Pages

Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

HR 1897: Nước cờ đầu tiên của thế “triệt buộc”

Độ mở của Washington tùy thuộc vào thái độ bớt khép kín của Hà Nội. Ngay trước mắt, giới hoạt động dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam đã có thể bắt đầu nghĩ đến một khả năng “hòa hợp hòa giải” với chính thể, để cùng giữ cho đất nước này tránh thoát khúc quanh đầy tai biến trong những năm tháng tới.

Ba ngày sau

Chuyến đi của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đến Washington vào cuối tháng 7/2013 đã “gặt hái” được một kết quả gián tiếp nhưng tức thì: chỉ ba ngày sau kết thúc hội đàm Obama – Sang, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Luật nhân quyền Việt Nam với số hiệu HR 1897 với số phiếu áp đảo.

Có vẻ đúng như báo Nhân dân – cơ quan ngôn luận của Đảng – đã định hướng, một “chương” mới cho quan hệ Mỹ – Việt đang mở ra.

HR 1897 cũng là văn bản đầu tiên xác nhận mối liên đới giữa hai nhà nước với nhau, thay cho cuộc hội đàm Sang – Obama khá ngắn ngủi mà đã không hiển lộ bất cứ kế hoạch triển khai chi tiết nào, ngoài bản tuyên bố chung với hình thức khá giống một thông cáo báo chí.

Chỉ có điều, báo chí quốc tế lại đã không làm tròn phận sự của mình. AP, CNN, AFP hay nhiều hãng truyền tin khác đã tỏ ra thờ ơ một cách đáng bị khiển trách, lồng trong bầu không khí trầm mặc tại sân bay quân sự Andrew không thảm đỏ và cũng không có cả đội danh dự.


Một phát ngôn có tính an ủi “hướng về tương lai” hóa ra lại thuộc về John Kerry – cựu binh Mỹ ở chiến trường Nam Việt Nam và cũng là người đã không ít lần bác bỏ bản dự luật nhân quyền Việt Nam do Hạ nghị viện chuyển qua Thượng nghị viện.

Bữa ăn trưa Kerry – Sang ngồn ngộn những tính từ ngoại giao và làm đầy đặn cho dạ dày xã giao, nhưng không khỏa lấp được hương vị của hai bản dự luật nhân quyền đang lan tỏa.

Giới quan chức Việt Nam có lẽ vẫn băn khoăn: liệu vào năm sau (2014), Ngoại trưởng Mỹ có thể một lần nữa không quan tâm đến Luật nhân quyền Việt Nam?

“Triệt buộc”

Hình như người Mỹ đã tính toán sao cho hợp lý vào trước, trong và nhất là sau chuyến đi của ông Sang đến Nhà trắng. Phái đoàn nghe nói đông đến 200 người của Chủ tịch nước Việt Nam, ngoài việc được đón tiếp ngang cấp đại sứ ở sân bay, đã không có cơ hội bước lên diễn đàn để “tôn giáo vận” và cao hơn nữa là “địch vận” trong lòng Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ.

Năm chức sắc tôn giáo của Việt Nam cũng bởi thế đã không hiển minh được chính kiến của họ về “thực tế sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam”.

Y Ky Ê Ban – mục sư Tin Lành trong cơ số chiếm trọn một chiếc máy bay – là một minh họa điển hình. Sau chuyến đi lặng lẽ và âm thầm trở về thành phố sương mù ngầy ngật mùi cà phê Ban Mê Thuột, ông mục sư này đã cho một tổ chức truyền thông xã hội biết rằng trong suốt những ngày ở nước Mỹ, ông đã không tiếp xúc với bất kỳ một tổ chức hay cá nhân nào người Mỹ hay người Việt lưu vong.

Cũng có nghĩa là đã không có một cuộc “điều trần” nào của phái đoàn ông Trương Tấn Sang trước Ủy ban về tự do tôn giáo và Ủy ban đối ngoại của Hạ nghị viện Hoa Kỳ – một trạng thái không giống với nghị trình đã được phía Việt Nam và cả các dân biểu tranh đấu cho tự do nhân quyền của Mỹ lập trình chu đáo trước đó.

Có thể Chris Smith – Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ nghị viện Mỹ – đã “đi đêm” với Tổng thống Barak Obama về việc không cần nghe một lời thanh minh nào thêm từ phía Việt Nam.

Cũng cho tới nay, vẫn không có bất cứ tin tức bàn thảo nội bộ nào trong cuộc gặp Obama – Sang được tiết lộ từ phòng Bầu Dục. Tuy không có bằng chứng nào về việc Obama đã “lên án” Hà Nội về vấn đề nhân quyền như một số nghị sĩ Mỹ đề xuất, nhưng cũng không có chứng minh nào đủ thuyết phục về chuyện Tổng thống Mỹ đã quay lưng với những người đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam.

Logic của vấn đề có thể được diễn đạt: một khi không cần đến sự diễn giải của phái đoàn ông Sang về nhân quyền, người Mỹ đã chưa nhìn thấy điều được gọi là “thành tâm chính trị” thể hiện rõ nét trong chuyến đi vừa qua, và do vậy người Mỹ tự cho mình cái quyền đẩy Hà Nội vào tình thế đánh đố nhiều hơn là gợi mở.

Với HR 1897, có thể coi đó là thế “triệt buộc”.

Sân khấu vẫn ẩn giấu sau một tấm màn khép kín mà chưa viễn tượng ra tương lai.

“Hòa hợp hòa giải”

Tương lai ấy, Nhà nước Việt Nam đã không thể có cơ hội tiếp cận bằng chính xúc giác của họ trong chuyến đi Washington vừa qua. Từ TPP đến “đối tác chiến lược” và vũ khí sát thương, tất cả đều không hé lộ một triển vọng nhanh chóng nào.

Thế nhưng, việc thông qua Luật nhân quyền Việt Nam chỉ ít ngày sau cuộc gặp Obama – Sang và trước thời hạn quy định của Hạ viện Mỹ lại là lời đánh đố mở màn, như biểu lộ động thái cần nhanh chóng làm cho Hà Nội hiểu rằng họ đang ở vào năm 2013 chứ không còn là năm 2006 – thời điểm mà Nhà nước Việt Nam được “bóc tách” khỏi danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về nhân quyền và tôn giáo (CPC), để chuẩn bị cho cuộc tiến chiếm bàn tròn WTO với tư cách là thành viên thứ 150.

Rất có thể, người Mỹ đang chơi bài theo cách của Bắc Kinh, với những nhấn nhá và điểm xuyết cho bức tranh quan hệ hữu hảo có điều kiện.

Và không thiếu ràng buộc…

Bài học mà người Mỹ có lẽ đã không ít lần ôn lại là kể từ khi không còn nằm trong danh sách CPC vào năm 2006, tình hình nhân quyền và tôn giáo ở Việt Nam lại trở nên “tự do” đến mức mà giới quan sát phương Tây phải yêu cầu chính quyền Mỹ đóng cửa quan hệ với Hà Nội.

Nếu Trương Tấn Sang đã tâm tư thành thật bằng vào hành động ẩn dụ trao cho Obama bản sao bức thư của ông Hồ Chí Minh đề nghị Tổng thống Mỹ Harry Truman “giúp đỡ Việt Nam” vào năm 1946, thì sau gần bảy chục năm, liệu người ta có thể ghi nhận một “thành tâm chính trị” nào đó của Hà Nội, ít nhất bằng vào một động thái giải tỏa nhân quyền đối với giới nhân sĩ và trí thức dân chủ vẫn còn trong vòng “cưỡng chế” nơi đây, để đổi lại quy chế TPP, như đã từng đánh đổi quy chế tối huệ quốc vào năm 2000?

Cách chơi bài của người Mỹ là kiểu cách với điếu xì gà trên miệng cùng những vòng khói tỏa ra từ lỗ mũi thâm sâu của người Trung Hoa. Bầu không khí ấy có vẻ không hứa hẹn một viễn cảnh được phác ra sớm sủa, mà có lẽ sẽ kéo dài theo một quy luật được tích tụ từ dĩ vãng: độ mở của Washington tùy thuộc vào thái độ bớt khép kín của Hà Nội.

Sau chuyến đi được đại sứ Hoa Kỳ David Shear xem là “cơ hội lịch sử”, mọi chuyện đang rẽ sang một khúc quanh mới. Hợp tác quân sự ở Biển Đông, TPP và cả chủ đề dân chủ nhân quyền đều đang hé lộ triển vọng, ít nhất trên phương diện hứa hẹn.

Nhưng ngay trước mắt, giới hoạt động dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, với sứ mệnh không chỉ phản biện xã hội mà còn đóng vai trò cầu nối giữa chế độ và quốc tế, đã có thể bắt đầu nghĩ đến một khả năng “hòa hợp hòa giải” với chính thể, để cùng giữ cho đất nước này tránh thoát khúc quanh đầy tai biến trong những năm tháng tới.

Phạm Chí Dũng 

(BVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét