Pages

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Trần Viết Ngãi phát biểu vô lối, bất nhất về việc tăng giá điện


Nhật Lệ (Danlambao) - Khi dư luận còn đang sôi sùng sục về quyết định đánh úp người dân và công luận của EVN và Bộ Công thương về tăng giá điện thì ông Chủ tịch hiệp hội Năng lượng Việt nam Trần Viết Ngãi lại nhiệt tình một cách vô lối, cầm đèn chạy trước ô tô tuyên bố rằng, năm 2013, ngành điện dự kiến tăng giá điện phải 15-20% mới đủ bù đắp chi phí nên với việc tăng 5% là mức thấp nhất mà ngành điện có thể tăng; và rằng, theo tiến trình, giá điện sẽ còn phải tăng nữa. Và với đợt tăng này còn thấp hơn so với dự kiến nên sẽ còn tăng giá nữa từ nay tới cuối năm, có thể là tháng 10 hoặc 11/2013. Ông Ngãi dự báo.

Trước hết, xin được nói với ông Ngãi nếu EVN định làm thế thật thì cũng có nghĩa EVN đang tự đào mồ chôn mình, bởi như thế là EVN đã vượt qua mọi giới hạn trong sức chịu đựng của nhân dân và nền kinh tế. Thứ nữa, không biết ông Ngãi dựa trên căn cứ nào để hùng hồn khẳng định như vậy, vì tầm cỡ Chủ tịch hiệp hội thì cũng chỉ hóng hớt thông tin mà thôi. Đến như các chuyên gia về giá, được mời tham vấn điều chỉnh giá điện cũng đều được yêu cầu trả lại tài liệu sau mỗi cuộc họp nữa là. Sự vô lối trong phát biểu của ông đã khiến lãnh đạo EVN phải đăng đàn phủ nhận ngay. Theo đó, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN đã phải cam kết:"Từ nay đến cuối năm sẽ không điều chỉnh giá điện lần nào nữa. Đến cuối tháng 12 năm nay sẽ tính toán giá thành thực hiện năm 2013 và lộ trình điều chỉnh giá điện năm 2014 để trình Bộ Công thương và Chính phủ phê duyệt". Tất nhiên, công luận cũng hiểu là ông Tri đang nói năm dương lịch 2013. Còn trong năm Quí Tỵ thì chưa biết thế nào. EVN là thế mà, có thể không tăng trong năm 2013 nhưng tăng ngay từ 1/1/2014 chưa biết chừng.

Trần Viết Ngãi
Điều chúng tôi băn khoăn là ông Chủ tịch hiệp hội xăng xái hẳn lên trong lần tăng giá điện này, đòi tăng giá cho EVN nhiều hơn nữa không hiểu với động cơ và mục đích gì vì nó trái ngược 180 độ so với quan điểm của ông trong quá khứ. Cụ thể, ngày 13/7/2012 (cách đây 1 năm), khi trả lời báo chí ông đã nói: “Vừa qua, chúng tôi đã xác minh rõ câu chuyện giá điện. Hiện nay, giá bán buôn điện mà EVN mua chỉ có 900 đồng/kWh. Trong khi đó, giá bán lẻ điện đã tăng thêm 5% từ 1/7, cộng thêm thuế VAT, giá bán lẻ điện bình quân đã lên tới 1.506 đồng/kWh, tương đương 7,2 cent/kWh. Giá như vậy đâu hề thấp, nhất là không hề thấp với đời sống nhân dân hiên nay. Chưa kể, đó mới là giá bán điện bình quân. Còn giá điện sinh hoạt tính theo bậc thang, càng dùng nhiều, càng phải trả giá cao thì giá bán bình quân thực sự cho dân còn cao hơn nữa. Có gia đình, tính ra còn phải trả tới 4000 – 5000 đồng”

Khi được hỏi về việc EVN và Bộ Công thương thường than giá điện của ta thấp hơn các nước trong khu vực, ông nói: “Chúng ta không nên so sánh với các nước phát triển mà dân phải mua điện với giá vài ba chục cent. Không nên so sánh như vậy! Nền kinh tế của ta thấp hơn họ, đời sống nhân dân cũng thấp hơn họ. Tôi cho rằng, nếu đã tiến tới gọi là thị trường điện, giá điện theo cơ chế thị trường thì phải có tăng, có giảm. Nhưng EVN hiện nay chỉ thường quan tâm các yếu tố tăng giá chứ không hề hạ giá. Tôi chỉ ví dụ thế này, theo quy luật cung cầu, lúc mưa, nhiều nước, thủy điện dồi dào, nguồn điện thừa, nhân dân dùng không nhiều thì giá điện phải giảm. Còn lúc mùa khô, thiếu điện, phải chạy phát điện bằng nguồn giá thành cao như chạy dầu, thì giá điện sẽ phải tăng.

Việc tăng giá điện phải tùy thuộc đời sống xã hội, nền kinh tế phát triển, mức độ tiêu thụ điện, thừa vào việc thiếu hay thừa điện. Như thế mới gọi là giá thị trường”

Theo quan điểm của ông Ngãi, đợt tăng giá điện từ 1/7/2012 là rất vô lý vì không những không được tăng mà phải giảm bởi năm 2012, 70% doanh nghiệp không hoạt động được, không dùng nhiều điện. Thủy điện lớn như Sơn La vào, rồi nhiều nhà máy thủy điện nhỏ khác cùng vào, đây lại đều là nguồn giá điện rẻ. Chúng ta đang thừa điện, nguồn giá rẻ nhiều, thì tội gì lại đi tăng giá điện? Xin hỏi ông Ngãi, năm 2013 này các điều kiện KTXH của chúng ta có gì khá hơn không, thời tiết lại mưa nhiều rất thuận lợi cho thủy điện. Sao ông lại quay ngoắt 180 độ như vậy. 

Cũng tại buổi trả lời phỏng vấn đó ông đã thẳng thắn, công tâm, chia sẻ: “Ngành điện đang nợ rất nhiều, bị lỗ nhiều. Nhưng việc thiếu vốn đó thì không phải tăng mấy đồng giá điện mà bù lỗ được, không ăn thua đâu. Không bao giờ tăng giá điện mà lại bù lỗ được số vốn thiếu như vậy. Còn nguồn vốn từ nay đến 2020, theo Quy hoạch điện 7 cần tới 48 tỷ USD. Đây không phải là vốn riêng của EVN mà là của chung ngành điện”

Ông cũng đã rất sâu sắc khí nói lên tiếng nói của các nhà máy thủy điện nhỏ lẻ: “Thực tế, các nhà máy thủy điện nhỏ chỉ đòi hỏi EVN phải mua giá điện của họ bằng với giá của thủy điện lớn. Chứ, họ không hề đòi hỏi EVN mua với giá cao như mua điện của Trung Quốc, giá tới 1.300 đồng. Hiện nay, nhiều nhà máy thủy điện nhỏ trước đây ký hợp đồng, giá chốt chỉ có 400-500 đồng/kWh. Đến khi giá bán lẻ tăng, mình EVN hưởng mà các nhà bán buôn điện này không được điều chỉnh theo kịp thời”

Thử hỏi, đến lần này, giá điện tăng 5% thì liệu các nhà máy này có được EVN nhá cho xu nào không. Hay lại lặp lại, chỉ EVN hưởng?

Hiệp hội là cầu nối giữa DN, trong trường hợp này là EVN và người dân, giữa DN và các cơ quan quản lý nhà nước. Hiệp hội chỉ hoàn thành nhiệm vụ của mình nếu có quan điểm trung thực, khách quan, vừa bảo đảm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, bền vững của DN vừa hài hòa lợi ích của người dân. Nói thật, lúc đọc bài trả lời của ông Ngãi tháng 7 năm 2012, chúng tôi rất phấn khởi vì ông Chủ tịch đã thấu hiểu những khốn khó của nhân dân, của nền kinh tế của các nhà máy thủy điện nhỏ... và sòng phẳng, khách quan với EVN. Còn nay lại thấy “khó tả” (theo cách nói của Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng) khi thấy ông nhơn nhơn trên báo để phủ định lại những gì mình từng nói. Chúng tôi cho rằng dù là chính khách hay thường dân thì sự trước sau như một là điều vô cùng cần thiết.

Sự bất nhất trong phát biểu của ông Chủ tịch Hiệp hội năng lượng cũng có thể là chiêu trò trong tấn tuồng của EVN. Vì đến nay qua các phương tiện thông tin đại chúng, thấy những người có trách nhiệm nhìn nhận mục đích của đợt tăng giá này là rất khác nhau. Cụ thể ông Vũ Đức Đam và nhiều quan chức của Bộ Công thương EVN đều cho rằng, tăng giá là tất yếu vì giá thấp thì không ai đầu tư vào điện và vì thế điện sẽ thiếu dài dài. Có mấy lý do được ông Đam đưa ra như sau:
- Trước tiên, đây là chủ trương nhất quán của Nhà nước, để giá điện theo thị trường.
- Thứ hai, giá điện thấp nên không kêu gọi đầu tư vào ngành điện, trong khi không thể cứ mãi dùng ngân sách để đầu tư. 

- Thứ ba, giá than bán cho điện đang dưới giá thành dẫn đến tình trạng buôn lậu than. 

Còn giải thích trên truyền hình tối 1/8, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực, Bộ Công thương cho biết, EVN đang nợ Tổng công ty khí quốc gia một khoản nợ trên 3.000 tỷ đồng, do chưa thu xếp được nguồn tiền để trả nên buộc phải quyết định tăng giá điện. 

Đến lượt lãnh đạo EVN, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN lại nói Tăng 5%, dự kiến thu được 3.500 tỷ đồng đến 3.600 tỷ đồng. Chi phí than chúng tôi chi tăng thêm 5.000 tỷ đồng, giá khí tăng lên chi thêm khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Nên phần thu tăng thêm này không đủ bù lỗ do giá than và khí tăng. Chừng đó ý kiến cho thấy với 3500 tỷ thu được qua đợt tăng giá này sẽ được dùng vào việc gì, tăng giá cho bên phát điện để thu hút đầu tư hay trả cho dầu, khí hay trả cho than? Và quan trọng hơn, lần tăng giá sau, nhân dân và Công luận có được mục sở thị dòng chảy của 3500 tỷ đồng này về đâu không? Liệu có chục tỷ, trăm tỷ, thậm chí nghìn tỷ nào rơi vào vùng mất mát?.

Nhân dân và công luận có quyền đòi hỏi mình bạch những vấn đề như vậy bởi qua lần tăng giá vừa rồi (1/8/2013), cách làm của EVN và Bộ Công thương (cũng tức là Chính phủ) dường như cố tình luộm thuộm một cách không cần thiết. Dân gian gọi là “võ bẩn”. Thể hiện sự mẫu thuẫn, thiếu nhất quán của các cơ quan quản lý nhà nước. Khiến cho sự bất an, mất niềm tin của nhân dân với EVN vốn đã đã trầm trọng lại càng trầm trọng hơn.

Thì đây, trong khi chỉ đạo của Chính phủ về việc phải có kế hoạch tuyên truyền, giải thích trước khi tăng giá điện vẫn còn đang nóng hổi trên các trang báo. Cũng như trước đó, trả lời báo chí, lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực, rồi Bộ Công Thương nhiều lần cho biết đang đang yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán chi phí phát sinh để có những cân nhắc điều chỉnh hợp lý, thì bất ngờ, chưa đầy 24 giờ sau EVN thông báo tăng giá điện 5% kể từ ngày 1/8. 

Khỏi phải nói tới sự thật vọng và bức xúc của cộng đồng các DN và người dân, vì sự tăng giá điện đột ngột đã làm đảo lộn kế hoạch SXKD của phần lớn các DN vốn đang phải sống chung với khủng hoảng. Còn người dân thì băn khoăn liệu rằng quyết định tăng lương tối thiểu với mức tăng 100.000 đồng/tháng có phải là quyết định mở đường phục vụ việc tăng giá điện hôm nay không? Dường như việc tăng giá điện đã góp phần vô hiệu hóa các giải pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, nỗ lực kiềm chế lạm phát... "Điện là ngành độc quyền nên mỗi lần giá điện tăng đều gây bức xúc. EVN luôn nói tăng giá là để bù lỗ, thu hút đầu tư vào ngành điện, nhưng thử hỏi chi phí vận hành điện đã tốt chưa, sử dụng nguyên liệu đã hợp lý chưa, với những khoản chi và đầu tư bất hợp lý rồi lỗ mà bắt người tiêu dùng gánh thì quá phi lý"- TS. Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) bức xúc. Chính những con số cung cấp thiếu minh bạch cũng khiến người trong cuộc – những chuyên gia được EVN tham vấn "hoa mắt". "Nhiều lúc thông tin EVN đưa ra mà đến ngay cả nhiều chuyên gia cũng không biết đâu mà lần".

TS Lê Dăng Doanh thì rất không đồng tình về cách làm. Ông cho rằng thay vì giải trình bằng những lý do tăng giá như mọi lần, EVN nên công khai luôn lộ trình tăng để người dân còn biết. Hơn nữa, EVN nên nói rõ đã giảm chi phí hao hụt đường dây thế nào, đã làm những gì để giảm giá thành thì người dân mới biết để thông cảm. Còn chuyên gia Phạm Chi Lan thì bức xúc: “Với điện, lâu nay vẫn chỉ có một chiều là tăng mà không có giảm. Dường như không chỉ EVN mà cả nhà điều hành đang nợ người dân sự công khai, minh bạch với giá điện”.

Nói như vậy để thấy sự khuất tất, thiếu nhất quán của EVN và sự bất lực của các cơ quan quản lý nhà nước đối với ngành điện. Chỉ mỗi yêu cầu công khai minh bạch thôi mà dự luận đòi hỏi đã hàng thập kỷ nhưng EVN vẫn cứ trơ trơ. Thiết nghĩ, như mọi người dân, như mọi hiệp hội khác, ông Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Trần Viết Ngãi nên đưa ra các phát biểu, nhận định, công tâm, khách quan để có thể đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành điện cũng như của đất nước. Tránh hiện tượng ngẫu hứng, tùy lúc làm rối dư luận và gây khó khăn cho các nhà quản lý.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét