Pages

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

Đa phương hoá? - Đừng hão huyền!

Việt-Long - RFA

Đừng mơ tưởng hão huyền

wang-yi
Hai Ngọai trưởng Việt-Hoa đàm phán tại Hà Nội hôm 4 tháng 8, 2013
vietnampress photo
Tin Reuters cho biết Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm mùng 4 tháng 8 tuyên bố tại Hà Nội rằng Bắc Kinh sẽ không vội vã ký kết dự thảo Bản Quy tắc Ứng xử trên biển Nam Trung hoa (tức biển Đông theo cách nói của Việt Nam, hay biển Tây Philippines theo luật của Manila).
Ông Vương nói thêm :" Một số quốc gia đang hy vọng rằng bản Quy tắc Ứng xử, CoC, có thể được ký kết cấp tốc; những nước này đang trông đợi những điều không thực tế".

Đó là lời dịch lại từ Anh ngữ, còn hiểu theo cách của người phương Đông thì Ngọai trưởng Trung Quốc đã nói thẳng trước mặt những quốc gia nào đó đang mong CoC được đem ra áp dụng rằng: “đừng mơ tưởng hão huyền.”
Tìm nguyên do, trước hết cần nhắc đến tin tức từ Việt Nam liên quan đến chuyến thăm của Bộ trưởng Vương Nghị do Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam mời đến. Báo Dân trí loan tin là trong cuộc hội đàm song phưong Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: hai bên cần kiên trì giải quyết tranh chấp trên biển trên cơ sở thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam với Trung Quốc, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DoC), hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (CoC).
Như vậy, Hà Nội đã đi “trái lề” với Bắc Kinh, khi xứ láng giềng to khoẻ này từng nhắc nhở chủ trương không muốn một nước ngoài nào khác, kể cả Liên Hiệp Quốc, can dự vào việc giải quyết cuộc tranh chấp lãnh hải biển Đông giữa Trung Quốc, không kể Đài Loan, với 4 quốc gia ASEAN gồm Việt Nam, Philippines, Indonesia, và Brunei.
Hành vi công khai “lệch hướng” trước mặt vị đại diện ngoại giao của nước lớn này đã khiến Ngọai trưởng Vương Nghị nổi giận và thốt lên những lời lẽ cứng rắn không chút nể nang chưa từng thấy. Trung Quốc chỉ còn giữ lại một câu hỏi :'Liệu trong nội bộ chính trị của quý quốc, các đồng chí có muốn một thể chế đa phưong không?"  
amm-46
Các Ngọai trưởng ASEAN tại Hội nghị AMM 46 ở Brunei - Screen Caption
Điều đáng lưu ý là báo chí Việt Nam không hề nói tới nửa chữ về lời tuyên bố của Bộ trưởng ngoại giao Vương Nghị, “đáp lễ” tuyên bố của ông Phạm Bình Minh. Chỉ có các hãng thông tấn quốc tế thuật lại lời lẽ nảy lửa không còn chút gì ngoại giao của vị Bộ trưởng nước lớn. Họ Vương còn nói rằng có nhiều việc cần phải làm đối với văn kiện CoC, văn kiện này liên quan đến quyền lợi của nhiều phía, và công thức hình thành cho nó đòi hỏi một khối lượng công tác phối hợp rất nặng nề, không một cá thể quốc gia nào nên áp đặt ý muốn của mình lên các nước khác. HọVương còn nói những nỗ lực trước đây cho việc thảo luận CoC đã thất bại "vì sự quấy rối của một số thành phần".

Ai mơ tưởng, ai quấy rối?

Cá thể quốc gia nào? Thành phần nào? Ông không nói rõ, nhưng người ta cho rằng Trung Quốc ngụ ý nói tới Philippines với vụ kiện ra toà Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, và Việt Nam với lời tuyên bố của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh về luật pháp quốc tế, “nhất là” công ước UNCLOS như kể trên.
Chẳng lạ gì, những quốc gia mà Ngoại trưởng Vương Nghị nói là "đang trông đợi những điều không thực tế" hay “đừng mơ tưởng hão huyền” cũng là Philippines và Việt Nam, và có thể là một “cá thể quốc gia” khác nữa không mấy xa lạ.
Nguyên do của điều gọi là “lùi buớc” là Trung Quốc muốn nhấn mạnh tính cách địa phương, khu vực, hay nói rõ hơn, tính cách song phương giữa Trung Quốc với ASEAN, giữa Trung Quốc với từng quốc gia nào xác lập chủ quyền trên biển Đông. Bắc Kinh không ngần ngại loại hẳn việc mà họ gọi là "can thiệp, phiền nhiễu" do luật quốc tế và toà án Liên Hiệp Quốc mang tới.
Trung Quốc muốn đem sự bàn thảo đi tới ký kết của họ trên văn kiện CoC làm điều kiện để kiềm chế Philippines và Việt Nam trong sách lược quốc tế hoá vấn đề tranh chấp lãnh hải ở biển Đông.

Phải bẻ từng chiếc đũa

Tuy nhiên, kềm chế Philippines và Việt Nam trong việc quốc tế hoá mới chỉ là một trong những kế sách của Trung Quốc trong vấn đề biển Đông.
Nguời ta còn nhớ hôm 30 tháng 6, 2013, tại Brunei, hai bộ trưởng ngoại giao Thái Lan và Trung Quốc họp báo chung, tuyên bố Bắc Kinh đã đồng ý tiến tới những cuộc thương lượng chính thức với khối ASEAN về một bản Quy tắc Ứng xử (CoC) để tìm cách giảm mối căng thẳng trên biển Đông.
Trong nỗi hân hoan, người ta có thể không lưu ý rằng lúc đó Bộ trưởng Vương Nghị phát biểu rằng Trung Quốc sẵn sàng làm việc với ASEAN  gỡ bỏ mọi "phiền nhiễu" hay "can thiệp" trong việc phối hợp để thảo luận văn bản CoC. Cần chú ý ông Vương nói : “làm việc  gỡ bỏ phiền nhiễu”, mà không nói rằng “làm việc ĐỂ gỡ bỏ phiền nhiễu, can thiệp”. Người ta có thể thấy ngay từ lúc đó Trung Quốc đã muốn cảnh báo, hay nói đúng hơn, là Trung Quốc đã rào chắn về điều họ gọi là "gây phiền nhiễu" và "can thiệp" từ bên ngoài khối ASEAN và Trung Quốc.
Nay thì điều đó đã thể hiện mạnh mẽ qua lời lẽ nảy lửa của họ Vương tại Hà Nội, sau khi Ngoại trưởng Phạm Bình Minh nói tới Liên Hiệp Quốc với Công ước UNCLOS. Trước đó Việt Nam đã công khai ngỏ ý ủng hộ Philippines trong vụ kịên Trung Quốc trước toà án Liên Hiệp Quốc về luật biển, mặc dù Hà Nội tuân thủ điều khoản ký kết với Bắc Kinh: hai nước cộng tác, phối hợp và điều phối chính sách ngoại giao của nhau. Chắc Việt Nam khó có cơ hội “điều phối” chính sách ngoại giao của Trung Quốc.
Nhưng hội nghị gọi là “giữa hai bên ASEAN và Trung Quốc" về văn kiện CoC có mang hàm ý một cuộc thảo luận đa phưong về vấn đề biển Đông chăng?
Có và không. Họ Vương có nói đến cuộc thảo luận song phưong với ASEAN về bản Quy tắc Ứng xử CoC, mà không hàm ý thảo luận song phương với ASEAN về vấn đề tranh chấp lãnh hải biển Đông. Ngay trong cuộc  họp báo hôm 30 tháng 6 tại Brunei ông Vương Nghị nhấn mạnh rằng "Cuộc tranh chấp biển Nam Trung Hoa không phải là một vấn đề giữa Trung Quốc với khối ASEAN, do đó không nên để ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai bên."
obama-sang
Tổng thống Hoa Kỳ và Chủ tịch Nước của Việt Nam tại toà Bạch Ốc - Screen Caption
Rõ ràng đường lối nhất quán của Trung Quốc vẫn là tránh đem những cuộc tranh chấp ở biển Đông lên bàn thương lượng với ASEAN, mà chỉ muốn thảo luận văn kiện CoC với ASEAN mà thôi. Hai đề mục này tuy gần gũi với nhau nhưng đồng thời cũng khác nhau khá xa.
Nói rõ hơn, Bắc Kinh miễn cưỡng ngồi vào bàn đàm phán với ASEAN, một hình thức giải quyết đa phưong, để thảo luận về văn kiện CoC đề nghị quy tắc hành xử của các quốc gia liên quan đến cuộc tranh chấp lãnh hải biển Đông; còn đối với  chính bản thân cuộc tranh chấp đó thì Trung Quốc muốn chỉ liên quan đến từng nước trong khối ASEAN với Trung Quốc, không phải là toàn khối ASEAN đứng vào một bên tranh chấp, đó là quan điểm mà Trung Quốc muốn xác định. Tựu chung Trung Quốc vẫn giữ chặt quan điểm giải quyết tranh chấp bằng hình thức song phương với từng nước chứ không phải đa phương với cả khối ASEAN.
Nhìn lại, ta thấy điều đó khá rõ trong mọi hoạt động ngoại giao của Trung Quốc liên quan đến biển Đông và khối ASEAN.
Trung Quốc chỉ thoả thuận thảo luận về CoC với khối ASEAN vì toàn bộ biển Đông liên quan đến bốn nước ASEAN và Trung Quốc, không kể Đài Loan. Còn về mối tranh chấp ở toàn bộ biển Đông thì Bắc Kinh tách ra từng toạ độ địa lý để đòi giải quyết cách song phương giữa Trung Quốc với từng quốc gia, cụ thể là với Việt Nam và Philippines. Quần đảo Hoàng Sa và vịnh Bắc bộ thì Bắc Kinh muốn đó là chuyện giữa Việt Nam với Trung Quốc, vùng Scarborough và Thomas Islands tức là bãi Cỏ May thì là chuyện giữa Bắc Kinh với Manila, đừng có toà án Luật Biển hay Công ước 1982, hay một nước nào bên ngoài lên tiếng cổ võ quốc tế hay Liên Hiệp Quốc can dự.

Cơ hội đa phưong hoá

Lời tuyên bố của bộ trưởng họ Vương tại Hà Nội còn có ngụ ý nói tới quan điểm của Việt Nam và Hoa Kỳ trong chuyến công du của chủ tịch Trương Tấn Sang qua Washington, khi Tổng thống Mỹ nhắn nhủ quốc tế không sử dụng võ lực.
Việc này vốn là lập trường của Hoa Kỳ từ xưa tới nay, nhưng khi nói lên trong thông cáo chung thì người ta cho là Mỹ nghiêng về phía Việt Nam để cảnh cáo Trung Quốc.
Một điểm quan trọng nữa, là hiệp ước giữa công ty dầu khí Mỹ với Petro Vietnam. Trung Quốc thường doạ nước ngoài không nên phát triển khai thác gần vùng tranh chấp ở biển Đông, nay Mỹ xác nhận là những công ty này sẽ hoạt động ở nơi đó. Viêc này hẳn đã được Bắc Kinh coi là "những phiền nhiễu từ bên ngoài" như lời phát biểu của ông Vương Nghị tại Hà Nội hôm 4 tháng 8.
Tạm kết luận, có thể nói Trung Quốc sẽ dằng dai co kéo trong tiến trình thảo luận về CoC vào tháng tới. Xứ đại cường hãnh tiến này có thể ra điều kiện Philippines và Việt Nam phải loại hẳn giải pháp toà án Luật biển UNCLOS trước khi Bắc Kinh chịu ký vào bản Quy tắc Ứng xử ở biển Đông.
Tuy nhiên, làm như thế cũng đồng thời tạo cơ hội cho Philippines và Việt Nam dự phần trong một giải pháp đa phương giữa Trung Quốc với 10 nước ASEAN, may ra kéo thêm được Hàn quốc và Nhật Bản vào với tư cách thành phần của ASEAN cộng 3, để khuyên giải con số thứ ba trong phép cộng ASEAN. Dù sao, kế sách này rất khó có cơ may thành công.
Diễn tiến trong hội nghị ASEAN-Trung Quốc vào tháng tới đây còn tuỳ thuộc tài năng ngoại giao của ASEAN, sức yểm trợ hay áp lực của Mỹ, Nhật, Úc, Ấn và tình đoàn kết của 10 quốc gia Đông Nam Á, với Cambodia đè vào như một gánh nặng chênh vênh lạc lõng và chính là “thành phần gây phiền nhiễu”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét