Pages

Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Thượng bất chính, hạ tắc loạn

Vừa qua, báo trong nước cho hay, một bé gái bảy tháng tuổi đi khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã bị chẩn đoán bệnh “phù nề bao quy đầu” (Dantri.com.vn 15/08/13).
Trước đó, một em bé sinh non suýt bị chôn sống ở Quảng Nam vì kíp trực khoa sản nói cháu đã chết, nhưng khi mang về chôn, người nhà phát hiện ra cháu vẫn sống (baodatviet.vn 08/08/13).
Hôm 31/08/13 một bệnh nhân, anh Lê Văn Giang, 29 tuổi, bị tràn khí màng phổi trái nhưng bác sĩ Bệnh viện Lao và Phổi thành phố Cần Thơ lại mổ phổi bên phải do… bác sĩ coi phim sai (tuoitre.vn 31/08/13).

Những tiêu đề như “Bé sơ sinh tử vong, dân bao vây bệnh viện” (giadinh.vnexpress.net 23/05/12), “Sản phụ chết sau sinh, dân bao vây bệnh viện” (nongnghiep.vn 26/10/12), “Người nhà bệnh nhân tử vong lại bao vây bệnh viện” (tinnong.vn 14/11/12), “Sản phụ đòi tự tử vì tắc trách của cán bộ bệnh viện” (dantri.com.vn 27/08/13), “Hai mẹ con thai phụ tử vong sau khi uống thuốc chờ sinh” (Dantri. com.vn 5/09/13), “Giám đốc Bệnh viện bưng bít thông tin cháu bé 8 tháng tuổi chết thảm” (phapluatvn.vn 5/09/13), v.v… trở nên thường xuyên trên mặt báo.
Trình độ chuyên môn kém cỏi và thói vô trách nhiệm trước mạng sống và sức khỏe của con người đã đến mức phổ biến, không còn là các hiện tượng đơn lẻ.
Đấy là chưa nói đến tình trạng bệnh viện quá tải khủng khiếp, bệnh nhân phải nằm la liệt dưới sàn nhà, gầm giường, cầu thang, tệ hại còn hơn cả trong trại tị nạn thời chiến tranh..
Bài  “Bao giờ mỗi bệnh nhân “được” nằm một giường?” trên tờ Quân đội Nhân dân ngày 7/10/11 viết:
Tại sao lại có tình cảnh đáng buồn ấy và tại sao cho đến hôm nay, chúng ta vẫn chưa thấy một chút hy vọng nào, trong khi viện phí không ngừng tăng và năm nào cũng nghe ngành Y tế đề nghị tăng viện phí thêm nữa?
Tôi thấy, từ ngày đất nước mở cửa đến nay, mỗi năm có rất nhiều cảnh cắt băng khánh thành rầm rộ, hoành tráng: Khách sạn, sân golf, các trụ sở này nọ…, song lại rất ít khi thấy cảnh cắt băng khánh thành các bệnh viện. Đó thực sự là điều khiến chúng ta đáng suy nghĩ“.
Dịch vụ y tế công của Việt Nam tệ hại quá mức đã đành, văn hoá tham nhũng, sống chung với lũ, cũng đã kịp thích ứng, chấp nhận một cuộc chơi “có đi có lại”, coi việc đưa phong bì như một “thủ tục” không thể thiếu khi vào viện.
Năm bệnh viện lớn tại Hà Nội là Việt Đức, Bạch Mai, K, E, Phụ sản Trung ương dù đã ký cam kết “nói không với phong bì”, song chuyện bệnh nhân, người nhà đưa tiền cho bác sĩ, y tá vẫn tiếp diễn khá phổ biến (tinmoi.vn 12/10/11).
Nhưng tất cả những vấn nạn trên cũng không thể nào so sánh được khi bệnh viện dối trá, lừa đảo bệnh nhân vì tiền.
Tháng 10/2011 người ta ầm ĩ về vụ bê bối của bà Vũ Thị Thanh, giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội, đã đánh tráo thuỷ tinh thể mắt của bệnh nhân để trục lợi riêng.
Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội), theo cơ quan điều tra, trong thời gian từ 1/08/12 đến 31/05/13, trưởng khoa xét nghiệm cùng 7 nhân viên khoa này đã thực hiện 24.875 xét nghiệm huyết học, trong các kết quả trên có 1.495 trường hợp kết quả xét nghiệm bệnh nhân nội trú và ngoại trú trùng nhau và có đủ bằng chứng xác định trong số 1.495 trường hợp trùng kết quả xét nghiệm có 764 kết quả xét nghiệm khống. Với việc làm này, bệnh viện đã thu được hàng tỉ đồng của bệnh nhân và rút tiền từ quỹ bảo hiểm y tế.
Trong một diễn biến tương tự, khoa Chẩn đoán Hình ảnh của Bệnh viện Chấn thương-Chỉnh hình Sài Gòn, từ năm 2007 đến nay đã xảy ra với những thủ thuật gian lận nhằm móc túi người bệnh, mỗi tháng thu lợi riêng hàng trăm triệu đồng, bằng cách cắt ghép, tráo, đổi phim X-quang (Ngoisao.vn 13/05/2013).
Ở đây tôi muốn nói về đạo đức xã hội. Trong sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua, ở Việt Nam bề ngoài dường như cảm thấy sự “ổn định chính trị”, nhưng thực chất  xã hội sôi sục những mầm mống của sự bất an, náo loạn, kỷ cương pháp luật bị chà đạp thô bạo.
Báo chí hàng ngày đầy rẫy những tin cướp, chém giết, hiếp dâm, những người cầm cân nảy mực thực thi công việc trật tự trị an xã hội làm luật, hạch sách hay hành hung, đánh chết dân thường.
Đành rằng trong xã hội nào, quốc gia nào cũng có tiêu cực, tội phạm, nhưng kiếm tiền bất chấp đạo đức ngay cả ở những nơi cần đến tình yêu thương và phẩm giá nhất như bệnh viện, thì hết thuốc chữa.
Thời buổi cóc nhảy lên làm người, những tên ngu dốt mua bằng giả, chạy quan chạy chức lên ngồi chỗ mát ăn bát vàng. Bọn trộm, cắp tác oai tác quái khắp nơi nếu có đủ tiền bao bọc được các cơ quan pháp lý.  Các giá trị nhân bản bị đảo lộn, mọi chuẩn mực đạo đức bị lệch tâm.
Cách đây vài năm, tháng 2/2009, Báo An ninh Thủ đô đăng tải lệnh truy nã Trần Xuân Ánh, tự Ánh Trọc,  và Trần Đức Trang (anh trai Ánh), cùng 5 đối tượng khác. Cả 7 đối tượng đều liên quan đến vụ án giết người, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Tháng 3/2007, Ánh từng bị tuyên phạt 5 năm tù vì tội hiếp dâm trẻ em và đã được đặc xá.
Tuy nhiên, từ đó đến nay Ánh Trọc vẫn sống nhởn nhang ở Hà Nội. Một anh bạn của tôi về Việt Nam, do có tình huống đặc biệt đã có cơ hội gặp và uống bia với Ánh Trọc tại một nhà hàng. Vào dịp Tết, Ánh Trọc cho biết đã thuê cả xe tải chở bánh chưng cho đàn em nằm trong các trại giam. Anh bạn cho hay, đám đàn em của Ánh Trọc là những tay chém thuê có tiếng ở Hà Thành, lúc nào trong mình cũng có dao găm, mã tấu. Chỉ cần thủ lĩnh ra lệnh “xin tí huyết” của ai đó thì người đó bỏ mạng. Ánh Trọc thừa nhận với anh bạn tôi là bản thân y đã “hóa kiếp” ba người. Đây chính là một trong những lực lượng bất hảo, côn đồ được bảo kê mà công an đã sử dụng để đàn áp những người biểu tình yêu nước.
Sự nhiễu nhương của xã hội bắt rễ, lan toả vào mỗi ngõ ngách đời sống. Người tốt bị bủa vây bởi những người xấu, chúng vật vờ như ma quỷ. Không còn biết tin ai. Ra ngõ gặp lưu manh.
Tác giả Mi An trong bài “Hạ sát lương tâm và người anh hùng cao quý” (baodatviet.vn 8/08/13) đã phải thống thiết:
“Có lẽ chưa bao giờ, lòng tin lại mất giá như ở thời điểm này, tới mức tôi cứ tự hỏi không biết tại sao, những chuyện kinh khủng như thế lại có thể xảy ra? Tại sao con người càng ngày càng tồi tệ và mất nhân tính như vậy”.
“Thử hỏi khắp nơi trên trái đất này, có ở đất nước nào mà lương tâm của người thầy thuốc lại sặc mùi  tiền như ở chỗ này không? Những người khoác áo lương y, được các bệnh nhân khốn khổ vì bệnh tật đặt trọn niềm tin và hy vọng lại bán rẻ nó, đánh đổi tất cả chỉ vì mấy đồng bạc lẻ”.
“Lối hành xử thế này được coi là sự dối trá ngọt ngào hay bị coi là độc ác hơn nhiều những kẻ cầm dao cướp của giết người? Cái xấu ác lộ diện như côn đồ hành hung cướp của người lương thiện dù sao cũng dễ nhận ra, dễ bị lên án và vì vậy xã hội được điều chỉnh theo hướng tốt dần lên còn ở đây, cái ác ẩn mình sau mặt nạ lương y, ẩn mình sau cái vẻ tốt lành, thiện lương, cứu người làm phúc thì rất khó nhận ra và vì vậy nó rất dễ bành trướng, phát triển mà không bị ngăn chặn”.
“Tôi nhớ cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill từng nói: “Một đất nước không có lương tâm là một đất nước không có linh hồn, mà đất nước không có linh hồn thì không thể tồn tại”. Chúng ta đang phải chứng kiến lương tâm con người đang bị hạ sát từng ngày một, dần dần từng chút một trên khắp đất nước này”.
“Ở những bản xét nghiệm dối trá nhân bản cho hàng ngàn người, ở những con đường, công trình bị rút ruột, bị đánh tráo vật liệu, ở những thực phẩm tẩm đầy hóa chất, ở những kết quả thi giả dối của ngành giáo dục… Tất cả chúng ta rồi sẽ sống ra sao, có còn lối nào để thoát hiểm hay sẽ thúc thủ chịu chết cùng nhau khi mà lương tâm của nhiều người đã bị chính thể xác của họ sát hại từ lâu rồi?”.
“Đọc tin tức về những tội ác ghê rợn đang diễn ra hàng ngày trên các tờ báo, có ai cảm thấy có trách nhiệm vì tất cả sự tồi tệ đang diễn ra? Tất cả đều như những mắt xích giằng níu nhau tạo nên một tấm lưới đen đang từ từ chụp xuống”.
Không ai thấy có trách nhiệm vì tất cả sự tồi tệ đang diễn ra cả! Đạo đức xã hội cứ thế trượt dài trên con đuờng đảo điên và băng hoại.
“Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, hay là “Nhà dột từ nóc”. Immanuel Kant nói rằng, “Về lý thuyết, không có mâu thuẫn giữa đạo đức và chính trị”. Trong khi đó, cả một hệ thống chính trị dung dưỡng một bầy sâu tham nhũng, ăn cắp, dối trá, thao túng xã hội, thì nói được ai nữa. Pháp luật chỉ còn là thứ luật rừng được áp dụng vô cùng tuỳ tiện theo cảm tính.
Trần Quốc Thuận, cựu Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội nói: “Cơ chế hiện nay tạo kẽ hở cho tham nhũng vơ vét tiền của nhà nước. Nhưng mà cái lớn nhất bị mất là đạo đức. Chúng ta hiện sống trong một xã hội mà chúng ta phải nói dối với nhau để sống”.
Đằng sau những khẩu hiệu tuyên truyền loè loẹt “Đảng là đạo đức, là văn minh”, “Sống, học tập và noi gương đạo đức Hồ Chí Minh”… là “tấm lưới đen” có thể chụp xuống mọi con người, mọi số phận bất kỳ lúc nào.

Không có nhận xét nào: