Pages

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Nguyễn Mộng Hoài - Sự kiện Lê Hiếu Đằng và cuộc "bút chiến" hầu như một phía




Trong lịch sử phát triển của đất nước, trên văn đàn và công luận đã có nhiều trận "bút chiến nảy lửa". Cuối cùng thì chân lý cuộc sống quyết định thắng bại và con đường đi lên của lẽ phải, của chính nghĩa, của lợi ích đa số, hay nói rộng ra là lợi ích dân tộc, lợi ích đất nước thắng thế.

Mấy ngày nay, theo dõi trên các phương tiện truyền thông bao gồm báo Nhà nước, báo điện tử, báo mạng...nổi lên "sự kiện Lê Hiếu Đằng" với việc đề nghị cho ra đời Đảng Dân chủ Xã hội để làm đối trọng trong sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, bảo đảm cho đất nước phát triển lành mạnh với tốc độ cao trên cái nền dân chủ, tự do, độc lập, thống nhất, hòa hợp dân tộc, cải thiện dân sinh...để Việt Nam xứng đáng là ngọn cờ của độc lập, dân chủ, tự chủ và vững mạnh. "Sự kiện Lê Hiếu Đằng" đã và đang thu hút dư luận xã hội, đặc biệt là thu hút sự chú ý của toàn dân, trong đó nổi bật là hàng ngũ trí thức ở mọi lứa tuổi.

Trên mặt trận báo chí truyền thông, hiện Nhà nước ta, Đảng cộng sản cầm quyền nắm trong tay gần như toàn bộ các phương tiện báo chí truyền thông hiện đại và hàng năm chi vào mặt trận này không ít tiền bạc và của cải vật chất khác. Gần như các tờ báo lớn kể cả báo hình và báo nói đều có "báo điện tử" đưa lên mạng In-tơ-nét toàn cầu. Ngoài ra, hệ thống "báo mạng" khác, trong đó phải kể đến các trang mạng "blog" của rất nhiều người và nhóm người, hầu hết là có trình độ và rất nhạy cảm với thế sự, cũng "ra tay" đưa lên mạng hằng ngày những bài viết những sự kiện "nóng bỏng" về tất cả các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa trên đất nước ta và thế giới có liên quan. "Sự kiện Lê Hiếu Đằng" đang làm dư luận xã hội sôi động hẳn lên và hằng ngày chắc chắn không ít triệu người theo dõi, tán thưởng, bình luận, khen chê, thất vọng và hi vọng...Nói gì thì nói, "sự kiện Lê Hiếu Đằng" là một hiện tượng chính trị tất yếu trong quá trình bộc lộ những yếu kém của sự lãnh đạo toàn trị độc đảng và sự khó khăn, thụt lùi của đất nước.

Người theo dõi dư luận trên truyền thông đều nhận thấy rằng những vấn đề, những chi tiết trong các bài viết của Lê Hiếu Đăng được tung lên nhiều trang mạng vừa qua đều rất trúng ý của đông đảo những người còn có tâm huyết với đất nước.Tất nhiên, quá trình đi đến một kết quả nào khả quan và có thể thành công theo đúng quy luật phát triển hiện nay của xã hội loài người, phải trải qua những cam go, cũng có thể vấp phải thất bại. Tuy nhiên "sự kiện Lê Hiếu Đằng" đang nổi bật với chủ đề thành lập Đảng Dân chủ xã hội không nhằm mục đích thay thế Đảng Cộng sản cầm quyền, mà như Lê Hiếu Đằng bầy tỏ rất rõ ràng là góp phần làm cho sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đúng đắn hơn, thu phục nhân tâm tốt hơn, mang lại vinh quang cho chính Đảng Cộng sản. Đây cũng là tâm huyết của Lê Hiếu Đằng, một đảng viên đã có hơn 45 năm tuổi Đảng. Những ai đó thích chụp những cái "mũ rộng vành" cho Lê Hiếu Đằng, là suy thoái, là kích động, là "bất đồng chính kiến", thậm chí có thể gọi Lê Hiếu Đằng là "phản động"...Nhưng tư tưởng trong sáng, động cơ không vụ lợi của Ông càng sáng tỏ hơn, càng thu hút lương tâm nhiều người Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành lại cái đúng, cái cốt lõi trong sáng của dân tộc. Như Bùi Văn Bồng đã viết đại ý, thời Nhà Lê, nhân dân tôn sùng Lê Lợi vì người có công cùng với Nguyễn Trãi tiến hành 10 năm chống xâm lược phương Bắc, giành độc lập cho nước nhà mang thịnh vượng cho nhân dân, còn cuối thời Lê, Lê Chiêu Thống là một ông vua hèn nhát cầu cứu ngoại bang là Phương Bắc để dày xéo, cai trị nước ta. Đó là bài học lịch sử không thể quên và không thể ai bác bỏ.

Vì thế, trong bất kỳ một cuộc tranh luận nào, "bút chiến" nào đều phải "ngửa bài". Muốn bác bỏ, phê phán, thậm chí lên án một chi tiết nào đó của đối tượng "chiến" nhất thiết phải đưa bài viết ấy lên phương tiện công khai, song song với bài phản biện của mình, không thể chi lợi dụng báo chí của Đảng và Nhà nước, đưa bài, muốn đăng thế nào thì đăng, càng không được viết theo "chỉ thị" để kiếm ăn !

"Sự kiện Lê Hiếu Đằng" sẽ còn nảy ra nhiều cuộc tranh luận nữa, nhiều cuộc "bút chiến không chỉ ở các hệ thống truyền thông mà có thể còn có ở các cuộc họp đảng, họp đoàn thể nhân dân, và trong các buổi trò chuyện của người dân. Theo tôi, đó là một hiện tượng tốt. Một nước có tự do dân chủ đúng nghĩa thì không nên và không bao giờ làm cho các cuộc thảo luận ấy bị tịt ngòi, càng không nên có sự bắt bớ ai đó để dọa nạt. Nếu có hiện tượng ấy xảy ra, chính người "thích dọa nạt, bắt bớ" ấy thể hiện sự "sợ hãi" sự thật. Đã gọi là "bút chiến" thì dứt khoát phải đăng lại bài của Lê Hiếu Đằng, đăng nguyên văn hoặc trích nguyên văn, không bóp méo, thêm bớt theo chủ quan và ngay sau đó đăng bài của người phản biện phân tích sao cho thuyết phục người đọc, người nghe...Đây cũng là một cuộc "nâng cao dân trí", phân biệt phải trái, đúng sai. Đảng cộng sản cũng có nhiều công lao, nhưng cũng mắc nhiều sai lầm, thậm chí sai lầm nghiêm trọng và không phải lúc nào cũng đúng, thời kỳ nào cũng đúng. Mấy chục vạn văn bản của các tổ chức đảng, chính quyền ban hành thời gian vừa qua đã nói lên rằng dưới sự chỉ đạo của các tổ chức đảng vẫn có những văn bản bị sai, bị quần chúng phản đối, và không được thi hành. Đó cũng là những bài học cho những ai cứ "mở mồm" là công lao của Đảng nên Đảng phải là người lãnh đạo !

Mong rằng, trên các phương tiện truyền thông, khi "bút chiến với Lê Hiếu Đằng" cần bào đảm sự công bằng, công bố cả hai phía, không nên "cả vú lấp miệng em" hoặc như một số người đã viết là "đòn đánh hội đồng !" Công khai, minh bạch, trung thực và không lừa dối nhân dân, đó là điều cần cho không chỉ công tác xây dựng Đảng Cộng sản mà còn là yếu tố làm cho Đảng vinh quang hơn, làm tròn trọng trách của mình hơn./.
Nguyễn Mộng Hoài
(Quê choa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét