Pages

Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Đầy Tớ Làm Chủ Ngân Hàng?

Nguyễn Hoài
Thị trường tài chính Việt Nam đã bộc lộ những bất cập lớn, mà một trong số đó chính là sở hữu chéo và đầu tư chéo, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn giải thích lý do tổ chức cuộc hội thảo về “rủi ro sở hữu chéo và đầu tư chéo”, quy tụ hơn 100 chuyên gia đầu ngành, diễn ra ngày 31/7.

7 hình thức

Theo ông Ngoạn, xét về bản chất, sở hữu chéo không là tội lỗi nhưng dễ bị lạm dụng, bởi nó tạo ra cơ hội để cổ đông chi phối định chế tài chính và coi đó như công cụ để đầu tư, cấp vốn theo mục đích riêng.

Hệ quả dẫn tới là những giao dịch tài chính vượt ra ngoài khuôn khổ an toàn theo quy định luật pháp, thoát ly sự kiểm soát của các cơ quan quản lý. Khi đó, sở hữu chéo đóng vai trò như chất dẫn, lan truyền rủi ro giữa các định chế tài chính và doanh nghiệp liên quan khi cổ đông gặp khó khăn trong kinh doanh.


Mặc dù hội thảo đề cập đến nhiều ngóc ngách của quan hệ sở hữu chéo: doanh nghiệp – doanh nghiệp; doanh nghiệp ngân hàng; ngân hàng và ngân hàng với nhiều hình thức: góp vốn, mua cổ phần, chuyển dịch sở hữu cổ phiếu trên sàn niêm yết… nhưng tâm điểm của thảo luận lại tập trung vào vấn đề sở hữu chéo và đầu tư chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam.

Nói về thực trạng này, ông Bùi Huy Thọ, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, có 7 hình thức sở hữu chéo và đầu tư chéo:
  •     Tổ chức tín dụng góp vốn qua lại với nhau và với các công ty con của nhau;
  •     Một tổ chức tín dụng sở hữu cổ phần nhiều tổ chức tín dụng khác;
  •     Một ngân hàng cùng các cổ đông của ngân hàng mình sở hữu cổ phần tại nhiều tổ chức tín dụng khác;
  •     Một ngân hàng sở hữu cổ phần tại một tổ chức tín dụng khác đồng thời nhận ủy thác đại diện cho các cổ đông chính tại tổ chức tín dụng đó;
  •     Một số ngân hàng có sở hữu cổ phần tại tổ chức tín dụng khác đồng thời có quan hệ vay vốn và tiền gửi lớn với tổ chức tín dụng đó;
  •     Một số cổ đông và người có liên quan nắm giữ cổ phần của tổ chức tín dụng vượt quá tỷ lệ cho phép, đồng thời lại có quan hệ vay vốn lớn tại tổ chức tín dụng;
  •     Ngân hàng mua trái phiếu của công ty con hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm (hình thức cấp tín dụng cho công ty con) hoặc đặt cọc, ủy thác đầu tư qua công ty con. Ngược lại, các công ty con cũng thực hiện nhiều giao dịch như gửi tiền hoặc sở hữu cổ phiếu của chính ngân hàng.
Cùng quan điểm này, ông Ngoạn băn khoăn với hàng loạt câu hỏi: khuôn khổ pháp luật tương đối đầy đủ, rằng một pháp nhân, một thể nhân không được sở hữu quá bao nhiêu phần trăm vốn điều lệ, nhưng tại sao thực tiễn lại có một ông A tuyên bố nơi công cộng rằng tôi sở hữu vốn chi phối ở ngân hàng này? Tại sao lại có một cô thư ký, anh lái xe, bà giúp việc đứng hộ tên cổ phần cổ phiếu cho ông chủ ngân hàng? Tại sao một ngân hàng huy động tiền của dân chúng nhưng lại mang đi phục vụ cho dự án của mình?

“Lần nguồn gốc vốn góp đến 13 đời”

Ông Lưu Bích Hồ, nguyên là thành viên ban nghiên cứu của Thủ tướng trước đây cho rằng, đã chấp nhận tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng thì phải chấp nhận cho phá sản và đào thải, ngược lại, sẽ chỉ nói rồi để đấy.

Liên quan đến giải pháp xử lý nạn sở hữu chéo và đầu tư chéo, ông Ngoạn cho rằng, phải “lần nguồn gốc vốn góp đến 13 đời”. Tuy nhiên, ông Dương Quốc Anh, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia phân trần: “Hồi tôi còn làm ở Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước sử dụng lực lượng thanh tra để truy xét nguồn gốc dòng vốn của cổ đông, nhưng cơ sở pháp lý cho cán bộ thanh tra ngân hàng không có nên không thể làm được”.

Theo ông Quốc Anh, về việc giải thích nguồn gốc vốn góp, nhiều khi, Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp với cơ quan công an, thu thập nhiều dấu hiệu để chứng minh nguồn gốc vốn góp của cổ đông thì họ mới thừa nhận.

Một giải pháp thứ hai được ông Nguyễn Thành Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý quỹ (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) đưa ra: việc hạn chế sở hữu chéo đã được xác lập, thể chế hóa từ năm 2007 tại điều 18 Nghị định 14/2007/NĐ-CP ngày 19/1/2007 và đề cập rõ hơn tại điều 71 Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012.

Theo đó, phải yêu cầu báo cáo, đề nghị chấp thuận đối với các giao dịch lớn, chiếm từ 10% trở lên vốn điều lệ, hoặc dẫn đến tỷ lệ sở hữu của một số đông vượt qua hoặc xuống dưới các mức sở hữu 10%, 25%, 50%, 75% vốn điều lệ của công ty.

Ông Long nói thêm: “Ngoài ra, cần sử dụng hệ thống công nghệ thông tin quản chặt tỷ lệ sở hữu. Trước mắt, chỉ áp dụng tại công ty chứng khoán và công ty công ty quản lý quỹ, nhưng sau này cần phải “sờ gáy” cả công ty đại chúng, phải giám sát sở hữu trực tiếp lẫn sở hữu gián tiếp”.

Nguyễn Hoài

(Góc nhìn Alan)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét