Pages

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Mỹ chưa quan tâm đúng mức đến nhân quyền ở Việt Nam

Một số thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ vừa những chỉ trích về việc chính phủ Hoa Kỳ lơ là trước tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.

Những chỉ trích này được nêu ra sau khi có tin ông Obama, Tổng thống Hoa Kỳ, mời ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch Nhà nước Việt Nam đến thăm Hoa Kỳ và có tin ông Sang sẽ gặp gỡ ông Obama tại Washington D.C vào cuối tháng này.

Dân biểu Frank Wolf, đồng Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos, cảnh báo Quốc hội Hoa Kỳ rằng, trong khi đàn áp chính trị gia tăng tại Việt Nam, thay vì phải mạnh mẽ lên tiếng ủng hộ và bày tỏ tình đoàn kết với các tiếng nói bất đồng, đang ngày càng  tăng trong quần chúng tại Việt Nam thì chính phủ Hoa Kỳ và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam lại im lặng.

Dù Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã từng xác định, chính quyền Việt Nam là một chính quyền độc tài, cản trở quyền tự do bày tỏ quan điểm, lập hội, tụ tập của công dân và bắt bớ tùy tiện những người hoạt động tôn giáo.

Theo dân biểu Wolf, người dân Việt Nam và hàng triệu người Mỹ gốc Việt xứng đáng được hưởng những điều tốt hơn những gì mà ông David Shear, Đại sứ Hoa kỳ đương nhiệm tại Việt Nam, cũng như chính quyền Hoa Kỳ đang mang lại cho họ.

Vị dân biểu này nhấn mạnh, chính phủ Hoa Kỳ đã không đáp ứng được nguyện vọng của từng người dân Việt, từng người Mỹ gốc Việt quan tâm đến nhân quyền và tự do tôn giáo.

Ông Wolf dự tính sẽ tiếp tục nêu ra hàng loạt ý kiến, nhằm nêu lên sự thất bại của chính phủ Hoa Kỳ trong việc đưa nhân quyền và tự do tôn giáo vào vị trí ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Tuyên bố trước Quốc hội, ông Wolf cho biết sẽ tiếp tục có ý kiến về sự im lặng và cách hành xử chưa phù hợp của chính phủ Hoa Kỳ, trong việc ủng hộ những người bị đàn áp và bị gạt ra bên lề tại nhiều quốc gia.

Dân biểu Frank Wolf, Đồng Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos và Nhóm hoạt động về các vấn đề Việt Nam tại Quốc hội Mỹ. (Hình: VOA)
Theo ông, quyết định trao giải Nobel Hòa bình cho Tổng thống Obama vì những gắn kết của ông với nhân quyền đã dựa trên hy vọng sai lầm, chứ không dựa trên thành tích thật sự. Thực tế cho thấy chính quyền của Tổng thống Obama đã im lặng hoặc thiếu khả năng trong việc cổ xúy cho những người bị đàn áp tại nhiều quốc gia.

Dân biểu Wolf hứa, trong những ngày tới, sẽ chỉ ra những thất bại ghê gớm của chính phủ Hoa Kỳ trong việc bênh vực cho nhân quyền và quyền tự do tôn giáo trên toàn cầu.

Theo VOA, năm ngoái, dân biểu Wolf đã từng viết thư cho Tổng thống Obama, đòi cách chức ông Davis Shear, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam vì nhà ngoại giao này không cổ võ cho nhân quyền.

Ông Wolf cho rằng: Hoa Kỳ phải là tiếng nói của những người không có tiếng nói. Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam phải là một hòn đảo của tự do, nằm dưới sự lãnh đạo của một vị đại sứ dũng cảm mà đại sứ Shear không phải là một người như vậy.

Tháng trước, Hạ viện Hoa Kỳ đã tổ chức buổi điều trần về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam. Vào dịp đó, dân biểu Chris Smith – thành viên Ủy ban Đối
ngoại của Hạ viện Hoa Kỳ, nhận định rằng, có vẻ như Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã để những toan tính chính trị lấn át thực tế và sự bạo tàn trong vấn đề đàn áp tôn giáo của chính phủ Việt Nam.

Theo giới phân tích thời sự, chắc chắn việc Việt Nam gia nhập TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương) sẽ được đưa ra bàn bạc trong cuộc hội đàm giữa ông Obama, Tổng thống Hoa Kỳ và ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch Nhà nước Việt Nam, khi ông Sang đến thăm Hoa Kỳ vào cuối tháng này.

Hồi đầu tháng 5, trả lời phỏng vấn của tờ Tuổi trẻ, ông David Shear, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định, nếu Việt Nam  không có tiến bộ về dân chủ, nhân quyền thì sẽ rất khó tìm được sự ủng hộ chính trị tại Quốc hội Hoa Kỳ để cơ quan này phê chuẩn TPP.

Một nghiên cứu về lợi ích của TPP cho biết, Việt Nam sẽ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất trong các quốc gia tham gia TPP. Nhờ TPP, xuất cảng của Việt Nam sẽ tăng khoảng 28%, GDP sẽ tăng khoảng 11%.

(Người Việt)

Không có nhận xét nào: