Pages

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Mỹ và Asean bàn riêng về tranh chấp Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên ASEAN hội đàm 
với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên ASEAN đã có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ trong ngày hôm qua (28/8) để bàn về những sáng kiến nhằm giảm thiểu căng thẳng ở Biển Đông, trong đó có việc thiết lập một đường dây nóng với Trung Quốc và tăng cường các cuộc tập trận chung nhằm tránh xung đột cũng như các cuộc khủng hoảng trên biển.


Cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel diễn ra trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+) tại Brunei Darussalaam.
Nhận xét về cuộc gặp trên, ông Hagel cho biết, ông rất ấn tượng với những cuộc thảo luận động chạm tới “tất cả các vấn đề lớn mà khu vực này của thế giới đang phải đối mặt”.
Theo giới chức quốc phòng Mỹ, căng thẳng ở Biển Đông – nơi đang chứng kiến những cuộc tranh giành chủ quyền quyết liệt giữa Trung Quốc với các nước láng giềng Đông Nam Á, là chủ đề chính được đem ra thảo luận giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và ASEAN. Biển Đông là khu vực chiến lược và giàu tài nguyên với trữ lượng dầu mỏ được đánh giá rất lớn. Trung Quốc đang khát khao độc chiếm được Biển Đông và đây là lý do khiến những cuộc tranh chấp ở đây leo thang căng thẳng trong những năm gần đây.
Các nước ASEAN đang nỗ lực tìm kiếm một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông với Trung Quốc nhằm ngăn chặn khả năng xảy ra xung đột. Hồi tháng 6, tại một cuộc họp giữa Ngoại trưởng các nước ASEAN, giới chức Trung Quốc đã bất ngờ bày tỏ sự sẵn sàng trong việc ngồi vào bàn đàm phán để tìm kiếm một bộ quy tắc ứng xử. Mỹ cho rằng, động thái của Trung Quốc sẽ đem lại thêm hy vọng cho tiến trình tìm kiếm một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Cũng trong cuộc gặp ngày hôm qua, các Bộ trưởng đã thảo luận về một số sáng kiến nhằm chặn nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang ở Biển Đông. “Các nước đang tìm cách để có những cơ chế có thể giúp giảm nguy cơ căng thẳng bùng phát”, một quan chức quốc phòng cho biết.
Một trong số những sáng kiến đó là thiết lập một đường dây nóng giữa các nước ASEAN với Trung Quốc. Đường dây này có thể được sử dụng nhằm nhanh chóng làm dịu căng thẳng trong trường hợp xảy ra xung đột cũng như để xử lý các cuộc va chạm bất ngờ. Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và Mỹ đã nói về những nghị quyết cam kết không dùng vũ lực trong trường hợp xảy ra một cuộc đụng độ trên biển mặc dù các quan chức Mỹ cho biết đề xuất này chưa nhận được sự đồng thuận.
Mỹ cũng đang thúc đẩy một chương trình hợp tác rộng hơn giữa các nước ASEAN với hy vọng sẽ xây dựng được một tổ chức an ninh khu vực mạnh.
Sáng nay (29/8), Bộ trưởng Quốc phòng cùng quan chức quân sự và quốc phòng cấp cao của 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc và Mỹ đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+) tại Brunei. Đoàn đại biểu quốc phòng cấp cao Việt Nam do Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng, dẫn đầu tham dự hội nghị.

Mỹ cam kết với Châu Á

Trong chuyến công du đến Châu Á lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cũng đã nhấn mạnh cam kết của Washington trong việc tăng cường hợp tác an ninh với các quốc gia ASEAN.
"Ngân sách gần đây nhất của chúng tôi có một khoản 90 triệu USD dành cho các chương trình viện trợ quân sự nước ngoài, đào tạo, giáo dục quân sự quốc tế ở Đông Nam Á", Bộ trưởng Hagel đã tuyên bố như vậy với các quan chức quốc phòng và doanh nhân ở Kuala Lumpur hồi cuối tuần. Theo ông Hagel, mức ngân sách này đã tăng 50% so với cách đây 4 năm.
Mỹ cũng đang tăng cường phát triển giao dịch quốc phòng thương mại với các đồng minh Châu Á và những mối quan hệ đó là vô cùng quan trọng cho việc giải quyết các thách thức an ninh trong khu vực, ông Hagel nói thêm.
Để củng cố mối quan hệ hợp tác nói trên, Mỹ đang đầu tư vào các thể chế như ADMM+, ông chủ Lầu Năm Góc cho biết.
Trước đó, các quan chức Mỹ cũng nhiều lần khẳng định, dù cắt giảm ngân sách quốc phòng, Mỹ vẫn cam kết thực hiện kế hoạch triển khai thêm tàu chiến, binh lính, vũ khí hạng nặng đến các nước đang có mối quan ngại về sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc.
Lầu Năm Góc đang cung cấp tàu chiến, radar và các hỗ trợ về an ninh khác cho một số nước ở Đông Nam Á như một phần của kế hoạch đối trọng với sự nổi lên của Trung Quốc. Hôm 27/8, Bộ trưởng Quốc phòng Hagel đã thông báo về hợp đồng cung cấp 8 chiếc trực thăng Apache cho Indonesia trong chuyến thăm của ông này đến Jakarta.
Tuy nhiên, ông Hagel vẫn tỏ ra thận trọng khi thảo luận về Trung Quốc trong chuyến thăm lần này bởi Washington muốn tránh làm thổi bùng ngọn lửa căng thẳng giữa hai nước. Động thái của chúng tôi “không phải là để bao vây Trung Quốc hay bất kỳ ai. Đó là vì lợi ích kinh tế, đó là vì thế giới, vì sự thịnh vượng, ổn định và an ninh của chúng ta”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh./Nguồn: Kiệt Linh/VnMedia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét