Pages

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

SAU KHI NÓI CẦN PHẢI LÀM

Mỗi ngày trôi qua trung bình 30 mạng sống phải lìa đời vì tai nạn giao thông ở nước ta. Tình trạng hao tổn mạng sống tựa như thời chiến ấy buộc các cơ quan Nhà nước phải tìm ra chiến lược đối phó. Người ta nhận thấy đằng sau mỗi tai nạn thương tâm đều có dấu vết của quản lý nhà nước yếu kém. Từ cấp phép kinh doanh vận tải, cấp phép lái xe, kiểm định, thanh tra, cho tới cảnh sát giao thông, buông lỏng quản lý và tiêu cực là nguyên nhân sâu xa đã dẫn tới nhiều thảm họa. Bởi thế, theo lời ông Bộ trưởng GTVT: cứ giảm 5% tiêu cực trong quản lý nhà nước, có thể giảm được 30% tai nạn giao thông.

 Để minh họa cho những tiêu cực ấy, ông Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng cung cấp ngay một ví dụ thật sống động cho sự buông lỏng quản lý rằng 90% các doanh nghiệp vận tải của tỉnh này không phép mà vẫn kinh doanh. Yếu kém từ kiểm định lưu hành, cấp phép lái xe, sát hạch định kỳ cho tới tiêu cực trong xử lý vi phạm giao thông, chính hành vi của cơ quan quản lý nhà nước đã là gốc rễ sâu xa làm cho thực trạng pháp luật về ATGT của nước ta tuy nhằng nhịt trên giấy song bị khinh lờn ngoài đời. Cũng bởi vậy thói quen ứng xử văn minh của người dân trong giao thông công cộng không thể nào xác lập được.
 Muốn giảm tai nạn giao thông, phải thiết lập những sức ép buộc Nhà nước phải làm chính bài tập của mình. Muốn vậy phải phân công và xác lập trách nhiệm công vụ rõ ràng. Là người đứng đầu một Sở, nếu biết 90% doanh nghiệp không phép mà vẫn cho họ kinh doanh, chấp nhận thực trạng vô pháp luật ấy, ông Giám đốc đã buông vũ khí đầu hàng rủi ro giao thông. Thay vì chê trách ý thức người dân hay đổ lỗi cho kinh phí hạn hẹp, đường xá xuống cấp, muốn hạn chế tai nạn giao thông phải bắt đầu bằng xem xét trách nhiệm các ông giám đốc và cách chức họ khi cần thiết.
 Công cuộc giảm 5% tiêu cực trong quản lý nhà nước về giao thông, sau khi đã nói nhiều, cần phải làm. Ông Bộ trưởng GTVT một thời muốn có đủ quyền làm tư lệnh ngành, trước kẻ thù là tai nạn giao thông, ông ấy muốn từng chiến sĩ của mình không buông vũ khí. Muốn vậy phải có những sức ép canh chừng và hối thúc từng chỉ huy và chiến sĩ thực thi bổn phận của mình. Nếu thiếu một áp lực liên tục hối thúc chính khách trả lời và chịu trách nhiệm trước nhân dân, mọi lời hứa sẽ thoảng qua nhanh, giao thông nước ta vẫn là một cuộc tranh giành đường đi kinh hãi của đủ loại phương tiện.
 Sau khi nói, cần phải làm. Cơ quan quản lý nhà nước không được buông vũ khí quản lý của mình. Để hối thúc điều đó, người dân không được phép buông quyền được biết, được tham gia, được hối thúc quan chức trả lời về những việc mình làm. Vũ khí tự vệ của nhân dân, kể cả chống lại bất an toàn giao thông, hóa ra cũng chính là một nền dân chủ.

Không có nhận xét nào: