Pages

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Vụ bê bối “lương khủng”: lỗi hệ thống

Dư luận Việt Nam sôi nổi với sự kiện một loạt doanh nghiệp công ích Nhà nước ở TP.HCM ăn bớt quĩ lương của người lao động, để trả lương cho lãnh đạo cao gấp 41 lần người lao động.

Bòn rút của người lao động

TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu IDS một tổ chức độc lập đã tự giải thể, từ Hà Nội nhận định:

“Tôi nghĩ đấy là một hiện tượng hết sức kỳ quặc đối với những công ty công ích của Nhà nước, trong trường hợp cụ thể này là chính quyền Sài Gòn và có lẽ những điều như thế phải chất vấn ông chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố là ông Lê Hoàng Quân, với tư cách ông ấy là người chủ của những doanh nghiệp này, rồi tới cơ quan Đảng của thành phố, rồi tất cả các thứ khác thí dụ như công đoàn. Có thể nói là toàn bộ những bộ máy kể cả người đại diện chủ sở hữu, cho đến những cơ quan giám sát tổ chức gọi là chính trị xã hội có vai trò để giám sát thì đều tê liệt, đều bị biến thành con rối của những kẻ nắm quyền lực ở đó.

Nếu là một công ty tư nhân thì khỏi phải bàn cãi về lương bổng của lãnh đạo. Họ làm hiệu quả lương họ cao, lương cao quá mà hoạt động không được thì họ phá sản. Nhưng đây là doanh nghiệp công ích, doanh nghiệp của chính quyền địa phương, tôi nghĩ một chuyện đấy bộc lộ lên toàn bộ thối rữa của hệ thống này.”

000_Hkg5704500-305.jpg
Tiền đồng Việt Nam, ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 19/12/2011.
AFP
Tất cả báo mạng ở Việt Nam đã hết sức sôi nổi về câu chuyện gọi là lương khủng bòn rút của người lao động. Theo đó, ba công ty Thoát nước đô thị, Công trình Giao thông Saigon và Chiếu sáng công cộng cùng là doanh nghiệp Nhà nước, cùng áp dụng một thủ thuật tinh vi là không áp dụng luật lao động đối với hơn 700 người lao động. Họ chỉ ký hợp đồng mùa vụ thời hạn dưới ba tháng với lao động thường xuyên và chỉ ký hợp đồng có thời hạn với hàng trăm người đủ điều kiện ký hợp đồng không xác định thời hạn. Như vậy người lao động của ba công ty vừa nêu bị trả lương thấp và mất rất nhiều quyền lợi khác.

Tất cả những khoản tiền đáng lẽ người lao động được hưởng thì được dùng để trả lương cho ban lãnh đạo với mức cao không ngờ. Điển hình Giám đốc Công ty Thoát nước đô thị TPHCM có lương 2,6 tỷ đồng một năm, Chủ tịch Hội đồng Thành viên 1,6 tỷ đồng một năm, Kế toán trưởng 1,67 tỷ đồng một năm. Như vậy lương giám đốc hơn 200 triệu đồng một tháng, trong khi qui định của chính phủ lãnh đạo Doanh nghiệp Nhà nước hưởng lương tối đa 36 triệu đồng/1 tháng hay 432 triệu một năm.

Việt Nam trên danh nghĩa là một Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa với lực lượng công nông làm nòng cốt. Tuy vậy thực tế khá phũ phàng đối với quyền lợi của giai cấp công nông. Một người dân ở đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:

“Trời ơi, bên đây chẳng còn ra gì nữa, bây giờ mạnh ai nấy ‘ăn’ đổ bể ra thì cũng là mấy cán bộ nó ‘ăn’ thôi. Ôi thôi đừng nói nữa, công ty mạnh ‘thằng’ nào nấy giựt. Bây giờ không ai còn tin mấy ông nữa, mấy ông nói gì thì nói dân muốn làm gì thì làm, không ai tin ai nữa.”

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM nói với chúng tôi là, các quan chức Nhà nước vi phạm trong vụ lương “khủng” ở các công ty công ích TP.HCM sẽ phải bồi hoàn công quỹ, phải ra Hội đồng kỷ luật và tùy kết luận mà xem xét trách nhiệm cá nhân. Còn người lao động bị xử ép sẽ được bồi thường đầy đủ tính từ thời điểm 2011 và được ký hợp đồng lao động thường xuyên hoặc không thời hạn. LS Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh:

“Sự việc này xảy ra thứ nhất là việc thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức đại diện cho người lao động là Công đoàn đã không thực hiện tốt qui chế này. Ở Việt Nam có luật phòng chống tham nhũng, vừa rồi Quốc hội có sửa đổi bổ sung thì những hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước phải được công khai minh bạch, trong đó có tiền lương được pháp luật qui định rõ. Những người quản lý này thực hiện không đúng, do đó trong thời gian tới tôi cho rằng, người lao động họ phải biết và thực hiện quyền của mình được pháp luật qui định. Bên cạnh đó pháp luật phải được thực thi và góp phần hạn chế tình trạng người lao động bị chèn ép thiệt thòi, đòi hỏi phải có sự tham gia của những cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước. Vừa rồi Chính phủ thông qua câu chuyện này đã rà soát lại hết các doanh nghiệp Nhà nước về vấn đề tiền lương để thực hiện đúng qui định về Luật Lao động.”

Công đoàn không bảo vệ người lao động

Khi tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam có 10 năm tức tới 2017 để chuyển đổi và có thể được công nhận là một nền kinh tế thị trường đầy đủ. Hiện nay, Việt Nam đang tham gia  đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà điều kiện còn gắt gao hơn cả WTO. Một thí dụ cụ thể là người lao động phải có quyền tham gia những nghiệp đoàn độc lập đại diện cho mình. Qua sự kiện một loạt công ty công ích Nhà nước ở TP.HCM phạm luật lao động nghiêm trọng trong hơn 2 năm mà không hề có đấu tranh nào từ hệ thống Công đoàn do Nhà nước lập ra. TS Nguyễn Quang A từ Hà Nội nhận định:

“Giả sử Nghiệp đoàn của những người lao động ở đấy hoạt động một cách độc lập và buộc giới lãnh đạo doanh nghiệp phải minh bạch, thì tôi nghĩ người ta không bao giờ để xảy ra tình trạng như vậy. Đây là một sự ăn trên ngồi trốc, bóc lột sức lao động của nhân viên một cách hết sức là trắng trợn và thực sự là tham nhũng tài sản Nhà nước. Nó càng chứng tỏ tổ chức Công đoàn, mà thực sự là một bộ phận nối dài của Đảng Cộng sản, là hoàn toàn không bảo vệ lợi ích của người lao động.

Về điều kiện của TPP buộc Nhà nước Việt Nam phải cho phép có những nghiệp đoàn lao động độc lập, theo tôi là một bước một áp lực từ bên ngoài rất là quan trọng. Nhưng tôi nghĩ là những áp lực từ bên trong mới là chính. Ngay cả những công đoàn viên ở những công ty ấy họ cũng không tìm hiểu quyền của mình như thế nào để cất lên tiếng nói, thì tôi nghĩ cũng không giải quyết được gì nhiều.

Vấn đề cơ bản ở đây, một là về phía chính quyền về hệ thống. Thứ hai là bản thân những người lao động. Họ cũng phải tự trách mình, phải tự nâng cao nhận thức của mình và họ cũng phải mở miệng trước sự bất công hết sức là trắng trợn như vậy.”

Ngày 28/8/2013, báo điện tử Dân Trí trích lời ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phát biểu, Nhà nước không có qui định mức lương lên đến 200 triệu đồng/tháng. Bộ này cũng đã cử người vào TP.HCM để làm rõ việc lãnh đạo doanh nghiệp công ích của Nhà nước nhận mức lương “khủng”.

Ngày 29/8, VnExpress trích lời ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nói rằng, việc phân phối thu nhập tại doanh nghiệp Nhà nước cần minh bạch và xứng đáng với hiệu quả kinh doanh.

Theo Thanh Niên Online, tại phiên họp ngày 29/8, ông Lê Hoàng Quân Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM nổi giận với mấy doanh nghiệp công ích của địa phương, mà về nguyên tắc ông là cấp quản lý cao nhất. Nguyên văn lời ông Lê Hoàng Quân: “Mấy ông làm ăn giỏi vậy thì cần gì đến ngân sách. Rõ ràng là bớt lương công nhân để làm giàu lãnh đạo. Cái tội này là phải trị tới nơi tới chốn.”

Thông tin từ báo chí cho thấy các quan chức của các công ty công ích TP.HCM ngay lập tức lên tiếng nhận lỗi cả về mức lương cao ngất tự đặt ra, cũng như việc vi phạm qui tắc hợp đồng với công nhân theo Luật Lao Động. Các quan chức này dĩ nhiên thừa tiền tỉ để bồi hoàn công quỹ, tuy nhiên người dân đang chờ xem có ông nào bị cách chức hay không.

Nam Nguyên, phóng viên RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét