Pages

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Tường thuật buổi đối thoại giữa nhà nước và tiểu thương chợ Long Khánh



VRNs (17.07.2013) - Đồng Nai – Vào lúc 14 giờ 5 phút, ngày 15.07.2013, hơn 60 tiểu thương chợ Long Khánh, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, đã có cuộc gặp mặt và đối chất với đại diện của Thanh tra chính phủ, Sở tài nguyên môi trường, ông Nguyễn Thành Trí phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông chủ tịch thị xã Long Khánh.
Hai vấn đề được các tiểu thương muốn làm sáng tỏ: thứ nhất, thế nào là đất công cộng? thứ hai, đất chợ Long Khánh thuộc quyền sở hữu của các tiểu thương nhưng UBND tỉnh Đồng Nai lại giao quyền sở hữu đất cho ban quản lý chợ Long Khánh đúng hay sai?
Đối với vấn đề thứ nhất, thế nào là đất công cộng thì nhà cầm quyền cho biết, nhà nước quy định đất là sở hữu của toàn dân nhưng được nhà nước quản lý. Nhà nước không có khái niệm đất công hay đất tư. Đất công là thuật ngữ mà mọi người thường dùng.

Ông đại diện Sở Tài nguyên môi trường khẳng định, toàn bộ luật pháp về đất đai không có khái niệm về đất công nhưng phải hiểu, đất công là đất đang được nhà nước quản lý nhưng chưa đưa ai sử dụng. Đất chợ thuộc nhóm đất được quy định về nhóm đất công cộng theo luật 1993 có sửa đổi và theo nghị định 88 năm 1994.
Các tiểu thương chợ Long Khánh cho biết, trước 1975, ông bà của họ đã khai hoang một mảnh đất, tại thị xã Long Khánh để làm kinh tế nuôi gia đình. Sau 1975, nhà cầm quyền cộng sản đã dời chợ sang một địa điểm mới, còn địa điểm cũ nhà cầm quyền xây nhà hát. Qua chợ mới trong thời điểm bao cấp nghèo đói nên nhà cầm quyền đã yêu cầu bà con tiểu thương cùng góp vốn, để xây dựng chợ và trực tiếp đóng thuế nhà đất cho nhà cầm quyền. Năm 1992, ban quản lý chợ thành lập, họ không có đất để làm văn phòng nên đã “ở nhờ” văn phòng của một công ty. Nhưng UBND tỉnh Đồng Nai lại cấp quyền sử dụng đất chợ cho ban quản lý chợ vì nhà cầm quyền cho rằng đất chợ là đất công cộng và bà con mất đi quyền lợi sở hữu đất mà ông bà của họ đã để lại.
Vấn đề thứ hai, đất chợ Long Khánh thuộc quyền sở hữu của các tiểu thương nhưng UBND tỉnh Đồng Nai giao quyền sở hữu đất cho ban quản lý chợ Long Khánh đúng hay sai, thì nhà cầm quyền cho rằng, UBND Đồng Nai cấp giấy chứng nhận cho ban quản lý chợ Long Khánh là đúng với quy định của pháp luật bởi vì, thứ nhất, theo quy định của pháp luật chợ là thuộc nhóm đất công cộng; thứ hai, tại nghị định 88 quy định, đất công cộng là đất được nhà nước giao cho tổ chức sử dụng, cho nên nhà nước đã giao cho ban quản lý sử dụng đất chợ; thứ ba, đất của tổ chức đang sử dụng thì được nhà nước cấp theo giấy quy định của đất đai.
Ông đại diện Thanh tra chính phủ tại Hà Nội nói: “Việc giao đất cho tổ chức cá nhân có quyền sử dụng đất thuộc quyền của cơ quan nhà nước. Việc cấp giấy chứng nhận cho tổ chức này hay tổ chức kia mà chưa đúng thì có thể khắc phục nó không ảnh hưởng đến ai”.
Thế nhưng bà con tiểu thương chợ Long Khánh không có công ăn việc làm và đi khiếu kiện các cấp hơn 4 năm từ năm 2008 cho đến nay, không có cơ quan nào giải quyết thỏa đáng cho bà con tiểu thương và quyền sở hữu đất chợ của bà con đã bị cưỡng chế và cướp bởi UBND tỉnh Đồng Nai.
Bà N, một tiểu thương chợ Long Khánh cho biết: “Chúng tôi là người sử dụng đất ở chợ Long Khánh từ năm 1980 đến nay, nhưng UBND tỉnh Đồng Nai lại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ban quản lý chợ Long Khánh vào năm 2002, sau đó thu hồi đất từ ban quản lý chợ đem ra bán đấu giá cho nhà đầu tư vào năm 2008 với tổng giá trị 68 tỷ (có văn bản thông báo) nhưng ông chủ tịch xã thông báo cho bà con biết là chỉ có 56 tỷ.”
Bà N nói tiếp: “Chúng tôi không được bồi thường quyền sử dụng đất, chỉ được bồi thường tiền mà chúng tôi đã bỏ ra xây chợ. 50 m2 nhà cầm quyền bồi thường cho khoảng 30 triệu. Qua chợ mới, Chúng tôi phải mua 12 m2 với giá 246 triệu thời điểm 2009 (chưa tính trượt giá)”.
Trong buổi đối chất, bà con tiểu thương yêu cầu ông phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai có thêm các buổi đối chất nữa để làm sáng tỏ hai vấn đề đã nêu trên, đồng thời yêu cầu chủ tịch Thị xã Long Khánh là ông Lê Văn Thư không dùng lực lượng công quyền như công an, CSGT, dân phòng… cưỡng chế, ép buộc bà con vào chợ mới.
Trước khi kết thúc buổi đối chất, bà con phản ứng mạnh về biên bản do thư ký tổng hợp, vì bà con cho rằng những thông tin thư ký đánh máy trong biên bản không thể hiện rõ tâm tư, mong ước của bà con, và những diễn tiến bà con đã đối chất với nhà cầm quyền không được thể hiện rõ trong biên bản.
Một tiểu thương nói: “Chúng tôi muốn một biên bản chi tiết. Chúng tôi sợ lắm rồi! Vì các ông lừa chúng tôi nhiều quá rồi! Chúng tôi cần một biên bản chi tiết nhưng thư ký lại không làm đúng nhiệm vụ của cô ấy. Chúng tôi sẵn sàng đợi đến 12 giờ đêm, đợi đến ngày mai và ngày mốt cũng được để lấy biên bản chi tiết.”
Buổi đối chất kết thúc vào lúc 19 giờ 30.
Được biết, hai người được các tiểu thương chợ Long Khánh ủy quyền làm đại diện bị nhà cầm quyền gây khó dễ và không cho họ vào tham dự buổi họp ngay từ lúc đầu, mặc dù họ có giấy ủy quyền theo pháp luật. Và, UBND tỉnh Đồng Nai mời bà con tiểu thương đúng 13 giờ 30 có mặt. Nếu quá 13 giờ 30 sẽ không giải quyết cho bà con nhưng mãi đến 14 giờ 5 phút nhà cầm quyền mới bắt đầu cuộc họp.
Huyền Trang, VRNs

Không có nhận xét nào: