Pages

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm trong thời gian dài

Hôm nay, 12/07/2013, Ngân hàng Thế giới đã công bố bản báo cáo cập nhập tình hình phát triển kinh tế Việt Nam tháng 07/2013, trong đó định chế tài chính quốc tế này cảnh báo về nguy cơ kinh tế của Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm trong thời gian dài. Tiến trình cải cách và cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước bị đánh giá là « hết sức chậm chạp », hai năm sau khi chính phủ phê duyệt chủ trương và lộ trình cải cách.

Trong bản báo cáo nói trên, Ngân hàng Thế giới nhận định rằng môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay là « tương đối ổn định », với mức lạm phát tính đến tháng 06/2013 chỉ là 6,7% và năm 2012, Việt Nam đạt thặng dư thương mại lần đầu tiên từ năm 1992. Trong năm ngoái, thặng dư cán cân thanh toán cũng đạt mức kỷ lục là 5,9%.

Tăng trưởng của Việt Nam một phần lớn có được nhờ khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Trong ảnh, dây chuyền sản xuất tại một xí nghiệp xe máy Piaggio tại Vĩnh Phúc, phía tây bắc Hà Nội, 11/06/2011.
Tăng trưởng của Việt Nam một phần lớn có được nhờ khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Trong ảnh, dây chuyền sản xuất tại một xí nghiệp xe máy Piaggio tại Vĩnh Phúc, phía tây bắc Hà Nội, 11/06/2011. REUTERS/Kham
Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam được ước tính tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, thế nhưng xuất khẩu tăng ở mức cao như vậy chính là nhờ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, đầu tư trực tiếp của nước ngoài đã giảm từ 11,8% GDP năm 2008 xuống chỉ còn 7,7% trong sáu tháng đầu năm nay. Đáng ngại hơn nữa là các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia có sức cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam trong việc thu hút đầu tư. Ấy là chưa kể một đối thủ lợi hại khác vừa xuất hiện, đó là Miến Điện, quốc gia đang trở thành địa điểm đầu tư ngày càng hấp dẫn, kể từ khi chính phủ nước này tiến hành những cải cách sâu rộng cả về mặt chính trị lẫn kinh tế.

Nói chung, theo Ngân hàng Thế giới, kinh tế Việt Nam đang đối diện nhiều thách thức, với thời gian tăng trưởng chậm kéo dài nhất kể từ khi tiến hành công cuộc cải cách kinh tế những năm 1980. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2012 chỉ đạt 5,25%, mức thấp nhất kể từ năm 1998. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ vẫn ở mức thấp 5,3% năm 2013 và 5,4% năm 2014. Từ năm 2010 đến 2013, Việt Nam tăng trưởng chậm hơn Indonesia và Philippines, lần đầu tiên trong hai thập kỷ qua.Tăng trưởng kinh tế chậm và khó khăn trong sản xuất kinh tế khiến ngân sách Nhà nước của Việt Nam càng eo hẹp.

Trong khi đó, theo Ngân hàng Thế giới, tiến trình cải tổ cơ cấu của Việt Nam còn chậm và chưa được thực hiện một cách quyết liệt. Khu vực tài chính ngân hàng vẫn còn mỏng manh. Việc thành lập Công ty quản lý tài sàn của các tổ chức tín dụng ( VAMC ) là bước đi cụ thể của chính phủ Hà Nội trong việc quản lý nợ xấu, nhưng theo Ngân hàng Thế giới, việc xử lý nợ xấu đòi hỏi phải có cách tiếp cận « tích cực và dài hạn ».

Tiến trình cải cách và cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước bị đánh giá là « hết sức chậm chạp », hai năm sau khi chính phủ phê duyệt chủ trương và lộ trình cải cách. Theo Ngân hàng Thế giới, việc cải cách doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam khó có thể thành công « nếu không có một cơ chế điều phối liên ngành hữu hiệu và không tăng cường tính minh bạch ».

Trong bản báo cáo, Ngân hàng Thế giới lưu ý một số rủi ro đang chờ đón Việt Nam. Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế chậm lại có thể tạo sức ép tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa, từ đó sẽ tạo áp lực lạm phát và làm xói mòn các thành quả mong manh của ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ hai, việc triển khai chậm trễ các chương trình cải cách cơ cấu sẽ làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư và tiếp tục tác động tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng.

Thanh Phương

(RFI)

Không có nhận xét nào: