Pages

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Côn an – luật pháp và bạo hành


Hưng LêĐừng nghĩ rằng côn an có cái quyền “tự do thao túng, tự do ngồi xổm trên luật pháp” khi họ đang là cường quyền thì không ai có thể trừng trị họ. Hãy thay đổi cách đối xử với người dân bởi người dân sẽ chính là những quan tòa phán xét họ…

*
Trong vài ngày qua, nhiều người đã bình luận nhiều về “Vụ án Thanh Trì 25/9/2013″ và tất cả chúng ta đều công nhận đây là những hành động, những hành vi vi phạm pháp luật trầm trọng (dù là luật rừng xã nghĩa) và xúc phạm nhân phẩm của con người một cách thô bỉ của côn an mà ranh giới của nó là giữa những người đại diện cho quyền lực “chính quyền” và “người dân” (công dân của chế độ).
Cho dù là một ranh giới vô hình nhưng nó lại là một biểu hiện của sự thượng tôn pháp luật, là trật tự của xã hội. Điều này có nghĩa là chính quyền và người dân đều phải tuân theo luật pháp đã hiến định, kể cả kẻ thi hành luật pháp và người vi phạm pháp luật, cả hai đều phải tôn trọng và được bảo vệ bởi vì đó là những quyền lợi căn bản của con người đã được quy định trong bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền ngày 10 tháng 12 năm 1948 mà CHXHCNVN là một thành viên, có tất cả 30 Điều; trong đó quyền căn bản của một con người phải được bảo đảm và tôn trọng cho dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.(*)
Một công dân có thể vừa vi phạm pháp luật nhưng cũng cần phải được bảo vệ sự an toàn về cá nhân kể cả nhân phẩm bởi đó là quyền căn bản của con người mà người đại diện cho pháp luật tức là cơ quan có chức năng phải tuyệt đối thi hành để bảo vệ phạm nhân một cách an toàn trước khi được xét xử.
Không ai được quyền vi phạm đến thân thể cá nhân và xúc phạm nhân phẩm của phạm nhân cho dù đó là tội phạm hình sự, giết người đoạt của, tội phạm chính trị, tội phạm anh ninh quốc gia, tội gián điệp (bản xứ và quốc tế), tội tham nhũng, tội phạm chiến tranh ngay cả tội phản quốc bởi vì luật pháp của chính quyền đương đại sẽ xử lý họ bằng các hình thức chế tài theo luật định ngay cả biện pháp tử hình.
Nói cho cùng, dù là phạm nhân, tù nhân hay tử tội thì tất cả đều phải được bảo vệ nhân phẩm một cách tuyệt đối không phân biệt giới tính, sắc tộc, màu da hay tôn giáo. Dù gì đi chăng nữa, họ cũng là một con người, một chủ thể của sự sống, một đơn vị của xã hội, một phần tử đã từng góp phần trong việc tạo dựng, bảo vệ và phát triển cũng như sự tồn vong của tinh cầu này.
Bước sang cái mà chúng ta thường gọi là “chuyện dài xã hội chủ nghĩa” thì có vô vàn những éo le, cay đắng, bi thảm tang thương, đạo đức suy đồi. Những oan khiên nghiệt ngã, đã trở nên cười đau khóc hận mà không đâu có, chỉ ở “xã nghĩa” Việt Nam mới có thật trớ trêu!
Mất đất về tay tà quyền tham ô, phải đi khiếu kiện “nhà nước” để trở thành “Dân oan”.
Đấu tranh cho Dân Chủ, Nhân Quyền thì bị giam hãm, trù dập để trở thành “tù nhân lương tâm”.
Chống tham nhũng, chống chính sách sai phạm của nhà nước về những đề án khai thác “bồ-xít” Tây nguyên để trở thành “tội tuyên truyền chống nhà nước”, “tội bao cao su đã qua sử dụng”!
Yêu nước, bảo vệ chủ quyền đất nước, lên án bọn bành trướng bá quyền Bắc kinh thì mang tội “trốn thuế”, “gây rối trật tự an ninh”,”thế lực phản động”, “xâm phạm lợi ích nhà nước”, tội bị áp dụng bằng những điều luật mơ hồ 79, 88, 258… để “nhà nước” có quyền bắt bớ giam cầm không cần phải có “lệnh lạc” một cách tùy tiện.
Chuyện xa không qua chuyện gần, trở lại “Vụ án Thanh Trì”. Đêm tối ngày 25 tháng 9 năm 2013 tại Hà thành khi gia đình ông Nguyễn Tường Thụy; từng là một cựu chiến binh và cũng là một blogger được nhiều người biết đến có bữa cơm thân mật với những người bạn ở tận Miền Trung, Miền Nam xa xôi… Khi họ đang chuẩn bị ra về thì một lực lượng cái gọi là “chính quyền” bao gồm côn an sắc phục, thường phục cộng lẫn côn đồ đã tùy tiện xông vào nhà ông, hành hung, đánh đập vợ con và bạn bè của ông một cách dã man, rồi không biết họ (côn an) đã lấy cái quyền gì, tự tiện bắt họ đi, tiếp tục hành hung, tiếp tục đánh đập dã man ở đồn côn an Thanh Trì. Rồi cũng họ, do không có lệnh lạc với đầy đủ tính cách pháp lý, bắt buộc phải thả người khi bị đông đảo bà con, bạn bè đội mưa trước trụ sở tà quyền đòi thả người. Nhưng họ vẫn chưa chịu buông tha, dừng lại ở đó, họ tiếp tục tấn công, tiếp tục hành hung bà Nguyễn Thị Nhung và cô Nguyễn Phương Uyên tại phi trường Nội Bài, xúc phạm đến cả nhân phẩm của cô sinh viên một cách thô bỉ và hèn hạ! Lợi dụng lúc hành hung để sờ sẫm. Hình ảnh độc đáo đó đã được chứng minh bằng một đoạn video về cách hành hung, xúc phạm an ninh cá nhân, gây rối trật tự của các “chuyên viên côn an” tại phi trường quốc tế, để cho công luận càng thêm gay gắt, phỉ nhổ với lũ nửa người nửa ngợm bất lương kia.
Luật pháp lập ra là để bảo vệ người dân chứ không phải để khủng bố người dân.
Họ; côn an, lợi dụng quyền hạn của bạo lực, thao túng pháp luật, ngồi xổm trên luật lệ, tùy tiện hành hung, bắt bớ, giam cầm, tra tấn, xúc phạm nhân phẩm, chà đạp nhân cách của lương dân một cách thô bỉ và hèn hạ thì không thể chấp nhận.
Họ; côn an, là những người đại diện cho pháp luật để bảo vệ người dân thì không thể lợi dụng pháp luật, lạm dụng sức mạnh của cường quyền để khủng bố, đàn áp người dân.
Sự lạm dụng quyền lực phải dừng lại. Sự thao túng pháp luật phải dừng lại. Một xã hội văn minh cần phải có nề nếp luật pháp công minh.
Đừng nghĩ rằng họ (côn an) có cái quyền “tự do thao túng, tự do ngồi xổm trên luật pháp” khi họ đang là cường quyền thì không ai có thể trừng trị họ. Hãy thay đổi cách đối xử với người dân bởi người dân sẽ chính là những quan tòa phán xét họ.
Và sự trừng phạt sẽ luôn luôn có giá trị nhất định!
____________________________
Chú thích:
Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền này như là một khuôn mẫu chung cần đạt tới của mọi dân tộc và quốc gia, nhằm giúp cho mọi cá nhân và thành phần của xã hội luôn luôn theo sát tinh thần của Bản Tuyên Ngôn, dùng sự truyền đạt và giáo dục, để nỗ lực phát huy sự tôn trọng các quyền tự do này.
Điều 1: Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi người đều được phú bẩm về lý trí và lương tâm và vì thế phải đối xử với nhau trên tinh thần bác ái.
Điều 3: Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân.
Điều 5: Không một người nào phải chịu cực hình, tra tấn, hay bất kỳ hình thức đối xử, hoặc trừng phạt bất nhân, hay có tính cách lăng nhục.
Điều 6: Ở bất cứ nơi nào, mỗi người đều có quyền được công nhận tư cách con người của mình trước pháp luật.
Điều 7:Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, và phải được bảo vệ một cách bình đẳng, không kỳ thị phân biệt. Tất cả đều được quyền bảo vệ ngang nhau, chống lại mọi kỳ thị vi phạm Bản Tuyên Ngôn này, cũng như chống lại mọi kích động dẫn đến kỳ thị như vậy.
Điều 8: Mọi người đều có quyền được bảo vệ và bênh vực bởi các cơ quan tư pháp quốc gia có thẩm quyền về các hành vi vi phạm các quyền căn bản, do Hiến Pháp và Luật Pháp quy định.
Điều 9: Không một ai bị bắt bớ, cầm tù hay lưu đày một cách độc đoán.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét