Pages

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Bài biện hộ cho Ls Lê Quốc Quân trong phiên tòa ngày 2/10/2013

Sau khi đưa ra lịch xét xử Ls Lê Quốc Quân vào ngày 9/7/2013 tại Tòa án Nhân dân TP Hà Nội, 43 Hai Bà Trưng, Hà Nội thì đột ngột chiều 8/7, Tòa án hoãn xử vì thẩm phán bị “đột quỵ sau khi giao ban” – theo văn bản của Tòa án Nhân Dân Hà Nội.
Việc “thẩm phán bị đột quỵ sau khi giao ban” để phãi hoãn phiên tòa là sự hài hước, song điều này là có cơ sở theo hai khả năng sau đây:
- Có thể với bản chất của Tòa án độc tài, các vụ án chính trị đều là án bỏ túi, do vậy sau khi nhận bản án bỏ túi đối với Ls Lê Quốc Quân thẩm phán Lê Thị Hợp thấy rõ tội ác mình sắp nhúng tay vào đẩy một người công chính vô tội vào chốn lao tù là một sự ghê tởm và bất nhân. Hẳn nhiên kẻ gieo tội ác sẽ bị trừng trị, song kẻ nhúng tay vào tội ác thì cũngphải chịu trách nhiệm. Vì thế bà thẩm phán đã “bị đột quỵ” từ đó đến nay.
- Có thể tinh thần của người dân đến với phiên tòa, đã cho thấy tính chất phi lý và sự đê tiện, hèn hạ của nhà cầm quyền CSVN. Đặc biệt là trước những hoạt động ngoại giao của một số quan chức cộng sản đối với thế giới. Sự phản ứng mạnh mẽ bất ngờ khắp nơi đã khiến nhà cầm quyền CSVN “đột quỵ” ngay trước phiên tòa và phiên tòa phải hoãn lại đến nay.
Việc hoãn phiên tòa đã có quyết định xét xử sau 3 tháng là vi phạm pháp luật hiện hành, đồng thời phản ánh sự lúng túng, hoảng hốt và bất chính của nhà cầm quyền CSVN trong vụ án này.
Để quý vị độc giả hiểu thêm về bản chất vụ án chính trị mang danh trốn thuế như một cái cớ rất “ruồi bu” chúng tôi xin đưa một bản biện hộ của một luật sư về vụ án này/
Gửi Hội đồng xét xử,
Dư luận từ nhiều tháng này rất quan tâm đến việc ông Lê Quốc Quân bị khởi tố, bắt giam, điều tra và truy tố về tội “trốn thuế” theo Điều 161 của Bộ luật Hình sự nước CHXHCH Việt Nam kể từ ngày 25/12/2012, và hôm nay ngày 9/7/2013 bị xét xử về tội danh này.  Không ai, kể cả tôi, nghĩ rằng bản Cáo trạng số 170/CT-VKS-P1 ngày 9/4/2013 của Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội nêu xác đáng và chính đáng các chứng cứ pháp lý của cáo buộc nhằm vào ông Quân.  Ai cũng tin rằng với động cơ đằng sau cáo buộc phi lý đó, chắc chắn ông Quân sẽ nhận một bản án nặng nề theo cách mà ông Nguyễn Văn Hải (tức Điều Cày) đã gánh chịu từ năm 2008 tại Sài Gòn. 
Ls Lê Quốc Quân nộp đơn tự ứng cử Quốc hội
Tôi cố gắng tin khác đi, vì trong tôi ngọn lửa niềm tin vào công lý vẫn le lói với hy vọng nó còn tồn tại trên đất nước này.  Vì phiên tòa là nơi được mệnh danh “bảo vệ và mang lại công lý” cho mọi người bất phân biệt sắc tộc, ngôn ngữ, tôn giáo và chính kiến, nên giờ đây tôi mạo muội đề nghị vị đại diện Viện Kiểm sát, thực hiện quyền công tố, tỉnh táo rút lại toàn bộ các cáo buộc phi lý đối với ông Lê Quốc Quân theo cáo trạng nêu trên, và đề nghị các vị thẩm phán cầm cân nẩy mực can đảm tuyên bố ông Quân hoàn toàn vô tội, và do vậy trả tự do ngay lập tức cho ông tại phiên tòa này. 
Đề nghị của tôi dựa trên sự phân tích dưới đây đối với toàn bộ hồ sơ vụ án mà chính quý Tòa đã cung cấp.  Rất mong quý vị đại diện hệ thống tư pháp của Việt Nam, ít nhất trong khuôn khổ phiên tòa ngày hôm nay, thành tâm và công minh lắng nghe hầu có một phán quyết hợp lý và hợp tình. 
  1. 1. Có thật ông Lê Quốc Quân “trốn thuế” và do đó phạm “tội trốn thuế”?
1.1Thế nào là hành vi “trốn thuế” và “tội trốn thuế”?
Điều 161 của Bộ luật Hình sự nhắc đến “tội trốn thuế” và hành vi “trốn thuế”, nhưng tiếc thay không đưa ra bất kỳ định nghĩa hay quy định chi tiết nào về các yếu tố cấu thành tội phạm của “tội trốn thuế” hay về các dấu hiệu của một hành vi “trốn thuế”. 

Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007 của Chính phủ “quy định về xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế” cũng chỉ nhắc đến “vi phạm pháp luật về thuế”, chứ không trực tiếp định nghĩa hay quy định chi tiết về các yếu tố cấu thành tội phạm của “tội trốn thuế” theo Điều 161 của Bộ luật Hình sự hoặc cho thấy sự liên quan giữa “vi phạm pháp luật về thuế” với Điều 161 này.
Vì sự thiếu sót nêu trên của hệ thống luật pháp, Cơ quan Cảnh sát Điều tra trong vụ án “Lê Quốc Quân” đã tùy tiện vận dụng Điều 161 và diễn giải vô lối về hành vi “trốn thuế” và “tội trốn thuế” nhằm ngụy tạo chứng cứ bằng phương cách “suy đoán có tội”, qua đó dựng lên một vụ án hình sự hòng bỏ tù ông Lê Quốc Quân bằng mọi giá, đồng thời tìm cách tránh né bản chất “chính trị” của sự tước đoạt tự do trắng trợn này, mà tôi sẽ phân tích trong mục 2 dưới đây.
1.2 Quy trình khai nộp thuế thông thường tại Việt Nam như thế nào?
Theo quy định về khai nộp thuế hiện hành tại Việt Nam căn cứ Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính (hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý Thuế) và Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính (hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế Doanh nghiệp và hướng dẫn thi hành Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế Doanh nghiệp), các doanh nghiệp tự kê khai và tạm nộp thuế theo định kỳ hàng quý và năm cho cơ quan thuế địa phương.  Kết thúc mỗi năm, cơ quan thuế tổng kết để báo cáo cơ quan cấp trên cùng ngành về tình hình nộp thuế chung của các doanh nghiệp trong phạm vi địa bàn mình quản lý.
Hoãn tòa vì thẩm phán “bị đột quỵ sau khi giao ban”
Thông thường, trong vòng ba đến năm năm sau đó, cơ quan thuế sẽ cử nhân viên đến làm việc với từng doanh nghiệp theo lịch hẹn trước để “quyết toán thuế” (một thuật ngữ thông dụng trong ngành thuế Việt Nam) đối với một năm tài chính cụ thể mà doanh nghiệp đã tự kê khai và tự nộp.  Việc “quyết toán thuế” đó được thực hiện bằng cách xem xét sổ sách và chứng từ mà doanh nghiệp xuất trình, trong đó chủ yếu đánh giá việc kê khai những chi phí liên quan của doanh nghiệp hợp lý hay không, hầu làm cơ sở xác định thu nhập tính thuế đối với thuế thu nhập doanh nghiệp và xác định thuế giá trị gia tăng mà doanh nghiệp có thể được hoàn lại.
Khuynh hướng của cơ quan thuế khi đánh giá việc kê khai chi phí là loại ra càng nhiều càng tốt những hóa đơn được lập không hợp lệ và những hóa đơn tuy hợp lệ nhưng không hợp lý đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp cụ thể.  Một khi chi phí không được chấp nhận, thu nhập tính thuế đương nhiên sẽ tăng lên và thuế giá trị gia tăng đầu vào được hoàn lại sẽ giảm xuống.  Nói cách khác, nhà nước sẽ có lợi vì truy thu thêm thuế thu nhập và không phải hoàn lại thuế giá trị gia tăng, mà doanh nghiệp khi tự kê khai và tự nộp đã tính không đúng ý của cơ quan thuế trong báo cáo nộp thuế của mình, chưa kể đến khoản lãi tính trên số tiền “chậm nộp” mà cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp phải nộp từ kết quả loại bỏ chi phí này.
Khi không chấp nhận các hóa đơn dùng để tính chi phí trong quá trình “quyết toán thuế”, cơ quan thuế không vì thế cáo buộc doanh nghiệp “vi phạm pháp luật về thuế” và tất nhiên càng không tùy tiện quy chụp “trốn thuế” cho doanh nghiệp.  Truy thu tiền thuế chưa nộp và yêu cầu nộp lãi trên số tiền chậm nộp là cách xử lý thông thường của cơ quan thuế trong mọi trường hợp như vậy.
Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007 quy định tại Khoản 1(i) Điều 14 rằng, trong số các “vi phạm pháp luật về thuế” có việc “sử dụng hoá đơn, chứng từ bất hợp pháp để hạch toán khống giá trị hàng hoá, dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế  miễn, số tiền thuế giảm, số tiền thuế được hoàn”.  Nhưng Điều 14 cũng nêu rõ như sau: “Các hành vi vi phạm quy định tại Điều này bị phát hiện trong thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, nhưng không làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, số thuế miễn, giảm thì chỉ bị xử phạt về hành vi phạm về thủ tục thuế”. 
Tôi sẽ chứng minh tại mục 1.4 dưới đây rằng ngay cả khi cơ quan thuế loại bỏ và không chấp nhận các hóa đơn bị xem là bất hợp pháp, thì cũng không làm giảm số tiền thuế mà Công ty TNHH Giải Pháp Việt Nam phải nộp.
Tất nhiên, do luật pháp Việt Nam vốn dĩ mơ hồ, lại trao nhiều quyền hạn cho các cơ quan nhà nước, nên quy trình khai nộp thuế nêu trên có thể bị đảo lộn bởi sự can thiệp tùy ý bất chấp đạo lý từ phía công quyền một khi người ta muốn khai tử bất kỳ doanh nghiệp nào mà người đứng đầu không biết điều đối với chính quyền hoặc không biết chung chi theo nhu cầu nhũng nhiễu của các quan chức ngành thuế.
1.3            Lập hợp đồng “khống” và sử dụng hóa đơn “khống” là “trốn thuế”?
Toàn bộ lý lẽ và lập luận của Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Viện Kiểm sát, Cục Thuế Hà Nội và cơ quan giám định của Bộ Tài chính trong vụ án “Lê Quốc Quân” đều dựa trên cái gọi là hành vi lập hợp đồng “khống” và sử dụng hóa đơn “khống”.  Tiếc thay, Điều 161 như đã nói trên hoàn toàn không quy định những hành vi như vậy là yếu tố cấu thành “tội trốn thuế”.  Tôi công khai thách thức vị đại diện Viện Kiểm sát nêu ra được câu chữ nào trong Điều 161 trực tiếp hoặc gián tiếp nói đến khái niệm “khống” như vậy!
Ấy thế mà trong vụ án này và lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp Việt Nam, khái niệm “khống” được sáng tạo ra để vin vào đó người ta chụp mũ “trốn thuế” cho những ai không thể bị bắt giam vì những nguyên cớ luật định khác.  Một bộ máy nhân lực được vận hành với phí tổn có thể lên đến hàng chục tỷ bạc, lao vào làm việc hơn một năm trời, hết người này đến người nọ, hết mưu này đến kế nọ, hết trò này đến trò nọ, chỉ để tìm ra một bằng chứng về việc trốn thuế vài trăm triệu đồng chẳng bõ, nhằm mục đích duy nhất là tống giam kẻ mà chính quyền này không thiện cảm.
Cần lưu ý, mọi kết luận của các cơ quan tham gia tố tụng nói trên nhằm chứng minh cho sự tồn tại của cái gọi là “khống” đều chỉ dựa trên kết quả xét hỏi một vài nhân chứng hoặc người có liên quan đến Công ty TNHH Giải Pháp Việt Nam mà thôi.  Điều cần nói ở đây là không thể loại trừ khả năng trấn áp và đe dọa về tinh thần có thể có của Cơ quan Cảnh sát Điều tra đối với những người đã cung cấp “lời khai” mơ hồ, một chiều và không đáng tin ấy.  Vậy mà, những lời khai xuất hiện trong bối cảnh như vậy đã trở thành chứng cứ chính yếu buộc tội ông Lê Quốc Quân.  Ai có thể tin?
Lẽ ra trong quy trình khai nộp thuế của các doanh nghiệp tại Việt Nam như đã nêu tại mục 1.2 trên đây, nếu cơ quan thuế không chấp nhận các chi phí mà Công ty TNHH Giải Pháp Việt Nam tự khai để rồi tự nộp thuế cho các năm 2010 và 2011, thì một cách bình thường cơ quan thuế sẽ truy thu tiền thuế chưa nộp và yêu cầu nộp lãi trên số tiền chậm nộp sau khi chính cơ quan thuế thực hiện công việc “quyết toán thuế” mà thông thường phải vài năm sau khi doanh nghiệp này tự khai và tự nộp.
Có một chi tiết mà tôi xin quý Tòa cần lưu ý, rằng trong khi Chi cục Thuế Quận Cầu Giấy chưa từng “quyết toán thuế” đối với Công ty TNHH Giải Pháp Việt Nam theo quy trình nêu trên để quyết định chấp nhận hay không các chi phí mà công ty đã kê khai thông qua các hóa đơn đã xuất trình, thì cơ quan an ninh đã “nhanh nhẹn” và “mẫn cán” đến mức từ cuối năm 2011, Phòng An ninh Kinh tế (PA 81) đã yêu cầu Cục thuế Hà Nội thanh tra thuế của hai doanh nghiệp có liên quan đến ông Lê Quốc Quân là Công ty TNHH Thông Tin Tín Nhiệm và Xếp hạng doanh nghiệp và Công ty TNHH Giải Pháp Việt Nam với lý do buồn cười là “để phục vụ cho công tác đảm bảo An ninh kinh tế trên địa bàn TP Hà Nội” và lời nhắn gửi đáng lưu tâm rằng “kính mong các đồng chí quan tâm giúp đỡ sớm” (xem Công văn số 737/CV-CAHN-PA 81 ngày 26/12/2011 do Phòng An ninh Kinh tế gửi Cục thuế Hà Nội tại Bút lục số 0186). 
Xin mở và đóng ngoặc tại đây, rằng tôi bỗng dưng chạnh lòng ao ước phải chi trong các vụ án động trời “Vinashin” và “Vinalines”, người ta cũng “nhanh nhẹn” và “mẫn cán” một nửa như thế, ắt hẳn số tiền thất thoát khổng lồ ấy đã được thu hồi hết từ lâu và “an ninh kinh tế” của đất nước này chẳng có gì đáng lo ngại như ngày hôm nay cả (!).
Chúng ta phải hiểu sự “nhanh nhẹn” và “mẫn cán” này như thế nào đây khi chưa đầy một năm kể từ ngày Phòng An ninh Kinh tế (PA 81) yêu cầu Cục thuế Hà Nội thanh tra thuế, một vụ án “trốn thuế” đã được dựng lên, mà trong đó cách thức thu thập và phân tích “chứng cứ” rất đáng nghi ngờ như tôi sẽ phân tích dưới đây?  
Trở lại vấn đề, việc sáng tạo và sử dụng khái niệm “khống” để kết luận các hợp đồng và hóa đơn của Công ty TNHH Giải Pháp Việt Nam là bất hợp pháp rõ ràng là hành động diễn giải luật pháp tùy tiện theo hướng “suy đoán có tội”, vì như đã nói không một từ, câu hay dòng nào trong Điều 161 nêu rõ hay ngụ ý về một “cơ sở pháp lý” như vậy nhằm cáo buộc “trốn thuế”.  Thật ra, chính cách thức ngụy tạo chứng cứ đó mới đáng gọi là “khống” vì trên thực tế nó là sự quy chụp vô căn cứ.
Như vậy, thay vì đơn giản loại bỏ các hóa đơn không hợp lệ và hợp lý, việc áp dụng khái niệm “khống” từ nay sẽ đặt tất cả các doanh nghiệp và doanh nhân ở đất nước này vào tình trạng rủi ro vì lưỡi gươm Damocles “trốn thuế” luôn thường trực treo trên đầu họ.  Lúc đó, muốn bắt ai, lưỡi gươm đó chỉ cần hạ xuống do không doanh nghiệp nào không có ít nhất một hóa đơn “khống”.  Thưa quý Tòa, tôi mạo muội khẳng định rằng mọi hóa đơn mà các doanh nghiệp của chúng ta hằng ngày vẫn chi trả cho các buổi nhậu nhẹt để o bế các quan chức ngành công an, thuế, hải quan, tòa án, v.v… đều là các hóa đơn “khống” theo nghĩa đó.
1.4 Cách tính số tiền “trốn thuế” của cơ quan điều tra và cơ quan giám định tư pháp rất bất bình thường
Để tỏ ra “khách quan” trong việc cáo buộc ông Lê Quốc Quân có hành vi “trốn thuế”, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Thành phố Hà Nội đã yêu cầu Cục Thuế Hà Nội và giám định viên tư pháp của Bộ Tài chính tiến hành giám định các sổ sách, chứng từ và tài liệu thuế của Công ty TNHH Giải Pháp Việt Nam (xem Công văn số 1132/CV-CSĐT- Đ9 ngày 4/2/2013 gửi Cục Thuế Thành phố Hà Nội tại Bút lục số 0094 và Công văn số 1514/CV-PC46(Đ9) ngày 6/3/2013 gửi Bộ Tài chính tại Bút lục số 0084). 
Theo tôi, cách tính số tiền “trốn thuế” của cơ quan điều tra và kết quả giám định của các cơ quan giám định tư pháp, mà dựa vào đó ông Lê Quốc Quân bị vu có hành vi “trốn thuế”, hoàn toàn có tính chất áp đặt nhằm đánh tráo sự thật, bởi những lẽ sau:
(a) Do cùng trong một bộ máy nhà nước và cùng được ngân sách chính quyền chi trả mọi chi phí hoạt động và lương bổng, có cơ quan và quan chức công quyền nào ở đất nước này độc lập và can đảm đến mức có thể không thực hiện chỉ thị của Đảng Cộng Sản và guồng máy trấn áp của nó là công an?  Vậy, trước đơn đặt hàng của Bộ Công an và Cơ quan Cảnh sát Điều tra Thành phố Hà Nội, liệu Cục Thuế Hà Nội và giám định viên tư pháp của Bộ Tài chính có đủ trung thực và đạo đức cần thiết để thực hiện công việc giám định và cung cấp một kết luận khách quan vốn ảnh hưởng quan trọng đến “chứng cứ” trong vụ án “Lê Quốc Quân”? 
Các biên bản và kết luận giám định trong hồ sơ vụ án này thật ra chỉ là những tài liệu trang trí và tô vẽ cho cái gọi là “tính khách quan” của “chứng cứ phạm tội”.  Dư luận nhân dân và giới trí thức, kể cả luật sư, đều biết đó là màn kịch hài hước quen thuộc mà vị tổng đạo diễn của nó là ai (!).  Hầu như trong các vụ án liên quan đến những nhân vật bất đồng chính kiến, dù trên danh nghĩa “an ninh quốc gia” hay “trốn thuế”, người ta đều thấy lấp ló trò hề đó dưới sắc thái này hay sắc thái kia.
Tôi thách thức vị đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố dũng cảm cho trưng cầu giám định của một tổ chức chuyên nghiệp và độc lập với chính quyền về toàn bộ tài liệu mà Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã thu thập, chính đáng và không chính đáng, tại trụ sở Công ty TNHH Giải Pháp Việt Nam.  Tôi cũng đề nghị Viện Kiểm sát đánh giá lại toàn bộ các biên bản ghi lời khai mà Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã lập khi xét hỏi nhân chứng và người có liên quan nhằm xử lý hành động đe dọa, trấn áp và mớm cung từ phía điều tra viên đối với họ.  Những trò bẩn thỉu đó không được phép có trong một nền tư pháp luôn tự xưng là lành mạnh và bảo vệ quyền con người!
(b) Khi trưng cầu giám định, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đặt trước một tiền đề với Cục Thuế Hà Nội và Bộ Tài chính, rằng họ đã xác định Công ty TNHH Giải Pháp Việt Nam sử dụng hóa đơn “khống” bất hợp pháp trong các năm 2010 và 2011.  Từ tiền đề như vậy, cả Cục Thuế Hà Nội và giám định viên tư pháp của Bộ Tài chính đã nhanh nhẩu kết luận lần lượt như sau:
Hiện tại, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã có căn cứ xác định 61 số hóa đơn là bất hợp pháp, cụ thể như sau: […]. 
Như vậy, Công ty TNHH Giải Pháp Việt Nam đã có hành vi trốn thuế, gian lận thuế […]
(Trích Công văn số 6576/CT-TTr1 ngày 13/3/2013 của Cục Thuế Hà Nội tại Bút lục số 0099)
Hoặc: “Hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn của Công ty đã vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 21 Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính, cụ thể:
“Hóa đơn có nội dung được ghi không có thực một phần hoặc toàn bộ”
“Sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ mà cơ quan thuế, cơ quan công an và các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn”
Từ những căn cứ trên Giám định viên xác định:
-  Công ty TNHH Giải Pháp Việt Nam đã có hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, hạch toán chi phí khống nhằm làm giảm số thuế TNDN (chú thích: thu nhập doanh nghiệp) phải nộp năm 2010, 2011. […]
-  Kết quả giám định: Tổng số thuế TNDN phải nộp là: 645.225.197 đồng.
(Trích Kết luận Giám định Tư pháp ngày 22/3/2013 của Giám định viên tư pháp của Bộ Tài chính Vũ Tất Thắng tại Bút lục số 0087)
Thưa quý Tòa, một cách công tâm, quý vị nghĩ rằng điều đó có thể gọi là “giám định tư pháp” được chăng?  Nó như một trò tung hứng giữa Cơ quan Cảnh sát Điều tra với Cục Thuế Hà Nội và Bộ Tài chính.  Thiết nghĩ, trước một tiền đề võ đoán rằng Công ty TNHH Giải Pháp Việt Nam đã sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, thì đến một đứa trẻ con cũng có thể giở luật ra, chỉ tay vào câu viết sẵn và kết luận “có trốn thuế”, cần chi đến đội ngũ chuyên gia “giám định” màu mè ấy!
Đọc hai bản kết luận giám định nêu trên, tôi có cảm giác Cơ quan Cảnh sát Điều tra hoàn toàn có thể tự mình kết luận luôn rằng ông Lê Quốc Quân đã trốn thuế, cần chi mượn đến miệng của Cục Thuế Hà Nội và Bộ Tài chính.  Tuy nhiên, để thiên hạ trông vào thấy cũng có vẻ “khách quan” và “vô tư”, nên Cơ quan Cảnh sát Điều tra buộc phải làm công việc trưng cầu giám định tốn kém như vậy.
Lẽ ra, điều cần giám định là có hay không việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, bởi đó mới là mấu chốt của vấn đề.  Tất nhiên, gọi là “bất hợp pháp” hay không, hẳn không phải đơn giản chỉ dựa trên lời khai của vài ba nhân chứng và người có liên quan, bởi nếu không dư luận sẽ dị nghị về khả năng ngụy tạo chứng cứ của điều tra viên bằng hành động đe dọa, trấn áp và mớm cung mà tôi đã nêu ở trên.
(c) Trong hai bản kết luận giám định của Cục Thuế Hà Nội và Bộ Tài chính, người ta không thấy số tiền trốn thuế 645.225.197 đồng của hai năm 2010 và 2011 mà giám định viên kết luận, được tính toán dựa trên những con số cụ thể nào và bằng các phép tính cộng, trừ, nhân, chia chi tiết nào.  Hai bản kết luận đó đều chỉ nêu vài con số tổng quát mà Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã liệt kê sẵn, chẳng hạn tổng giá trị của các hợp đồng “khống” là 1.750.000.000 đồng và tổng giá trị của các hóa đơn “khống” là 830.900.790 đồng.
Phải chăng các giám định viên của Cục Thuế Hà Nội và Bộ Tài chính chỉ đơn giản sao chép lại con số 645.225.197 đồng mà Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã tính toán sẵn cho mình?  Điều đó gọi là “giám định” sao?  Hỏi vậy thôi, chứ tôi hiểu ai là người “dám định” ở đây nếu không phải đó là Bộ Công an (?!).
(d)  Mặt khác, xin nói về con số 645.225.197 đồng.  Tôi làm đủ các phép tính dựa trên những số liệu mà hồ sơ vụ án thể hiện, thì mới phát hiện rằng con số này được tính như sau:
1.750.000.000 đồng + 830.900.790 đồng = 2.580.900.700 đồng
2.580.900.700 đồng X 25% = 645.225.197 đồng
Vậy, 25% được hiểu là thuế suất áp dụng để tính thuế thu nhập doanh nghiệp?  Nếu đúng vậy thì quả thật cách tính thuế này rất bất thường và hoàn toàn có tính chất áp đặt nhằm đánh tráo sự thật.  Kết luận Giám định Tư pháp ngày 22/3/2013 của Giám định viên Vũ Tất Thắng (xem Bút lục số 0087) đã nêu cách tính thuế theo luật pháp hiện hành như sau:
Thuế TNDN = Thu nhập tính thuế X Thuế suất thuế TNDN
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – (Thu nhập được miễn thuế + Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định)
Thu nhập chịu thuế = (Doanh thu – Chi phí được trừ) + Các khoản thu nhập khác
Như vậy, để xác định thu nhập tính thuế, cần phải xác định trước tổng doanh thu và toàn bộ chi phí hợp lệ của Công ty TNHH Giải Pháp Việt Nam trong hai năm 2010 và 2011.  Số tiền 2.580.900.700 đồng chỉ là một phần của doanh thu chung và do đó phải được nhập vào khối doanh thu chung của công ty.  Sau đó, lấy tổng doanh thu trừ đi toàn bộ chi phí hợp lệ nhằm xác định thu nhập tính thuế.  Một khi có thu nhập tính thuế bằng phương pháp tính như vậy, ta mới nhân với thuế suất thuế TNDN là 25% để xác định được thuế TNDN phải nộp.
Với phương pháp tính toán mà Giám định viên Vũ Tất Thắng nêu ra, chúng tôi đã tính toán lại số thuế TNDN của Công ty TNHH Giải Pháp Việt Nam trong hai năm 2010 và 2011 căn cứ trên số liệu thể hiện trong hồ sơ do quý Tòa cung cấp, có tham chiếu con số 2.580.900.700 đồng cùng số tiền thuế mà công ty đã nộp theo các hóa đơn và hợp đồng bị xem là “khống”.  Kết quả cho thấy có lẽ nhà nước phải mắc nợ Công ty TNHH Giải Pháp Việt Nam hơn là cáo buộc họ “trốn thuế”, vì họ đã nộp dư tiền thuế trong hai năm 2010 và 2011 khi tự khai và tự nộp.
Câu hỏi cần đặt ra là tại sao Cơ quan Cảnh sát Điều tra chỉ đơn giản dùng thuế suất 25% áp vào số tiền 2.580.900.700 đồng, rồi vội vã kết luận ông Lê Quốc Quân “trốn thuế” 645.225.197 đồng?  Cách tính sai lệch cố tình này của phía cơ quan công an đã bóp méo bức tranh nộp thuế nghiêm túc của Công ty TNHH Giải Pháp Việt Nam, để từ đó vu oan cho ông Quân, rõ ràng mang động cơ khác với cái gọi là “đảm bảo an ninh kinh tế” như Phòng An ninh Kinh tế (PA 81) của Công an Hà Nội đã nêu trong Công văn số 737/CV-CAHN-PA 81 ngày 26/12/2011 (xem Bút lục 0186) (!). 
Đó là lý do vì sao trong tất cả các biên bản làm việc với Cơ quan Cảnh sát Điều tra, được ghi nhận trong hồ sơ do quý Tòa cung cấp, ông Lê Quốc Quân đã luôn tuyên bố mình vô tội và xác định đây là một âm mưu chính trị chống lại ông và gia đình do các hoạt động kêu gọi tôn trọng quyền con người và bảo vệ chủ quyền đất nước của ông.  Tuy nhiên, cơ quan chịu trách nhiệm giám sát sự tuân thủ pháp luật trong toàn bộ tiến trình tố tụng của một vụ án hình sự là Viện Kiểm sát TP Hà Nội đã làm ngơ trước mọi lời kêu gọi điều tra động cơ mờ ám đó từ ông Quân lẫn từ các luật sư đại diện cho ông trong thời gian qua.  Tôi sẽ phân tích động cơ “chính trị” của phía công an trong vụ án này tại mục 2 dưới đây.
(e) Như vậy, ai cũng có thể dễ dàng nhận ra rằng việc cáo buộc phạm tội của Cơ quan Cảnh sát Điều tra đối với ông Lê Quốc Quân không dựa trên chứng cứ cụ thể và rõ ràng.  Tất cả đều được dàn dựng một cách có chủ đích từ ban đầu như thể nhằm thực hiện một “đơn đặt hàng” buộc tội ông Quân, nhất là trong cách thức tiến hành giám định như tôi đã phân tích ở trên và thủ tục xét hỏi nhân chứng và người có liên quan.
Toàn bộ “chứng cứ” được tạo dựng từ sự suy đoán “có tội” và từ các lời khai đơn thuần của các nhân viên Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam và các bên liên quan khác trong những buổi làm việc không có sự chứng kiến của luật sư, không có sự đối chất giữa họ và ông Lê Quốc Quân. 
Khoản 1 Điều 138 của Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định rằng khi có sự mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người thì điều tra viên tiến hành đối chất.  Việc những người có liên quan khai nhận rằng anh Lê Quốc Quân “lập hồ sơ khống và chỉ đạo về việc dùng hoá đơn thuế GTGT khống” nhằm trốn thuế, mà dựa vào đó cơ quan điều tra đã cáo buộc anh Lê Quốc Quân phạm tội, rõ ràng mâu thuẫn với các tuyên bố của anh Quân trong quá trình xét hỏi.  Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã không tiến hành đối chất và làm ngơ trước mọi yêu cầu đối chất của anh Quân.  Quả thật, hồ sơ vụ án đã không đề cập gì đến bất kỳ buổi đối chất nào trong quá trình điều tra xét hỏi.  Đây rõ ràng là sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
  1. 2.  Vụ án “Lê Quốc Quân” là một vụ án có động cơ chính trị
Vụ án “Lê Quốc Quân” tuy mang danh nghĩa “Trốn thuế” theo Điều 161 của Bộ luật Hình sự, nhưng trên thực tế có tính chất chính trị, bởi những lý do sau đây:
2.1 Sự tham gia của các điều tra viên thuộc Cơ quan An ninh Điều tra phải chăng là bình thường?
Các điều tra viên tham gia vụ án hầu hết từ Cơ quan An ninh Điều tra, chứ không phải Cơ quan Cảnh sát Điều tra (xem ba Quyết định điều động cán bộ của Giám đốc Công an TP Hà Nội ngày 18/10/2012 tại các Bút lục 0004, 0005 và 0006).  Tội trốn thuế theo Điều 161 thuộc nhóm “các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế” quy định tại Chương XVI của Bộ luật Hình sự, thông thường do Cơ quan Cảnh sát Điều tra tiến hành điều tra.  Việc điều động nhân viên an ninh tham gia điều tra cho thấy tính chất “chính trị” rõ ràng của vụ án này.
Chính Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội cũng đã hiểu vụ án này do Cơ quan An ninh, chứ không phải Cơ quan Cảnh sát, chịu trách nhiệm điều tra, nên trong Quyết định số 73/QĐ-VKS(P1) ngày 25/2/2013 về việc gia hạn thời hạn điều tra vụ án hình sự, Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội đã ghi “nhầm” rằng Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 38/CQCSĐT ngày 25/12/2012 là của “Cơ quan An ninh Điều tra” (xem Bút lục 0008).  Đây là bằng chứng cho thấy trong suy nghĩ của nhà cầm quyền bản chất của vụ án này là chính trị, chứ không phải kinh tế thuần túy.
2.2  “Trốn thuế” thật ra chỉ là chiêu bài và sử dụng hợp đồng “khống” và hóa đơn “khống” chỉ là cớ để bắt giam
Vào ngày 25/12/2012 Cơ quan cảnh sát điều tra (PC46) thuộc Công an TP Hà Nội chính thức có Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 38/CQCSĐT (xem Bút lục 0007), tức về mặt pháp lý kể từ ngày 25/12/2012 vụ án mới được bắt đầu.  Tuy nhiên, vụ án này được Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội đặc biệt quan tâm đến mức thành lập hẳn một “Ban chỉ đạo điều tra vụ án” theo Quyết định số 572/QĐ-CAHN ngày 24/10/2012, tức hai tháng trước khi có vụ án (!). 
Đây là điều bất thường đối với bất kỳ vụ án trốn thuế mang bản chất “kinh tế” thuần túy nào.  Nói cách khác, trong khi chưa có vụ án chính thức về phương diện tố tụng hình sự, Công an TP Hà Nội đã chuẩn bị sẵn một “vụ án” với những “chứng cứ” được tạo dựng để bắt giam ông Lê Quốc Quân.
Như tôi đã trình bày ở trên, khi không thể bắt giam ông Lê Quốc Quân một cách công khai vì lý do “an ninh quốc gia”, cơ quan công an phải dựng lên một vụ án hình sự vì nguyên cớ khác.  Ông Quân là một doanh nhân đang điều hành Công ty TNHH Thông tin tín nhiệm và Xếp hạng doanh nghiệp và Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam, nên sử dụng chiêu bài “trốn thuế” đương nhiên là sự lựa chọn thích hợp để hãm hại ông.  Do vậy, từ một năm trước đó, tức cuối năm 2011, vụ án “trốn thuế” đã được đạo diễn nhằm tìm lý lẽ và lập luận chuẩn bị cho việc khởi tố. 
Hợp đồng “khống” và hóa đơn “khống” là mấu chốt để ghép vào quy định tại Khoản 2 Điều 21 Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính: Sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ mà cơ quan thuế, cơ quan công an và các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.”  Tuy nhiên, do không có chứng cứ khẳng định các hợp đồng và hóa đơn mà Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam sử dụng là bất hợp pháp, nên phía công an buộc phải ép nhân viên của công ty và những bên có liên quan thừa nhận điều đó.
2.3  Cản trở luật sư tham gia từ giai đoạn điều tra và không cho gia đình thăm gặp bị can phải chăng là điều bình thường đối với các tội “xâm phạm trật tự quản lý kinh tế” như trốn thuế?
Mặc dù ông Lê Quốc Quân luôn yêu cầu sự tham gia của luật sư từ giai đoạn khởi tố bị can, nhưng hầu như toàn bộ quá trình điều tra xét hỏi đã diễn ra không có sự tham gia của luật sư.  Theo Điều 58 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự, chỉ trong trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia, người bào chữa mới tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra. 
Việc cản trở và gây khó khăn cho luật sư tham gia từ giai đoạn điều tra xét hỏi vụ án “Lê Quốc Quân” cho thấy cơ quan điều tra luôn xem vụ án này có tính chất chính trị và liên quan đến “an ninh quốc gia”, hơn là mang bản chất kinh tế như luật định. 
Không chỉ luật sư bị cản trở, mà việc thăm gặp bình thường của người nhà bị can cũng bị cấm trong vụ án này.  Trừ vụ án “Nguyễn Văn Hải” (tức Điếu Cày) trước đây, chưa bao giờ các bị can đang bị điều tra về các tội “xâm phạm trật tự quản lý kinh tế” bị cấm gặp gia đình sau khi quá trình điều tra đã kết thúc và vụ án chờ xét xử.
2.4  Các tài liệu nào mà cơ quan công an quan tâm khi khám xét nhà ông Lê Quốc Quân?
Tại buổi khám xét nhà của ông Lê Quốc Quân, cơ quan điều tra đã tịch thu một số sách và tài liệu riêng của anh và gia đình.  Theo Điều 145 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự, khi khám xét điều tra viên chỉ tạm giữ đồ vật là vật chứng và tài liệu có liên quan trực tiếp đến vụ án.  Trong Bảng thống kê tài liệu thu giữ (xem Bút lục số 0046), hầu hết sách và tài liệu bị tạm giữ đều có nội dung “nhạy cảm” về chính trị đối với nhà cầm quyền mặc dù không liên quan đến vụ án “trốn thuế”. 
Thay vì hoàn trả lại cho ông Lê Quốc Quân và gia đình, cơ quan công an đã tiếp tục giữ lại sau khi mở niêm phong đồ vật vào ngày 20/3/2013.  Trong Biên bản mở niêm phong lập cùng ngày, có đoạn ghi: “xét thấy một số đồ vật, tài liệu cần phải điều tra, xác minh làm rõ, nên CQĐT-Công an TP Hà Nội tiến hành thu giữ”.  Như vậy, dường như cơ quan công an rất quan tâm các tài liệu về chính trị mà ông Quân lưu trữ.
*          *          *          *
Kính thưa quý Tòa, trên đây là phân tích và nhận định của tôi về vụ án “Lê Quốc Quân”.  Căn cứ Điều 161 của Bộ Luật Hình sự, không có bất kỳ chứng cứ hoặc yếu tố nào xét về mặt pháp lý cho thấy ông Lê Quốc Quân phạm tội “trốn thuế”.  Nếu vị đại diện Viện Kiểm sát vẫn khăng khăng giữ nguyên cáo buộc phi lý này, tôi đề nghị quý Tòa sáng suốt và công minh tuyên bố ông Lê Quốc Quân hoàn toàn vô tội, và do vậy trả tự do ngay lập tức cho ông tại phiên tòa này.
Tuy nhiên, nếu quý Tòa vẫn muốn làm theo lệnh hoặc đơn đặt hàng của cơ quan công an, thì tôi đề nghị quý Tòa hãy can đảm tuyên án ông Quân phạm một tội nào đó, nếu có đủ chứng cứ, thuộc về “xâm phạm an ninh quốc gia” hơn là phải nấp dưới danh nghĩa “trốn thuế” mà ai cũng biết là một trò hề kiểu “hai bao cao su” trong vụ án “Cù Huy Hà Vũ”.
Nếu hôm nay, ông Lê Quốc Quân vẫn bị tuyên phạm tội “trốn thuế”, thì thật là thêm một ngày buồn đối với nhưng ai yêu chuộng công lý và lẽ phải ở đất nước này.  Riêng trong suy nghĩ của tôi, sau khi quý vị tuyên một bản án như vậy và rời khỏi phòng xử án, quý vị đã góp tay viết thêm vào trang sử điếm nhục của nền tư pháp Xã hội Chủ nghĩa hai chữ “đê hèn” muôn đời không thể xóa được!
Trân trọng.

Luật sư
Nguồn: NVCL

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét