Pages

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

Nghị định hạn chế Internet của Việt Nam cản trở quan hệ Việt–Mỹ

Quốc gia Đông Nam Á này đang nỗ lực phát triển mối quan hệ nồng ấm hơn với Hoa Kỳ. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng vừa có chuyện công du đến Hoa Kỳ và gặp Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng hồi tháng Bảy vừa qua. Trong khi đó, các công ty của Hoa Kỳ vẫn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, bao gồm thương hiệu cà phê nổi tiếng Starbucks và tập đoàn kinh doanh hệ thống nhà hàng thức ăn nhanh McDonald’s.

Trước khi cuộc họp tại Nhà Trắng, Việt Nam yêu cầu Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí như một cách để bình thường hóa quan hệ giữa hai nước cựu thù thời chiến cũng như tăng cường hợp tác quân sự.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn chưa sẵn sàng để dỡ bỏ lệnh cấm vận, mặc dù chính quyền Obama mong muốn tiếp cận với Việt Nam như một đồng minh hữu ích trong chính sách đối ngoại rộng lớn hơn của Washington tại châu Á, còn được biết đến với tên ‘trục châu Á-Thái Bình Dương’.

“Phía Việt Nam đã bày tỏ sự quan tâm đến việc dỡ bỏ hạn chế đó, và chúng tôi sẽ xem xét vấn đề này một cách nghiêm trọng”, Đại sứ Hoa Kỳ David Shear cho biết trong một bản nhận xét với các hãng truyền thông địa phương hôm thứ Tư và được Đại sứ quán Hoa Kỳ công bố hôm thứ Năm. “Nhưng chúng tôi cũng tin rằng để tạo thêm sự hỗ trợ chính trị trong việc dỡ bỏ hạn chế này… chúng tôi cần phải thấy một số tiến bộ về nhân quyền từ phía Việt Nam”.

US Embassy Hanoi - Internet Content Decre
Hoa Kỳ vẫn không dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho đến khi Việt Nam thực sự đạt ‘tiến bộ trong vấn đề nhân quyền’. US Embassy Hanoi - Internet Content Decre
Tính đến thời điểm này trong năm 2013, Việt Nam đã truy tố và bỏ tù hơn 40 nhân vật bất đồng chính kiến, con số này tổng cộng lại nhiều hơn tất cả những người bị bắt trong năm 2012. Trên toàn thế giới, chỉ có Trung Quốc là nước bắt giữ các blogger và nhà báo nhiều nhất, và dường như cuộc đàn áp tại Việt Nam có xu hướng tiếp tục gia tăng trong những ngày tới.

Trong một động thái mới nhất được công bố hồi tuần trước, Hà Nội đưa ra nghị định cấm người sử dụng Internet sao chép và dán lại các bài báo hoặc các thông tin khác trên những blog cá nhân [và cả Facebook lẫn Twitter]. Việc này có thể hạn chế sự phát triển của các cổng tin tức cũng như quyền tự do thông tin của người dân. Internet đã trở thành một nơi chỉ trích nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam giữa lúc tăng trưởng kinh tế của nước này bị chậm lại. Các quy định mới sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng Chín tới đây.

Truyền thông nhà nước loan tin rằng Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Đỗ Quý Doãn, cho biết nghị định mới này không hạn chế các quyền tự do ngôn luận mà chỉ nhằm quản lý sự phát triển nhanh chóng của Internet tại Việt Nam. Các quan chức khác cho biết nghị định này cũng sẽ giúp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Một số công ty Internet lớn trên thế giới lo ngại nghị định này sẽ ảnh hưởng đến việc tăng trưởng thương mại trực tuyến ở trong nước. Liên minh Internet châu Á, một tập đoàn công nghiệp có trụ sở tại Hồng Kông bao gồm Google, Facebook và những công ty nổi tiếng khác như Yahoo! cho biết trong một tuyên bố hồi đầu tuần này rằng “trong dài hạn, nghị định này sẽ bóp nghẹt sự đổi mới và khuyến khích các doanh nghiệp từ bỏ những hoạt động tại Việt Nam”.

Các lãnh đạo tôn giáo cũng đang lo lắng bởi các bước không nhân nhượng từ phía chính quyền. Các lãnh đạo thuộc năm tôn giáo lớn nhất tại Việt Nam cũng vừa đưa ra một thông cáo chung hôm thứ Tư tại Hà Nội và cho rằng ông Sang và chính phủ Việt Nam không hoàn toàn tôn trọng quyền con người ở nước này. Phật giáo, Công giáo và đại diện Tin Lành, cùng với các lãnh đạo Cao Đài và Hòa Hảo kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho các tù nhân lương tâm và hủy bỏ nghị định mới về Internet.

Một số người quen thuộc với tình trạng này nói rằng Việt Nam đã rút lại một số quy định nghiêm ngặt hơn trong quy định Internet vừa được đưa ra, hay còn gọi là Nghị định 72. Có một thời gian Hà Nội đã lên kế hoạch yêu cầu các công ty như Google và Yahoo! lưu trữ máy chủ tại Việt Nam để chính quyền Việt Nam dễ dàng gây áp lực cũng như bàn giao các dữ liệu của người sử dụng. Các nhà chức trách cũng đề xuất cấm người sử dụng Facebook hoặc Twitter đăng lại web liên kết trên trang của họ.

Tuy nhiên, cùng với các chiến dịch tiếp tục chống lại các blogger và những người phê phán chính phủ, Nghị định 72 về Internet đang gây ra những rào cản trong mối quan hệ Việt–Mỹ. Những điều ngăn cấm này cũng có khả năng phức tạp hóa mối quan hệ thương mại song phương trong tương lai, bao gồm cả những nỗ lực của Việt Nam trong việc tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Hoa Kỳ dẫn đầu.

Trong khi Việt Nam đã ký kết hợp tác chiến lược với các nước thành viên khác trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, bao gồm cả Trung Quốc, Nga và Anh Quốc – thì Chủ tịch Sang đã không đảm bảo được một thỏa thuận đối tác chiến lược tương tự như vậy trong cuộc gặp với Tổng thống Obama hồi tháng trước, Carlyle Thayer – chuyên gia về các vấn đề Việt Nam và giáo sư danh dự tại Học viện Quốc phòng Úc ở Canberra, cho biết.

James HookwayWSJ

 Hiền Trang chuyển ngữ, CTV Phía Trước

* Bài viết có sự đóng góp của Nguyễn Anh Thư.

©  2013 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét