Pages

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Mỹ vẫn lặng lẽ 'xoay trục' và bao vây Trung Quốc?


BienDong.Net: Trả lời AFP nhân chuyến thăm Châu Á mới đây, đô đốc Jonathan Greenert, tư lệnh tác chiến hải quân Mỹ cho biết cho dù bị sức ép cắt giảm chi tiêu quân sự, Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược xoay trục sang Châu Á.
Viên tướng Mỹ 4 sao cho biết trong số 283 tàu chiến trong biên chế của hải quân Mỹ, có 101 chiếc đang được triển khai, với 52 chiếc được bố trí tại Thái Bình dương trong kế hoạch sẽ nâng lên 62 chiếc hoạt động tại vùng biển này vào năm 2020.
“Kế hoạch mở rộng sự có mặt của hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương với những tàu chiến và khí tài kĩ thuật cao sẽ tiếp tục bất kể việc cắt giảm ngân sáchđô đốc Greenert cho biết.

“Trong số 52 tàu chiến tuần tra thường xuyên tại Thái Bình Dương, có 42 chiếc đang đồn trú tại các cảng trong khu vực”, Greenert giải thích. Ông nói thêm: "Tính toán của chúng tôi đầu tiên là xây dựng khả năng chiến đấu và giành chiến thắng hôm nay trong khi vẫn tiếp tục phát triển năng lực chiến đấu để giành thắng lợi trong tương lai… Hải quân Mỹ vẫn sẽ duy trì ưu thế áp đảo trên biển và ở khu vực Thái Bình Dương.
alt

Các căn cứ quân sự của Mỹ xung quanh Trung Quốc tại Thái Bình Dương. Ảnh: FP.
Gần đây, Mỹ đã có các cuộc thảo luận với Philippines, nước có tranh chấp với Trung Quốc về lợi ích tại Biển Đông, để được phép đồn trú lâu dài hơn tại các cơ sở quân sự của Philippines, đặc biệt là tại cảng chiến lược Subic.
Trong khi đó, theo tạp chí Foreign Policy, Quân đội Mỹ đang “bao vây” Trung Quốc với một chuỗi các căn cứ không quân và cảng quân sự tại Thái Bình Dương.
Một bài báo trên tạp chí này cho biết: Không quân Mỹ đang có kế hoạch thuê 33 ha đất trên đảo Saipan – một hòn đảo nhỏ ở tây Thái Bình Dương thuộc quần đảo Mariana vốn là một căn cứ không quân cũ thời Chiến tranh Thế giới II - trong 50 năm để xây dựng một "sân bay trung chuyển". 
Saipan có lẽ được sử dụng cho các máy bay phản lực của Mỹ trong trường hợp “quá cảnh” đến các siêu căn cứ quân sự của Mỹ tại đảo Guam "hay trong trong trường hợp việc tiếp cận căn cứ quân sự tại đảo Guam hoặc các căn cứ không quân khác tại Tây Thái Bình Dương "bị hạn chế hay bị ngăn cản", bài báo giải thích. Cụ thể, Không quân Mỹ muốn mở rộng sân bay tại Saipan để chứa hàng hóa, máy bay chiến đấu và máy bay tiếp dầu, các thiết bị quân sự cùng với lực lượng hỗ trợ lên đến 700 người phục vụ cho "đồn trú, tập trận chung, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai".
Kế hoạch thuê và mở rộng sân bay cũ này là một phần trong chiến lược mới với quy mô lớn của Lầu Năm Góc trong thế kỷ 21, được gọi là chiến lược Air - Sea Battle (tác chiến Không – Biển), một khái niệm mà trên danh nghĩa là sự kết hợp giữa lực lượng hải quân và không quân để chọc thủng hệ thống phòng thủ ngày càng kiên cố của các quốc gia như Trung Quốc hay Iran. 
Nghe có vẻ như một chiến lược vô hình - và thực tế, chiến lược này vẫn còn trong giai đoạn ý tưởng, nhưng một phần rất cụ thể của khái niệm này đang được triển khai ở khu vực Thái Bình Dương. Một phần quan trọng của chiến lược này là tác chiến tại những căn cứ nhỏ, có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng tại Thái Bình Dương và có thể phân tán lực lượng trong trường hợp các căn cứ chính bị tấn công bởi tên lửa đạn đạo của đối thủ.
Ngoài Saipan, Không quân Mỹ cũng có kế hoạch đưa tàu sân bay triển khai thường xuyên tại các căn cứ khác nhau, từ Australia đến Ấn Độ như một phần của việc tăng cường hiện diện quân sự tại Thái Bình Dương. 
Các kế hoạch này bao gồm việc đồn trú luân phiên tại căn cứ quân sự Darwin và Tindal của Australia, căn cứ không quân Đông Changi tại Singapore, căn cứ không quân Korat ở Thái Lan, Trivandrum ở Ấn Độ, và có thể sắp tới là Cubi Point và Puerto Princesa của Philippines cũng như các sân bay ở Indonesia và Malaysia, theo một viên tướng không quân cấp cao Mỹ tiết lộ mới đây.
Tướng Herbert "Hawk" Carlisle, Tư lệnh Không quân Mỹ khu vực Thái Bình Dương nói rằng nước này đang có kế hoạch triển khai tàu chở dầu, máy bay chiến đấu, máy bay ném bom từ các căn cứ ở Nam Thái Bình Dương và Tây Nam Á đến các căn cứ như Tinian và Saipan. "Chúng ta sẽ không xây dựng thêm căn cứ mới ở Thái Bình Dương để tăng cường hỗ trợ sự hiện diện của không quân Mỹ ở đó, chỉ cần mở rộng sân bay hiện có và nâng cấp các sân bay bị bỏ rơi như Saipan và Tinian”, tướng Carlisle nói.
Trung Quốc hiện đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo với một số đồng minh của Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Philippines ở Biển Đông và Nhật Bản ở biển Hoa Đông, Foreign Policy cho hay.
Dù Mỹ luôn khẳng định chiến lược xoay trục sang Châu Á của mình không nhằm vào Trung Quốc, nhưng giới quan sát cho rằng việc gia tăng hiện diện quân sự của Mỹ chính là nhằm ngăn chặn bất kỳ sự bành trướng nào của Trung Quốc tại Thái Bình Dương.
Do lực lượng Mỹ đã hiện diện ở đây, chắc chắn Bắc Kinh sẽ càng phải cẩn trọng ở khu vực này, ông Anthony Cordesman, một nhà phân tích thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) nhận định.
Trung Quốc vẫn cho rằng chiến lược xoay trục sang Châu Á của Mỹ là nhằm đối phó với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu. Phát biểu trong cuộc phỏng vấn tại Washington sau khi tổng kết chuyến thăm 4 ngày tới Mỹ của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn mới đây, ông Guan Youfei - Giám đốc Văn phòng Đối ngoại thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc – đã không giấu sự bực mình trước hoạt động của Mỹ tại các vùng biển xung quanh Trung Quốc khi tuyên bố: "Các hoạt động giám sát hàng hải của Mỹ thường xuyên là chủ đề gây khó xử giữa hai nước. Nếu Washington tiếp tục hành động cứng đầu, khả năng xảy ra xung đột giữa lực lượng tàu thuyền và máy bay của quân đội hai nước sẽ ngày càng gia tăng".
BDN (nguồn: AFP và Tin tức)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét