Pages

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Ngô Nhân Dụng - Nhục quá bác Sang ơi!

Trương Tấn Sang mang danh chủ tịch nhà nước Việt Nam, bị hàng ngàn người Việt biểu tình phản đối khi vừa bước chân tới nước Mỹ. Chưa thấy ai nói những lời trâng tráo như Trương Tấn Sang!

Ðược dịp gặp tổng thống Mỹ, ông ta nói, “Cám ơn nước Mỹ đã tạo điều kiện cho người gốc Việt ở Mỹ được thành công trong cả hai mặt kinh tế và chính trị! Ông ta làm như không biết rằng hàng triệu người Việt đang sống ở nước Mỹ đều từng chạy trốn khỏi cái địa ngục mà đảng Cộng sản của ông trùm lên trên cả đất nước Việt Nam từ năm 1975! Những thuyền nhân tị nạn không ai nhờ ông làm đại diện cho họ để ngỏ lời cảm ơn cả; đại diện của họ là những người đi biểu tình trong công viên La Fayette chống chế độ tham ác mà ông là đại diện. Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích nhận xét, khi nhắc đến cả mặt “hoạt động chính trị” (political activities) của người Việt sống tại Mỹ, nghĩ lại thấy là “ông Sang qua câu đó, cám ơn các biểu-tình-viên đang la ó phái đoàn của ông ngay ở ngoài cổng Tòa Bạch Ốc!”

Nhà báo Ðức Tuấn kêu lên: “Nhục quá bác Sang ơi!” trong blog của anh. Kêu lên như thế là Ðức Tuấn quá lạc quan về tư cách con người ông Sang. Ông này không hề biết nhục. Người không bao giờ biết nhục là cái gì mới mở miệng nói một câu như vậy. Nói trâng trâng làm như cả nước Mỹ và ông tổng thống của họ không hề đọc lịch sử, không hề biết tại sao lại có hàng triệu người Việt liều chết vượt biển tìm tự do, trong đó có những người Việt đang sống ở Mỹ! Nói nghênh nghênh ngáo ngáo không khác gì mấy anh quản giáo bảo tù nhân phải “biết ơn cách mạng” vì mỗi ngày đều cho mình đi lao động! Chỉ một con người sống cả đời trong hàng ngũ cán bộ cộng sản, leo từng bước lên đến ngôi vị chủ tịch nhà nước thì mới đủ cơ hội tập được cái thái độ trơ tráo không biết hổ thẹn để phát ra được những câu như thế mà không biết mình sẽ bị cười vào mặt. Ðáng lẽ sau khi nghe Trương Tấn Sang nói những lời trơ trẽn đó, ông Barack Obama phải hỏi lại: “Thế ông chủ tịch đã viết thư cảm ơn các hãng tàu thủy quốc tế cứu giúp người Việt Nam tị nạn gặp nguy khốn trên đường vượt biển cho lên tàu hay chưa? Ngài có tặng huy chương cho Tầu Cap Anamour hay không? Họ đã chữa bệnh gần 40 ngàn người và cứu mạng sống hơn 10 ngàn người Việt sắp chết đuối trên mặt biển đó!” Ông Obama cũng có thể cũng thắc mắc trong lòng: Khi sang Bắc Kinh ông Trương Tấn Sang có ngỏ lời cảm ơn chính quyền Trung Cộng đã đón nhận những người Việt gốc Hoa bị chế độ cộng sản Việt Nam tịch thu tài sản, đuổi về Trung Quốc hay không? Phần lớn các đồng bào Việt gốc Hoa này đã sống ở Việt Nam bao nhiêu đời, chỉ nói tiếng Việt chứ không biết tiếng Trung Hoa, nhiều người đã đi lính, bị thương, nhưng vẫn bị tống ra biển bất kể sóng to gió lớn! Cũng chỉ một chế độ cộng sản mới có cái chính sách trục xuất người ta một cách táng tận lương tâm như vậy. Những người đã đánh mất lương tâm thì cũng không biết hổ thẹn.

http://baodatviet.vn/dataimages/201307/original/images1242151_Chu_tich_nuoc_truong_tan_sang_den_my_datviet.vn_2.jpg

Không biết trong gia sản của Trương Tấn Sang, có lúc được coi là người giầu nhất Sài Gòn, có bao nhiêu phần là do “đóng góp” của những người tị nạn cộng sản? Bao nhiêu ngôi nhà ở Sài Gòn đã bị tịch thâu rồi “hóa giá,” bỏ vào túi các quan cộng sản mỗi người được bao nhiêu? Thời đảng Cộng sản tổ chức vượt biên bán chính thức thì bọn Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng kiếm được bao nhiêu “cây” do đám đàn em bán bến dâng nộp? Nghe Trương Tấn Sang tới nước Mỹ mở miệng nói những lời trâng tráo như bây giờ, người ta chỉ cần nhắc lại lời phê phán tên Sở Khanh trong chuyện Kiều:
“Ðem người đẩy xuống giếng khơi / Nói rồi, rồi lại ăn lời được ngay!”

Những lời cảm ơn trâng tráo trên đây là điều dư luận còn ghi lại sau chuyến công du của Trương Tấn Sang. Bởi vì chẳng có gì khác đáng nhớ hết. Nói như Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích, kết quả chuyến đi này là “Về tay không!” Nhưng về đến nước nhà, bộ máy tuyên truyền của đảng Cộng sản là báo Nhân Dân cũng trâng tráo không khác gì Trương Tấn Sang. Bản tuyên bố chung được báo này dịch ra có đoạn viết: “Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc thiết lập cơ chế đối thoại thường kỳ giữa hai bộ trưởng ngoại giao, và khuyến khích các cuộc đối thoại và trao đổi giữa các cơ quan đảng của hai nước.”

Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích hỏi: “Hai đảng nào?” Ở nước Việt Nam mới có một đảng độc quyền cai trị ngồi trên đầu nhà nước, chứ ở nước Mỹ có đảng chính trị nào được phép làm như vậy đâu! Ông Obama thuộc đảng Dân Chủ, đảng này làm gì có “cơ quan” nào ngồi trên đầu chính phủ để “đối thoại và trao đổi” với mấy ông bà trong đảng cộng sản? Nếu có, chắc ông Obama sẽ bị đàn hặc và truất phế ngay lập tức!

Phải nói là chuyến đi của Tư Sang về tay không, vì kết quả cụ thể duy nhất là lời hứa hẹn hai chính phủ sẽ ráo riết tiến tới trong vụ Việt Nam gia nhập Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP để kết thúc vào cuối năm nay. Nhưng nếu muốn được Mỹ đồng ý cho tham dự vào hiệp định đó, cqn cộng sản Việt Nam sẽ phải nhượng bộ trong cuộc đàm phán về hàng dệt may đang xuất cảng sang Mỹ.

Năm ngoái Việt Nam xuất cảng 17 tỷ hàng hóa qua Mỹ, hàng dệt may chiếm khoảng 7 tỷ đô la. Hiện nay hàng dệt may của Việt Nam được đánh thuế thấp khi sang Mỹ, theo điều khoản ưu đãi của WTO cho các nước chậm tiến. Trong khuôn khổ TPP, các sản phẩm xuất cảng của các nước thành viên phải có xuất xứ từ các nước trong khối TPP mới được hưởng ưu đãi về thuế. Người Mỹ lo rằng Trung Quốc sẽ chuyển hàng vải sợi sang cắt may Việt Nam để được hưởng ưu đãi. Ðã có hơn 160 nghị sĩ Dân Chủ lẫn Cộng Hòa ký tên vào bức thư yêu cầu chính phủ Mỹ phải bảo đảm các loại hàng dệt may phải được sản xuất “với nguyên liệu từ một quốc gia là đối tác tự do mậu dịch của Mỹ, thì mới được nhập vào thị trường Hoa Kỳ với mức thuế ưu đãi.”

TPP là một sân chơi bình đẳng, không phân biệt quốc gia phát triển hay đang phát triển, nên không có chính sách ưu đãi như khi Việt Nam đàm phán xin gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO). Chính phủ Mỹ và một số nước thành viên tương lai của TPP vẫn chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Vào Tháng Sáu, ông Nguyễn Vũ Tùng, phó đại sứ Việt Nam ở Washington, cho biết đề nghị mới nhất của Mỹ “thực sự, thực sự rất khó để chúng tôi chấp nhận.” Như vậy thì muốn giữ lời hứa kết thúc cuộc đàm phán về TPP vào cuối năm nay, đảng Cộng sản Việt Nam sẽ phải hy sinh quyền lợi của các công ty dệt may để được chính phủ Mỹ chấp nhận!

Nhưng Ðại Sứ Mỹ David Shear tại Hà Nội mới tuyên bố rằng, “Nếu muốn quan hệ mậu dịch sát hơn, ta cần đến hiệp định TPP. Nhưng muốn những nỗ lực hợp tác ngoại giao đó thành công cần có cần thấy có sự tiến bộ về nhân quyền ở Việt Nam.” Trong khi Tư Sang ở Washington, hàng trăm nhà trí thức nước ta đã ký lá thư gửi đích danh ông ta, yêu cầu phải giải quyết ngay vụ nhà báo Ðiếu Cày đang tuyệt thực vì bị bạc đãi trong nhà tù. Ông Ðiếu Cày có thể chết bất cứ lúc nào trong khi vợ và các con ông còn chưa được gặp mặt.

Trương Tấn Sang được tiếp đón theo cung cách chưa có một vị nguyên thủ quốc gia nào phải chịu khi đến thăm nước Mỹ lần đầu. Chỉ vì xin được sang Mỹ gấp quá. Theo Giáo Sư Carl Thayer, thuộc Ðại Học Quốc Gia Úc: “Chuyến đi Mỹ của phái đoàn ông Trương Tấn Sang chỉ có hai tuần lễ để chuẩn bị. Ðây là điều rất bất thường trong các quan hệ ngoại giao quốc tế.” Tại sao phải đi gấp như vậy? Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích đoán rằng sau khi Sang đi Bắc Kinh ký kết những thứ mà Bùi Tín gọi là các “văn kiện đầu hàng” thì “về nước bị mắng nhiếc quá nên Tư Sang mới vội vã xin sang hội kiến với ông Mỹ, mong để đối trọng với ông Tàu.” Chắc không riêng mình Tư Sang lo chạy chọt xin đi gấp. Cả Bộ Chính Trị đảng Cộng sản cũng lo. Sau khi nghe dư luận khắp nước phê phán các cam kết của Hà Nội với Bắc Kinh, họ cảm thấy sợ thật. Nhất là ngay sau khi Tư Sang ở Tàu về, mới đầu Tháng Bảy, tàu Trung Quốc lại tấn công, cướp phá các tầu cá Việt Nam đang khai thác hải sản tại vùng biển Hoàng Sa. Bộ Chính Trị không biết “ăn làm sao, nói làm sao bây giờ?” Cho nên cả guồng máy ngoại giao của nhà nước phải thu xếp xin cho Tư Sang qua Mỹ, hy vọng dân Việt Nam sẽ quên mối nhục Thành Ðô nối dài. Một mình Tư Sang không đủ sức vận động chuyến đi này.

Ông Nguyễn Ngọc Bích kể lại những điều bất bình thường khi Tư Sang tới Mỹ: Không có tiếp đón long trọng, không thảm đỏ, không duyệt binh, không đại bác, không viên chức cao cấp nào từ phía Mỹ ra nghênh đón ngoại trừ ông đại sứ Mỹ ở Hà Nội, không ở nhà khách quốc gia, không có khoản đãi bằng một bữa tiệc linh đình (quốc yến, “state dinner”), không trưng cờ hai nước ngoài đường, phái đoàn Tư Sang phải thuê khách sạn ở gần Sứ quán Trung Cộng, vân vân. Ông Bích viết: “Chỉ cần so với sự tiếp đón long trọng (chính phủ Mỹ) dành cho bà Aung San Suu Kyi cách đây ít tháng là thấy hết cả sự bẽ bàng của chuyến đi. Dù như là một lãnh tụ đối lập ở trong tù ra chưa được bao lâu, bà Suu Kyi đã được mời đến nói chuyện cả với lưỡng viện Quốc Hội.”

Khi biết hình thức đón tiếp như vậy, chắc Ðức Tuấn cũng phải nhắc lại: “Nhục quá bác Sang ơi!”

Ngô Nhân Dụng

(Người Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét