Pages

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Vì Điếu Cày: Thứ năm không ăn sáng. Thứ năm không đổ xăng. Thứ năm không đi làm. Thứ năm mặc áo trắng


Từ Linh (Procontra) - (Nhân ngày thứ 37 Điếu Cày Nguyễn Văn Hải tuyệt thực, 29/7/2013)

1.

Hôm nay là ngày thứ 37 Điếu Cày Nguyễn Văn Hải tuyệt thực tại Trại giam Số 6 tỉnh Nghệ An, để phản đối cai tù bắt ông biệt giam vì không nhận tội không phạm.

Đến nay, gần 60 trí thức đã viết kiến nghị gửi Chủ tịch Nước và Thủ tướng, yêu cầu giải quyết vụ việc và trả tự do vô điều kiện cho Điếu Cày.

10 tổ chức quốc tế đã lên tiếng. Phóng viên Không Biên giới đã lên tiếng. Hội Ân xá Quốc tế đã lên tiếng kêu gọi mọi người hành động bằng cách viết thư cho các giới chức có thẩm quyền yêu cầu họ can thiệp.

Trí Nhân Media đăng danh sách 26 người Việt khắp nơi đã và đang đồng hành tuyệt thực cùng Điếu Cày. Nhiều nhân sĩ, trí thức, blogger đã viết bài, lên tiếng. Nhiều người đã cùng vợ con Điếu Cày đi gõ cửa các cơ quan công quyền.

Nhưng, tình hình vẫn vậy.

Sau 37 ngày Điếu Cày tuyệt thực, quan chức Trại giam Số 6 vẫn im lặng, ẩn hiện như ma; Viện kiểm sát Nghệ An vẫn đùn đẩy; Tổng cục 8 Bộ Công an vẫn né tránh; Thanh tra Công an vẫn trì hoãn. Một anh công an hứa sẽ giải quyết, rất có thể anh hứa vì thiện chí, nhưng đó chỉ là hứa suông không có gì bảo chứng, dường như anh cũng không thực sự đại diện cho ai, cũng chẳng có thẩm quyền gì, thiện chí của anh vẫn có thể bị các đồng chí có quyền trói chặt.

Chẳng lẽ có người dám mở miệng giải quyết khi Thủ tướng vẫn còn đang im lặng? Chủ tịch Nước thì hình như đi Mỹ chưa về. Nhưng chắc rồi cũng sẽ như thường lệ, dù có nhận kiến nghị, họ cũng sẽ giả vờ như không, không có gì quý hơn im lặng.

Nghĩa là đến ngày thứ 37 Điếu Cày tuyệt thực vẫn chưa có kết quả gì, dù là thêm một lần thăm gặp để biết Điếu Cày sống hay chết.

2.

Lần này, phản ứng của người trong và ngoài nước dường như vẫn chưa đủ mạnh để mang lại kết quả lớn. Trả lời phỏng vấn trên RFI ngày thứ sáu 26/7, giáo sư Tương Lai cũng đồng ý với phóng viên Thụy My là phản ứng của xã hội dân sự vẫn chưa “tương xứng” với mức độ nghiệm trọng của tình trạng Điếu Cày.

Điều gì xảy ra vậy?

Vì sao phản ứng của cộng đồng trong và ngoài nước dường như lặng lẽ hơn, dù rằng vụ việc của Điếu Cày cấp bách hơn vụ Cù Huy Hà Vũ nhiều lần?

Hay là từ khi tin lọt ra vào ngày tuyệt thực thứ 25, cộng đồng đến nay mới biết được 12 ngày, và 12 ngày thì chưa đủ để chuẩn bị hay hành động gì có ý nghĩa mạnh mẽ?

Hay là vì cộng đồng hải ngoại chưa có lực lượng phản ứng nhanh, sự gắn kết của các hội đoàn còn lỏng lẻo, sự gắn kết trong và ngoài nước chưa thực có?

Hay là vì có gì khuất tất từ vụ Cù Huy Hà Vũ, khiến mọi người chần chừ vào cuộc lần này?

Khó có thể biết được, nhưng tôi tin rằng, những người thực tâm lo lắng cho mạng sống Điếu Cày trong lúc cấp bách này sẽ tạm gác mọi sự ra ngoài, sẽ bàn luận về những đề tài kia vào lúc khác, còn bây giờ, họ sẽ chỉ tập trung vào việc tìm cách làm gì thêm nữa để cứu sống Điếu Cày.

Thà là hết lòng với một người chính trực đang chống chọi với cái chết trong gang tấc, còn hơn là lọt vào bẫy thờ ơ.

Khi kẻ ác càng cố tình im để giết và muốn mọi người im, im vì hoài nghi hay im vì sợ “hố” đều gây tê liệt, thì những người thực tâm với Điều Cày sẽ càng phải làm ầm lên để cứu.

Nhưng làm gì bây giờ?

Tôi thấy câu hỏi đó trên gương mặt băn khoăn của tiến sĩ Nguyễn Quang A sáng hôm qua, chủ nhật, khi ông cùng mọi người tham dựbuổi giao lưu cạnh Nhà hát Lớn Hà Nội với vợ và con Điếu Cày, chị Dương Thị Tân và cháu Nguyễn Trí Dũng.

Tôi thấy điều đó trên gương mặt của những người đứng trương biểu ngữ “Tự do cho Blogger Điếu Cày”, “Hãy cứu lấy tính mạng Blogger Điếu Cầy” trước cổng Trại giam Số 6 ở Nghệ An, hay trước Bộ Công an ở Hà Nội.

Giáo sư Tương Lai trong cuộc phỏng vấn vừa kể một lần nữa kêu gọi hãy “đánh thức công luận để bảo vệ những tù nhân lương tâm như Điếu Cày.”

Nhưng, ngoài lên tiếng bằng thư, bằng kiến nghị, còn có thể đánh thức công luận bằng cách nào nữa?

Tôi tin rằng câu hỏi đó đang cháy bỏng trong lòng nhiều người. Nhiều người sẽ trả lời, và tôi xin phép góp vài ý kiến thô thiển.

3.

Sắp tới là ngày thứ năm 1/8/2013, ngày thứ 40 Điếu Cày Nguyễn Văn Hải tuyệt thực. Không biết anh còn sống đến ngày đó không, nhưng dù sống hay không, người Việt trong và ngoài nước vẫn có thể biến ngày này thành một ngày đầy sự kiện để đánh thức công luận.

Đó sẽ là ngày

Thứ năm không ăn sáng:

Hãy tưởng tượng sáng thứ năm, mọi cửa hàng ăn sáng từ Bắc chí Nam đều vắng ngắt người. Chúng ta bỏ một bữa sáng để nhớ đến người tù lương tâm đã bỏ ăn liên tiếp 40 ngày rồi.

Người Việt nước ngoài vào sáng thứ năm 1/8 cũng sẽ không một ai ghé McDonald’s, hay những cửa hàng ăn nhanh ăn chậm khác… Và quan trọng không kém là HÃY ĐƯA TIN cho báo chí thế giới biết rằng: đó là buổi sáng đầu tiên trong lịch sử fast-food thế giới không có một người Mỹ, người Úc, người Pháp, người Canada… gốc Việt nào ăn fast-food, để đồng hành với một tù nhân lương tâm họ yêu quý đang tuyệt thực.

Và cũng sẽ là tin rất đáng chú ý nếu sáng thứ năm 1/8 cũng là buổi sáng mà không một người Việt hải ngoại hay trong nước nào ăn phở hay bánh mì, những món ăn sáng “đại sứ du lịch” của Việt Nam, tất cả chỉ vì họ muốn kêu gọi thế giới chú ý để lên tiếng, cứu tính mạng Điếu Cày.

Thứ năm không đổ xăng:

Hãy tưởng tượng tất cả các cây xăng tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, Saigon, Cần Thơ… đều vườn không nhà trống. Đó có lẽ sẽ là một ngày kinh hoàng cho giới kinh doanh xăng dầu và nhà nước. TIN TỨC về tất cả mọi trạm xăng trên toàn quốc không có người mua có lẽ sẽ chấn động gần như vụ mất điện toàn miền Nam Việt Nam cách đây không lâu.

Dòng xăng chảy như máu trong nền kinh tế sẽ đột nhiên ứ lại, nghẽn mạch. Nhưng sẽ chẳng có ai đổ được trách nhiệm nào cho dân. Sẽ có người ngồi trên lửa hay lên cơn đột quỵ ngoài ý muốn, nhưng hy vọng, cũng sẽ có những người thấy rằng quần chúng quyết tâm lên tiếng, lên tiếng thật, và sẽ còn lên tiếng nữa, nếu chính quyền vẫn đùn đẩy, không chịu giải quyết yêu cầu chính đáng của Điếu Cày.

Thứ năm mặc áo trắng:

Hãy tưởng tượng sáng thứ năm 1/8, hàng trăm người tập thể dục quanh Hồ Gươm mặc toàn trắng. Cũng vậy, người tập thể dục ở Công viên Tao Đàn, ở Hồ Bán Nguyệt tại Quận 7 Saigon, và ở mọi công viên trên cả nước tất cả đều mặc áo trắng.

Hàng triệu tín đồ Công giáo ở Hố Nai, Gia Kiệm, Long Khánh, hàng triệu tín đồ ở các xứ đạo Vườn Xoài, Bùi Phát, Tân Chí Linh, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, nhà thờ Chánh Tòa, nhà thờ Tân Định, rồi hàng triệu tín đồ ở Bùi Chu, Phát Diệm, Nam Định, Hà Nội… đi dự lễ thứ năm đầu tháng 1/8 sẽ chỉ mặc áo trắng. Cũng vậy, hàng triệu triệu người Việt khác ở Việt Nam lẫn hải ngoại đều hẹn nhau ra đường mặc áo trắng.

Trắng là màu tang. Chúng ta để tang cho nhân quyền đang bị xâm phạm, cho những người đã chết và đang chết trong lao tù.

Và HÃY ĐƯA TIN: Hàng triệu người Việt hôm thứ năm 1/8 để tang cho nhân quyền bằng áo trắng.

Phụ nữ Cuba cũng đã mặc toàn trắng (Ladies in White) dự lễ mỗi chủ nhật, rồi họ xuống đường diễu hành trong im lặng dọc đường phố Havana để đòi công lý cho những tù nhân lương tâm là chồng con của họ. Cuộc đấu tranh này của đông đảo phụ nữ Cuba đã được Nghị viện Châu Âu trao Giải Sakharov vì Tự do Tư tưởng năm 2005.

Thứ năm không ra quán:

Nếu đã không ăn sáng, thì buổi tối chúng ta sẽ khước từ luôn cảnh lê la hàng quán. Hãy tưởng tượng mọi quán vỉa hè, bia hơi, bia tô, bia ôm, mọi quán karaoke, quán bar sành điệu ở các khu khu thương mại cao cấp, trong các khách sạn 5-sao đều không người vào đêm thứ năm 1/8.

Và sáng hôm sau, TIN TỨC sẽ chạy dòng chữ: Đêm không bia ở Saigon. Ngày Điếu Cày không rượu. Người Việt Nam không nhậu ngày 1/8…

Tương tự như ở Thái Lan, mỗi lần bầu cử, sinh nhật vua, sinh nhật nữ hoàng, mọi hàng quán đều không bán bia rượu. Tất cả các cửa hàng, siêu thị hay cửa hàng tiện dụng 24/24 đều cất toàn bộ bia rượu. Họ muốn mọi người tỉnh táo trong những ngày trọng đại cần phải có trách nhiệm này. Riêng ngày Phật Đản, ngoài việc không rượu bia, tất cả khu đèn đỏ đều đóng cửa và mọi lao động tình dục đều được nghỉ, họ và khách hàng cũng cần có trách nhiệm.

Thứ năm không mua bán:

Điều gì sẽ xảy ra khi đột nhiên siêu thị không ai đến, chợ không ai mua, từ thành đến tỉnh mọi người yên tịnh? Một ngày thứ năm như thế có thể sẽ là bước đầu tiên của một phong trào bãi thị rộng khắp.

Thứ năm không đi làm:

Điều gì sẽ xảy ra khi người Việt khắp nơi trong và ngoài nước sẽ nộp đơn từ thứ hai hôm nay, báo trước rằng họ sẽ nghỉ làm một ngày vì lý do lương tâm vào thứ năm 1/8?

Cộng đồng người Việt hải ngoại ở từng tiểu bang, từng thành phố sẽ thay mặt người Việt trong cộng đồng viết thư gửi các công ty, các dân biểu, chính quyền tiểu bang, liên bang… thông báo người Việt sẽ không đi làm, ít nhất một ngày, để biểu lộ tinh thần đồng hành với tù nhân lương tâm Điếu Cày đang hấp hối.

Nếu Cộng đồng người Việt hải ngoại đã thu được 150.000 chữ ký để đòi tự do cho nhạc sĩ Việt Khang, thì hãy tưởng tượng sẽ có 150.000 người Việt hải ngoại không đi làm vào thứ năm 1/8 vì Điếu Cày. Có lẽ hiện tượng đó sẽ khiến giới doanh nghiệp, giới hữu trách, các dân biểu địa phương và liên bang chú ý và sẽ phải lên tiếng mạnh hơn vì Điếu Cày.

Thứ năm 40 tiếng chuông

Hãy tưởng tượng tất cả các tháp chuông nhà thờ, các tháp chuông nhà chùa của người Việt khắp năm châu đều gióng lên 40 tiếng chuông vào lúc 6 giờ sáng, 12 giờ trưa và 6 giờ tối để nhắc mọi người nhớ đến Điều Cày đang tuyệt thực đến ngày thứ 40.

Thứ năm đọc Kinh Bát nhã và Kinh Lạy Cha

Các nam nữ tín đồ, người cao tuổi, thanh niên, trẻ em Công giáo sẽ đọc 40 Kinh Lạy Cha cầu nguyện cho Điếu Cày. Các nam nữ tín đồ, người cao tuổi, thanh niên, trẻ em Phật giáo sẽ đọc 40 Kinh Bát Nhã cầu nguyện cho Điếu Cày. Tất cả sẽ tụ tập tại nhà chùa, nhà thờ, hội trường…, từ sáng đến tối để đọc kinh, tụng niệm và thắp nến cầu nguyện cho Điếu Cày.

Đó cũng có thể là thứ năm không ngủ, thứ năm biểu tình, thứ năm ngồi thiền giữa nơi công cộng hướng về Điếu Cày…

4.

Tôi cũng hình dung rằng:

Để những việc vừa kể có thể làm được và đạt hiệu quả tại hải ngoại, cần có sự điều phối của các đơn vị như cộng đồng người Việt tại các tiểu bang ở Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Na Uy, Ba Lan, Tiệp Khắc, Nga, Úc, Tân Tây Lan… Cũng vậy, để làm được và đạt hiệu quả trong nước, cần có sự điều phối và cần rất đông người được thông báo, được vận động để đồng loạt tham gia.

Những hành động đồng loạt, rộng khắp từ trong ra ngoài như thế sẽ cần thiết sau khi những nhân sĩ trí thức – những người mà mọi người luôn đặt kỳ vọng, những người đại diện không chính thức của đông đảo những người khát khao sự thật – đã tận dụng mọi kênh thông tin chính thức rồi, nhưng kết quả vẫn chỉ là im lặng:

Kiến nghị gửi lên trên không thấy ai trả lời.

Đến gõ cửa cơ quan công quyền thì công quyền úp úp mở mở như sợ dân, như đang ngó nghiêng xem các đồng chí lãnh đạo cao nhất bảo gì. Lãnh đạo cao nhất thì dường như đang phân vân toan tính, hay cố tình chủ trương hoãn binh, hay chủ trương im để giết. Không ai biết.

Trong khi người tù lương tâm tuyệt thực thì có thể chết bất cứ lúc nào.

Có lẽ chúng ta cần ra tối hậu thư, rằng: Chúng tôi sẽ làm những điều như trên và nhiều điều khác nữa chỉ để yêu cầu chính đáng của Điếu Cày được xem xét thỏa đáng, đề người thân vào thăm, để anh chấm dứt tuyệt thực, được chăm sóc y tế và được trả tự do vô điều kiện vì vô tội.

Một khi các kiến nghị chính đáng bị xem thường thì cộng đồng cần có những hành động trực tiếp khác, bằng không sẽ không lay chuyển được gì.

5.

Nhưng đó là tưởng tượng.

Tưởng tượng xong rồi tôi lại thấy mình hoang mang.

Vì để làm được những việc như thế và nhiều việc lớn hơn nhiều thì trước hết phải có “chúng ta”, tức đông đảo, hàng ngàn, hàng trăm ngàn, hàng triệu người biết về Điếu Cày, yêu quý Điếu Cày, tự nguyện tham gia vì Điếu Cày. Trong khi đó, khi hỏi 10 người bình thường quanh mình, có đến tám người chưa biết Điều Cày là ai. Blogger Mẹ Nấm đã rất có lý khi viết bài “Nguyễn Văn Hải – Blogger Điếu Cày – Anh là ai?” để nhiều người hơn nữa biết về anh.

Cũng chưa có lực lượng hạt nhân nồng cốt cho hành động dân sự, gồm những người tự nguyện, sẵn sàng cam kết tham gia bền bỉ và vận động người khác cùng hành động.

Tuy Internet có thể truyền tải thông tin rộng khắp và tức thời, nhưng để người nhận thông tin có phản ứng tích cực, hoặc tham gia một cuộc vận động rộng lớn, lại cũng cần có thời gian để họ được chuẩn bị, trước khi bắt tay vào cuộc…

Thôi thì nếu chưa có “chúng ta” lớn thì vẫn còn có nhiều những “tôi” nhỏ.

Như người Nhật, người Hàn Quốc, người Hồng Kông, và đặc biệt là người Tây Tạng, thường viết những lời nguyện trên dải lụa rồi treo lên trong gió, như muốn gió gửi giúp lời nguyện qua biên giới cho người thân xa cách, qua thế giới bên kia cho người đã khuất, hoặc gửi lên cao xanh cho động lòng trời đất và chạm vào lòng người hướng thiện, những điều tưởng tượng ở đây tôi cũng xin được treo lên mạng, như một lời cầu nguyện.

Đó cũng là điều tôi sẽ làm, vào ngày thứ năm 1/8, lại cũng như một lời cầu nguyện, để hiệp thông với anh Điếu Cầy Nguyễn Văn Hải, cùng gia đình anh, và những người cầu nguyện khác. Tôi sẽ:

Thứ năm không ăn sáng
Thứ năm không đổ xăng
Thứ năm mặc áo trắng
Thứ năm không ra quán
Thứ năm không mua bán
Thứ năm không đi làm.
Tôi cũng sẽ gõ 40 tiếng chuông
Đọc 40 Kinh Bát Nhã và 40 Kinh Lạy Cha.

© 2013 Từ Linh & pro&contra


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét