Pages

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Xin quẳng nghìn tỷ xuống Biển Đông: Những con tàu biến mất

‘Chúng ta từng có những con tàu nghiên cứu biển rất hiện đại như con tàu Biển Đông cùng lớp với Nansen và vài chiếc khác mà Na Uy đã đóng cho ta. Tàu này bé hơn cái ‘nghìn tỉ’ một chút, công suất máy chỉ 1500 CV, trong khi "nghìn tỷ" là 2000CV. Họ vẫn dùng tốt, còn con tàu này nghe nói ta xếp xó từ lâu!’.

KS đóng tàu Đỗ Thái Bình, Thành viên Hội Hải Dương học Việt Nam đặt câu hỏi khi bàn tới câu chuyện Việt Nam sẽ mua một con tàu điều tra nghiên cứu tài nguyên môi trường biển.

Con tàu Biển Đông mà có lần KS Bình đã từng đặt chân lên nó
Con tàu Biển Đông mà có lần KS Bình đã từng đặt chân lên nó
Biến mất dạng

KS Đỗ Thái Bình nhớ lại, với tàu nghiên cứu Biển Đông, đã có lần KS Bình đặt chân lên đó để bảo dưỡng các bè cứu sinh bơm hơi. Nay nó vắng bóng trên tất cả các trang mạng tiếng Việt, kể cả trang danh sách tàu của Đăng Kiểm VR. Nó có phải là đồ vứt đi như nhiều thứ viện trợ khác của  phương Tây không, không thích hợp với “điều kiện của ta, con người ta,đặc thù Việt Nam?’.

‘Tôi cố công tìm hiểu con tàu Biển Đông này, và chỉ có thể tìm nó bằng tiếng Anh còn tiếng Việt duy nhất có bài báo ca ngợi chuyến cứu con tàu này vào năm 2003. Chính năm đó, tàu Biển Đông gặp sự cố cuốn lưới vào chân vịt, chắc chắn 100% là lỗi của thuyền trưởng, không phải là một anh thạo kéo lưới tàu cá’, ông Bình nhớ lại.

Theo KS Bình, khởi nguồn con tàu này là tàu Dr. Fridtjof Nansen theo chương trình hợp tác giữa Norad Na Uy và Tổ chức Lương Nông LHQ FAO.

Tàu được đóng tại nhà máy Mjellem Karlsen thành phố đóng tàu Bergen Na Uy với giá đóng  14.850.000 Kr Na Uy, cộng thêm giá thiết bị khoa học và đánh cá vào khoảng  16.500.000 Kr nữa  (tương đương với  khoảng  66.000.000 Kr vào năm 1995, nếu tính theo đô la Mỹ là US$ 12.500.000).

Nhận thấy con tàu này hoạt động có hiệu quả trong những chuyến khảo sát toàn cầu, người ta quyết định đóng thêm ba chiếc nữa cùng một lớp với tàu Dr Fridtjof Nanasen đó là tàu Biển Đông cho Việt Nam, tàu Noruega cho Bồ Đào Nha và tàu Michael  Sars cho Cục Ngư Nghiệp Na Uy.

Tàu  Dr. Fridtjof  Nansen được đóng năm 1974 là một tàu khảo sát ngư nghiệp đạt cấp  IAI-stern trawler theo Đăng Kiểm Na Uy. Tàu có chiều dài LOA 46.35 m, rộng 10.3 m, cao mạn 6.5 m, 491 GT,công suất máy chinh 1500 CV,có giường cho  28 người.

Tất cả các máy trên boong là thủy lực, các tời kéo lưới.Trang bị hàng hải vệ tinh. Có sonar 24 kHz và echosounder  38, 50 và  120 kHz . Ba thế hệ máy phát echosounder của SIMRAD™.

Tàu Biển Đông có chiều dài 47.50m,rộng 10.30m, mớn nước tối đa 4.30m, dung tải  495GT, số IMO 7504251 hô hiệu XVUW. Tàu đóng năm 1976, được giao cho Việt Nam năm 1982.

‘Không biết con tàu này được khai thác tới cỡ nào, sau vụ tai nạn tàu Biển Đông bị cuốn lưới vào chân vịt, chỉ thấy nó xuất hiện trong lần hợp tác nghề cá Việt Trung và bây giờ không rõ con tàu nằm tại đâu’, ông Bình băn khoăn.

Cũng nhắc đến tàu cũ, GS.TS Nguyễn Đức Hùng, Học Viện hàng hải Australia đề xuất, thử xem nếu có được tầu Hoa Sen mà Vinashin đang xin Chính phủ bán đi để thu hồi vốn, vạch phác thảo sử dụng Hoa Sen và dự toán kinh phí chắc không khó lắm.

Và thêm 7 con tầu hoang nữa (chưa biết đã bán và phá dỡ làm sắt vụn chưa), chọn lấy 1 con làm tàu nghiên cứu.

Lễ hợp tác Việt Trung cùng nghiên cứu Vịnh Bắc Bộ vào tháng Giêng năm 2006 sau không thấy nhắc tới
Lễ hợp tác Việt Trung cùng nghiên cứu Vịnh Bắc Bộ vào tháng Giêng năm 2006 sau không thấy nhắc tới
Bài toán tiết kiệm

Theo GS Hùng, tận dụng các tầu cũ để làm nghiên cứu có thể tiết kiệm tiền mà vẫn có thiết bị nghiên cứu. Ở Việt Nam có thể cần phải xem xét thêm là tàu cũ có còn dùng được và còn đảm bảo an toàn hay không.

Ở nước ngoài khi nói tàu cũ có thể tuổi tàu vẫn còn trẻ và tàu vẫn còn đảm bảo tính năng và an toàn đi biển, khi vì lý do nào đó người ta có thể chuyển thành tàu nghiên cứu và có kinh phí vận hành và bảo dưỡng định kỳ tốt nên tàu vẫn đảm bảo tính năng đi biển tốt.

‘Trong khi nhiều tàu cũ của Việt Nam đã cao tuổi, các công ty khai thác tàu vì để giảm chi phí vận hành nên bỏ qua các hạng mục sửa chữa bảo dưỡng định kỳ cho nên tàu càng ngày càng hư hỏng thêm... thế nên mới có nhiều tầu Việt Nam bị bắt giữ ở nước ngoài vì không đảm bảo các yêu cầu về tính năng và an toàn đi biển’, GS.TS Nguyễn Đức Hùng nói.

TS Dư Văn Toán, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng, nếu mua một con tàu 20 triệu đô thì quá tốt, tuy nhiên việc thường xuyên đi khảo sát các vùng biển, chúng ta nên con khoảng 3-4 con đi khắp -thường trực Bắc Trung Nam Tây biển. Vì vậy có thể 1 nhóm tàu khoa học bé cho khoảng 20-30 nhà khoa học đi cùng là phù hợp. ‘Con tàu 20 triệu đô VN khó thực hiện, khó vận hành và có vẻ ảo tưởng’, TS Toán nói.

TS Toán nhấn mạnh: 'Bên cạnh việc bàn mua tàu khoa học, nên cân nhắc việc bố trí lại các Viện nghiên cứu biển cho phù hợp. Có lẽ chúng ta đang có quá nhiều Viện Nghiên cứu biển, các kết quả chủ yếu sao chép đến 60-70 %. Kết quả mới không nhiều. Phải chăng sẽ là lý do vì tàu bè và thời gian đều rất ít?’,

‘Hy vọng các nhà khoa học, quản lý kế hoạch, đầu tư cơ bản cần thực tế và hiện thực hóa với biển. Các chương trình KHCN KC.09, Chương trình biển-hải đảo, TNMT06, ĐA 47 cần được tái cấu trúc theo hướng tập trung thống nhất làm một, và nên thuộc 1 Ủy ban biển Việt Nam, tránh lãng phí nguồn lực’ TS Toán kiến nghị.

(ĐVO)

Không có nhận xét nào: