Pages

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Những hậu ý sau Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng

"Thái độ lừng khừng của Việt Nam cũng dễ hiểu, tỏ ra nhỏ bé và khiêm nhường trước một đối thủ mạnh để chuẩn bị. Thời gian chuẩn bị càng kéo dài thì càng thuận lợi cho Việt Nam. Đây là kế sách cúi đầu qua sông mà Hà Nội đang áp dụng."

Vietnam demands non-use of force policy for fishermen in East Sea

Những cuộc họp bên lề của bộ trưởng quốc phòng Mỹ

Ngày 27/08/2013, Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng được lần thứ hai được khai mạc tại Brunei trong hai ngày (27 và 28/10/2013), với sự hiện diện của bộ trưởng quốc phòng của 10 quốc gia ASEAN và 8 quốc gia trong khu vực : Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, Tân Tây Lan. Năm nay bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ ủy nhiệm một phụ tá đến tham dự.

Cũng nên biết, Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ASEAN Defence Ministers’ Meeting Plus), gọi tắt là ADMM+, là sáng kiến của Việt Nam mở rộng cho 8 quốc gia lớn trong vùng Đông Á và Nam Á cùng tham dự. Trước đó, hội nghị này (được thành lập năm 2006) mang tên Hội nghị hẹp bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN (ASEAN Defence Ministers Meeting Retreat), gọi tắt là ADMM-, vì chỉ giới hạn trong 10 nước ASEAN và nhóm họp mỗi năm một lần.

Cuộc họp ADMM+ lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 12 đến 13/10/2010, các thành viên tham dự bao gồm 10 bộ trưởng quốc phòng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 8 bộ trưởng quốc phòng các nước trong khu vực gồm Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga và Mỹ. Tại cuộc họp đầu tiên, ADMM+ đã tập trung ưu tiên vào 5 lĩnh vực : 1-Hợp tác hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, thảm họa (Humanitarian Assistance and Disaster Relief-HADR), 2-Quân y (Military Medine-MM), 3-An ninh hàng hải (Maritime Security), 4-Gìn giữ hòa bình (Peacekeeping) và 5-Chống khủng bố (Counterterrorism). Trong những năm qua, trọng tâm chính chủ yếu của hợp tác là tập trung vào cứu trợ nhân đạo và quân y. Trong tháng 6/2013 vừa qua, một cuộc tập trận độc đáo đã được tổ chức ở Brunei với sự điều động của 7 chiếc tàu, 15 trực thăng và khoảng 3.200 nhân viên đến từ 18 quốc gia khác nhau.

Hội nghị ADMM+ tại Brunei là lần thứ hai, theo thông lệ 3 năm một lần. Nhưng kể từ năm nay, trước những vấn đề cấp bách trong khu vực, hội nghị ADMM+sẽ được rút ngắn thời gian tổ chức còn 2 năm một lần.

Ngày 28/08 2013, mặc dù đang bận rộn với cuộc khủng hoảng tại Syria, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã dành thời giờ để gặp gỡ những đồng nhiệm Châu Á trong khuôn khổ chính sách tái bố trí lực lượng Mỹ hướng về Châu Á- Thái Bình Dương, đặc biệt là trên Biển Đông.Nhân dịp này, bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ nhắc lại chiến lược “xoay trục” về hướng Châu Á - Thái Bình Dương đã được tổng thống Mỹ thông qua từ đầu năm 2012và kêu gọi các bên kiềm chế trong các tranh chấp trên Biển Đông.

Tuy nhiên người ta vẫn thấy sự phân tâm của ông Hagel, vì Hoa Kỳ đang chuẩn bị tấn công Syria sau những vụ đánh bom bằng hơi ngạt sarin giết hại hơn 1.300 thường dân. Trong cuộc họp báo ngày 27/08, ông Hagel cho biết quân đội Mỹ đã “sẵn sàng” để đáp ứng mọi giải pháp được tổng thống Obama lựa chọn. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ cũng nói thêm là Hoa Kỳ sắp đưa ra những bằng chứng về việc chế độ Bachar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học. Ông Chuck Hagel khẳng định “ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học chống lại nhân dân mình”.

Theo giới quan sát, cuộc khủng hoảng Syria cho thấy Washington đang còn lúng túng trong chiến lược tái phối trí trong vùng Châu Á - Thái Bình Dương, một khu vực đang rất sôi động về cả mặt kinh tế cũng như quân sự. Mặc dù phải cắt giảm ngân sách quốc phòng, Washington vẫn duy trì các dự án triển khai tàu chiến và các đội quân trong vùng này song song với việc tiếp tục đào tạo, huấn luyện cho những nước trong khu vực đang lo ngại trước việc gia tăng tiềm lực quân sự của Trung Quốc.

Bên lề Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ADMM- tại Brunei, ngày 28/08 ông Chuck Hagel đã lần lượt tiếp với các đồng nhiệm Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Brunei. Theo dự kiến, ông Hagel cũng sẽ gặp bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn và người bộ trưởng quốc phòng Miến Điện.

Nhắc lại, Hoa Kỳ đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi các nước có liên quan trong khu vực thông qua Bộ Luật ứng xử trên biển (Code of Conduct-COC) để tránh xung đột. Trung Quốc, quốc gia bị tố cáo muốn kéo dài thời gian ký kết cũng đã cam đoan sẽ tiến hành thảo luận trong năm nay với các nước ASEAN về hồ sơ này.

Hoa Kỳ gia tăng viện trợ quân sự cho các nước Đông Nam Á

Trong hội nghị ADMM+ này, bộ trưởng quốc phòng Mỹ  Chuck Hagel cho biết muốn tăng cường các mối quan hệ với quân đội của các nước đối tác và các nước đồng minh trước sự bành trướng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên toàn khu vực. Ông Hagel cho biết Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ những  nỗ lực canh tân quân lực của các quốc gia đối tác.

Một cách cụ thể, trong chuyến viếng thăm Indonesia, ông Hagel cho biết Hoa Kỳ đã bán cho Indonesia những trực thăng chiến đấu Apache hiện đại nhất của Hoa Kỳ với một tổng trị giá 500 triệu USD.

Ông Hagel cho biết Washington sẽ tăng 50% ngân khoản viện trợ quân sự cho Đông Nam Á, một phần là để huấn luyện và phát triển các lực lượng như những lực lượng của Philippines, là chặng dừng chót trong chuyến công du này.

Trung Quốc không nằm trong số các quốc gia mà bộ trưởng quốc phòng Mỹ đến thăm lần này, nhưng những vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Bắc Kinh với Philippines và các nước đồng minh khác (Nhật Bản và Đài Loan) và các nước đối tác của Mỹ là một trong các đề tài chính của những cuộc thảo luận.

Để bày tỏ thiện chí và quyết tâm của Hoa Kỳ về kế hoạch trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với Trung Quốc, ông Hagel nói: "Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng sự tin tưởng giữa quân đội hai nước thông qua hợp tác. Sự minh bạch mà chúng tôi có là một yếu tố quan trọng để giảm thiểu mối rủi ro của việc tính toán sai lầm và để tránh xảy ra những mối căng thẳng hoặc xung đột ngoài ý muốn".

Các lực lượng Mỹ và Trung Quốc đã gia tăng hợp tác trong thời gian gần đây, trong đó có cuộc diễn tập chung với hải quân Trung Quốc ở ngoài khơi Hawaii năm 2012. Lần đầu tiên Washington mời Bắc Kinh tham gia một cuộc thao dượt quân sự đa quốc qui mô lớn vào năm 2014.

Tầm quan trọng của Việt Nam trong khu vực

Ngày28/8/2013, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã có cuộc gặp bên lề Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ASEAN Defence Ministers' Meeting-Plus-ADMM+)tại Brunei với người đồng nhiệm Việt Nam là đại tướng Phùng Quang Thanh .

Chi tiết cuộc hội đàm chưa được thông báo, nhưng có ý kiến nói đã đề cập tới hợp tác quốc phòng song phương cũng như tình hình tranh chấp ở Biển Đông.

Ngoài đại tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng quốc phòng Mỹ còn gặp bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản, Nam Hàn và Brunei. Ông cũng sẽ gặp bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn và người tương nhiệm Miến Điện.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh vừa có chuyến công du Philippines ba ngày trước khi tới Brunei tham dự ADMM+. Tại Manila, ông Thanh cũng đã thảo luận với bộ trưởng quốc phòng Philippines về tình hình Biển Đông.

Thời gian gần đây, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đẩy mạnh hợp tác quốc phòng trên nhiều cấp độ, tuy nhiên Mỹ vẫn chưa bán vũ khí sát thương cũng như chưa tập trận chung với Việt Nam.

Với những thụ đắc vũ khí chiến lược hiện đại mua từ Nga (tàu ngầm, tàu chiến và phi cơ triêm kích, cuộc tranh giành và tranh chấp nguồn dầu khí, hải sản dưới đáy biển và ảnh hưởng đang đặt Việt Nam vào tầm chú ý trong vị thế cường quốc tầm trung đang nổi lên ở Đông Nam Á. Điều này thể hiện qua hội nghị ADMM+ lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội năm 2010, vai trò của Việt Nam đang đi lên trùng hợp với trọng tâm xoay chiều của Hoa Kỳ sang Châu Á-Thái Bình Dương và chiến lược mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ra Biển Đông. Chính vì thế Việt Nam ngày càng được coi như một quốc gia quan trọng trong khu vực.

Nhưng điều làm nhiều chuyên gia về chiến lược quốc phòng quốc tế nghi vấn là thái độ lừng khừng của Việt Nam trước sự lấn ép của Trung Quốc trên Biển Đông. Một mặt Việt Nam ký 10 văn bản chiến lược quan trọng cho phép Trung Quốc tham gia vào gần như tất cả những hoạt động chính trị, kinh tế, ngoại và quân sự của Việt Nam trong khi ngược lại Việt Nam không được tham gia vào bất kỳ hoạt động tương đương nào của Trung Quốc.

Một số chuyên gia mong muốn Việt Nam nên tiếp cận với Hoa Kỳ để được giúp đỡ như Philippines đang làm, nhưng điều này sẽ làm phật lòng Trung Quốc. Việt Nam cần sự hỗ trợ của Hoa Kỳ trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Việt Nam cũng không muốn đi con đường của Philippines, đồng minh lâu năm của Mỹ.

Ngược lại một số chuyên gia khác nói quan hệ giữa hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc cho phép Hà Nội giải quyết bất đồng với Bắc Kinh trên Biển Đông một cách thuận lợi hơn Manila, theo truyền thống đã có từ năm 1949.

Thái độ lừng khừng của Việt Nam

Trong ba ngày, từ ngày 25 đến 27/08/2013, ông Phùng Quang Thanh đang có chuyến thăm Philippines để bàn về hợp tác quốc phòng, trong đó có chủ đề Biển Đông.

Trong thời gian ở Philippines, ông Phùng Quang Thanh đã tới chào xã giao tổng thống Philippines, dự lễ đón chính thức và hội đàm với bộ trưởng quốc phòng nước Voltaire Gazmin.

Thông tấn xã Việt Nam chỉ nói một cách vắn tắt nội dung của buổi họp mặt : hai bên trao đổi các vấn đề cùng quan tâm, đánh giá quan hệ quốc phòng Việt Nam-Philippines trong thời gian qua và thống nhất nội dung hợp tác mà cấp làm việc đã báo cáo theo nội dung bản thỏa thuận về Hợp tác quốc phòng song phương.

Điều này cho thấy thái độ dè dặt của Hà Nội về các vấn đề Biển Đông.  Hà Nội thiên về xu hướng hoạt động sau hậu trường, nếu không muốn nói vì sợ Bắc Kinh nổi giận. Thêm vào đó Hà Nội không ngừng khẳng định Việt Nam không liên minh với quốc gia nào để chống lại nước thứ ba.

Thái độ dè dặt của Việt Nam thể hiện qua Nhật Bản vừa bàn giao ba tàu tuần tra hiện đại cho Cảnh sát biển Việt Nam ngày 26/08 vừa qua. Ba chiếc tàu này (CSB 8003, CSB 2015 và CSB 2016) đã được sửa chữa nâng cấp tại Nhà máy Z173 của Bộ Quốc phòng, cải tiến và thay thế một số hệ thống hiện đại như hệ thống quan sát, thông tin liên lạc, radar, cứu sinh và cứu hỏa. Báo Quân đội Nhân dân cho biết CSB 8003 không chỉ có khả năng truyền tín và đàm thoại, mà còn có khả năng truyền hình ảnh trên hải trình về trung tâm chỉ huy của Cục Cảnh sát biển Việt Nam, thuận lợi cho việc chỉ đạo, nhất là khi có tình huống phức tạp nảy sinh. Những chiếc tàu này góp phần tăng cường đáng kể khả năng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn trên biển.

Trong khi đó truyền thông Philippines thì ngược lại, tường thuật khá nhiều về cuộc hội đàm giữa hai bộ trưởng quốc phòng, đồng thời nhấn mạnh liên quan của hai bên trong vấn đề Biển Đông.

Thông cáo Bộ Quốc phòng Philippines cho biết : "Hai vị quan chức đã đánh giá các hoạt động chung và thảo luận các sáng kiến hợp tác khác bao gồm hỗ trợ nhân đạo và hợp tác cứu nạn, dựa trên kinh nghiệm của cả hai bên trong lĩnh vực khắc phục thiên tai".

Theo thông cáo, hai ông bộ trưởng cũng trao đổi quan điểm về các vấn đề an ninh mà hai bên cùng quan tâm, đặc biệt là tình hình ở Biển Đông (Philippines gọi là Biển Tây Philippines) ; cũng như chiến lược xoay trục của Hoa Kỳ sang Châu Á-Thái Bình Dương. (Các nguồn tin của Việt Nam không nhắc tới nội dung của cuộc thảo luận này).

Thông cáo của Bộ Quốc phòng Philippines viết thêm: “Kể từ khi Việt Nam và Philippines ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng năm 2010, quan hệ quốc phòng hai bên đã được phát triển thông qua các chuyến thăm cấp cao, trao đổi nhân lực và chia sẻ thông tin. Các trao đổi này đã giúp đẩy mạnh quan hệ giữa hai chính phủ cũng như giữa hai dân tộc vì lợi ích chung giữa hai nước".

Thái độ lừng khừng của Việt Nam cũng dễ hiểu, tỏ ra nhỏ bé và khiêm nhường trước một đối thủ mạnh để chuẩn bị. Thời gian chuẩn bị càng kéo dài thì càng thuận lợi cho Việt Nam. Đây là kế sách cúi đầu qua sông mà Hà Nội đang áp dụng. Vấn đề là không còn một lãnh vực nào trong sinh hoạt chính trị, kinh tế, ngoại giao và quốc phòng của Việt Nam là bí mật đối với Trung Quốc. Sự xâm nhập của cán bộ Trung Quốc trong đảng và chính quyền cộng sản Việt Nam đang ở mức báo động. Không ai biết còn cấp lãnh đạo đảng và nhà nước nào chưa bị cán bộ Trung Quốc khuynh loát và mua chuộc.

Nguyễn Văn Huy

(Thông luận)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét