Pages

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

TQ ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG “CƯỜNG QUỐC BIỂN” - THÁCH THỨC LỚN ĐỐI VỚI MỸ


BienDong.Net: Nhằm thực hiện chiến lược xây dựng “cường quốc biển” mà Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra, Trung Quốc đang ráo riết triển khai nhiều hoạt động cả trong việc củng cố cơ cấu tổ chức bộ máy của Cục Hải dương Trung Quốc lẫn bố trí lực lượng ở Biển Đông.
Đây là một thách thức lớn đối với chính sách “tái cân bằng” của Hoa Kỳ ở Châu Á.

Thực hiện Quyết định về “Cải cách cơ cấu và chuyển đổi chức năng Chính phủ” được thông qua tại Hội nghị Nhân đại toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc lần thứ nhất khoá 12, Cục Hải dương Nhà nước cũ và các lực lượng Hải giám, Cảnh sát biển của Bộ Công an, Ngư chính của Bộ Nông nghiệp, Hải quan đều được điều chỉnh lại. Theo đó, Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc mới được tăng cường chức năng nhiệm vụ trên cả 2 phương diện là quản lý tổng hợp hải dương và chấp pháp bảo vệ chủ quyền trên biển. Cục Hải dương mới (sau khi cải tổ) sẽ do Bộ Tài nguyên đất đai quản lý; Cục Hải dương quốc gia lấy danh nghĩa Cục Hải cảnh Trung Quốc triển khai chấp pháp bảo vệ chủ quyền trên biển, chịu sự chỉ đạo của Bộ Công An. Cục Hải cảnh sẽ lập Vụ Hải cảnh (Bộ Tư lệnh Hải cảnh, Trung tâm chỉ huy Hải cảnh Trung Quốc), phụ trách đảm nhiệm thống nhất chỉ huy điều độ lực lượng hải cảnh tiến hành các công tác cụ thể của hoạt động chấp pháp bảo vệ chủ quyền trên biển, tổ chức biên chế, thực hiện quy hoạch xây dựng nghiệp vụ hải cảnh, tổ chức triển khai công tác huấn luyện nghiệp vụ lực lượng hải cảnh….

Cục Hải dương quốc gia thiết lập phân cục Bắc Hải, Đông Hải, Nam Hải thực hiện chức trách giám sát quản lý và chấp pháp bảo vệ chủ quyền vùng biển Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải (Biển Đông). 3 phân cục thành lập 11 tổng đội hải cảnh và chi đội của nó ở các địa phương ven biển (khu tự trị, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Cục Hải cảnh có thể trực tiếp chỉ huy tổng đội hải cảnh triển khai chấp pháp trên biển.
Việc cải tổ cơ cấu tổ chức bộ máy của Cục Hải dương, Cục Hải cảnh là nhằm mục tiêu tăng cường kiểm soát, khống chế các vùng biển xung quanh của Trung Quốc, nhất là Biển Đông và biển Hoa Đông. Điều này sẽ làm cho tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông càng thêm phức tạp.
Mặt khác, Trung Quốc triển khai bố trí lại lực lượng trên biển. Trọng tâm phát triển Hải quân của Trung Quốc nghiêng về phía Nam, tức không ngừng hiện đại hoá căn cứ quân sự của Hạm đội Nam Hải tại đảo Hải Nam. Báo chí Trung Quốc đưa tin, hiện Hạm đội Nam Hải đã xây dựng cảng quân sự đa chức năng quy mô lớn tại đảo Hải Nam, có thể neo đậu tàu chiến và tàu ngầm cỡ lớn, đáp ứng nhu cầu của Hạm đội Nam Hải. Việc mở rộng căn cứ tàu ngầm tại đảo Hải Nam có thể thay thế cảng Trạm Giang và cảng Quảng Châu, trở thành căn cứ quan trọng và trung tâm chiến lược của Hạm đội Nam Hải.
Sau khi hoàn thành kế hoạch mở rộng căn cứ tàu ngầm tại đảo Hải Nam, Trung Quốc đẩy nhanh việc bố trí các loại tàu ngầm tại đây. Theo số liệu công bố công khai của Trung Quốc, hiện Trung Quốc có khoảng trên 60 tàu ngầm và 50% trong số đó (khoảng trên 30 chiếc) được bố trí tại căn cứ tàu ngầm ở đảo Hải Nam.
Mục tiêu của Trung Quốc mở rộng căn cứ tàu ngầm tại đảo Hải Nam là nhằm thực hiện nhiệm vụ quan trọng ở Biển Đông. Trung Quốc bố trí số lượng lớn tàu ngầm tại căn cứ ở đảo Hải Nam để nếu chiến tranh xảy ra sẽ nhanh chóng ngăn chặn hướng tấn công của Hải quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương từ hướng Bắc. Ngoài ra, Trung Quốc gia tăng bố trí trang bị quân sự và điều chỉnh lực lượng hải quân ở Biển Đông là nhằm phong toả toàn bộ Biển Đông trong 20 phút và có thể nhanh chóng phát động tấn công trong mọi tình huống.
Như vậy, có thể thấy rõ nhằm thực hiện chiến lược xây dựng “cường quốc biển”, Trung Quốc đang ráo riết triển khai các biện pháp để từng bước khống chế, độc chiếm Biển Đông. Đây không chỉ là nguy cơ cho các nước láng giềng ven Biển Đông mà còn đe doạ đến lợi ích của các nước ngoài khu vực như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước Châu Âu… trong việc duy trì tự do, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông. Hoa Kỳ đã nhìn thấy rõ âm mưu, ý đồ của Trung Quốc nên đang đẩy mạnh chính sách “tái cân bằng” ở Châu Á, trong đó chú trọng thắt chặt quan hệ với các đồng minh ở khu vực; chủ động thúc đẩy quan hệ quân sự và kinh tế với các nước khác ở khu vực, nhất là các nước có tranh chấp biển với Trung Quốc như Việt Nam, Indonesia… nhằm ngăn chặn Trung Quốc mở rộng sự bành trướng ở Biển Đông. Hoa Kỳ nhận thức được rằng chiến lược xây dựng “cường quốc biển” của Trung Quốc là thách thức lớn nhất cho việc duy trì vị trí siêu cường độc tôn của Hoa Kỳ, thách thức các giá trị của Mỹ về biển và đại dương. Do vậy, thời gian qua, Hoa Kỳ đã gia tăng quan hệ đồng minh với Nhật; chủ động củng cố quan hệ đồng minh với Philippines, ủng hộ mạnh mẽ việc Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Toà Trọng tài; mở rộng quan hệ hợp tác trên biển với Singapore; tăng cường quan hệ với Indonesia. Việc Hoa Kỳ bất ngờ chủ động đón tiếp ông Trương Tấn Sang Chủ tịch nước Việt Nam thăm Mỹ là một biểu hiện cụ thể trong việc tranh thủ Việt Nam nước có mâu thuẫn lớn với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.
Việt Nam cần nhận thức rõ vai trò của Hoa Kỳ ở khu vực và trong tranh chấp ở Biển Đông để tranh thủ Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn hành động gây hấn của Trung Quốc bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét