Pages

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Xung đột trên Biển Đông buộc Mỹ phải triển khai chính sách trở lại châu Á-Thái Bình Dương

Có thể Mỹ muốn trì hoãn triển khai chiến lược trở lại châu Á – Thái Bình Dương đến năm 2014. Tuy nhiên Trung Quốc đã thực hiện những hành động quyết đoán gây xung đột trên Biển Đông từ năm 2008 và việc Trung Quốc có lẽ đã có những tính toán sai lầm về quyết tâm của Mỹ buộc chính phủ Mỹ không thể làm ngơ và thúc đẩy chiến lược sớm hơn dự định.

Mỹ có khả năng muốn trì hoãn triển khai chiến lược trở lại châu Á-Thái Bình Dương đến năm 2014 - thời điểm quân đội Mỹ bắt đầu thực hiện các kế hoạch rút khỏi Ápganixtan. Nhưng Trung Quốc đã buộc Chính quyền Barack Obama phải nhanh chóng trở lại châu Á bằng cách gây nên các cuộc xung đột trên Biển Đông từ năm 2008 đến nay, trước hết gây hấn với Việt Nam và sau đó cưỡng ép Philíppin. Giải quyết các vấn đề xung đột trên Biển Đông do Trung Quốc tạo nên là một thách thức chiến lược với nhiều mục tiêu buộc Chính phủ Mỹ không thể làm ngơ.

Trung Quốc nhận thấy đây là bước đi đầu tiên để tiến tới vị thế ngang bằng chiến lược với Mỹ trong khu vực và trên trường quốc tế. Đáng chú ý, mục tiêu “bất chấp thiên hạ” của Bắc Kinh dường như làm cho Oasinhtơn nhận ra rằng sự phát triển lực lượng hải quân của Trung Quốc trong thập kỷ qua đã đạt tới mức tạo ra thách thức lớn ở Tây Thái Bình Dương - nơi Trung Quốc có thể đe dọa vai trò thống trị trên biển của hải quân Mỹ và chắc chắn sớm muộn lực lượng hải quân Trung Quốc sẽ tăng cường sức mạnh để tiến vào Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương rộng lớn hơn.

Tin tưởng vào một đánh giá hết sức sai lầm cho rằng do các chính sách “e ngại rủi ro” với Trung Quốc, Chính phủ Mỹ sẽ không cương quyết trong việc đối đầu với những hành động quyết đoán của Trung Quốc chống Việt Nam và Philíppin trên Biển Đông, từ đó Bắc Kinh cảm thấy được khích lệ trong việc thúc đẩy chính sách bên miệng hố chiến tranh chống các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Bắc Kinh hy vọng bằng cách sử dụng lực lượng cưỡng chế và vũ lực có thể buộc Việt Nam và Philíppin chấp nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với toàn bộ Biển Đông như đã công khai tuyên bố trong bản đồ “đường 9 đoạn” trái phép của Bắc Kinh. Những hành động đó của Bắc Kinh cũng nhằm mục tiêu chiến lược làm lu mờ hình ảnh của một siêu cường Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, do Mỹ không còn là một nước bảo trợ tin cậy và đối tác an ninh như đã cam kết với các đồng minh truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philíppin và các đối tác chiến lược mới như Việt Nam.

Sau khi Bắc Kinh tuyên bố rộng rãi chiến lược quan trọng mới liên quan đến Biển Đông, Mỹ không thể không nhận ra rằng việc xây dựng quân đội hùng mạnh của Trung Quốc đang được thúc đẩy chứ không hề giảm bớt trong gần hai thập kỷ qua và một khoảng trống chiến lược đã xuất hiện, đặc biệt ở Đông Nam Á, do Mỹ không chú trọng chiến lược châu Á-Thái Bình Dương và lực lượng quân sự của Mỹ bị kéo căng do những hành động can thiệp quân sự tại Irắc, Ápganixtan và nhiều khu vực khác trên thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc luôn tin tưởng tầm nhìn và quan điểm chiến lược trong các đánh giá môi trường an ninh quốc tế và khu vực trước khi họ bắt đầu những hành động chiến lược đáng lo ngại để đạt được các mục tiêu của chiến lược quan trọng mới. Vì lý do nào đó, Trung Quốc dường như hoàn toàn đánh giá sai quyết tâm, các ưu tiên chiến lược và cam kết của Mỹ đối với an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là từ năm 2008 trở lại đây.

Qua xem xét các đánh giá và toan tính chiến lược của Mỹ trong giai đoạn này, Trung Quốc dường như khẳng định sức mạnh quân sự của Mỹ đang ngày càng giảm sút, khó khăn tài chính của Mỹ ngày càng tăng sau cuộc suy thoái toàn cầu và Mỹ đã và đang sa lầy quân sự ở Ápganixtan. Bắc Kinh nhận thấy các nhân tố đó kết hợp với chương trình hiện đại hóa và phát triển lực lượng hải quân của Trung Quốc đã đạt tới mức có khả năng kiểm soát sự thống trị trên biển của Mỹ, từ đó Trung Quốc bắt đầu tiến ra Biển Đông bằng chính sách bên miệng hố chiến tranh quyết đoán và thậm chí sử dụng lực lượng vũ trang chống Việt Nam và Philíppin.

Là “những nước tuyến đầu” ở Biển Đông, Việt Nam và Philíppin, kiên quyết phản đối các tuyên bố đơn phương và bất hợp pháp của Trung Quốc đối với toàn bộ Biển Đông thông qua bản đồ “đường 9 đoạn” hiện nay. Cả Philíppin và Việt Nam đều không có sức mạnh hải quân và quân sự để ngăn chặn chính sách bên miệng hố chiến tranh hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông. Do đó, hiện là thời điểm buộc Mỹ quyết định triển khai chính sách trở lại châu Á-Thái Bình Dương. Rõ ràng, những hành động quá liều lĩnh của Trung Quốc là do Bắc Kinh đánh giá sai các phản ứng của Mỹ và cho rằng Mỹ có nhiều khó khăn nghiêm trọng khiến không thể tăng cường quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương.

Không chờ đến thời hạn rút khỏi Ápganixtan vào năm 2014, Oasinhtơn đã chính thức công bố Học thuyết Chiến lược trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Obama. Sau đó học thuyết này được sửa đổi thành tái triển khai lực lượng và triển khai cân bằng của Mỹ. Đây chỉ là cách diễn đạt mới của Chính quyền Obama nhằm che đậy bản chất của “Học thuyết Ngăn chặn Trung Quốc” đã và đang được Mỹ triển khai trong khu vực. Chiến lược trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ đã trở thành hiện thực trong năm 2013.

Tuy nhiên, Mỹ phải giải quyết một loạt vấn đề kéo theo trong tương lai. Để tái cân bằng cơ cấu an ninh ở Tây Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Biển Đông đang có nhiều nguy cơ xảy ra xung đột, liệu Mỹ có kế hoạch nào để xây dựng lại mạng lưới các mối quan hệ an ninh như kiểu quan hệ an ninh với Nhật Bản và Hàn Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn hơn? Trong hai nước tiền phương của Đông Nam Á là Việt Nam và Philíppin đang bị kẹt trong cuộc xung đột với Trung Quốc, Mỹ đã cam kết bảo vệ an ninh của Philíppin theo Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951. Nhưng liệu Mỹ có sẵn sàng cam kết hỗ trợ an ninh của Việt Nam chống lại hành động xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông cho dù hai bên không có Hiệp ước phòng thủ chung chính thức? Hoặc liệu Chính phủ Mỹ có nỗ lực hướng tới một cơ cấu an ninh khu vực Đông Nam Á toàn diện nhằm bảo vệ khu vực quan trọng này khỏi các mối đe dọa hiện hữu và tiềm tàng của quân đội Trung Quốc?

Hiện nay các nước Đông Nam Á đang tỏ ra lo ngại về sức mạnh và tuổi thọ của chiến lược trở lại châu Á của Mỹ. Nỗi lo ngại đó xuất phát từ hai nguyên nhân: thứ nhất, “chiến lược hai mặt đối với Trung Quốc” truyền thống của Mỹ; thứ hai, chi tiêu quốc phòng của Mỹ đang giảm mạnh, từ đó cam kết an ninh của Mỹ với Biển Đông có thể chỉ diễn ra trong giai đoạn tạm thời. Vậy làm thế nào Oasinhtơn có thể khẳng định với các nước Đông Nam Á rằng Mỹ sẽ quyết tâm ngăn chặn Trung Quốc trong phạm vi biên giới quốc gia của họ và không để Bắc Kinh phát triển chủ nghĩa phiêu lưu quân sự ở Biển Đông và khu vực Đông Nam Á nói chung?

Mỹ phải nhớ rằng Trung Quốc đã thể hiện sức mạnh ở Đông Nam Á như thế nào trong thập kỷ qua khi Mỹ không chú trọng đến vị thế của khu vực này. Trước đây Mỹ có thể lãng quên khu vực Đông Nam Á vì trong giai đoạn đó Trung Quốc mới bắt đầu và đang hoàn thiện việc xây dựng quân đội và hải quân. Nhưng năm 2013, việc xây dựng quân đội và hải quân của Trung Quốc đã đạt tới mức báo động và Trung Quốc buộc Mỹ phải quan tâm, ít nhất ở khu vực Tây Thái Bình Dương - nơi có xung đột Biển Đông, Trung Quốc không còn là một mục tiêu hoặc quốc gia yếu kém quân sự để Mỹ có thể dễ dàng đe dọa bằng sức mạnh chính trị và quân sự. Mỹ có thể không còn kiên trì theo đuổi “Chiến lược hai mặt đối với Trung Quốc” truyền thống và “Chiến lược e ngại rủi ro” với Trung Quốc, nhưng hành động như vậy có thể chấm dứt hình ảnh của Mỹ là một đối tác chiến lược tin cậy ở các thủ đô của châu Á và trực tiếp đe dọa các lợi ích chiến lược của Mỹ ở châu Á.

Rõ ràng, chính sách bên miệng hố chiến tranh bằng sức mạnh quân sự và chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của Trung Quốc đang gây nên các cuộc xung đột trên Biển Đông, do đó Chính phủ Mỹ đã phản ứng bằng chiến lược trở lại châu Á-Thái Bình Dương. Năm 2013 và những năm tiếp theo đòi hỏi Mỹ phải nhanh chóng làm thất bại chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của Trung Quốc bằng cách làm tan vỡ tham vọng và vô hiệu hóa chính sách Biển Đông của Bắc Kinh. Để thực hiện điều đó, Mỹ cần tận dụng lợi thế của tình trạng phân cực chiến lược ở châu Á mà các cuộc xung đột Biển Đông do Trung Quốc gây nên đã và đang tạo ra theo hướng có lợi cho Mỹ.

Như ông Robert Kaplan, chuyên gia về các vấn đề chiến lược của Mỹ nhận định: “Cũng như nước Đức đã tạo nên trận tuyến của cuộc Chiến tranh Lạnh, các khu vực lãnh hải trên Biển Đông có thể trở thành các trận tuyến quân sự trong những thập kỷ tới. Tính đa cực của thế giới vốn là một trong những đặc điểm của nền ngoại giao và kinh tế, nhưng Biển Đông sẽ thể hiện tính đa cực của quân sự”.

Theo Eurasia Review

Trần Quang (gt)

(Nghiên cứu Biển Đông)

Không có nhận xét nào: