Pages

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Kêu oan hay báo oán


Minh Diện - Bị cáo ngoài năm mươi tuổi, người thấp đậm, khuôn mặt bì bì, xám như chì, cặp mắt ti hí như mắt rắn ánh lên tia sáng khô lạnh và nham hiểm. Ông ta vênh mặt lên xoáy cặp mắt ấy vào Hội đồng xét xử, đối đáp lại từng câu hỏi, dằn giọng bác lại từng kết luận của cơ quan điều tra, khẳng định mình vô tội. Cả khi Hội đồng xét xử đưa nhân chứng, vật chứng ra ông ta cũng không chấp nhận, cho rằng vật chứng ngụy tạo, hoặc đã bị đánh tráo và nhân chứng bị mớm cung. Hội trường lớn nơi mở phiên tòa được bảo vệ rất nghiêm ngặt, không khí căng thẳng như sợi dây đàn.

Ngoài những người có liên quan và đại diện chính quyền, đoàn thể không ai được bén mảng tới. Phóng viên các báo, đài phải có thẻ đặc biệt. Phía sau hội đồng xét sử, chỉ cách một bức ngăn, bí thư tỉnh ủy, giám đốc công an, viện trưởng viện kiểm sát tỉnh, đại diện viện kiểm sát tối cao và tòa án tối cao trực tiếp theo dõi, chỉ đạo phiên tòa sơ thẩm đồng thời chung thẩm đặc biệt nghiêm trọng ấy.
Mười Vũ, nguyên đại tá giám đốc công an tỉnh, một người từng được ca ngợi như một anh hùng, giờ đứng trước vành móng ngựa. Theo cáo trạng của Viện kiểm sát, từ năm 1978 đến 1979, lợi dụng chức vụ quyền hạn, Mười Vũ và đồng bọn đã tổ chức người trốn đi nước ngoài. Khu vực Hồ Cốc, Bình Châu, Lộc An là những địa điểm Mười Vũ đã “bán” cho một số người Hoa sử dụng làm bến bãi vượt biên. Bọn này thành lập đường dây móc nối người muốn trốn ra nước ngoài,thu vàng nộp cho Mười Vũ, rồi thuê tàu vượt biển. Những chuyến tàu nửa bí mật nửa công khai do Mười Vũ bảo kê bằng cái gọi là “Chiến dịch X” xuất phát từ Bình Châu, Hồ Cốc, Lộc An liên tục đưa người trốn ra nước ngoài.
Trong thời gian gần hai năm thực hiện “chiến dịch” Mười Vũ và đồng bọn đã thu được hơn nửa tấn vàng. Số vàng đó thật giả thế nào, đi đâu không rõ , chỉ biết Mười Vũ và đồng bọn thả sức ăn chơi sa đọa, và có tên cất giấu riêng hơn 1.000 cây vàng.
Hàng ngàn người đã nộp vàng vượt biên theo con đường bán chính thức ấy, nhưng không phải ai cũng tới được bến bờ tự do như mơ ước. Có người bị chặn bắt ngay trên đường đến Hồ Cốc, Bình Châu, Lộc An, có chuyến tàu rời bến không xa thì bị bắt. Thậm chí có chuyến tàu mấp mé hải phận quốc tế vẫn bị bắn chìm, hàng trăm thuyền nhân bị vùi xác dưới biển sâu. Những thủ đoạn đê tiện,tàn nhẫn và độc ác đó đều do bọn Mười Vũ lợi dụng quyền lực sẵn có ,thực hiện bằng nghiệp vụ chuyên môn rất bí mật lạnh lùng.
Những người sống sót đã lên tiếng trên báo chí nước ngoài và viết thư gửi về nước tố cáo tội ác cùa Mười Vũ và đồng bọn. Có thư viết : “ Oan hồn những người dù chìm dưới đáy biển sâu cũng sẽ vượt lên đòi nợ máu!”
Chính từ những lá thư ấy, chốn “thâm cung bí sử” mới hé mở , và Mười Vũ mới bị lôi từ trên chiếc ghế giám đốc công an ra vành móng ngựa.
- Tôi làm theo mệnh lệnh cấp trên!
Mười Vũ nhắc đi nhắc lại như vậy. Nhưng chả ai thèm để ý đến lời ông ta.
Khí tòa cho nói lời sau cùng, khuôn mặt Mười Vũ biến sắc, không câng câng vênh váo như ngày đầu mà cúi gằm, nhợt nhạt như sáp ong. Cặp mắt ông ta đờ đẫn không còn chút tinh anh nào . Ông ta chới với như người sắp chết đuối quờ quạng tìm chiếc cọc, thét líu lưỡi :
- Tôi bị oan! Anh Hai cứu em!
Không ai đáp lại lời kêu cứu của Mười Vũ.
Hội đồng xét xử vào phòng nghị án.
Tôi gặp ông Tư, ông Năm và vài người ở hành lang hội trường. Họ kể, Mười Vũ quê ở Long An là con của ông Chín. Gia đình ông Chín có mấy mẫu ruộng , lại có nghề buôn chuyến. Ông thường chở chiếu cói ở Long Định ngược sông Vàm Cỏ lên Gò Dầu, Trảng Bàng bán rồi mua nông sản về. Mười Vũ hồi nhỏ theo cha trên những chuyến ghe xuôi ngược sông nước ấy.
Sau cách mạng tháng tám 1945, Mười Vũ tham gia công an xã. Nhờ nhanh nhẹn hoạt bát và tính gan lì, nên tiến bộ nhanh. Năm 1949, Mười Vũ đã được đề bạt chức phó đồn công an huyện Long Định.
Ngày đó Long Định thuộc tỉnh Chợ Lớn, địa bàn phức tạp , Việt Minh hoạt động đan xen với chính quyền Nam Kỳ tự trị và các tổ chức đảng phái , tôn giáo. Mười Vũ quen sông nước, thường chặn bắt ghe buôn bán của dân trên sông Vảm Cỏ ăn hối lộ.
Việc làm mờ ám của Mười Vũ đã bị đồng chí huyện đội trưởng phát .Mười Vũ liền bàn bạc với trưởng công an, người cùng hội cùng thuyền, từng ăn nhậu bằng tiền nhận hối lộ của Vũ, dựng lên vụ án “Đại Việt quốc dân đảng” và trực tiếp phá án. Huyện đội trưởng bị bắt, bị giết oan.
Năm 1954, Mười Vũ tập kết ra Bắc, tham gia đội cải cách ruộng đất , rồi lảm đội phó đội trị an một tỉnh miền núi. Một đêm vào rừng săn thú, Mười Vũ đã bắn chết đội trưởng. Vụ án bị chìm vì Mười Vũ khai bắn nhầm và vợ của đội trưởng làm đơn bãi nại. Chỉ đến khi Mười Vũ đi B, mới lộ chuyện quan hệ giữa Mười Vũ và vợ người đội trưởng. Thì ra Mười Vũ đã cố tình “giết phu đoạt phụ”, chứ không phải bắn nhầm như đôi gian phu dâm phụ dàn dựng.
Sau hơn mười năm ở chiến trường, sau giải phóng Mười Vũ được phong quân hàm đại tá ,làm giám đốc công an tỉnh, bản chất gian tham độc ác vẫn nguyên vẹn.
Ông Năm nói:
- Mười Vũ đội trên đạp dưới, gian trá độc ác vô cùng, không từ bất cứ thủ đoạn nào để triệt hạ ngay cả những người y gọi là đồng chí. Tôi và chị Ba là nạn nhân của Mười Vũ. Bằng nghiệp vụ chuyên môn và quyền hành trong tay, Mười Vũ dựng chuyện chúng tôi làm gián điệp, được CIA cài lại chống phá cách mạng. Chúng tôi bị bắt giam mấy năm trời, tra tấn dã man tưởng không sống nổi. May nhờ anh Tư đây giải oan cho…
Tôi hỏi ông Tư:
- Hồi ấy anh Năm là thường vụ tỉnh ủy, mà cũng bị oan uổng như vậy hả chú?
- Ờ!
- Chả lẽ quá khứ của Mười Vũ không ai biết, và không ai dám nói sự thật để ông ta làm mưa làm gió như vậy?
Ông Tư cười buồn:
- Biết chớ ! Nói chớ! Nhưng bí thư tỉnh ủy bảo: “ Mười Vũ nó là thằng tốt, các ông thành kiến với nó!” Cấp trên nữa cũng có người bênh, nên không ai dám đụng tới!
Hết giờ giải lao, Chủ tọa phiên tòa đọc bản án ,và tuyên phạt tử hình Mười Vũ.
- Tôi oan! Tôi o.a.n!
Mười Vũ gào lên. Tiếng kêu khản đặc, khô khốc dội vào bầu không khí thâm u trong phòng xử án lúc xế chiều.
Tôi cảm thấy rùng mình. Hình như đó không phải là tiếng kêu oan, mà chính là tiếng báo oán! Linh hồn người huyện đội trưởng huyện Long Định, linh hồn người đội trưởng đội trị an và linh hồn những người dân vô tội bị Mười Vũ lừa cướp vàng rồi giết giữa biển khơi đang tụ tập về. Tôi bỗng nhớ một câu trong lá thư của thuyền nhân : “Oan hồn những người chết dù ở đáy biển sâu cũng hiện về báo oán đòi nợ máu!”
Phiên tòa ấy đã chìm vào dĩ vãng 30 năm rồi.
Mới đây chị H, và nhóm bạn đọc ở Vũng Tàu viết thư cho tôi, trong thư đó có đọan: “ Trên một số trang mạng vừa qua đăng đơn tố cáo cùa ông N…, cho rằng mình bị tù oan vỉ chống tham nhũng, được nhiều độc giả tỏ thái độ đồng cảm. Thực ra ông N, từng là một sỹ quan công an dưới quyền giám đốc Mười Vũ, và trong thời gian làm nhiệm vụ “chống vượt biên” , ông ta đã gài bẫy nhiều người dân vô tội, chiếm vàng bạc , đẩy họ vào tù tội. Hiện ông ta nhà cao cửa rộng, hai con du học nước ngoài. Tài sản đó đều là mồ hôi nước mắt cùa những người dân vô tội. Ông ta bị bắt đi tù chẳng qua là ác giả ác báo , nhưng vẫn chưa trả hết nợ đâu, bây giờ ông ta mắc bệnh tâm thần”.
Mười Vũ bị thi hành án ngay sau phiên tòa sơ thẩm đồng chung thẩm 30 năm trước. Ông N, thoát trong vụ án ấy nhưng sau này cũng bị trùng phạt. Tội ác dù khéo ém nhẹm đến đâu, bao che cỡ nào rồi cũng lòi ra. Không cần tìm kiếm đâu xa, mấy vụ vừa sảy ra đã chứng minh điều đó: Những người nhân bản xét nghiệm máu ở bệnh viện Hoài Đức đâu có ngờ bị moi ra từ những tờ giấy mỏng manh trong tập hồ sơ bệnh án tuyệt mật? Ba công an Lạng Sơn gài bẫy hai cô gái điếm đến nhà nghỉ làm tình, rồi trấn lột hai chỉ vàng và một triệu bạc của họ, chắc nghĩ hai thân phận bọt béo ấy sẽ câm nín chẳng dám tố cáo mình! Và tám ông quan chức lãnh đạo bốn công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên ở thành phố Hồ Chí Minh chả ngờ ăn chia kín thế, được bao bọc kỹ thế mà vẫn vỡ chuyện…
Trong sách “Minh Tâm bảo giám” có mấy câu thơ của người đời xưa:
Hành tàng hư thực tự gia tri
Họa phúc nhân do cánh vấn thùy?
Thiện ác đáo đầu chung hữu báo
Chỉ tranh lại tảo dữ lai trì!
+ Tạm dịch:
Hư thực mình biết thì người biết
Phúc họa mình gây giấu được ai?
Thiện ác bao giờ cũng có báo
Chẳng sớm thỉ chầy sẽ đến thôi!
Đức Phật dạy: “ Chỉ cần không tạo cái duyên ác thì sẽ được quả lành. Cho nên đoạn ác tu thiện mới chính là lối đi ngay, tránh nghiệp chướng vậy!”
Theo yêu cầu của bạn đọc ở Vũng Tàu tôi kể lại phiên tòa xét xử ông đại tá giám đốc công an (không lấy tên thật) và trích đoạn lá thư của chị H, giúp bạn đọc suy ngẫm, ngoài ra không có mục đích gì khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét