Pages

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Bộ trưởng Chuck Hagel sẽ thăm VN vào năm tới 2014

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và người đồng nhiệm Việt Nam Phùng Quang Thanh đã có cuộc gặp bên lề Hội nghị ADMM+ tại Brunei vào thứ Tư 28/8, tại đó, ông Hagel đã đồng ý đi thăm Việt Nam vào năm 2014.
Sau cuộc gặp, thông cáo báo chí của Hoa Kỳ nói: 
"Ngài Bộ trưởng đã cảm thấy vinh dự nhận lời mời từ Tướng Phùng Quang Thanh để đến thăm Việt Nam vào năm sau".


Trước đó, của Lầu Năm Góc cũng nói hai nhà lãnh đạo quân sự Mỹ - Việt đã "ghi nhận tầm quan trọng của các giải pháp hòa bình cho tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa". 
Báo Singapore The Straits Times cho hay đây là một trong các cuộc gặp được lên kế hoạch cho một ngày bận rộn bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Asean mở rộng của ông Hagel.
Ngoài Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ còn gặp bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản, Nam Hàn và Brunei.
Ông cũng sẽ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn và người tương nhiệm Miến Điện.

Tuy tình hình Syria có khả năng chiếm lĩnh nghị trình của ông Hagel, ông vẫn được trông đợi sẽ kêu gọi các nước kiềm chế tại Biển Đông và cổ suý cho tiến trình chuyển dịch trọng tâm sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.
Hội nghị ADMM+ là sáng kiến do Việt Nam đưa ra năm 2010, có sự tham gia của bộ trưởng quốc phòng các nước Asean và 8 quốc gia khác là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Australia, và New Zealand. Hội nghị năm nay là lần thứ hai, diễn ra trong hai ngày 28/8-29/8.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh vừa có chuyến công du Philippines ba ngày trước khi tới Brunei tham dự ADMM+.
Tại Manila, ông Thanh cũng đã thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines về tình hình Biển Đông.
Thời gian gần đây, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đẩy mạnh hợp tác quốc phòng trên nhiều cấp độ, tuy nhiên Mỹ vẫn chưa bán vũ khís át thương cũng như chưa tập trận chung với Việt Nam.

'Cường quốc tầm trung'

Hôm 27/8, hãng tin Bloomberg có bài đề cập tới vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng-quân sự tại khu vực.
Hãng này nhận định "cuộc tranh giành nguồn lợi dầu khí, hải sản và ảnh hưởng đang đặt Việt Nam vào tầm chú ý trong vị thế cường quốc tầm trung đang nổi lên ở Đông Nam Á".
Theo Bloomberg, kể từ hội nghị ADMM+ lần thứ nhất ở Hà Nội năm 2010, vai trò của Việt Nam đang đi lên trong bối cảnh Mỹ chuyển dịch trọng tâm sang châu Á-Thái Bình Dương và Trung Quốc cũng mở rộng tầm ảnh hưởng.
Ralf Emmers, phó giáo sư tại Học viện Nghiên cứu các vấn đề Quốc tế mang tên S. Rajaratnam ở Singapore, được dẫn lời nói: “Việt Nam ngày càng được coi như một quốc gia quan trọng trong khu vực".
Tuy nhiên điều này, theo ông Emmers, khiến Việt Nam phải cân nhắc hành xử để không bị coi là quá thân với Mỹ mà làm phật lòng Trung Quốc.
Việt Nam cần hỗ trợ của Mỹ, nhất là trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Việt Nam cũng không muốn đi con đường của Philippines, đồng minh lâu năm của Mỹ.
Một số chuyên gia, như Termsak Chalermpalanupap từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cũng ở Singapore, cho rằng quan hệ giữa hai đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc cho phép Hà Nội giải quyết bất đồng với Bắc Kinh tại Biển Đông một cách thuận lợi hơn Manila.

BBC news

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét