Pages

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

ÂM MƯU, Ý ĐỒ TRUNG QUỐC LỘ RÕ HƠN SAU MỘT NĂM CÁI GỌI LÀ “THÀNH PHỐ TAM SA” RA ĐỜI


BienDong.Net : Sau hơn 1 năm thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” (21/6/2011), Trung Quốc ráo riết đẩy mạnh các hoạt động để củng cố “Tam Sa”, cụ thể là:
- Trung Quốc gấp rút hoàn thiện cơ cấu, tổ chức của thành phố “Tam Sa” như hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy của “Tam Sa” với việc thành lập cơ quan lập pháp, hành pháp, cơ quan chỉ huy quân sự, cơ sở kinh tế; đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng của “Tam Sa”.
- Chính quyền Trung ương Trung Quốc thông qua chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc ban hành hàng loạt các văn bản pháp quy nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho “Tam Sa” quản lý các quần đảo và vùng biển ở Biển Đông như: “Điều lệ về dự báo khí tượng và phòng chống thiên tai của tỉnh Hải Nam”, “Quy hoạch chuyên đề về phát triển du lịch thuyền thành phố Tam Sa (2012 - 2020)”, “Quy hoạch về dự án xây dựng mạng lưới thông tin thành phố Tam Sa”, “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam”….

- Đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho “Tam Sa”. Trung ương Trung Quốc và tỉnh Hải Nam đã đầu tư cho “Tam Sa” hàng chục tỷ Nhân dân tệ để xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiện “Tam Sa” đang triển khai 28 dự án với tổng số vốn đầu tư gần 24 tỷ Nhân dân tệ. Trung Quốc còn lên kế hoạch đầu tư thêm khoảng 100 tỷ Nhân dân tệ cho phát triển hạ tầng của “Tam Sa”.
- Củng cố mở rộng căn cứ quân sự ở “Tam Sa”, nhất là ở đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng) thuộc quần đảo Hoàng Sa để làm bàn đạp khống chế toàn bộ Biển Đông. Đẩy mạnh các hoạt động tuần tra của các tàu chấp pháp, tàu quân sự cũng như diễn tập quân sự, tập trận trong vùng biển của “Tam Sa”.
- Ráo riết nguỵ tạo những bằng chứng để củng cố cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc đối với “Tam Sa” như phát hành bản đồ “Tam Sa”; điều tra phổ cập ở Tam Sa, khảo cổ…; đưa dân ra sinh sống ở một số đảo của “Tam Sa”
- Có nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích ngư dân Trung Quốc đánh bắt trong vùng biển 2 triệu km2 của “Tam Sa” ở Biển Đông như: hỗ trợ kinh phí cho ngư dân đóng tàu cá cỡ lớn, hỗ trợ xăng dầu cho tàu cá…
- Tàu quân sự và tàu chấp pháp của Trung Quốc tăng cường xua đuổi, uy hiếp tàu cá, ngư dân Việt Nam hoạt động đánh bắt ở khu vực quần đảo Hoàng Sa hòng làm nhụt ý chí của ngư dân Việt Nam ra đánh bắt ở Hoàng Sa.
- Đẩy mạnh tuyên truyền công khai về các hoạt động của Trung Quốc đối với “Tam Sa”; bóp méo sự thật về lịch sử, pháp lý về chủ quyền đối với các quần đảo ở Biển Đông và tình hình thực tế ở Biển Đông
Qua việc làm của Trung Quốc đối với “Tam Sa” trong hơn một năm qua, chúng ta càng thấy rõ âm mưu, ý đồ của Trung Quốc đối với Biển Đông:
Một là, việc Trung Quốc thành lập cái gọi là thành phố “Tam Sa” và sau đó triển khai một cách tổng thể các hoạt động đối với “Tam Sa” là việc làm được tính toán kỹ lưỡng, bài bản và được triển khai đồng bộ. Đây là một bước leo thang mới trong việc hiện thực hoá yêu sách phi lý “đường lưỡi bò” (“Tam Sa” có vùng biển 2 triệu km2 gần như diện tích “đường lưỡi bò”, thực hiện ý đồ khống chế, độc chiếm Biển Đông). Việc thành lập “Tam Sa” không chỉ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, mà nghiêm trọng hơn là xâm phạm thô bạo các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Hai là, Trung Quốc thành lập “Tam Sa” và đẩy mạnh các hoạt động lập pháp, hành chính, quân sự và dân sự ở “Tam Sa” là nhằm mục tiêu từng bước củng cố cơ sở pháp lý đối với yêu sách cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc” đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc đang cố tạo ra cái gọi là “sự kiểm soát trên thực tế” để che lấp cho sự không có cơ sở phảp lý về các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo ở Biển Đông; trước mắt, Trung Quốc nhằm mục tiêu củng cố cho lập luận lâu nay của họ là “Hoàng Sa là của Trung Quốc và không có tranh chấp”.
Ba là, việc Trung Quốc thành lập “Tam Sa” và củng cố sự hiện diện ở “Tam Sa” là bước chuẩn bị để tạo cơ sở pháp lý cho Trung Quốc bảo vệ yêu sách phi lý của họ đối với các vùng biển của các nước ven Biển Đông. Các hoạt động dân sự của Trung Quốc đang diễn ra hàng ngày đối với quần đảo Hoàng Sa (nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng, đưa dân ra sinh sống, triển khai các hoạt động kinh tế thương mại…) là nhằm hướng tới mục tiêu tạo cơ sở thực tế chứng minh các đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa riêng, tạo ra vùng chồng lấn với thềm lục địa của các nước ven Biển Đông, biến các vùng biển không tranh chấp của các nước ven Biển Đông thành vùng biển tranh chấp. Trong Công hàm gửi lên Liên hợp quốc phản đối Philippines tháng 4/2011, Trung Quốc đã yêu sách các đảo, đá thuộc Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa riêng. Hơn ai hết, Trung Quốc hiểu rõ yêu sách “đường lưỡi bò” của họ ở Biển Đông hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và họ đang cố gắng ngụy tạo ra một cái gọi là “cơ sở” để biện hộ cho yêu sách phi lý này của họ ở Biển Đông.
Bốn là, ý đồ thành lập “Tam Sa” của Trung Quốc là tạo sự việc đã rồi, bắt các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế chấp nhận một cục diện ở Biển Đông theo sự khống chế chỉ đạo của Trung Quốc; bắt các nước ven Biển Đông phải chấp nhận chủ trương “Chủ quyền thuộc ta (thuộc Trung Quốc), gác tranh chấp, cùng khai thác” để bổ sung cho sự “đói, khát” về tài nguyên của Trung Quốc.
Năm là, với việc đẩy mạnh tuyên truyền công khai và bóp méo sự thật về những hành động vi pháp của Trung Quốc đối với “Tam Sa”, Trung Quốc đang thực hiện chiến lược “mưa dầm thấm lâu” để đánh lừa dư luận quốc tế làm cho quốc tế hiểu sai lệch về thực tế tình hình ở Biển Đông. Trung Quốc đang thực hiện biện pháp tuyên truyền mà Mao Trạch Đông trước đây đã nêu ra là nói một lần chưa được thì nói một trăm lần sẽ dần ăn sâu vào nhận thức của mọi người.
Qua những phân tích trên có thể thấy rằng việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” nằm trong kế hoạch tổng thể thực hiện mục tiêu chiến lược xây dựng cường quốc biển của Trung Quốc, đưa Trung Quốc trở thành một siêu cường về biển. Điều này không chỉ là mối đe doạ đối với các nước láng giềng của Trung Quốc ven Biển Đông mà còn là một thách thức, một nguy cơ hiện hữu đối với cả cộng đồng quốc tế. Những việc làm của Trung Quốc đối với “Tam Sa” trong hơn một năm qua cho thấy rõ họ hành động ngày càng thô bạo hơn, làm cho cộng đồng quốc tế ngày càng thêm lo ngại về chủ nghĩa bành trướng, bá quyền đại Hán của Trung Quốc.
BDN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét