Pages

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Kinh tế đang rơi vào vòng xoáy dữ dội?


Hiện tại vẫn chưa nhìn thấy kinh tế Việt Nam sẽ thoát "đáy" hay thoát khỏi vòng xoáy bằng cách nào.

Trần Thủy (Vietnamnet) - Theo chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, cựu giám đốc Ngân hàng bang Vaud, Thuỵ Sỹ, nền kinh tế Việt Nam đang đi vào vòng xoáy: cầu thấp do thất nghiệp tăng và thất nghiệp tăng dẫn đến cầu thấp.

Xuống "đáy" chữ U

Đánh giá về kinh tế nửa đầu năm 2013, ông Kim cho rằng, lạm phát thấp không phải do thành công từ công tác điều hành mà do kinh tế suy thoái, cầu thấp, cung tự giảm và nhiều lúc thấp đến mức đáng lo ngại, phải tạo ra tăng giá một số mặt hàng, dịch vụ để đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lên.

Tính đến nay, có hai chính sách quan trọng bắt đầu đi vào cuộc sống là gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho người mua nhà ở xã hội và thành lập Công ty quản lý nợ xấu VAMC.

Tuy nhiên, xét gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, có thể thấy chưa trúng mục tiêu và hiệu quả sẽ không cao. Chẳng hạn, muốn sở hữu căn hộ 70m2, giá 15 triệu đồng/m2 thì người mua có thể vay 800 triệu đồng, lãi suất 6% trong 10 năm. Năm đầu sẽ phải trả cả gốc và lãi 128 triệu đồng, cộng với các chi phí sinh hoạt thì thu nhập của hộ mua nhà phải kaf trên 200 triệu đồng/năm. Với thu nhập như vậy ở Việt Nam là khá cao và ít người có thể vay được. Và việc kích thích kinh tế thông qua gói này không mang lại nhiều kết quả. 

Từ năm 2012 đến nay, nền kinh tế không những 
không tạo ra mà còn làm mất đi nhiều công ăn việc làm (ảnh SGTT)

Còn việc thành lập VAMC cũng không thể giải quyết được gốc của vấn đề là DN sẽ tiếp cận được vốn ngân hàng dễ dàng, cho dù các ngân hàng đã sạch nợ xấu. Vốn vì thế vẫn khó đẩy vào sản xuất kinh doanh khiến kinh tế khó khởi sắc. 

Bên cạnh đó, đến nay đã có trên 300.000 DN bị thua lỗ, phá sản, ngừng hoạt động; số còn lại, khoảng 100.000 DN đang sống thoi thóp. Theo tính toán, bình quân 1 DN ngừng hoạt động sẽ làm mất 15 việc làm. Với số DN đã ra đi, hàng triệu việc làm không còn, chưa kể hàng năm có thêm hơn 1 triệu người gia nhập thị trường lao động. Như vậy, có thể nói từ năm 2012 đến nay, nền kinh tế không những không tạo ra mà còn làm mất đi nhiều công ăn việc làm. Số lượng lao động thất nghiệp cao, thu nhập giảm đã khiến nguồn cầu hạ thấp, các DN đã khó lại càng khó khăn hơn. 

Có người cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã xuống "đáy" nhưng là "đáy" chữ U, xuống "đáy" rồi nhưng không biết khi nào mới có thể lên được. “Theo tôi, kinh tế Việt Nam đang rơi vào vòng xoáy khó có thể thoát ra, đó là cầu giảm gây ra thất nghiệp tăng, thất nghiệp tăng lại làm cho cầu giảm”, ông Kim nhận xét.

Tái cơ cấu kinh tế chậm

Nếu không có các chính sách đột phá, kinh tế sẽ còn khó khăn trong nhiều năm tới. Chính sách cần làm, theo ông Kim, trước hết phải tăng đầu tư. Đầu tư sẽ tạo ra việc làm, mang lại thu nhập cho người lao động, lợi nhuận cho DN, qua đó sẽ nâng nguồn cầu. Ngoài đẩy mạnh đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách thì phải thúc đẩy các DN đầu tư. Để DN tiếp cận được vốn trong tình hình hiện nay, không có cách nào khác là Chính phủ phải đứng ra bảo lãnh để các DN tốt, dự án tốt được vay vốn. 

Chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim
Ngoài ra, có thể kích thích bằng kích cầu bất động sản, nhưng chính sách phải khác, chẳng hạn dành cho tất cả người có nhu cầu mua nhà ở, không giới hạn diện tích và giá tiền, lãi suất ổn định và thời gian cho vay kéo dài đến 30 năm. 

Trên thế giới, một số nước có chính sách dành cho người dân mua nhà được vay tới 30 năm, thậm chí có nơi 100 năm như Thụy Sỹ. Như vậy việc trả tiền vay gốc sẽ rất thấp, chỉ phải lo lãi suất. Khi thị trường bất động sản khơi thông sẽ kéo nhiều ngành sản xuất phát triển theo như vật liệu xây dựng, thiết bị nội thất, đồ dùng gia đình, học tập, thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị điện, điện tử, giải trí... góp phần tạo cầu tăng.

Vế tái cơ cấu nền kinh tế, theo ông Kim, diễn ra quá chậm. Chạy theo kinh tế ảo, nhưng từ năm 2011, Việt Nam là quốc gia độc nhất trên thế giới mạnh dạn đưa ra chính sách tái cấu trúc nền kinh tế, được đánh giá cao. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra chậm. Tái cơ cấu ngân hàng và DN nhà nước tiến triển rất chậm và không như mong đợi. Đề án tái cơ cấu nền kinh tế thì quá dàn trải cho tất cả các ngành và tất cả các địa phương, không thấy đâu là mũi nhọn. Có thể nói Đề án tái cơ cấu nền kinh tế đã không nắm bắt được hướng đi dựa trên những lợi thế và tạo ra sự khác biệt của riêng Việt Nam. 

Với đề án như hiện nay thì thực hiện sẽ ít đem lại hiệu quả, bởi tất cả vẫn dựa trên ý chí và mong muốn chủ quan hơn là trên cơ sở thực tiễn.

Nếu đề án tốt thì thời gian qua, Việt Nam đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài và đây là nguồn vốn quý để phát triển kinh tế trong lúc khó khăn. Song, họ đến, đã hy vọng rồi thất vọng khiến đầu tư càng giảm trong giai đoạn này, tăng trưởng lại càng khó khăn.

Hiện tại vẫn chưa nhìn thấy kinh tế Việt Nam sẽ thoát "đáy" hay thoát khỏi vòng xoáy bằng cách nào.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét