Pages

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

VN sẽ 'tăng trưởng chậm, lạm phát cao'

Khu vực xuất khẩu tăng mạnh, nhưng chủ yếu là do sự đóng góp của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài.
Ngân hàng Thế giới (WB) hạ dự đoán tăng trưởng của Việt Nam, đồng thời cho rằng lạm phát cuối năm sẽ cao hơn dự đoán của chính phủ trong báo cáo mới nhất được công bố ngày 12/7.
Theo đánh giá mới nhất, WB cho rằng mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2013 sẽ chỉ ở mức 5,3%, thấp hơn với chỉ tiêu 5,5% của chính phủ. Con số tăng trưởng kinh tế cho năm 2014 của Việt Nam, theo ngân hàng này, là 5,4%.

Nguyên nhân cho mức lạm phát tăng đột biến này được WB lý giải là do quyết định tăng lương tối thiểu hồi 1/7 vừa qua, kết hợp với việc tăng giá lĩnh vực giáo dục, điện, cũng như việc lạm phát thường lên cao vào cuối năm.
Trong khi đó, mức dự báo lạm phát mà WB đưa ra cho Việt Nam vào cuối năm lên đến 8,2%, vượt xa mục tiêu của chính phủ, vốn chỉ từ 6 - 7%.

Thách thức

Kinh tế Việt Nam đang ở trong thời kỳ đối mặt với nhiều thách thức, theo WB.
Theo đó, tăng trưởng ở mức 5,25% của nước này trong năm 2012 ở mức thấp nhất kể từ năm 1998.
Đây cũng là lần đầu tiên từ hai thập kỷ trở lại đây, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức thấp hơn so với Philippines và Indonesia.
Tỷ lệ vốn đầu tư trong nền kinh tế cũng giảm đáng kể, từ 38,5% GDP trong năm 2010 xuống còn 29,6% trong năm 2013.
Tỷ lệ vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài so với GDP đã giảm từ 11,8% năm 2008 xuống còn 7,7% trong sáu tháng đầu năm 2013.
Vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam giảm xuống trong bối cảnh các thị trường trong khu vực ngày càng trở nên mạnh hơn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, như ở các thị trường cạnh tranh của Thái Lan, Indonesia, và mới đây nhất là Miến Điện.
WB cũng chỉ trích việc chính phủ Việt Nam đã phê duyệt lộ trình cải cách khu vực doanh nghiệp Nhà nước kể từ hai năm nay, nhưng cho đến giờ chỉ có khoảng 12 doanh nghiệp nhà nước bắt đầu bán cổ phần, một phần rất nhỏ so với chỉ tiêu 93 doanh nghiệp được đề ra.
Về việc thành lập công ty quản lý tài sản của Việt Nam (VAMC) để giải quyết nợ xấu, WB cho rằng kế hoạch của Việt Nam "khá xa với những cách thức mà chúng tôi cho là tốt".
Mức vốn ban đầu rất thấp của công ty này, cũng như sự thiếu tính độc lập và kế hoạch để mua lại nợ, không được cho là "cách tốt," ông Deepak Mishra, kinh tế gia của WB bình luận.
Cũng theo WB, công ty mua bán nợ của Việt Nam không làm việc theo thông lệ quốc tế, ví dụ như việc VAMC mua nợ theo giá vốn mà không phải giá thị trường.
Báo trong nước dẫn lời ông Deepak Mishra trong buổi họp báo công bố bản báo cáo ngày 12/7 cho rằng tiến trình cải cách cơ cấu của Việt Nam vẫn đang tiến hành quá chậm và chưa được thực hiện quyết liệt.
WB cho rằng cách giải quyết nợ xấu hiện nay của Việt Nam 'không được cho là cách tốt'
Điều này, theo ông Mishra, sẽ làm "suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư và tác động tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng."
Cũng theo ông này, mức tăng trưởng thấp sẽ tiếp tục gây sức ép về nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa lên chính phủ, làm tăng nguy cơ lạm phát và gây xói mòn các thành tựu đã đạt được về ổn định kinh tế vĩ mô.

Thành tựu

Mặc dù đứng trước nhiều thách thức, báo cáo của WB cũng đã ghi nhận những thành tựu mà nền kinh tế đã đạt được trong thời gian qua.
Kinh tế vĩ mô của Việt Nam thời điểm hiện tại theo WB là "tương đối ổn định", lạm phát ở mức một con số và khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng hệ thống tài chính là khá thấp.
Số liệu của WB cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu hiện tại tăng khoảng 16% so với cùng kỳ năm 2012, mặc dù ở đây có sự đóng góp đáng kể của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Các mặt hàng trong rổ hàng xuất khẩu cũng đang được đa dạng hóa, biểu hiện qua việc nhóm hàng công nghệ cao hiện chiếm đến 20% tổng số hàng xuất khẩu năm nay.
Cũng theo đánh giá của WB, trong vòng 2 năm qua, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng gấp đôi, đủ cho 2,8 tháng nhập khẩu ở thời điểm hiện tại.
Trong những tháng đầu năm, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư khoảng 9,3% GDP, trong đó cán cân vãng lai thặng dư 5,9% GDP và cán cân vốn thặng dư 5,8%.
Mức độ rủi ro tín dụng quốc gia được cải thiện, biểu hiện cụ thể qua tỷ lệ rủi ro hoán đối tín dụng giảm từ mức 350 điểm cơ bản từ tháng Sáu năm 2012 xuống khoảng 250 điểm cơ bản cùng kỳ năm 2013.
WB cũng dẫn kết quả khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ thực hiện, qua đó cho biết đến 57% các nhà đầu tư nói họ sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Đây là tỷ lệ cao nhất khu vực.
Một cuộc khảo sát khác đối với các nhà đầu tư Singapore được WB dẫn nguồn xếp Việt Nam đứng thứ hai, sau Miến Điện về độ hấp dẫn đối với nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại.

Không có nhận xét nào: