Pages

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Song Chi - Chính khách, quan chức Việt cần phải thay đổi não trạng

Ai cũng biết, quan chức VN từ cấp thấp nhất cho đến cấp lãnh đạo cao nhất đều không do dân thực sự bầu ra, cũng không qua những vòng tuyển chọn, thử thách công khai, minh bạch mà do rất nhiều con đường “khó hiểu” khác nhau: do lý lịch, thân thế, con em cháu cha, do quan hệ thân quen, do chạy tiền mua chức mua quan, thậm chí chỉ là do sống lâu lên lão làng v.v…

Chính vì vậy, hiếm khi có những nhân vật có kiến thức thật sự, có tài, có lòng với đất nước, với nhân dân. Phần lớn trong số họ hoặc là những con sâu tham nhũng, chuyên đục khoét của cải của đất nước, nhân dân, những kẻ chỉ biết nhăm nhăm nghĩ cách nào để vơ vét cho đầy túi tham, hoặc là những kẻ cơ hội, đội trên đạp dưới, gió chiều nào xoay chiều ấy, hoặc bất tài, ăn hại, hoặc tư cách tồi tệ, ăn chơi phung phí, hoặc quan liêu, vô cảm trước nỗi khổ của nhân dân…

Bức chân dung đen của đa số quan chức, nhân vật lãnh đạo ở VN thật phong phú, đa dạng. Nhưng nhìn chung, họ đều có những đặc điểm: dốt nát, vô cảm, và rất thiếu lòng tự trọng.
Dốt nát cho nên cứ mỗi lần họ mở miệng ra là người dân lại choáng, sửng sốt, phẫn nộ hoặc không thể nào nhịn được cười. Và ngay lập tức những giai thoại châm biếm, khôi hài đen về câu nói của một vị quan chức nào đó lại lan truyền rất nhanh trong dân chúng.

Không thể nào kể hết những câu nói thuộc loại “đỉnh cao trí tuệ” của quan chức Việt. Cứ thử nhìn lại từ các nhân vật trong Bộ Chính trị, các Bộ trưởng, Thứ trưởng…trở xuống, có được mấy khuôn mặt là không từng ít nhất vài lần trong nhiệm kỳ của mình, đã phát biểu một câu cực kỳ dốt nát nào đó?

Có thể có người bênh vực sẽ bảo rằng đó là vì chính khách ở VN không được đào tạo một cách bài bản nên vụng về đường ăn nói. Còn chính khách ở nước khác, nhất là ở các nước dân chủ phát triển, một khi muốn bước vào con đường chính trị thì phải học hành đàng hoàng. Không chỉ học để có kiến thức rộng, chuyên môn vững chắc, tầm nhìn xa, tư duy nhạy bén, mà còn phải học làm chính khách. Từ học ăn học nói-nói với nhân dân, nói trước đám đông, tranh cãi hùng biện với các đối thủ, trả lời phỏng vấn của phóng viên báo chí, nói năng khi đi ra bên ngoài tiếp xúc với những nhân vật quan trọng, nguyên thủ quốc gia các nước …Cho đến cách hành xử với tất cả mọi đối tượng trong mọi hoàn cảnh khác nhau.

Đây đúng là một điểm yếu của chính khách, quan chức Việt. Nhưng vấn đề là họ không chỉ dốt nát về kiến thức, chuyên môn hoặc vụng về trong đường ăn nói, thiếu kinh nghiệm ứng xử…Cái chính là họ rất liều, nói lấy được, nhiều lúc rất tự tin, hùng hồn là khác, mà dân ta vẫn quen gọi là “chém gió”, họ nói bất kể người nghe có tin hay không…

Chẳng hạn, tình hình nhân quyền ở VN tồi tệ ra sao, VN có tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị hay không, người dân trong nước cũng như thế giới quá rõ. Thế nhưng, các quan vẫn cứ cãi chày cãi cối rằng ở VN dân chủ gấp vạn lần các nước tư bản, ở VN không có tù nhân chính trị mà chỉ có những kẻ vi phạm pháp luật, người dân đi biểu tình phản đối TQ xâm lược hay Việt kiều đi biểu tình phản đối nhà cầm quyền VN “hèn với giặc ác với dân” thì họ phản bác rằng đi biểu tình vì bị các thế lực thù địch xúi giục, vì hận thù cá nhân, và vì được cho tiền…

Trong từng lĩnh vực cũng thế, những người chịu trách nhiệm cao nhất cứ thế mà phát biểu bất chấp thực tế, đúng sai. Trong ngành Y, 2 năm gần đây bao nhiêu trẻ em chết vì tiêm vaccine nhưng các vị trong Bộ Y tế vẫn tuyên bố vaccine loại này an toàn, cứ tiếp tục tiêm. Thực phẩm bẩn nhưng vẫn trong ngưỡng an toàn, bà con cứ việc ăn. Hàng ngàn điểm 0 trong một kỳ thi đại học là chuyện bình thường. Nợ xấu cũng trong ngưỡng an toàn, không lo. Đánh thuế nhiều, vô lý, dân kêu thì lại bảo đóng thuế là yêu nước, lạm phát cao nhưng không ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, giá vàng trong nước cao hơn hẳn nước ngoài là có lợi cho dân. Rồi tình hình biển Đông vẫn chưa có gì mới, nào biển của ta, ta cứ đánh bắt, mặc cho ngư dân thường xuyên bị tàu TQ rượt đuổi, bắn phá, đánh đập, cướp sạch từ hải sản, ngư cụ, xăng dầu…mà không ai bảo vệ v.v…

Họ cũng bất chấp hậu quả, cứ nói, cứ hứa…Bởi vì chỉ có trong một cơ chế chính trị như ở VN thì quan chức dù nói sai nói bậy, nói liều, hứa mà không làm…cũng chẳng sao, chả ai bị cách chức, hay bị kỷ luật gì. Cứ xem ngay ông Thủ tướng khi mới nhậm chức từng hứa nếu không trừ được tham nhũng sẽ từ chức, bây giờ sau hơn một nhiệm kỳ của ông, nạn tham nhũng càng phát triển tràn lan với mức độ thiệt hại kinh khủng cho đất nước nhưng ông Thủ tướng thì đã quên béng lời hứa và vẫn điềm nhiên tại vị.

Chính khách, quan chức Việt cũng hầu như không bao giờ thừa nhận mình sai, không bao giờ nhận lỗi, càng rất hiếm khi có được một lời xin lỗi. Khi bị dư luận “bắt giò” sự dốt nát hay cái sai sót, phản ứng đầu tiên là họ bảo vệ cái sai của mình đến cùng dù càng nói thì càng sai, hoặc ngụy biện, chống chế đủ kiểu. Cùng lắm không thể nói càn được nữa thì họ đánh bài lờ, hoặc có nhận lỗi nhưng quấy quá cho xong và sau đó, tình hình vẫn không có gì cải thiện.
Một cái bệnh rất nặng khác của quan chức Việt là bệnh quan liêu, vô cảm, xa rời nhân dân, xa rời thực tế. Mười mấy ngàn người chết vì tai nạn giao thông hàng năm hay 27,000 trẻ em sơ sinh chết hàng năm vì những nguyên nhân khác nhau, hàng trăm ca bệnh tử vong vì nạn dịch tay chân miệng, hay hai chục trẻ sơ sinh chết vì tiêm vaccine không làm cho những tư lệnh đầu ngành là ông Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hay bà Bộ trưởng Bộ Y tế mảy may động lòng, dù miệng họ có tỏ ra đau xót bằng lời nhưng vẫn không có một hành động nào để thay đổi hiện trạng.

Nhìn rộng hơn, sự lạc hậu của đất nước so với các nước láng giềng sau mấy mươi năm, nỗi khổ của nhân dân không làm cho những người lãnh đạo cao nhất trăn trở để biết đặt quyền lợi của đất nước, dân tộc lên trên hết, tìm một con đường, một lối thoát cho nước cho dân mà cũng là cho chính mình.

Chính khách, quan chức Việt cũng là những người rất thiếu liêm sỉ, lòng tự trọng. Dù bất tài, dù làm sai, gây ra bao nhiêu thiệt hại nghiêm trọng nhưng họ không bị cách chức, càng kiên quyết không từ chức. Nhìn sang TQ, một quốc gia có mô hình thế chế chính trị rất giống với VN do hai đảng cộng sản “anh em” lãnh đạo, quan chức ở quốc gia này cũng tham nhũng, bất tài, sa đọa, tha hóa, nhưng ít ra nhà cầm quyền TQ cũng xử lý mạnh tay. Có khá nhiều quan tham, dâm quan TQ phải rớt chức, vào tù, thậm chí bị tử hình. Nhưng ở VN rất hiếm quan chức bị xử lý nặng về tội tham nhũng, hối lộ, lạm dụng quyền lực, tử hình lại càng không.
Giả sử bây giờ các chính khách, quan chức ở VN có được đào tạo bài bản để làm quan, biết cách ăn nói, ứng xử lấy lòng dư luận, nhưng nếu họ không thành tâm, trung thực, hết lòng với dân với nước, thì mọi lời nói, hành vi giả dối bề ngoài cũng chẳng đánh lừa được ai mãi.
Điều đầu tiên, họ phải thay đổi não trạng. Với những người lãnh đạo đảng và nhà nước, phải thay đổi lối suy nghĩ tự cho chỉ có đảng và nhà nước, nói chính xác chỉ có 16 vị trong Bộ Chính trị, là được quyền quyết định mọi chuyện có liên quan đến vận mệnh đất nước, còn 90 triệu người dân không có quyền được biết, được bàn, được giám sát, phản đối. Phải thay đổi lối nghĩ luôn luôn đặt quyền lợi của đảng, của chế độ và bản thân lên trên quyền lợi của đất nước, dân tộc, cái quyết tâm chỉ bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ đến cùng bất chấp sự tồn vong của đất nước, nỗi khốn cùng của nhân dân.

Với đa số quan chức, là thay đổi cái quan niệm tự cho mình là quan thì có quyền muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm, coi dân như con, không những thế như cỏ rác, trong khi ngược lại, quan chức ở các nước dân chủ đều hiểu rất rõ rằng quan là do dân bầu ra, dân nuôi bằng đồng thuế mồ hôi nước mắt của mình để đại diện cho dân mà làm việc và nếu không làm việc được thì dân có quyền yêu cầu cách chức, từ chức. Hay quan điểm làm quan là để vinh thân phì gia, một người làm quan cả họ được nhờ, làm quan thì phải trung thành với đảng, với thể chế, trong khi làm quan là làm công bộc cho dân, cho nước.

Một khi não trạng bên trong đã thay đổi thì mọi lời nói, hành vi ứng xử, cung cách làm việc phục vụ nhân dân của họ sẽ khác. Lẽ tự nhiên là thế.

(RFA’s blog)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét