Pages

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Vì sao Trung Quốc bành trướng xuống phía Nam?


BienDong.Net: Trung Quốc lâu nay tiến hành hằng loạt biện pháp bành trướng xuống hướng nam, trong đó có chính sách Biển Đông quyết liệt. Nguyên nhân của chính sách đó là gì?
Dưới đây là lí giải của giáo sư - tiến sỹ Đỗ Tiến Sâm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Khoa học - Xã hội Việt Nam trong trả lời phỏng vấn đài RFA hôm 5.8.
Theo giáo sư Sâm, nguyên nhân Trung Quốc tiến hành bành trướng xuống phía nam là dochênh lệch phát triển vùng giữa miền đông và miền tây. Miền tây Trung Quốc có 350 triệu dân và miền này tiếp giáp với các nước Trung Á theo đạo Hồi khiến miền tây Trung Quốc khó có thể phát triển được. Miền tây Trung Quốc muốn phát triển phải đi qua ASEAN để đi ra biển … Như vậy sự phát triển bên trong Trung Quốc, nhất là miền tây, đòi hỏi Trung Quốc phải có tính toán lại về chiến lược.

 alt
Giáo sư Đỗ Tiến Sâm (bìa trái) trao đổi với TS Nguyễn Nhã tại Hội thảo quốc tế về Hoàng Sa và Trường Sa tổ chức tại Quảng Ngãi tháng 4.2013 (Ảnh BienDong.Net)
Đối nội Trung Quốc có nhiều khó khăn, bên ngoài nhiều sức ép: các điểm nóng Bắc Triều Tiên vẫn còn đó, vấn đề biển Hoa Đông còn đó, vấn đề Đài Loan còn đó, vấn đề Biển Đông còn đó! Do vậy Trung Quốc phải có sự tính toán về chiến lược. Trung Quốc dù có mạnh mấy - dù là ‘con hổ’ chăng nữa, nhưng phải đối phó với nhiều mục tiêu từ bên trong đến bên ngoài.
Đối với Trung Quốc, trong các hướng thì hướng nam quan trọng nhất vì liên quan đến sự phát triển miền tây. Miền tây Trung Quốc ổn định có ảnh hưởng đến toàn bộ đất nước Trung Quốc. Mà miền tây có thể phát triển thông qua các nước ASEAN, cho nên họ phải quan tâm đến các nước ASEAN, quan tâm đến Biển Đông. Đó là hướng mà chúng tôi nghĩ họ tập trung vào phát triển sức mạnh cứng - gia tăng sức mạnh quân sự bao gồm cả những loại tàu màu trắng, tàu màu xám (như lời các nhà khoa học nói). Tàu màu xám là lực lượng hải quân, tàu màu trắng là lực lượng chấp pháp trên biển. Mong muốn là kiểm soát, khống chế và mục đích lâu dài là khống chế Biển Đông. Thứ hai là gia tăng các sức mạnh mềm - về kinh tế thông qua các gói viện trợ, hợp tác kinh tế với một số các nước ASEAN; rồi gia tăng sức mạnh văn hóa. Các học viện Khổng Tử mọc lên trên thế giới mà ở các nước ASEAN rất nhiều từ đó nhằm gia tăng sức mạnh mềm của họ.
Họ tăng cường nghiên cứu khoa học về biển đảo nói chung và Biển Đông nói riêng. Phải nói là chưa bao giờ các nghiên cứu về biển đảo của Trung Quốc nói chung, và Biển Đông nói riêng được tổ chức nhiều như hiện nay. Chúng tôi có những số liệu (mà tôi không mang theo ở đây) về các bải viết, các công trình nghiên cứu mà thực chất chỉ là ngụy tạo, không đúng sự thật. Nhưng họ nghiên cứu và tuyên truyền phổ biến trong dân chúng, thậm chí dịch ra tiếng Anh đưa ra nước ngoài, tạo dư luận, tạo chứng cứ pháp lý, chỗ dựa lịch sử, chỗ dựa pháp lý về vấn đề biển đảo.
Họ có điều kiện kinh tế đầu tư vào công tác tuyên truyền như thế thông qua phim ảnh, thông qua các phương tiện truyền thông khác nhau để tuyên truyền.
Vì sao họ đặt vấn đề tuyên truyền như vậy? Qua theo dõi của chúng tôi thì Trung Quốc có chính sách một con - sáu người lớn có một trẻ con; chẳng may xảy ra xung đột, ai là người đi đánh nhau? Chắc không phải con em các nhà lãnh đạo rồi, vì con em các nhà lãnh đạo đều đi nước ngoài hết; hoặc trở thành quan chức cả rồi. Còn con nhân dân thì phải tạo ra dư luận, kích hoạt chủ nghĩa dân tộc để khi sự cố xảy ra còn huy động. Đấy là bài của họ, giải pháp để kích động dư luận trong nước.
Trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước tình hình này, GS Đỗ Tiến Sâm nói: Trước hết cuộc đấu tranh để bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền của chúng ta tại Biển Đông phải huy động sức mạnh tổng hợp nhiều bộ, ngành, nhiều lĩnh vực, giai tầng khác nhau trong xã hội. Viện chúng tôi chỉ là một phần trong đó. Viện chúng tôi tìm kiếm những thông tin về các động thái, chính sách của Trung Quốc, và phân tích những điều đó.
Sau đấy, những nhà nghiên cứu khoa học Việt Nam biết nghiên cứu lịch sử để đấu tranh với những điều ngụy tạo của họ. Ví dụ họ nói có họ là quốc gia phát hiện sớm nhất, đặt tên sớm nhất, khai thác sớm nhất; mình cần phải đọc được những chứng cứ họ nêu lên có đúng không. Có khi họ trích dẫn sai mà mình không biết. Nên phải có người làm những vấn đề đó. Chúng tôi mua những tài liệu họ dẫn ra; các nhà sử học Việt Nam phải xem những chứng cứ họ trích dẫn có đúng không, phân tích những chứng cứ sai - đúng chỗ nào và đấu tranh từng bước một.
Thế rồi chứng cứ lịch sử phải dưới ánh sáng pháp luật quốc tế mới được; nên phải có sự kết hợp giữa các nhà sử học và các nhà nghiên cứu về luật pháp quốc tế.
Ở Việt Nam tôi thấy có những người như anh Phạm Hoàng Quân rất đáng kính trọng. Anh ấy có khả năng đọc được chữ Hán, tra cứu cần mẫn làm việc đó. Thực ra trong điều kiện đời sống khó khăn hiện nay mà tìm được người tâm huyết, gắn bó với công việc đó như thế không nhiều; cần phải có chính sách tôn vinh. Tôi nghiên cứu Trung Quốc đọc được chữ Hán, nhưng Hán Nôm không đọc được; mà anh Quân đọc được. Chúng tôi chia sẻ thông tin; tôi đưa cho anh những tài liệu của Trung Quốc để anh tìm cách bác bỏ.
alt 
Nhà nghiên cứu tự do Phạm Hoàng Quân (bìa trái), người tự học chữ Hán cổ mà TS Đỗ Tiến Sâm ca ngợi là “rất đáng kính trọng “ đang phát biểu tại hội thảo về Hoàng Sa và Trường Sa tháng 4.2013 (ảnh BienDong.Net)
Vấn đề bác bỏ không chỉ đăng trên tạp chí Việt Nam mà cần phải đăng trên các tạp chí quốc tế. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài có thể đóng góp quan trọng vì họ biết tiếng Anh, lại biết những tạp chí nào uy tín trên thế giới để đăng những chứng cứ bác bỏ đó.
Đấu tranh không phải chỉ ở trong nước không thôi mà phải ở cả quốc tế - GS Đỗ Tiến Sâm kết luận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét