Pages

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

Trung Quốc lên án nghị quyết của Thượng viện Mỹ về tranh chấp lãnh hải

Điện Capitole tại Washington DC
Điện Capitole tại Washington DC (Architect of the Capitol / Wikimedia public domain)

Không phản ứng mới là lạ. Vài ngày sau khi Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua nghị quyết S 167 bày tỏ nỗi quan ngại về những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, Bắc Kinh vào hôm qua 01/08/2013 cho biết đã chính thức lên tiếng phản đối. Trung Quốc tố cáo Hoa Kỳ là đã bóp méo sự thật và tung ra một tín hiệu sai lầm.

Như tin chúng tôi đã loan, nghị quyết của Thượng viện Mỹ đã liệt kê một loạt ví dụ về các hành vi lấn lướt đáng lo ngại của Trung Quốc trên cả hai vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông, trong đó có cả việc đưa ra một bản đồ chính thức xác định chủ quyền của Bắc Kinh trên vùng Biển Đông đang tranh chấp. Sự kiện Trung Quốc cho tàu tuần tra tiến vào vùng Biển Hoa Đông đang tranh chấp với Nhật Bản cũng được các nghị sĩ Mỹ nêu bật.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng bản Nghị quyết S.167 chỉ do một thiểu số Thượng nghị sĩ đề xuất, coi nhẹ cả thực tế lẫn lịch sử, vô cớ đổ lỗi cho Trung Quốc và gửi đi một thông điệp sai lầm.

Phản ứng của Bắc Kinh trước nghị quyết của Thượng viện Mỹ không khiến ai ngạc nhiên vì lẽ Trung Quốc từ lâu nay vẫn đòi Hoa Kỳ là không được quyền can dự vào các cuộc tranh chấp chủ quyền mà Bắc Kinh dấy lên nhắm vào các láng giềng.
Vấn đề tuy nhiên là các đòi hỏi chủ quyền đối kháng nhau giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên một số đảo không người ở và các vùng biển giàu tài nguyên ở Biển Hoa Đông, cũng như các yêu sách quá trớn của Trung Quốc đối với hầu như toàn bộ Biển Đông, đã được giới quan sát đánh giá là các đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh tại châu Á.

Căng thẳng trên Biển Hoa Đông đang có dấu hiệu leo thang với việc tuần duyên Trung Quốc và Nhật Bản bám sát nhau tại khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tại vùng Biển Đông, các hành vi sách nhiễu tàu đánh cá Việt Nam, và âm mưu của Bắc Kinh muốn chiếm thêm hai bãi đá Scarborough và Second Thomas của Philippines cũng là nguyên nhân gây quan ngại.

Trọng Nghĩa (RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét