Pages

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Quốc hội sắp thông qua Hiến pháp sửa đổi


Quốc hội Việt Nam
Quốc hội Việt Nam sắp nhóm họp trở lại
Kỳ họp sắp tới của Quốc hội, dự kiến khai mạc vào cuối tháng 10, được cho là sẽ thông qua Dự thảo Hiến pháp sửa đổi vốn đang gây tranh cãi về điều khoản quy định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng sẽ Bấmxem xét miễn nhiệm chức danh phó thủ tướng đối với ông Nguyễn Thiện Nhân, người vừa được bầu làm chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc.


Tuy nhiên theo thông lệ, việc miễn nhiệm một ai đó vì chuyển công tác thì Quốc hội cũng bầu người thay thế.
Hiện chưa rõ Quốc hội có bầu người thay ông Nhân hay không.

'Độc đảng không phải không dân chủ'

Tại buổi họp báo vào sáng thứ Năm, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 21/10 cho đến ngày 3/12.
Đây được cho là kỳ họp dài nhất trong cả nhiệm kỳ khóa 13. Tổng cộng Quốc hội sẽ có 35 ngày làm việc.
Bên cạnh Hiến pháp và bầu bán nhân sự, Quốc hội kỳ này cũng dự kiến thông qua một số dự luật quan trọng khác, trong đó có Luật đất đai sửa đổi, theo truyền thông trong nước.
Ngoài ra, Quốc hội cũng xem xét cho ý kiến, nhưng chưa thông qua, một số dự luật về hoạt động của công an và luật sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Riêng nội dung về Hiến pháp sẽ được Quốc hội dành 4 ngày để bàn thảo.
Nếu được thông qua thì đây là lần đầu tiên Việt Nam có một bản Hiến Pháp mới trong hơn 20 năm qua.
Bản dự thảo Hiến pháp này đã được đưa ra lấy ý kiến nhân dân từ đầu năm nay và cũng sắp sửa hết thời hạn góp ý vào cuối tháng Chín.
Nhiều ý kiến góp ý đã chất vấn về việc quy định cho Đảng độc quyền lãnh đạo ở Việt Nam cũng như các điều khoản gây tranh cãi như quân đội phải tuyệt đối trung thành với Đảng.
Tuy nhiên, tại kỳ họp mới nhất, bản báo cáo trước Quốc hội về kết quả lấy ý kiến của dân đối với Hiến pháp lại cho rằng phần lớn nhân dân ủng hộ giữ lại điều 4 về vai trò lãnh đạo của Đảng.
Báo cáo này cũng lập luận rằng ‘độc đảng không phải là không dân chủ’.
Riêng nội dung miễn nhiệm, bổ nhiệm sẽ được Quốc hội dành một ngày làm việc để xem xét, báo chí trong nước đưa tin.
Cũng trong ngày 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bàn bạc rút kinh nghiệm về đợt lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu trong kỳ họp thứ Năm vừa qua.
Theo tường thuật của báo chí trong nước thì một số đại biểu trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị bỏ ba mức lấy tín nhiệm là ‘tín nhiệm cao’, ‘tín nhiệm’ và ‘tín nhiệm thấp’ như trước đây và thay bằng chỉ hai mức là ‘tín nhiệm’ và ‘tín nhiệm thấp’.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm đối với các vị trí bên Chính phủ chứ không cần lấy tín nhiệm các chức danh lãnh đạo bên Quốc hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét