triển.

Công nghiệp Việt Nam được hô hào phát triển khá rầm rộ nhưng đã bao năm được hà hơi tiếp sức mà chưa có sản phẩm cuối cùng. Thực tế là Việt Nam chưa sản xuất được sản phẩm cụ thể gì trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, kể cả con ốc hay cái đinh vít, ngoài việc làm rất tốt là nhập linh kiện về lắp ráp. Nét đặc trưng nhất của ngành này là không có sản phẩm đặc trưng. Về quản lý vĩ  mô, có lúc xác định xe máy hai bánh là ngành “mũi nhọn”, nhưng về chính sách giao thông lại hạn chế sử dụng sản phẩm này. Nghĩa là chân nọ cứ đá chân kia, đầy mâu thuẫn.

Công nghiệp ôtô được nhiều người ưa chuộng lất làm ngành mũi nhọn. Thực tế các năm qua cho thấy ngành này được ưu đãi quá nhiều và trở thành đứa con hư gặm nhấm chính sách ưu tiên, và chỉ dừng chân ở lắp ráp với công nghiệp hỗ trợ yếu kém, không được chuyển giao công nghệ. Sau nhiều năm, tỷ lệ nội địa hóa của ngành ô tô vẫn quá thấp, những chỉ tiêu về sản xuất động cơ các loại, hộp số… là những tiêu chí quan trọng của ngành công nghiệp ô tô đều là con số không. Nói một cách công bằng, ngành này cũng có một vài sản phẩm tỉ như xe công nông và xe thương binh ba bánh tự chế (tất nhiên chi tiết nhỏ nhất như dây thép để buộc, sơn và đinh vít vẫn nhập từ Trung Quốc). Lưu ý, thời gian hội nhập AFTA thì tới rất gần (đến 2014 thuế suất thuế nhập khẩu ôtô từ khu vực ASEAN sẽ giảm còn 50% và đến 2018 còn 0%), lúc đó ô tô lắp ráp tại Việt Nam sẽ thua ngay trên chính sân nhà.

Ngành công nghiệp điện tử cũng tương tự, các DN vẫn chủ yếu nhập linh kiện về lắp ráp, chỉ sử dụng nhân công giá rẻ, ưu đãi về đất đai hạ tầng và thuế, không có sản phẩm riêng, định hướng phát triển đến nay vẫn chưa thấy.

Công nghiệp chế tạo máy nông nghiệp cũng vậy có rất ít các cơ sở sản xuất đúng nghĩa, chủ yếu nhập linh kiện từ Trung Quốc, Hàn Quốc… về lắp ráp, công nghiệp hỗ trợ nghèo nàn và giản đơn.

Theo số liệu của Bộ Công thương, ngành giầy da, may mặc trong năm 2012, để đạt kim ngạch xuất khẩu 15 tỉ USD, Việt Nam đã phải tốn gần 10 tỉ USD để nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất.

Về ngành đóng tàu: Riêng hai con Vina (Vinashin và Vinalines) ngốn xong gần 10 tỉ USD thì liệt, đã khiến ngành này coi như chết rồi. Hiện ta có hơn 200 cơ sở công nghiệp tàu thủy nhưng hễ tàu hỏng hóc gì là phải dùng USD để đưa tàu ra nước ngoài sửa chữa.

Về chuẩn bị cơ sở, nguồn lực: các ngành học công nghiệp hiện đang ế xưng ế xỉa, không ai học vì giáo trình dạy vẫn dịch từ sách Liên Xô những năm 60. Khu công nghệ cao động lực tại hai trung tâm phát triển (HN và TPHCM): khu Láng Hòa lạc và khu công nghệ cao quận 9 thì vẫn rục rịch ở khâu giải phóng mặt bằng (đã rầm rề hàng chục năm qua). Các cơ sở đào tạo nước ngoài thì bị cấm mở ngành công nghệ tại Việt Nam.

Đường lối của Đảng: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế – xã hội, từ sử dụng sức lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động với công nghệ, phương tiện, phương pháp tiên tiến, hiện đại, dựa trên sự phát triển của công nghiệp và tiến bộ khoa học công nghệ, tạo ra năng xuất lao động xã hội cao. Nền công nghiệp XHCN phát triển cao hơn TBCN dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu. Sự ưu việt của nền công nghiệp CNXH thể hiện trên hai phương diện: trình độ kỹ thuật và cơ cấu sản xuất, gắn với thành tựu của cách mạng khoa học – kỹ thuật hiện đại. Sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa, là sự nghiệp của toàn dân, nhưng phải đươc đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản thì sự nghiệp đó mới có thể hoàn thành tốt đẹp được.

Chỉ còn vài năm nữa để Đảng biến một nước lạc hậu kém phát triển với 90 triệu dân thành nước công nghiệp hóa. Có lẽ một lần nữa, chỗ dựa vững chắc duy nhất của Đảng là sự “quyết tâm chính trị”.

Cầu Nhật Tân

(Blog Cầu Nhật Tân)

Không có nhận xét nào: