Pages

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Thư phản đối dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Thư phản đối dự thảo sửa đổi Hiến pháp

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
clip_image001
 THƯ CỦA CỬ TRI
Phản đối dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
Kính gửi:
- Quốc hội
- Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
- Các Đại biểu Quốc hội
Tên tôi là: Hồ Quang Huy.
Địa chỉ: Tổ 15, phường Ngọc Hiệp, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
Kính thưa quý vị!
Vừa qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 13 đã thảo luận và quyết định đưa bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 ngày 17.5.2013 ra lấy ý kiến nhân dân và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Tuy bản dự thảo lần này có tiếp thu một vài ý kiến đóng góp, nhưng về cơ bản là phi dân chủ, phản tiến bộ, sự bất cân bằng quyền lực giữa hệ thống chính trị với nhân dân mà cán cân nghiêng hẳn về phía hệ thống chính trị dẫn đến nhiều nguy cơ lớn.
Chính vì vậy, tôi xin gửi tới quý vị văn bản này để bày tỏ tâm tư nguyện vọng và chính kiến về bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Sau đây tôi xin nêu một vài dẫn chứng chứng minh cho nhận định trên:
1 – Tuy dự thảo ngày 17.5 có thừa nhận nhân dân là chủ thể xây dụng Hiến pháp, nhưng lại tuyên bố Hiến pháp là sự thể chế hóa Cương lĩnh phát triển đất nước (đương nhiên là của đảng CSVN). Điều đó có nghĩa là dù nhân dân làm Hiến pháp nhưng chỉ trong phạm vi Cương lĩnh, tức là Hiến pháp phải theo Cương lĩnh, như vậy đảng đứng trên cả Hiến pháp và cũng có thể hiểu cương lĩnh của đảng là siêu Hiến pháp. Như vậy đảng CSVN trên cả Hiến pháp, đảng định đoạt tương lai, vận mệnh của gần 90 triệu người dân. Quan điểm của tôi là không ai có quyền định đoạt vận mệnh, tương lai của nhân dân mà phải để nhân dân tự định đoạt. Đảng cũng như các tổ chức khác có quyền đưa ra quan điểm nhưng không thể lấy đó làm khuôn ngọc, thước vàng để áp đặt lên nhân dân.
2 – Khoản 2 điều 2 nói “2.Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” . Đây là một tuyên bố chính trị chứ không thực chất, không có giá trị pháp lý, bởi những lý do sau đây:
a) Hiến pháp là khởi đầu quyền lực nhà nước, là văn bản quyết định tương lai, vận mệnh của mình mà nhân dân không được quyết định (bằng bỏ phiếu phúc quyết) vậy không thể có “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”.
Theo “Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về các nội dung cụ thể của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở ý kiến nhân dân” thì nhân dân tham gia vào tất cả các công đoạn của quy trình lập hiến nên dự thảo sửa đổi Hiến pháp trước khi trình Quốc hội thông qua đã thể hiện ý chí và trí tuệ của nhân dân. Nói như thế là không đúng. Thực tế bản dự thảo đã tiếp thu rất ít các ý kiến tâm huyết, trí tuệ và tiến bộ của nhân dân. Mặt khác nếu bản dự thảo tiếp thu triệt để ý kiến nhân dân thì điều đó cũng chỉ là ý kiến của khoảng 26 triệu cử tri (cứ cho mỗi lượt ý kiến góp ý cho dự thảo là của 1 cử tri, tính cả Việt kiều) như vậy còn khoảng 37 triệu cử tri (đa số) không biết họ có đồng ý với dự thảo hay không? (Theo báo cáo nói trên của UBDT thì từ ngày 02/1 đến 30/4/2013 có 26.091.276 lượt ý kiến góp ý cho dự thảo, nhưng tính trung thực và độ chính xác thì không thể kiểm chứng).
Nếu Hiến pháp không được nhân dân phúc quyết thì điều đó có nghĩa đảng CSVN đã tự mình dành quyền lãnh đạo mà không được nhân dân lựa chọn, như vậy là không chính danh (kể cả Hiến pháp cũng không chính danh). HP là văn bản nhân dân ủy quyền quyền lực cho nhà nước, là văn bản quyết định tương lai, vận mệnh của mình nên chỉ có nhân dân mới có quyền quyết định HP. Quốc hội là bên được ủy quyền nên không thể quyết định Hiến pháp (văn bản ủy quyền) thay cho nhân dân (bên ủy quyền).
b) Điều 2, khoản 3 dự thảo ghi: “3. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Quyền lực được quy định (phân công) trong Hiến pháp, mà như trên đã nói thì Hiến pháp là của đảng CSVN, như vậy quyền lực nhà nước được thống nhất và phân công bởi đảng CSVN nên không thể nói tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, mà thực tế là thuộc về đảng CSVN.
c) Tuy người dân bầu ra Quốc hội và hội đồng nhân dân nhưng lại không được toàn quyền lựa chọn mà chỉ được bầu những người do Mặt trận chọn sẵn sau khi sàng lọc, mà mặt trận chịu sự lãnh đạo của đảng. Có lẽ không ai không biết trong dân gian vẫn có câu: “đảng cử dân bầu”.
d) Việc bầu cử trung thực đến đâu hoàn toàn do thiện chí của cả hệ thống chính trị, nhân dân không thể kiểm soát được. Ở các nước đa nguyên, đa đảng thì còn có các đảng phái khác giám sát, có tự do báo chí (báo tư nhân, độc lập với hệ thống chính trị), có các tổ chức dân sự, có dân chủ, có cơ chế để nhân dân thực thi quyền lực của minh, ngoài ra còn mời các tổ chức quốc tế giám sát nên khó gian lận trong bầu cử. Việt Nam chưa có các yếu tố đó.
đ) Hiến pháp đã công nhận công dân có nhiều quyền, nhưng rất nhiều quyền thực thi được hay không lại phụ thuộc thiện chí của nhà nước, mà trên thực tế lâu nay bị tước đoạt. Ngoài ra quyền của công dân bị xé lẻ bởi vì: không được tự do xuất bản, không có tự do báo chí, các tổ chức dân sự không được hoạt động tự do. Vậy tiếng nói của nhân dân thực tế bị chia tách để trở thành những tiếng nói đơn lẻ, rời rạc, dễ bề đàn áp, vậy làm sao có thể kiểm soát được quyền lực nhà nước? Làm sao đấu tranh với tiêu cực, sai trái? Làm sao bảo vệ được những người oan sai? Trong khi đảng, nhà nước nắm toàn bộ sức mạnh từ kinh tế, phương tiện, báo chí, quân đội, công an, tòa án… Ngoài ra đảng còn nắm toàn bộ các tổ chức khác như Mặt trận, các hội, đoàn thể. Trong khi đó nhân dân chẳng có công cụ gì thì làm sao giám sát được quyền lực? Khi nhân dân không giám sát được quyền lực thì quyền lực càng dễ bị lạm dụng và lợi dụng, vì vậy không thể đảm bảo quyền lực thuộc về nhân dân.
Nếu đảng thật sự vì nhân dân, vì Tổ quốc thì nên trả các tổ chức như Mặt trận, các hội, đoàn thể về cho nhân dân để nhân dân tự tổ chức, điều hành dưới hình thức các tổ chức dân sự. Việc này vừa góp phần đảm bảo quyền lực thuộc về nhân dân, vừa bổ khuyết những mặt hạn chế của nhà nước, tạo sự năng động hơn cho xã hội đồng thời giảm tải cho ngân sách nhà nước rất đáng kể.
e) Quyền lực nhân dân được thực thi thông qua đại diện là chính, nhưng không có cơ chế đủ mạnh để nhân dân kiểm soát, giám sát đại diện của mình nên không thể đảm bảo mọi quyền lực thuộc về nhân dân.
Ngoài ra Quốc hội là cơ quan đại diện cho quyền lực nhân dân, nhưng có đến khoảng 90% đại biểu là đảng viên và hầu như họ là cán bộ, công chức trong các cơ quan đảng, nhà nước. Chính vì vậy nên có người nói các cuộc họp Quốc hội là hội nghị của đảng mở rộng hay là tình trạng vứa đá bóng vừa thổi còi…
Nói tóm lại, nói “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” là không thực chất, không có giá trị pháp lý, mà quyền lực thuộc về đảng CSVN.
3 – Vì quyền lực thống nhất nơi đảng CSVN nên việc kiểm soát quyền lực giữa các nhánh quyền lực nhà nước như thế nào, kiểm soát đến đâu phụ thuộc đảng CSVN. Mặt khác theo dự thảo thì quyền lực được kiểm soát một chiều, chẳng hạn Quốc hội kiểm soát (giám sát) Chính phủ và tòa án, nhưng Chính phủ và tòa án kiểm soát quyền lực của Quốc hội như thế nào? Không có Tòa án Hiến pháp (chứ không phải Hội đồng bảo hiến) thì làm sao bải bỏ được các văn bản do Quốc hội ban hành để cố tình vi hiến? Như vậy kiểm soát quyền lực của Quốc hội như thế nào?
4 – Tại điều 4 dự thảo quy định đảng “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”, đảng “chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân”, “Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Trong Báo cáo giải trình nói trên của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nói: “Bên cạnh đó, quy định mọi tổ chức Đảng, đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật hiện đã là một bảo đảm quan trọng để nhân dân có điều kiện giám sát”. Nói như vậy nhưng hiện nay tôi chưa tìm thấy bộ luật hay luật nào quy định đảng chỉ được lãnh đạo đến đâu, lãnh đạo như thế nào và chịu trách nhiệm gì. Như vậy thì không thể như báo cáo giải trình “là một bảo đảm quan trọng để nhân dân có điều kiện giám sát”.
Vì không có luật nào điều chỉnh hoạt động của đảng nên đảng CSVN nằm ngoài pháp luật. Một đảng chính trị, lãnh đạo nhà nước và xã hội mà lại đứng trên Hiến pháp và ngoài pháp luật thì dẫn đến hệ lụy ra sao? Xin đặt giả thiết, nếu đảng CSVN phản bội lại Tổ quốc và nhân dân thì căn cứ vào đâu để chế tài, chế tài như thế nào và cơ quan, tổ chức nào chế tài? Điều này cũng là một minh chứng nhà nước ta không phái là nhà nước pháp quyền.
5 – Tại điều 2 có tuyên bố: “1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” . Cũng giống như quyền lực nhà nước ở khoản 3 điều này, đây là một tuyên bố chính trị, không có giá trị pháp lý, không thực chất, bởi vì như các mục trên đây đã chỉ rõ:
a) Đảng cộng sản Việt Nam có quyền lực rất lớn, nhưng không có luật điều chỉnh hoạt động của đảng nên thẩm quyền của đảng đến đâu không xác định được cũng như không thể chế tài nếu đảng có sai lầm, sai phạm.
b) Không có Tòa án Hiến pháp nên không thể giám sát Quốc hội vì vậy không thể ngăn chặn, hủy bỏ việc Quốc hội ban hành các văn bản vi hiến.
c) Con người ta chỉ phục tùng người (hoặc tổ chức) có quyền lực chứ không ai lại phục tùng người (tổ chức) không có quyền lực. Như trên đã chứng minh, gần như mọi quyền lực thuộc về đảng, còn quyền lực nhân dân là không đáng kể.
Trong quyền lực của đảng có công tác tổ chức nhân sự nên việc bổ nhiệm các chức danh đều phải thông qua đảng do đó cán bộ, công chức muốn thăng tiến thì phải được lòng đảng, mà được lòng đảng thì chưa chắc đã có lợi cho dân, chưa chắc đã đúng pháp luật. Điều đó có thể gây ra oan sai trong các vụ án hình sự. Những quan tòa trong hội đồng xét xử nếu muốn thăng tiến thì chẳng dại gì mà tuyên trắng án cho bị cáo bị truy tố về “tội” chống lại đảng CSVN.
d) Vì quyền lực nhân dân rất hạn chế nên không giám sát được quyền lực của hệ thống chính trị do đó quyền lực dế lạm dụng và lợi dụng vì vậy không đảm bảo nhà nước pháp quyền.
6 – Dự thảo ngày 17.5 tuy có sửa đổi điều 70 nhưng thực chất vẫn đặt đảng CSVN và nhà nước đứng trên nhân dân khi quy định: “Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân”. Khi nói tới Tổ quốc thì phải nói tới người chủ là nhân dân, hai khái niệm này phải đi đôi với nhau không thể tách rời. Mục đích cuối cùng, đích thực của việc trung thành hay bảo vệ Tổ quốc chính là vì nhân dân (tất cả cũng chỉ vì con người). Nếu đảng và nhà nước thật sự đàng hoàng, tử tế, vì nhân dân thì không cần quy định lực lượng vũ trang phải trung thành và bảo vệ đảng và nhà nước mà chỉ quy định trung thành và bảo vệ Tổ quốc và nhân dân, bởi vì khi đó để bảo vệ nhân dân thì không thể không bảo vệ đảng, nhà nước. Đảng và nhà nước chỉ được bảo vệ khi việc bảo vệ đó phù hợp với lợi ích của nhân dân bởi vì đảng, nhà nước sinh ra cũng để bảo vệ và phục vụ nhân dân.
Chúng tôi rất lo ngại với quy định này thì khi có mâu thuẫn giữa nhân dân với đảng CSVN và nhà nước thì nhà nước có thể huy động lực lượng vũ trang (trong đó có quân đội) để đàn áp như từng xảy ra.
7. Trong dự thảo, một số quyền con người, quyền công dân được quy định là theo quy định của PHÁP LUẬT. Việc này tạo điều kiện cho Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể hạn chế quyền con người, quyền công dân một cách tùy tiện và có thể xâm phạm quyền công dân được quy định trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966. Mặt khác quyền con người, quyền công dân chỉ có thể do Hiến pháp và luật quy định vì đó là văn bản của toàn dân, chỉ có nhân dân (thông qua HP và luật) mới có thể quy định quyền của mình. Chính phủ là cơ quan hành pháp, không phải là cơ quan đại diện của nhân dân nên không thể quy định quyền con người, quyền công dân. Các văn bản dưới luật về quyền con người, quyền công dân chỉ có tính chất hướng dẫn thi hành.
Trên đây là nói về lý luận, về lý thuyết. Để chứng minh cho lập luận này, tôi xin nêu ra một số dẫn chứng từ thực tiễn:
1. Tại kỳ họp thứ 7 của Ban chấp hành Trung ương, Bộ chính trị đã tự kiểm điểm những sai lầm của minh và xin nhận kỷ luật trước BCHTW. Việc BCT có khuyết điểm là khuyết điểm đối với toàn dân, hậu quả là toàn dân phải gánh chịu, thế nhưng chỉ có đảng mới có quyền kỷ luật BCT (hay TW đảng) còn nhân dân (thông qua QH) thì không có quyền gì. Điều này hết sức vô lý. Điều đó cho thấy không thể có “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”, không thể có “nhà nước pháp quyền”.
2 – Một đồng chí UVBCT (đồng chí X) có nhiều sai phạm trong điều hành nên Bộ chính trị đề nghị kỷ luật, nhưng Ban chấp hành Trung ương đảng không đồng ý kỷ luật, nên Quốc hội cũng không thể đặt vấn đề thi hành kỷ luật.
3 – Báo chí đã đưa tin Bà L.T.M.L Chủ tịch phường Phước Long (khóa trước), thành phố Nha Trang bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị kỷ luật, vẫn có tên trong danh sách bầu đại biểu Hội đồng nhân dân khóa 2011 – 2016, sau khi bị tố cáo nhưng Ủy ban bầu cử thành phố không thể đưa ra khỏi danh sách vì phải chờ chỉ đạo của thành ủy. Như vậy làm gì có pháp quyền.
4 – Ngay nơi lập hiến, lập pháp, cơ quan được cho là đại diện cao nhất của nhân dân là Quốc hội cũng đã có những việc làm vi hiến. Chẳng hạn, nghị quyết thí điểm bỏ hội đồng nhân dân cấp huyện và xã ở mười tỉnh, thành phố; hay Quốc hội đã có văn bản cho phép Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 (theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) để xâm phạm quyền công dân.
6 – Trong những năm vừa qua có rất nhiều vụ việc bị tố cáo là xâm phạm quyền con người, quyền công dân như công an đánh chết dân, đàn áp người biểu tình, sách nhiễu người phản biện, đàn áp hay ép người tù nhận tội…
7 – Tham nhũng là quốc nạn, bị xếp vào một trong những nước có tệ tham nhũng cao của thế giới, các tập đoàn kinh tế nhà nước thua lỗ, thất thoát hoặc nợ rất lớn.
8 – Việc biểu tình, khiếu kiện, tố cáo (thậm chí là kháng cự) đông người, kéo dài, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai phổ biến ở khắp nơi, điển hình như vụ án ở Tiên Lãng – Hải Phòng, Văn Giang – Hưng Yên, Vụ Bản – Hà Nam… Một nguyên nhân rất quan trọng của việc khiếu kiện đông người, dài ngày, biểu tình về đất đai là quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý. Vậy mà đảng cũng không lấy đó làm bài học kinh nghiệm mà còn bảo thủ kiên trì cho bằng được sở hữu toàn dân.
9 – Việc sửa đổi Hiến pháp phải là việc của toàn dân, thế nhưng những ý kiến của nhân dân trái với quan điểm của đảng CSVN thì lập tức bị các phương tiện thông tin tuyên truyền của đảng, nhà nước tấn công tổng lực. Các cơ quan thông tin tuyên truyền bôi nhọ, xúc xiểm và coi họ như những thế lực thù địch nguy hiểm đối với đất nước, nhân dân cần đánh bại (“Làm thất bại chiến lược diễn biến hòa bình”).
Tại sao đảng và nhà nước có quyền đưa ra quan điểm của mình mà quan điểm của nhân dân thì bị “đánh” hội đồng như thế? Trong khi Hiến pháp quyết định tương lai của nhân dân, phục vụ nhân dân và đảng, nhà nước sinh ra cũng chỉ để phục vụ nhân dân.
Những vấn đề trên đây chứng tỏ nhà nước chúng ta không phải là nhà nước pháp quyền, quyền lực không thuộc về nhân dân.
10 – Về đối nội thì như thế, còn đối ngoại thì nổi lên vấn đề quan hệ với Trung Quốc, kẻ thù của dân tộc và nhân dân ngày càng lấn chiếm biển đảo, đánh cướp ngư dân, cấm đánh bắt cá ngay trong vùng biển chúng ta. Ngoài ra chúng còn có mặt khắp hang cùng ngỏ hẻm, kể cả những nơi nhạy cảm nhất về quốc phòng an ninh để phá hoại và do thám thế mà chúng ta chưa có đối sách hữu hiệu mà còn có những việc làm dung túng cho chúng.
Còn rất nhiều điều đáng nói, nếu được Quốc hội cho phép đăng đàn phản biện tôi xin nói thêm (QH đã nhận được đề nghị này của tôi).
Những tình trạng như nêu trên xuất phát từ nguyên nhân của mọi nguyên nhân là việc độc đảng lãnh đạo đẻ ra nhiều hệ lụy, trong đó có sự bất cân bằng quyền lực giữa hệ thống chính trị với nhân dân mà cán cân nghiêng hẳn về hệ thống chính trị và nhà nước phi pháp quyền.
Những tình trạng nói trên chính là biểu hiện cụ thể của vấn đề hệ thống chính trị nói riêng và kiến trúc thượng tầng nói chung chưa đáp ứng được đòi hỏi, bức xúc của xã hội (cơ sở hạ tầng) và nó gây nên hậu quả nhãn tiền và thấy rõ là gây bất ổn chính trị, trật tự an toàn xã hội, gây mất an ninh quốc gia. Nó đã và đang làm suy giảm nội lực quốc gia một cách nghiêm trọng, cản trở bang giao và hội nhập quốc tế, cản trở sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trong bối cảnh kẻ thù phương Bắc đang ngày càng hung hăng.
Như vậy mà dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này không những không tiến bộ mà còn có những bước đi thụt lùi, làm cho nhân dân chúng tôi rất thất vọng, bất bình, đồng thời lo ngại về nguy cơ đầy bất ổn và nguy cơ nô lệ, nguy cơ mất nước. Chính vì vậy nên tôi cực lực phản đối bản dự thảo Hiến pháp ngày 17.5.2013 và xin nói thẳng rằng Đảng không thể và không được dùng Hiến pháp để củng cố quyền lực cho riêng mình, không thể áp đặt quan điểm của mình lên nhân dân.
Vì tương lai các thế hệ con cháu chúng ta, đề nghị những đại biểu Quốc hội còn lương tri không thông qua bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp này.
Khánh Hòa, ngày 10/9/2013
Người phản đối
(Đã gửi Ủy ban dự thảo sửa đổi HP và một số ĐBQH)
Ý Dân (Hồ Quang Huy)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét