Pages

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Cuộc thập tự chinh tuyệt thực của một blogger Việt Nam

Cuộc đấu tranh trong lao tù của Điếu Cày, vì những bạn tù khác

Khi tôi viết câu chuyện này thì đã là ngày thứ 38 Điếu Cày tuyệt thực. Thông tin về việc blogger nổi tiếng nhất Việt Nam đã từ chối đồ ăn kể từ ngày 20-6 đã rò rỉ từ nhà tù nơi ông bị giam giữ, căn cứ vào một bản án được tạo dựng ra là ông tuyên truyền chống phá Nhà nước. Nhà bất đồng chính kiến 61 tuổi này muốn phản đối việc nhà tù ngược đãi những tù nhân không chịu nhận tội.

Tôi chưa bao giờ gặp Điếu Cày. Khi ông mới bị bắt đi tù vào năm 2008, tôi vẫn là một phóng viên lớn lên trong những năm tháng Việt Nam tăng trưởng mạnh nhờ đổi mới, và tôi hầu như không quan tâm đến chính trị. Điếu Cày thì ở thế hệ đủ già để nhớ về cuộc chiến tranh chống Mỹ và những ngày gian khó tiếp sau đó.

Việc làm của blogger Điếu Cày đã mở ra một cánh  cửa cho tôi. Nó cho thấy blog đáp ứng nhu cầu của độc giả – nhu cầu được có thông tin chân thực, tức là không phải thứ thông tin được định hướng và bóp méo bởi hệ thống báo chí quốc doanh phục vụ lợi ích của chế độ và Đảng  Cộng sản cầm quyền.

Tôi không phải người duy nhất nghĩ như vậy: Cả một thế hệ blogger đã nhìn vào Điếu Cày như một blogger nói lên sự thật trước chính quyền. Những gì tôi biết về ông và kể lại ở dưới đây là tôi được nghe từ các bạn bè của ông.

Tên thật của ông là Nguyễn Văn Hải, nhưng dần dần người ta biết đến ông với tên gọi dân dã là Điếu Cày. Ông lớn lên ở Hải Phòng, thành phố cảng cách Hà Nội khoảng 100 km về phía đông, và ông đi bộ đội, chiến đấu ở Sư đoàn 3 Sao Vàng thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tôi đoán chắc Điếu Cày đang ở trong quân ngũ khi kháng chiến chống Mỹ chưa kết thúc. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông ở tuổi 22-23.


Người lính trẻ hẳn đã thấy đất phương Nam phù hợp với ông hơn. Khi giải ngũ, ông quyết định ở lại miền Nam. Vào những ngày đó người miền Bắc mà đi kinh doanh, buôn bán là chuyện hiếm lắm, nhưng Điếu Cày đã mở quán ở TP.HCM. Ông còn buôn bán thiết bị máy ảnh và cho thuê căn hộ. Ông nhanh chóng khá giả và có quan hệ rộng rãi. Bạn bè của Điếu Cày đánh giá ông là người cởi mở, nhiệt tình, duyên dáng và có sức thu hút, có thể thân thiết gần gũi với giới văn nghệ sĩ, trí thức cũng như tán chuyện với sinh viên hay dân nghèo.

Cho đến năm 2005, buổi bình minh của blog ở Việt Nam. Một dịch vụ mạng xã hội mới, Yahoo 360°, đã mang lại một cảm giác hoàn toàn khác. Lần đầu tiên trong lịch sử, bất kỳ ai có kết nối với Internet đều có thể đăng bài lên một diễn đàn, nơi họ có thể tự do trao đổi quan điểm – một sự tự do chưa từng có. Blog bùng nổ. Cho đến năm 2007, có một số blog bàn về các vấn đề chính trị, đặc biệt chú ý đến căng thẳng đang leo thang giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Điếu Cày nổi lên như là blogger nổi tiếng nhất trong các blogger chính trị. Ông đăng bài và ảnh nói về đời sống người dân. Với một chiếc laptop và máy ảnh, ông đi khắp nơi, trò chuyện với những người nghèo, yếu thế. Ông phỏng vấn nông dân mất đất, phỏng vấn những cô gái làm nghề khâu giày xuất khẩu trong những nhà máy bóc lột, những công nhân sống với mức thu nhập không đầy 4500 VND/ngày. Ông còn điều tra về một thảm hoạ xây dựng, và vạch ra những dấu hiệu tham nhũng mà có thể đã là nguyên nhân đưa đến cái chết của hơn 50 công nhân.

Ông đăng trên blog của mình một câu chuyện đầy châm biếm, kể về vụ ông chống lại một đảng viên cộng sản khi người này muốn lấn chiếm một trong các căn hộ của ông. Đơn khiếu nại của ông bị bác. Tệ hơn nữa, ông bị phạt vì tội “gây rối trật tự công cộng”, và bài viết của ông về công bằng xã hội cũng như hệ thống toà án hủ bại đã đưa đến một kết cục đen tối hơn.

Khi số người đọc blog của ông tăng dần lên cũng là khi Điếu Cày thu hút sự chú ý của nhà nước. Công an đã bắt đầu để mắt đến ông. Điếu Cày không nản lòng. Ông cùng một vài người bạn lập ra Câu lạc bộ Nhà báo Tự do (CLB NBTD) vào tháng 9/2007. Tất nhiên tổ chức này hoàn toàn không được cấp phép và do đó về mặt kỹ thuật là bất hợp pháp.

Ba tháng sau, CLB NBTD đã sẵn sàng, khi mà những cuộc biểu tình chống các yêu sách quá đáng của Trung Quốc trên Biển Đông bắt đầu nổ ra vào ba chủ nhật liên tiếp ở Hà Nội và TP.HCM. Tin ảnh và bài được đăng ra bên ngoài, thông qua báo chí nước ngoài ở Việt Nam. Điếu Cày nổi bật trong các cuộc biểu tình, như là một viên nam châm thu hút những người trẻ tuổi đến gần để nghe ông nói chuyện.

Tại cuộc biểu tình thứ hai vào ngày 16/12, khi những người tham gia đã giải tán, blogger nổi tiếng Điếu Cày bị công an chặn lại. “Này”, một người đi ngang qua, trông thấy thế bèn kêu lên, “Sao bắt người ta?”. “Trộm”, một viên công an đáp. “Buôn ma tuý”, một công an khác nói. Điếu Cày bị thẩm vấn vài giờ, không phải về ma tuý hay trộm cắp gì mà về các cuộc biểu tình, sau đó ông được thả.

Chủ nhật tiếp sau đó, tuần thứ ba biểu tình chống Trung Quốc trái phép, Điếu Cày bị bắt nhanh chóng. Lần này ông bị giữ tới hai ngày và kể từ đó trở đi, bị công an giám sát chặt chẽ. Chính quyền bắt đầu dùng đến kho vũ khí là trấn áp không ra mặt. Công việc làm ăn của Điếu Cày bị “người lạ” phá phách. Khách tìm đến quán café của ông thường bị xua đi chỗ khác, không cho đậu xe. Khách thuê căn hộ của ông cũng bị sách nhiễu, phải đi. Thanh tra vào cuộc, cán bộ đòi Điếu Cày phải trình ra những hợp đồng cho thuê nhà ký từ 10 năm trước đó.

Điếu Cày còn có lần bị tông xe trong một vụ tai nạn đáng ngờ. Ông cũng thường xuyên bị triệu tập lên đồn công an để trả lời thẩm vấn. Có những lần ông bị tra hỏi từ 8h sáng đến khuya về các hoạt động của ông và của bạn bè trong CLB NBTD.

Điếu Cày không chịu nhượng bộ. Trên mạng, ông vẫn tiếp tục ghi lại những câu chuyện kiểu Kafka mà cuộc đời ông đã gặp phải. Rồi vào tháng 3/2008, ông nói với bạn bè (nhưng không báo với công an) rằng ông muốn nghỉ ngơi, và ông trốn khỏi TP.HCM. Việc Điếu Cày biến mất đã đưa đến cả một cuộc săn tìm ông cho đến ngày 19/4, khi ông bị “bắt khẩn cấp” (theo thông tin từ phía công an) tại một quán café Internet ở Đà Lạt, thành phố nằm trên núi, ở phía đông bắc TP.HCM.

Vài ngày sau, ông bị khám nhà. Công an cố tìm bằng chứng về “các hoạt động chống phá Nhà nước” nhưng không tìm được gì.Tuy nhiên, gia đình và bè bạn ông không thở phào được bao lâu. Điếu Cày bị kết tội trốn thuế. Trong khi đang giam giữ ông, thực ra, công an đã gài sẵn một cái bẫy từ nhiều tháng trước đó khi họ ra lệnh cho cơ quan thuế địa phương không nhận tiền thuế nộp quá hạn, từ chủ cho thuê nhà cũng như từ người thuê nhà.

Các luật sư tình nguyện làm đại diện cho Điếu Cày đều không được phép gặp ông, cũng không được biết sớm ngày xét xử ông. Họ không được trưng ra các bằng chứng cho thấy ông đã bị bẫy. Vào tháng 9/2008, blogger chính trị nổi tiếng nhất Việt Nam bị Toà án Nhân dân TP.HCM kết án tù.

Tuy nhiên chính quyền chưa dừng ở đó. Một ngày trước khi Điếu Cày mãn hạn tù 2 năm rưỡi vì tội trốn thuế, một thành viên khác của CLB NBTD, AnhBaSG, cũng bị bắt giam. Lệnh tha Điếu Cày bị huỷ. Ông bị giam tiếp dưới một tội danh mới: “tuyên truyền chống nhà nước”. Mãi cho đến gần hai năm sau đó, vào ngày 24/9/2012, ông mới “được” xét xử cùng với AnhBaSG và thành viên thứ ba của CLB NBTD, Tạ Phong Tần.

Thời gian trước phiên toà, không gian blog ở Việt Nam ì xèo căm phẫn. Hàng nghìn người ký tên vào một “thư ngỏ” trên mạng, gửi Chủ tịch nước, đòi “trả tự do cho Điếu Cày”. Các tổ chức nhân quyền quốc tế cũng gửi đề nghị của họ. Truyền thông của Đảng Cộng sản đánh lại, tấn công cá nhân Điếu Cày và các “blogger chống phá nhà nước” nói chung. Hàng chục blogger đổ về TP.HCM, có người đi tàu 36 tiếng từ Hà Nội vào.

Phiên toà trên danh nghĩa là công khai, như luật pháp Việt Nam đòi hỏi, nhưng phòng xử đầy nghẹt công an. Những người ủng hộ cho bị cáo bị công an đánh rất dữ. Bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu mến Điếu Cày tìm cách tham dự phiên toà đều bị chặn và sách nhiễu, áo phông của họ, có dòng chữ “Tự do cho Điếu Cày – Tự do cho người yêu nước” bị lột. Những người chống cự thì bị lôi đến đồn công an khu vực để thẩm vấn. Công an phá sóng điện thoại và quấy nhiễu những người tụ tập gần phiên toà, tịch thu điện thoại cùng máy ảnh của họ. Đến cả vợ cũ và con trai của Điếu Cày cũng không được vào phòng xử.

Một bản án được tuyên chỉ sau ba tiếng. AnhBaSG đã xin nhận tội vì hành vi viết blog và hứa cắt đứt mọi quan hệ với các phần tử phản động. Ông bị án bốn năm tù. Điếu Cày bị kết thêm một án tù 12 năm. Tạ Phong Tần cũng không chịu ăn năn như thế. Bà bị kêu án 10 năm tù.

Ba tháng sau, phiên toà phúc thẩm đã tuyên y án đối với ba blogger. Tuy nhiên, trái ngược với hy vọng của chế độ, bản án không doạ được các nhà bất đồng chính kiến trên mạng của Việt Nam. Cảm xúc chủ đạo được thể hiện trong các diễn đàn trên mạng là giận dữ, ví dụ người ta nói rằng chính quyền phạt tội tự do ngôn luận còn nặng hơn tội giết người.

Các hình phạt mà chính quyền Hà Nội đưa ra và việc thêm một vài blogger nổi bật bị bắt hồi mùa xuân vừa qua đã không ngăn được việc các blogger tiếp tục viết. Ngược lại, với mỗi một blogger bị đàn áp phải im tiếng thì lại có vài người khác đứng lên thế chỗ. Truyền thông của Đảng và Nhà nước cho rằng blogger chính trị là đội quân tiên phong phá hoại, nhằm thực hiện một âm mưu quốc tế chống lại chính quyền – lời buộc tội này nghe ngày càng rỗng tuếch.

Hàng nghìn người Việt Nam trẻ tuổi vỡ mộng – những người vẫn đăng bài và bình luận thường xuyên trên các blog và trang Fabebook đối lập – đều tin rằng dân chủ hoá là một quá trình tất yếu. Họ tin là tất cả những gì cần thiết là làm sao để có đủ người nhìn ra sự giả trá của nhà nước độc đảng sau cách mạng. Cuộc chiến sẽ còn tiếp tục.

Phạm Đoan Trang
Ngày 4-8-2013 

Bản dịch của Hoàng Kim Phượng

*  (Tác giả Pham Đoan Trang là phóng viên, blogger ở Việt Nam.)

(Defend the Defenders)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét