Pages

Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Tháo ngòi nổ hay vẫn châm dầu vào lửa?

Khi tiếng súng của anh em Đoàn Văn Vươn bắn lực lượng cưỡng chế đất vang lên vào cái ngày 5 tháng Một, 2012, làm 4 công an và 2 huyện đội bị thương, dư luận ở VN đã thực sự rúng động.
Bởi đó là lần đầu tiên người nông dân có một hành động quyết liệt là nã súng chống lại lực lượng cưỡng chế, mà cũng là chống lại chính quyền địa phương huyện Tiên Lãng và cấp cao hơn, chính quyền thành phố Hải Phòng. Chính xác là chống lại bọn cướp ngày, đã cướp trắng bao nhiêu năm lao động mồ hôi nước mắt và cả máu, cả tiền bạc của người nông dân đổ ra.

Báo chí “lề đảng”, “lề dân” cùng một giọng đứng về phía người nông dân nổi dậy. Sức ép dư luận buộc cả ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng phải vào cuộc,  tuyên bố chính quyền địa phương thu hồi đất như vậy là trái luật, việc huy động lực lượng quân đội tham gia cưỡng chế cũng như việc phá nhà của người dân là không đúng.
Nhưng cuối cùng, cái cách nhà cầm quyền giải quyết vụ việc đã khiến người dân vô cùng thất vọng. Hai anh em ông Đoàn Văn Vươn vẫn bị tuyên án 5 năm tù, những người khác trong gia đình từ 3 năm 6 tháng tù cho tới nhẹ nhất là 15, 18 tháng tù cho hưởng án treo.
Trong lúc các quan chức đã tiến hành cưỡng chế đất trái pháp luật và phá nhà dân thì chỉ bị tù treo. Đại tá Đỗ Hữu Ca, giám đốc công an Hải Phòng, người trực tiếp chỉ huy vụ cưỡng chế và có những câu phát biểu vô cảm, làm dư luận tức giận thì lại được thăng cấp lên Thiếu Tướng.
Rõ ràng hành động nổi dậy trong bước đường cùng của anh em Đoàn Văn Vươn đã không đủ thức tỉnh nhà nước, để họ phải điều chỉnh lại luật sở hữu đất đai cũng như những chính sách thu hồi, bồi thường đất đai vô cùng bất công, phi lý bao lâu nay.
Dù trước và sau vụ án Tiên Lãng, mỗi năm vẫn có hàng trăm hàng ngàn vụ khiếu kiện đất đai xảy ra, hàng ngàn hàng vạn người dân oan kéo nhau từ thôn quê ra tỉnh thành, tới thủ đô, ăn chực nằm chờ ngày này qua tháng nọ trước các cửa quan để đưa đơn, kêu cứu, biểu tình…
Có người bị mất đất mất nhà đau buồn mà chết, có người uất ức tự thiêu, có người khỏa thân giữ đất, có người liều mình đổ máu với công an…Vẫn không ăn thua gì.
Và bây giờ thêm một vụ việc nữa xảy ra, với mức độ quyết liệt hơn, kết cuộc thê thảm hơn vụ án Tiên Lãng.
Một người dân tỉnh Thái Bình, anh Đặng Ngọc Viết, chiều ngày 11 tháng Chín 2013 đã đến trụ sở UBND tỉnh Thái Bình, dùng súng bắn thẳng vào đầu các quan chức, cán bộ của Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố Thái Bình, khiến một phó giám đốc chết, 3 người bị thương nặng. Sau đó vài giờ đồng hồ, anh Viết cũng tự sát. Đây quả là đã tiến đến mức “mạng đổi mạng” rồi.
Thái Bình, Hải Phòng đều là những vùng “đất dữ”. Thái Bình vào năm 1997 từng có vụ nổi dậy chống lại tham nhũng của hàng chục ngàn nông dân thuộc 4 xã Quỳnh Hoa, Quỳnh Hội, Quỳnh Mỹ, Thái Thịnh.
Quy mô và tính chất của sự việc lớn và nghiêm trọng hơn vụ Tiên Lãng năm 2012 nhiều, nhưng do thời đó chưa có internet, thông tin bị bưng bít, nên người dân không có được sự hỗ trợ của truyền thông, dư luận. Mọi việc đã bị nhà cầm quyền dập tắt và sau đó, hàng chục người đã bị tống vào tù. Nếu không có thể sự việc đã đi rất xa.
Bao nhiêu năm, cũng vẫn là chuyện tham nhũng, bất công, con giun xéo mãi cũng quằn, tức nước vỡ bờ…
Vụ nổi dậy của nông dân Thái Bình, vụ nổ súng ở Tiên Lãng rồi bây giờ là án mạng ở Thái Bình, liệu có làm cho nhà cầm quyền thức tỉnh? Có lẽ là không.
Ai cũng thấy bên dưới cái bề mặt ổn định tạm bợ do bị cai trị bởi bàn tay sắt, xã hội VN hiện đang tồn tại rất nhiều mâu thuẫn nghiêm trọng, ví như những thùng thuốc súng có thề bùng nổ bất cứ lúc nào.
Mâu thuẫn lớn thứ nhất là giữa người nông dân với chính quyền, xoay quanh luật sở hữu đất đai, những chính sách thu hồi, bồi thường đất không thỏa đáng.
Lịch sử sau này rồi sẽ ghi thêm những dòng chữ “cưỡng chế đất đai,” “giải phóng mặt bằng” gắn theo bao nhiêu thảm cảnh, bi kịch, ám ảnh không nguôi như  những cụm từ “cải cách ruộng đất”, “cải tạo tư sản”, “học tập cải tạo” hay “thuyền nhân” trước kia.
Bên cạnh những bất công về luật sở hữu đất đai, người nông dân VN còn phải gánh chịu thêm nỗi bất công khi quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, cày bừa đổ mồ hôi sôi nước mắt mà không đủ sống. Đất nước tự hào xuất khẩu gạo đứng hàng thứ nhì, thứ nhất trên thế giới mà nông dân vẫn nghèo xơ xác, đến nỗi ngày càng nhiều người thà bỏ đất, bỏ ruộng hoang còn hơn.
Mâu thuẫn lớn thứ hai là giữa công nhân với các ông chủ tư bản đỏ thời nay. Công nhân làm bở hơi tai, lãnh đồng lương chết đói trong lúc giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng… ăn trắng mặt trơn, lãnh lương cao gấp mấy chục lần.
Như vụ lương “khủng” của giám đốc Công ty thoát nước đô thị, Công ty chiếu sáng công cộng, Công ty Công viên cây xanh, Công ty Công trình giao thông Sài Gòn…vừa mới bị báo chí khui ra kia. Và còn bao nhiêu công ty khác trả mức lương chênh lệch không thể chấp nhận, vẫn chưa bị phát hiện?
Năm nào cũng có hàng chục hàng trăm vụ biểu tình, đình công của công nhân nơi này nơi kia vì lương thấp, điều kiện làm việc quá cực khổ, vì bị đối xử không ra gì, nhân quyền bị chà đạp, mọi tiêu chuẩn như an toàn lao động, lương thưởng,  ngày nghỉ…đều bị cắt, giảm, bỏ qua…
Mâu thuẫn lớn thứ ba là từ chính sách khắc nghiệt, đàn áp tôn giáo của nhà cầm quyền. Những vụ xung đột liên tục xảy ra giữa nhà cầm quyền với cộng đồng Công giáo.
Từ vụ tranh chấp khu đất Tòa Khâm Sứ Giáo Hoàng tại Hà Nội từ năm 2008, vụ lấy đất của Nhà Dòng Chúa Cứu Thế và Giáo Xứ Thái Hà năm 2011, vụ xóa sổ cả một ngôi làng Công giáo ở Cồn dầu, Đà Nẵng năm 2010, nhiều giáo dân bị đàn áp phải chạy sang lánh nạn ở Thái Lan và sau đó là Úc, Hoa Kỳ.
Vụ các thanh niên Công giáo giáo phận Vinh bị bắt năm 2012, cùng năm đó là vụ phá hủy nhà nguyện, đàn áp giáo dân tại Yên Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An…Và mới đây nhất công an đã dùng côn đồ tấn công giáo dân thuộc xứ Mỹ Yên, Huyện Nghi Lộc, Nghệ An, hàng chục người đổ máu…
Với cộng đồng Công giáo là vậy, với các tôn giáo khác như Giáo hội Phật giáo VN thống nhất, Phật giáo Hòa Hảo, Cao đài, Tin Lành, thậm chí giáo phái Làng Mai của thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng không được yên qua vụ đàn áp tăng, ni tại  tu viện Bát Nhã, Lâm Đồng năm 2008…
Và cuối cùng là những mâu thuẫn âm ỉ trong lòng mọi người dân có quan tâm đến tình hình, thực trạng đất nước, xã hội, mong muốn một sự thay đổi, trước mắt là tự do hơn trong lĩnh vực ngôn luận, truyền thông, cho tới những thay đổi theo chiều hướng tự do dân chủ, đa nguyên đa đảng.
Dù hôm nay đảng và nhà nước cộng sản VN vẫn còn mạnh để tiếp tục kiểm soát được tình hình nhưng một khi nguyên nhân sinh ra những mâu thuẫn trong xã hội chưa được giải quyết tận gốc rễ thì sự bình lặng, ổn định chỉ là tạm thời và hoàn toàn có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào.
Một nhà nước khôn ngoan là phải lắng nghe, tìm cách tháo gỡ các ngòi nổ chậm trong lòng chế độ, bằng cách điều chỉnh các chính sách phi lý tạo nên bất công xã hội tạo điều kiện cho cái xấu, cái ác, những tệ nạn có thể tồn tại, sinh sôi nảy nở. Dần dần tiến đến thay đổi cả mô hình thể chế chính trị đã quá lạc hậu, sai lầm. Ngược lại, ngoan cố không nghe không thấy, tăng cường bạo lực, đàn áp, bịt miệng nhân dân sẽ không bao giờ đưa đến những kết cục tốt đẹp.
Đáng tiếc cho nhân dân VN, và cho chính nhà cầm quyền, lịch sử mấy chục năm qua đã quá đủ để chứng minh nhà nước cộng sản VN thuộc dạng nào.

Không có nhận xét nào: