Pages

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

Phải thoát Tàu


Nguyễn Văn Tuấn – Những sự việc gần đây như ngư dân VN bị Tàu tấn công nhắc nhở chúng ta rằng Tàu là cạm bẫy, là rủi ro. Các lãnh đạo VN, từ cấp thấp đến cấp cao, đều than phiền rằng mối quan hệ giữa VN và và China có quá nhiều cạm bẫy. Ấy thế mà các thế hệ lãnh đạo VN tiếp tục đưa VN vào quĩ đạo của Tàu. Những dấu hiệu dồn dập trong thời gian gần đây cho thấy nhà cầm quyền VN ngã về phía Tàu. Nói lịch sự như Alan Phan là “định hướng” Tàu. Nhưng người dân bình thường ít chữ nghĩ hơn thì nói dễ hiểu hơn: theo Tàu. Theo tức là chạy theo đuôi người ta. Theo Tàu là bắt chước và chạy theo đuôi Tàu.

Trước hết là một thắc mắc nhỏ về chữ “Trung Quốc”. Hiểu theo nghĩa thông thường Trung Quốc là “quốc gia trung tâm”. Nhưng nghĩa đằng sau có lẽ là trung tâm của thế giới, là middle kingdom. Nhưng có lẽ VN là nước duy nhất trên thế giới gọi China là “Trung Quốc”. Trước 1975, ở miền Nam chẳng có danh từ Trung Quốc. Nhưng sau này tự nhiên chữ Trung Quốc xuất hiện, và trở thành chính thức. Cách gọi đó cũng là một cách thần phục chăng? Tôi nghĩ cách thích hợp nhất là gọi họ là China, hay ngắn hơn là Tàu. Hai cách gọi này chẳng có ý xúc phạm họ và dứt khoát chẳng có ý nghĩa thần phục họ.
Ngày nay, phải thừa nhận rằng VN rất giống Tàu. Hình như cái gì Tàu có thì ta cũng có. Kinh tế thì rập khuôn theo Tàu, nhưng sau họ cả chục năm. Tàu có nhóm lợi ích thì VN cũng có. Tàu có phong trào “thái tử đỏ” thì VN cũng có nhưng qui mô nhỏ hơn. Tàu có tình trạng gian lận bằng cấp và gian dối khoa học thì VN cũng y chang. Ngay cả tên tờ báo (như Nhân Dân) mà cũng y chang như Tàu. Đồng phục quân đội cũng na ná giống Tàu, rất khó phân biệt. Sự rập khuôn theo Tàu phải nói là đáng kinh ngạc!
Càng kinh ngạc hơn về sự hiện diện của Tàu trên toàn nước VN. Hơn 90% (?) những gói thầu xây cất là của người Tàu. Mỗi công trình, từ cầu đường đến nhà máy,Tàu xây xong là một thảm hoạ cho VN. Báo chí VN đã từng đưa tin người Tàu ồ ạt sang VN làm công nhân và ở lại. Tôi kinh ngạc khi biết họ về tận các vùng sâu như U Minh (căn cứ cách mạng ngày xưa) lấy vợ và ở luôn trong đó. Vùng Tây Nguyên người Tàu đã có mặt trên 10 năm nay. Có những nơi thậm chí hình thành nhưng khu phố Tàu. Mới đây ở Vịnh Hạ Long hàng quán Tàu cũng xuất hiện làm cho người ta không biết đó là phố ở Tàu hay ở Việt Nam? Một điều trớ trêu là Việt kiều về thăm VN thì bị kiểm tra gắt gao (thậm chí theo dõi), còn Tàu vào VN thì … thoải mái. Tàu chẳng những vào VN mà còn định cư luôn ở VN, nhưng hỏi chính quyền thì người này đùn đẩy cho người kia.
Ở VN các bậc tiền bối đã từng hô hào “thoát Á luận” hay “thoát Trung luận”. Người dân chẳng cần dấu diếm gì để gọi Tàu là kẻ thù của VN. Chẳng những là kẻ thù, mà quan trọng hơn là “kẻ thù truyền kiếp”. Đó là cách hiểu của phần đông người Việt. Cho đến ngay nay, kẻ thù truyền kiếp này vẫn xứng đáng với cách gọi đó, vì chúng còn đang gieo rắc đau khổ cho người Việt. Do đó, không ngạc nhiên khi các bậc tiền bối thuyết phục rằng cần phải thoát khỏi ảnh hưởng của Tàu thì VN mới cất cánh được. Ấy thế mà ngày nay VN đang ngã theo quĩ đạo của Tàu.
Dĩ nhiên, ngoài mặt thì nhà cầm quyền chối rất hăng: chúng tôi chẳng theo ai cả. Nhưng tín hiệu rò rỉ đây đó cho thấy không ít người đương quyền theo Tàu, hay thậm chí thờ Tàu. Một ông đại tá phó giáo sư nhắc nhở các hiệu trưởng đại học rằng Tàu và VN có cùng ông tổ: Mác Lê. Một quan chức ngoại giao chuyên về đàm phán biên giới cho rằng việc Tàu cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của ta như là ông anh cả phạt nhẹ thằng em nhỏ. Báo chí thì rất say sưa với những màn tuyên truyền về sức mạnh quân sự của Tàu, về sự hiện đại của Tàu, như hàm ý nói theo Tàu là đúng hướng. Đúng hướng hay không thì chưa biết, nhưng những viễn ảnh theo Tàu đã được bác Alan Phan vẽ ra trước đây, và phải nói là rùng rợn. Nếu theo Tàu mà không rùng rợn thì VN chắc cũng thê thảm.
Dân gian bây giờ truyền tụng câu “Theo Tàu thì mất nước, theo Tây thì mất đảng.” Tây ở đây là Mĩ. Trong thực tế thì chúng ta đã mất một phần Thác Bản Giốc. Nghe đâu diện tích đất VN mất về Tàu tương đương diện tích tỉnh Thái Bình. Dân thì đồn đại mà Nhà nước thì im lặng. Sự im lặng của nhà cầm quyền càng tăng trọng lượng lời đồn mất đất. Còn mất biển thì chúng ta đã và đang thấy. Còn đâu câu nói giữ từng tất đất của tiền nhân. Còn đâu câu “hãy cùng nhau giữ nước”. Rất khó “cùng nhau” khi người trẻ xuống đường chống kẻ thù thì bị đi tù.
Nhưng từ xưa đến nay, từ Âu dang Á, chưa có nước nào theo Tàu mà phát triển nổi. Tấm gương cụ thể nhất là VN. Trong và sau thời chiến theo Tàu mà đến nay thì càng lúc càng tụt hạng. Trước đó, Tàu đừng đô hộ VN, và chúng đã ăn cắp biết bao tài sản của VN. Chúng đã đốt sách của ta. Những dĩ nhiên trong thời gian dài đô hộ đó hai nước cũng có giao thoa văn hoá, tốt có, xấu có.
Ngược lại, hình như nước nào thoát khỏi vòng kiềm toả của Tàu, hay thoát khỏi tư duy Á châu thì khá lên thấy rõ. Tôi có lần nói chuyện với giới trí thức Nhật, và họ cho biết rằng Nhật vẫn xem Tàu là “đàn anh”. Dù xem là đàn anh, nhưng Nhật rất khinh Tàu. Người Nhật cũng sớm thoát ảnh hưởng của các tư tưởng Tàu, sẵn sàng du nhập tư tưởng phương Tây từ rất lâu, và chúng ta đã thấy Nhật trở thành cường quốc như thế nào. Một “kẻ thù” của Nhật là Hàn Quốc, nhưng khác với Tàu, người Nhật có vẻ kính nể người Hàn. Hàn Quốc cũng vứt bỏ Tàu để làm bạn với Âu Mĩ, và chúng ta thấy Hàn Quốc đang phát triển ngoạn mục.
Tàu dĩ nhiên từng có một nền văn minh sáng chói. Tàu cũng là một trong những cái nôi văn hoá lớn. Nhưng đó là Tàu của ngàn năm trước, chứ Tàu ngày nay thì chẳng có gì để chúng ta phải học. Dưới chế độ Mao, thay vào những nét văn hoá tinh tuý nhất là tinh thần quốc gia chủ nghĩa hẹp hòi, là vô văn hoá, là lưu manh. Các quan chức Tàu khi ra ngoài hành xử như nhưng kẻ côn đồ thất học và vô văn hoá. Người Tàu ra ngoài cũng thể hiện cái cốt lõi bần tiện và man di của họ. Do đó, người ngoài, kể cả người Á châu, rất khinh Tàu.
Cá nhân tôi nghĩ VN cần phải thoát Tàu và ủng hộ những tư tưởng thoát Tàu. Chúng ta có câu “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Tàu là cạm bẫy, là mực đen; Âu Mĩ là ánh sáng (cũng có góc tối, nhưng nói chung là sáng hơn Tàu). Vậy thì lựa chọn đã quá rõ. Chẳng những thoát Tàu mà còn thoát Á (như Nhật vậy). Thoát Tàu không có nghĩa là chúng ta không chơi với họ. Thật ra tôi có nhiều bạn Tàu, học trò Tàu, nhưng chúng tôi duy trì tình bạn, tình đồng nghiệp, chứ dứt khoát không học cách ứng xử Tàu của họ. Ông bà mình có câu “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Nếu mỗi chúng ta nhận ra những cái gì của Tàu trong đầu mình và cách làm của mình hàng ngày, và lọai bỏ chúng thì dần dần chúng ta sẽ có đủ momentum để thoát Tàu. Để nhận ra những thói đó chỉ cần đọc cuốn “Người Trung Quốc xấu xí” thì biết ngay.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Không có nhận xét nào: