Pages

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Trẻ tử vong sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B : Phản ứng tại Việt Nam

Vắc-xin phòng viêm gan B  DR
Trọng Thành
Báo chí trong nước đưa tin ngày 20/07/2013, ngay sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B, ''3 em bé sơ sinh ở Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, tím tái, lịm dần rồi qua đời''. Việc các trẻ nhỏ qua đời đồng loạt ngay sau khi tiêm phòng gây chấn động công luận Việt Nam. Các tai biến kể trên như ''giọt nước tràn ly'' khiến một bộ phận công luận có những phản ứng mạnh mẽ đối với Bộ Y tế và trước hết là cá nhân bà Bộ trưởng.
Theo báo chí trong nước, có mặt tại Quảng Trị vào ngày 21/07, một ngày sau khi xảy ra 3 vụ tử vong hết sức bất thường này, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, không hề có biểu hiện nào chia sẻ với các gia đình nạn nhân, hoặc một cử chỉ hướng đến các gia đình này. Bà Bộ trưởng đã có chương trình tham dự lễ khởi công xây dựng nhà tháp chuông tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Gio Linh (Quảng Trị) và thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, và nhiều chương trình làm việc khác tại tỉnh này.
Trong lúc dư luận rất bàng hoàng về việc này, thì tại một bệnh viên ở Bình Thuận, lại xảy ra việc 1 trẻ sơ sinh tử vong khoảng 10 giờ, cũng sau khi tiêm chủng loại vắc-xin này vào hôm sau 21/07.
Ngày 24/07, dân cư mạng lưu truyền bản lấy chữ ký yêu cầu bà Bộ trưởng từ chức. Tính cho đến ngày 26/07, có hơn 5.000 người ký tên vào đề nghị này.
Kết luận ban đầu về cái chết của các em bé, ngày 24/07, đoàn chuyên gia của Bộ Y tế đưa ra đánh giá, lý do tử vong của các em là « do sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân ». Ngày 26/07, Bộ trưởng Y tế gửi « công văn hỏa tốc » đề nghị Bộ Công an điều tra khách quan về vụ này. Quyết định gửi thư hỏa tốc sang bên Công an có vẻ như hết sức tương phản với thái độ không thực sự vội vã của bà Bộ trưởng trước đó ít hôm (ngày 24/07) : « Sẽ không có bao che, mà công khai, minh bạch nguyên nhân. Trách nhiệm của ai sẽ xử lý người đó. Lỗi của vắc-xin thì xử vắc-xin, lỗi do người tiêm, xử người tiêm, lỗi do kỹ thuật xử lý kỹ thuật ».
Việt Nam, một nước được coi là có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B cao, hiện đang thực hiện chương trình tiêm chủng đại trà cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ sau khi chào đời, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Tai biến hết sức nghiêm trọng kể trên khiến rất nhiều người lo ngại cho số phận của con em mình. Trong không khí đầy lo âu này, một câu hỏi lớn được đặt ra trong xã hội, trong giới chuyên gia cũng như các gia đình : Tiêm hay không nên tiêm vắc-xin cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh ?
Bản thân trong giới y tế, cũng phân thành hai luồng quan điểm. Một bên cho rằng, để giảm thiểu nguy cơ, chỉ nên tiêm cho trẻ nào có mẹ mang virus viêm gan B (như vậy, điều này đi kèm với việc xét nghiệm virus cho thai phụ) và đồng thời có thể lùi thời điểm tiêm chủng khi trẻ cứng cáp hơn. Luồng quan điểm thứ hai khẳng định tiêm đại trà trong vòng 24 giờ đầu là rất cần thiết, và bản thân vắc-xin viêm gan đã chứng tỏ là một loại vắc-xin an toàn, vấn đề chủ yếu ở đây là phải bảo đảm được chất lượng vắc-xin.
Để cung cấp một cái nhìn đa chiều về vấn đề này, sau đây chúng tôi xin giới thiệu những tiếng nói từ phía các bác sĩ, cũng như những người lo ngại cho vận mệnh của con em mình trước nguy cơ tiêm vắc-xin phòng virus viêm gan B nói riêng và việc tiêm chủng nói chung.
Các khách mời của tạp chí hôm nay là Giáo sư-Bác sĩ Trần Tịnh Hiền (Sài Gòn), Bác sĩ-Tiến sĩ Trần Tuấn (Hà Nội), Bác sĩ-Tiến sĩ Nguyễn Đình Nguyên (Sydney), Bác sĩ Nguyễn Thu Hằng (Hà Nội) và các chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức Blogger Mẹ Nấm – Nha Trang),  Nguyễn Trang Như (Sài Gòn), Trịnh Kim Tiến (Sài Gòn), cùng anh Lê Hào (Sài Gòn).

Phần phỏng vấn
 
31/07/2013
 
 

Thái độ của lãnh đạo Bộ Y tế ngay sau vụ ba em bé tử vong lập tức khiến nhiều người phẫn nộ. Vì sao có những cảm xúc bột phát như vậy ? Chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ghi nhận :
“Khi mà mọi người đang nháo nhào lên, để đi tìm nguyên nhân này nọ, thì bà Kim Tiến bà ấy cũng ở Quảng Trị, nhưng lại đi tham dự một lễ khởi công một nghĩa trang liệt sĩ mặc dù nó gần huyện, nhưng mà bà ấy không đi thăm, cũng không ngỏ lời chia buồn cùng với gia đình, nhất là bà lý giải lịch công tác của bà ấy đã được sắp xếp kín, và cái này bà đã giao bộ, ngành khác, tức là đã có đoàn thanh tra để làm việc rồi, thì bà ấy cũng không cần phải đến.
Tôi nghĩ, với truyền thống, nghĩa tử (là) nghĩa tận của người Việt, thì hành động đó của bà Bộ trưởng Y tế là giọt nước cuối cùng làm tràn ly sự phẫn nộ của rất nhiều người”.
Bộ Y tế truy tầm nguyên nhân gây tử vong
Để có một góc nhìn khác về phản ứng của Bộ Y tế Việt Nam trong vụ việc này, sau đây mời quý vị nghe tiếng nói của Giáo sư - Bác sĩ Trần Tịnh Hiền, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM :
“Thực ra những cái gì đã làm, thì ở đây Bộ Y tế cũng đã làm rồi tức là từ việc điều tra, khám nghiệm cháu đã bị tử vong, tức là làm autopsie đó. Thì tụi tôi cũng chỉ theo dõi báo chí mà biết. Cái thứ hai là điều tra về cái chất lượng vắc-xin và cái quy trình tiêm, cái ống trích, cái kim, rồi tất cả cái vấn đề bảo quản. Thì cũng có nhiều ý kiến, thì cũng nói rồi, tức là nếu có sự cố gì về vấn đề bảo quản, ví dụ như nói đến vấn đề mất điện, thì cùng lắm làm vắc-xin mất cái tác dụng. Còn để nó biến đối thành một cái chất để gây tử vong, mà theo các báo cáo nói là cái sốc phản vệ, thì cũng khó mà xảy ra cùng một lúc.
Bây giờ vấn đề là phải chờ phân tích lại cái lô đó như thế nào, cụ thể là cái nhóm vắc-xin được đưa về trong cái bệnh viện đấy để kiểm tra và phân tích xem thử có gì không. Thì cái phần mà làm autopsie, tức là giải phẫu tử thi, giải phẫu bệnh cũng đã làm rồi, theo báo cáo nói là phù hợp với hội chứng gọi là “sốc phản vệ”.
Trong số các nguyên nhân gây tử vong, nhiều chuyên gia bác sĩ cho rằng, phải tìm chủ yếu trong chất lượng của vắc-xin, đây cũng là nhận định của Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên :
« Trong trường hợp xảy ra ba trẻ liên tục, thì trường hợp đó không thể gọi là phản ứng nghiêm trọng của vắc-xin được nữa. Như vậy, nguyên nhân là ở đâu ? Có thể quy kết rằng xác suất do cái bản thân vắc-xin mình kỳ vọng gây phản ứng cho trẻ không. Câu trả lời của tôi đó là : Không có khả năng đó. Giống như xác suất ba người trong cùng một nơi, mà liên tục “trúng số độc đắc”, mà ở tỷ lệ dưới một triệu người mới có một người, chuyện đó xẩy ra vào thời điểm quá gần nhau, tại cùng một địa điểm, thì các xác suất đó gần như không có thể xẩy ra. Nguyên nhân đầu tiên mình phải quy kết là lô vắc-xin đó có vấn đề. »
Tâm trạng hoang mang phổ biến
Trong khi Bộ Y tế còn loay hoay trong cuộc truy tìm nguyên nhân gây tử vong, thì chương trình tiêm chủng viêm gan B toàn quốc vẫn được thực hiện. Mặc dù, Bộ Y tế khẳng định đang điều tra về chất lượng lô vắc-xin có liên quan đến cái chết của các em bé, nhiều người vẫn cảm thấy rất hoài nghi về khả năng Bộ Y tế thực sự đi đến một kết luận khách quan trong vấn đề này. Và sau khi hai lô vắc-xin có vấn đề đã được quyết định ngưng lại, dường như rất nhiều người vẫn lo ngại là Bộ Y tế vẫn tiếp tục sử dụng loại vắc-xin của cùng một công ty sản xuất.
Về những ám ảnh lo sợ của sản phụ trong việc tiêm chủng cho bé sơ sinh sau khi chào đời, chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một người có con nhỏ, chia sẻ những quan sát và trải nghiệm của chị :
« Thực sự thì nếu ai đưa con đi sinh ở bệnh viện công, thì sẽ thấy một điều như thế này : Khi em bé sinh ra, bệnh viện đưa em bé đi chích ngừa mà không có thông báo gì với mình hết, tức là tôi chỉ biết là con tôi đã được chích ngừa một mũi viêm gan B thôi, sau khi làm giấy xuất viện. Và ở đó thì họ cũng đưa cho tôi một cái phiếu là bé đã trích ngừa viêm gan, và cũng chẳng có nói là đến ngày nào thì đi trích ngừa lại. Cho nên, cái chuyện mà trẻ tử vong sau khi tiêm vắc-xin đó, và bây giờ Bộ Y tế đang tìm cách đẩy trách nhiệm đó, hoặc kết luận là không phải do vắc-xin. Nó thực sự là chuyện đáng báo động. Bởi vì thứ nhất là những trẻ sơ sinh ở Việt Nam không có sự lựa chọn trong chương trình tiêm chủng từ xưa đến giờ ».
Còn sau đây là suy nghĩ của chị Trịnh Kim Tiến, một thai phụ :
« Bây giờ, ở Bộ Y tế họ vẫn cho tiêm chủng vắc-xin viêm gan B đó, mặc dù đã xẩy ra những chuyện như vậy. Nhưng mà bây giờ, đợi điều tra, thì họ cứ nói rằng là Bộ Y tế và Bộ Công an đang kết hợp điều tra. Thì nếu như mà, những người như chúng tôi đợi họ điều tra, thì trong khoảng thời gian mà họ điều tra như thế, không biết đến bao giờ mới có kết quả, thì sẽ có rất là nhiều, rất là nhiều đứa trẻ sẽ được tiêm phòng. Và trong số rất là nhiều đứa trẻ đó, tôi không thể nào chắc chắn rằng là, sẽ không xẩy ra cái trường hợp tương tự ».
Bác sĩ Nguyễn Thu Hằng cho biết những so sánh của chị về sự khác biệt rất lớn giữa việc tiêm chủng trước kia và tiêm chủng hiện nay :
« Bản thân tôi là bác sĩ nhi, ngày trước việc tư vấn, động viên cha mẹ cho con đi tiêm phòng là việc làm tự nhiên trong nghề của mình, con mình sinh ra cũng đưa con đi tiêm phòng trong tâm trạng vui vẻ, tin tưởng một cách tự nhiên, đưa con đi tiêm phòng về cũng chỉ phải lo việc con có phản ứng đau, hoặc sốt, hoặc sưng tấy vết tiêm là cùng, vì vẫn biết rằng yếu tố nguy cơ cao là rất thấp. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều lúc có những cha mẹ đặt câu hỏi về việc tiêm phòng cho trẻ con với mình, mình cũng thây khó trả lời, và khi có cháu trong gia đình cần đi tiêm phòng, chính mình cũng có tâm trạng lo âu, căng thẳng trong suốt một ngày đầu tiên, chỉ sợ lỡ không may cháu mình cũng bị rơi vào sự rủi ro như một số cháu bé đã chết vì tiêm phòng trong thời gian gần đây.
Hơn chục năm trở về trước, phần lớn vắc-xin sử dụng tại Việt Nam là vắc-xin được tài trợ bởi các nước phát triển, đã được kiểm định khá chặt chẽ, nên khi tiêm cho trẻ, thường có thể chỉ gặp một số phản ứng phụ, rất ít trường hợp nguy hiểm chết người. Vì vậy, hồi đó, đưa con cái đi tiêm phòng là sống trong tâm trạng tin tưởng, là biết con mình sẽ tránh được một số bệnh nguy hiểm.
Từ khoảng hơn chục năm trở lại đây, ngoài vắc-xin được các nước tài trợ, thì còn có nguồn vắc-xin sản xuất trong nước, hoặc nhập của nước ngoài. Đồng thời cũng có sự xuất hiện của một số cơ sở tiêm phòng dịch vụ.... Vì đã đang thiếu lòng tin vào các sản phẩm trong nước, nên thời gian đầu, hầu hết những người có chút ít điều kiện đều chọn hình thức tiêm phòng dịch vụ để con họ được hưởng vắc-xin nhập ngoại. Nhưng trong tình hình hiện nay, đứng trước một số sự việc bê bối của một số cơ sở tiêm dịch vụ như vụ bớt vắc-xin, tiêm không đủ lượng..., cộng với những thông tin liên tục về trẻ chết sau khi tiêm vắc-xin... thì tôi nghĩ là rất nhiều người cảm thấy liên quan, lo lắng và hoang mang, không biết quyết định thế nào cho đúng ».
Giải thích về nguyên nhân của nỗi lo lắng của các bậc cha mẹ trong bối cảnh hiện nay. Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Tuấn, một chuyên gia về y tế cộng đồng và chính sách y tế, Giám đốc RTCCD (Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng) cho biết :
« Vấn đề dân hoang mang điểm chính nằm không phải là vấn đề (nhận thức về) lợi ích của vắc-xin, không phải là vấn đề cứ nghĩ đến tiêm vắc-xin là gây thêm bệnh cho con mình, hoặc có thể có những tai biến xẩy ra. Mà cái điểm chính là dân hoang mang, không biết là căn nguyên tử vong của trẻ này, cụ thể là cái gì, để mà về sau còn biết phòng tránh. Hay nói khác đi, dân hoang mang bởi vì nói khác đi vì những sự giải thích từ Bộ Y tế liên quan đến tình huống xẩy ra, những biến chứng như thế là dường như có sự chưa minh bạch, chưa rõ ràng. Những chất vấn, những câu hỏi của các nhà báo, cũng như của người dân chưa được giải thích một cách minh bạch. Tóm lại là, việc điều tra khoa học và khách quan về tai biến trong quá trình tiêm chủng là chưa được xã hội chấp nhận.
Không phải chỉ có năm nay, mà (còn liên quan) cả tới những năm trước. Chính vì thế, khi năm nay lại xẩy ra, thì vấn đề ba trẻ tử vong ở tại địa điểm như vậy, trong khi những điều tra ban đầu lại cho thấy rằng các quy trình tiêm chủng, thuốc đều đúng, đi theo những quy định của ngành, thì việc ấy chắc chắc không thể nào tránh khỏi người dân hoang mang lo lắng trong việc đưa con đi tiêm chủng trong thời gian tới. 
« Nghi phạm » số một : Vắc-xin của công ty Nhà nước Vabiotech
Phần lớn người dân và những bằng chứng quan sát trên thực địa, cũng như những mô tả của người dân và báo chí, thì dường như cho rằng có vấn đề chất lượng vắc-xin, dường như vắc-xin là có một cái gì đấy bất thường, mới dẫn đến chết một cách đột ngột và nhanh chóng như vậy. Trong khi đó, phía bên Bộ Y tế vẫn nằm trong câu hỏi là phải điều tra và chờ xem xét ».
Về giải thích tạm thời chính mà Bộ Y tế đưa ra về các vụ tử vong, Bác sĩ Lê Đình Phương trong bài « Con cái chúng ta có quyền được sống! » (trang blog của Dr. Nikonian) đưa ra nhận xét :
« “CPV (Sốc phản vệ) không rõ nguyên nhân” như ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ Sinh dịch tễ TW đã công bố. Sự mập mờ này hoàn toàn có tính gian lận và che giấu dư luận về một sự thật đã quá hiển nhiên. (…) Chỉ có thể nói rằng, công bố kết quả “CPV chưa rõ nguyên nhân” là nói dối, quanh co và lấp liếm. Nguyên nhân chắc chắn và trực tiếp là qui trình bào chế vaccine ở công ty trách nhiệm hữu hạn kia, mà Bộ Y tế là người bao thầu các sản phẩm của nó bằng tiền thuế nhân dân qua chương trình tiêm chủng quốc gia. Không thể có sự thực nào khác hơn!
Chỉ khi nhìn thẳng vào nguyên nhân là những lọ vaccine oan nghiệt kia, và thay thế nó bằng vaccine đúng chuẩn như thế giới đã dùng, mới có thể chấm dứt được cảnh trẻ sơ sinh chết thảm. ».
Ngược lại với quan điểm này, Giáo sư Nguyễn Đình Bảng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm định vắc xin và sinh phẩm y tế quốc gia, cho rằng : “Không nên quy tội ngay cho vắc-xin mà cần phải chờ kết luận cuối cùng của quá trình điều tra. Tử vong sau tiêm chủng có rất nhiều nguyên nhân, chứ không riêng gì về chất lượng vắc-xin”, (theo Báo điện tử "Kiến thức" thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, 25/07/2013). Giáo sư Nguyễn Đình Bảng cũng là người chủ trương chỉ nên tiêm phòng cho trẻ có mẹ mang virus.
Nếu như Bộ Y tế không coi toàn bộ vắc-xin của công ty Vabiotech là mối nghi ngờ số một, thì đối với nhiều cha mẹ, không thể không đặt ra vấn đề tạm dừng hoàn toàn vắc-xin cũ, trong khi chờ kết quả điểu tra. Sau đây là ý kiến chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh :
« Tại sao cái lô vắc-xin nó đã xẩy ra sự cố rồi mà Bộ Y tế vẫn quyết định cho dùng tiếp của Vabiotech, tức Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế số 1, do Bộ Y tế thành lập ? Tại sao không sử dụng một loại vắc-xin khác, mà lại tiếp tục sử dụng lô vắc-xin của công ty đã gây ra cái chết của ba đứa trẻ như vậy ? Thực sự thì nếu như không lên tiếng thì hãy còn rất nhiều trẻ sơ sinh khác nữa (là nạn nhân), tôi nghĩ như vậy ».
Trong bối cảnh, vắc-xin của Nhà nước có khả năng không an toàn cao, nhiều bác sĩ khuyên bệnh nhân tìm đến các vắc-xin nhập ngoại có chất lượng bảo đảm hơn. Tuy nhiên, có lẽ lựa chọn này có vẻ như không phải dành cho đại đa số trẻ sơ sinh tại Việt Nam, vì nhiều lý do (từ hoàn cảnh kinh tế, các điều kiện dịch vụ tại chỗ, cũng như hiểu biết trong vấn đề này…). Về điểm này, chị Nguyễn Trang Như nhận xét :
« Theo tôi biết, thì một số nơi đã chuyển qua vắc-xin của công ty Sanofi, để tiêm cho trẻ sơ sinh, thì Bộ Y tế cũng có thể chuyển qua dùng loại vắc-xin đó, nó có thể đắt hơn, nhưng phải chấp nhận thôi, cho sự an toàn của trẻ em ».
Ký tên phản đối Bộ trưởng Y tế : Áp lực và cơ hội đối thoại
Trả lời lý do vì sao ký tên vào bản đề nghị Bộ trưởng Y tế từ chức, anh Lê Hào cho biết :
« Về vấn đề này, tôi cũng cân nhắc rất là kỹ, khi ký vào việc bà Bộ trưởng Y tế phải từ chức. Lý do thứ nhất là tắc trách của một số bộ phận Y tế gây nên chuyện này. Vì sao ? Ở trên không làm đúng, ở trên tham nhũng quá, thì ở dưới người ta mới tham nhũng. Tại sao trẻ em lại bị tử vong sau khi tiêm vắc-xin ? Tại vì họ muốn lợi nhuận của một đơn vị quá cao. Hoặc là, ví dụ như là việc bảo quản vắc-xin không tốt và nó gây tử vong như vậy là một việc rất lớn trong trường hợp này ».
Về phần mình, chị Nguyễn Trang Như chia sẻ :
« Tôi tham gia bản ký tên này bởi vì tôi cho rằng việc góp một chữ ký, thì có thể giúp cho lời kêu gọi Bộ trưởng Bộ Y tế từ chức được lan rộng hơn. Với tôi, thì người đứng đầu một bộ là một người phải có trách nhiệm rất là cao. Và nếu như người đứng đầu đó mà không thực hiện được đúng trách nhiệm của mình và không thể hiện được đúng cái vai trò của mình, trong việc điều hành một bộ, thì tôi nghĩ là nên từ chức và để cho người khác xứng đáng hơn lên thay.
Bản thân tôi là người tham gia ký tên, tôi cũng rất mong là họ sẽ làm được những việc làm cụ thể nào đó, để có thể gây được cái sức ép lớn hơn nữa, đối với Bộ Y tế và đối với các bộ ngành nói chung có liên quan. Thì việc làm này, theo tôi, dù có kết quả thế nào, thì cũng là mang tính tích cực, vì nó gây được sự quan tâm của dư luận và khiến cho dư luận phải suy nghĩ về những cách thức để mà thể hiện cái tiếng nói và quan điểm của mình, để có thể cải thiện xã hội ».
Cũng là người ký tên, chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh khẳng định cần phải hành động mạnh mẽ hơn, để khiến Bộ Y tế phải chú ý hơn đến đòi hỏi của người dân :
« Tôi nghĩ như mọi người nói rất nhiều là, có thể là mọi người ký tên hoặc làm cái gì đó, thì bà Bộ trưởng vẫn cứ tại vị thôi, tức là không thay đổi được gì, nhưng tôi thì tôi nghĩ khác. Chính vì nhiều người nghĩ như vậy, mà những sai phạm, những người thiếu năng lực lãnh đạo, họ vẫn cứ tiếp tục ở vị trí đó hoài. Tôi nghĩ, ở thời điểm này, tốt nhất là ở vị trí Quốc hội, một người nào đó trong Quốc hội mà lắng nghe tất cả những chuyện này, thì (Bộ Y tế) buộc lòng phải lên tiếng để có một sự đăng đàn công khai về chuyện này.
Nếu như cái nơi mà gọi các bạn ký tên, mà có động thái mạnh mẽ hơn, là trao thư, xuống đường, thì những người khác họ sẽ hưởng ứng mạnh mẽ. Và nếu để không xẩy ra sự cố gì, thì đương nhiên là Bộ Y tế, đặc biệt là Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phải lắng nghe và có động thái cụ thể trong việc này, chứ không thể im lặng như những lần vừa rồi được.
Tôi nghĩ, thật sự ở cái nước này rồi mà nếu như cha mẹ vẫn còn im lặng để được yên thân, thì chắc chắn là tương lai của con cái chúng ta rất là mờ mịt. Tôi nghĩ đơn giản như vậy thôi ».
Cần một cơ quan kiểm định độc lập với Bộ Y tế
Để khép lại tạp chí Cộng đồng về chủ đề nỗi lo tại Việt Nam trước tình trạng vắc-xin có khả năng gây tử vong, chúng tôi xin mời quý vị nghe tiếp tiếng nói của Bác sĩ Trần Tuấn, với thông điệp nhấn mạnh đến việc cần phải có một cơ quan kiểm định chất lượng y tế, độc lập với Bộ Y tế :
« Làm thế nào để giải quyết vấn đề hoang mang này, thì chúng tôi nghĩ rằng chỉ có một cách thức là phải có một cái điều tra độc lập : Điều tra chuyên môn độc lập, khách quan nằm ngoài Bộ Y tế. Bởi vì hiện nay, Bộ Y tế cũng như cái công ty nơi sản xuất vắc-xin và cả hệ thống dây chuyền lạnh, hệ thống vận chuyển vắc-xin đưa dịch vụ đến cho người dân, tất tần tật đều do Bộ Y tế quản lý. Và khi Bộ Y tế chưa có những câu trả lời, những giải đáp, mà theo đối với người dân, và dư luận, là chưa đáp ứng được đòi hỏi minh bạch hoàn toàn, không chỉ trong đợt này, mà tiếp nối cả những năm trước.
Thế thì vấn đề ở đây, không chỉ là ở chỗ, vì chỉ có một công ty cung cấp vắc-xin, mà tôi nghĩ là còn mạnh hơn thế nữa, đấy là (đòi hỏi) phải cấu trúc lại hệ thống y tế, sao cho để có một bộ phận đánh giá, giám sát chất lượng độc lập. Mà bộ phận này phải đứng trên quan điểm bảo vệ người sử dụng, vì người sử dụng luôn luôn ở trong trong vị trí yếu thế. Cái bộ phận giám sát độc lập này họ phải có chuyên môn nhìn nhận ra được một cách khách quan, là vấn đề đó xảy ra là do vấn đề kỹ thuật, do vấn đề quản lý, do vấn đề chất lượng hay là do những cái, mà chúng ta gọi là ‘‘bất khả kháng’’. Hiện nay, chúng ta cần một cấu trúc làm việc như vậy. Còn nếu không, để người dân vẫn nói, xã hội vẫn lo lắng, đấy là cứ để Bộ Y tế cứ vận hành một mình như từ trước đến nay, thì các tình trạng điều tra căn nguyên các vụ dịch, về các tai biến trong điều trị, cũng như trong chăm sóc dự phòng tiêm vắc-xin như vừa rồi, thì người ta cảm thấy rằng các căn nguyên hầu như về cơ bản là đổ lỗi cho ‘‘những trường hợp bất khả kháng’’.
Tai biến là một cơ hội xem xét lại toàn bộ
Thực ra sẽ còn nhiều vấn đề nữa. Nếu như câu chuyện nó không được giải quyết một cách, như tôi nói, thực sự đi theo một quy trình khoa học, hay nói khác đi, chúng tôi vẫn nói là : ‘‘Khoa học dẫn đường cho chúng ta đi’’. Khi nào chúng ta thực sự đưa khoa học dẫn đường cho chúng ta đi, thì các tai biến xẩy ra, những bất thường xẩy ra, như trường hợp chết ba trẻ ở Quảng Trị vừa rồi, rất đau lòng, nhưng đấy lại là một cơ hội tốt, để chúng ta xem xét lại toàn bộ các vấn đề liên quan đến tiêm chủng, từ vấn đề chất lượng vắc-xin đến vấn đề tổ chức hệ thống, vấn đề giám sát đánh giá và vấn đề kỹ thuật tiêm chủng, vấn đề xác định chẩn đoán trẻ như thế nào thì phù hợp cho tiêm hay không tiêm…
Có rất nhiều vấn đề sẽ được làm sáng tỏ ra thêm bởi những tai biến, mà mình không mong muốn những tai biến đó, nhưng mình phải biết khai thác những tai biến đó khi xẩy ra.
Còn nếu như tình trạng này chỉ là (việc Bộ Y tế) đối phó với dư luận, bằng những câu chữ, bằng những hành động, ví dụ như đẩy quá bóng sang phía bên Công an... Tôi cho rằng đấy không phải là những biện pháp giải quyết theo hướng mà chúng tôi mong đợi. Và nếu như thế, thì sự bất an trong xã hội vẫn còn tiếp tục và những vấn đề của hệ thống tiêm chủng sẽ vẫn còn treo lơ lửng ở phía trước ».
***
Vụ bê bối vắc-xin gây tử vong tại Việt Nam là một hiện tượng xã hội đặc biệt. Những tác động qua lại giữa thái độ của lãnh đạo Bộ Y tế và phản ứng trong công luận từ mươi ngày nay biến chuyển nhanh chóng, có thể nói là từng ngày một. Một ấn tượng được khá nhiều người chia sẻ là : Thay vì thái độ có phần dửng dưng lúc ban đầu, vì cho rằng đây tuy là một sự cố, nhưng không đặc biệt nghiêm trọng và rồi không sớm thì muộn cũng sẽ được giải quyết (với những tuyên bố có thể nói là khá chung chung, như tuyên bố của ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ Sinh dịch tễ TW « một tháng nữa sẽ có thể có kết quả cuối cùng về vụ việc này »), ban lãnh đạo Bộ Y tế đã phải chứng tỏ họ đang có các phản ứng khẩn trương hơn. Hôm qua, 30/07, theo báo chí trong nước, Thủ tướng Việt Nam đã trực tiếp yêu cầu « Bộ trưởng Bộ Y tế khẩn trương xem lại vấn đề tiêm chủng, nếu do vắc-xin thì phải xem lại » (báo Người lao động).
Theo chúng tôi được biết, thực tế tiêm chủng viêm gan B ở Việt Nam sau biến cố ba trẻ sơ sinh tử vong có những diễn biến khác biệt tùy theo từng vùng. Bên cạnh nơi tiếp tục thực hiện chương trình tiêm chủng, cũng có chỗ các nhân viên y tế đã chủ động ngừng tiêm, mà nguyên nhân có thể do từ gia đình, cũng có thể do nỗi lo phải chịu trách nhiệm nếu gặp sự cố. Việc Bộ Y tế không có đủ nỗ lực cần thiết để chấm dứt tình trạng tương đối mơ hồ xung quanh cuộc truy tầm nguyên nhân gây tử vong, gây ra một không khí lo ngại bao trùm.
Bản thân giới chuyên môn cũng phân thành hai luồng quan điểm, một bên ủng hộ tiêm đại trà, bên kia thiên về chỉ tập trung cho những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao (tức các trẻ có mẹ mang virus). Các ý kiến trái chiều của giới chuyên gia, trong bối cảnh thông tin không được cung cấp đầy đủ, càng khiến người dân dễ lâm vào tình trạng bối rối. Một số người có hiểu biết và điều kiện thì đi tìm những giải pháp hiệu quả cho riêng mình. Tuy nhiên, có lẽ đa số người ở trong tình huống có con sắp chào đời hoặc thân nhân của họ, đang là nạn nhân của một trạng thái tâm lý lo âu kéo dài, lo lắng, nếu như họ ít nhiều theo dõi vấn đề này, và nhiều khi cảm thấy bị đối xử hết sức bất công. Chính trạng thái này đã dẫn đến những phản ứng mạnh mẽ, như sự xuất hiện của trang mạng thu thập chữ ký đòi Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến từ chức. Đây có lẽ chính là điều mà Bộ Y tế và cá nhân bà Bộ trưởng đã không ý thức được khi biến cố đau thương này vừa xảy ra.
Rõ ràng là Bộ Y tế cũng đã có nhiều biện pháp để tìm kiếm nguyên nhân, khắc phục hậu quả…. Thế nhưng những hành động cho đến nay của Bộ Y tế liệu đã đủ và liệu có thể vãn hồi được lòng tin ở nhiều người ? Nhiều phản ứng cho thấy là, cộng thêm với những tai biến trong thời gian gần đây không được làm sáng tỏ, biến cố các trẻ sơ sinh đột ngột tử vong sau khi tiêm chủng mới đây, và rất nhiều tệ nạn và tai biến khác trong ngành y tế, càng làm tăng thêm nỗi ngờ vực, nếu không nói là tình cảm chán ghét và tức giận đối với cơ quan quản lý y tế ở nhiều người.
Câu chuyện tiêm chủng như vậy không còn chỉ là vấn đề kỹ thuật hay điều kiện vật chất mà nó đã trở thành một hiện tượng tâm lý xã hội. Liệu một mình Bộ Y tế có thể giải quyết được vấn đề này hay không ? Ý kiến của Bác sĩ Trần Tuấn trên đây cho thấy một trong những chìa khóa của vấn đề nằm ở chỗ Việt Nam cần phải có một cơ quan kiểm định chất lượng độc lập về y tế để quá trình thẩm định có thể được tiến hành bên ngoài phạm vi của các áp lực mang tính phe nhóm. Theo nhiều bác sĩ, bản thân Bộ Y tế qua sự việc này, một lần nữa đứng trước áp lực phải thay đổi thái độ đối xử với các đối tượng chăm sóc, với người bệnh. Một thay đổi cần thiết, sẽ giúp cho việc mang lại một bầu không khí tin tưởng, đó là cơ quan y tế cần đối diện và đối thoại thực sự với những người chỉ trích, thay vì tìm cách tránh né hoặc đưa ra một số giải pháp mang tính «tình thế ».
RFI xin chân thành cảm ơn các chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Trang Như, Trịnh Kim Tiến và anh Lê Hào, cùng Bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, Giáo sư Trần Tịnh Hiền, Bác sĩ Trần Tuấn và Bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên đã giành thời gian cho tạp chí.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét