Pages

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

TRUNG QUỐC ĐANG CHUẨN BỊ CHO MỘT CUỘC CHIẾN TRÊN BIỂN?


BienDong.Net: Thời gian gần đây, truyền thông Trung Quốc đưa tin nhiều về việc Trung Quốc đang đẩy mạnh tăng cường lực lượng hải quân.
Dư luận đang đặt câu hỏi: phải chăng Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến trên biển?
Trước hết là việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lần đầu tiên lên thăm tàu sân bay Liêu Ninh ở cảng Đại Liên vào ngày 28/8/2013. Động thái này được giới quan sát cho là nhằm gửi thông điệp cứng rắn tới các nước láng giềng đang có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đang ráo riết tập trung nguồn lực để phát triển các loại tàu chiến hiện đại. Theo lời của thiếu tướng hải quân Doãn Trác, Trung Quốc đã hạ thủy 3 tàu lớp 052D và đặt mục tiêu sẽ có tổng cộng 8 chiếc tàu loại này làm lực lượng chủ chốt tương lai cho hạm đội tác chiến của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Tàu lớp 052D là thế hệ tiếp theo của khu trục hạm lớp 052C, có chiều dài 160 m, rộng 18 m, độ choán nước hơn 6.000 tấn và vận tốc hơn 55 km/giờ. Tàu được trang bị một khẩu pháo 130 li cùng 1 khẩu 30 li, 6 ống phóng ngư lôi và hệ thống radar hiện đại. Được giới chuyên gia quân sự Trung Quốc ca ngợi nhất là hệ thống ống phóng thẳng đứng có thể mang 64 tên lửa thuộc nhiều loại khác nhau như tên lửa phòng không HQ - 9B, tên lửa đối hạm và tên lửa chống tàu ngầm. Với hệ thống tên lửa tương tự tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ, tau lớn 052D có thể phóng tên lửa ở mọi góc độ và có khả năng can thiệp tên lửa đối phương nhanh hơn.
Tàu 052D sẽ được biên chế vào nhóm tác chiến tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, giúp PLA “gây thêm sóng gió” ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Trong kế hoạch xây dựng mới căn cứ quân sự tại đảo Hải Nam, đã xây dựng xong một sân bay có thể đảm bảo dùng chung cho cả lực lượng Không quân Hải quân và Không quân Trung Quốc. Điều này có nghĩa là căn cứ trên đảo Hải Nam trở thành trận địa đầu để Quân đội Trung Quốc thử nghiệm tác chiến chung Hải quân và Không quân, khu vực mục tiêu kiểm soát là Biển Đông.
Để tăng cường cho khả năng tác chiến trên biển Trung Quốc đang tăng cường hoạt động huấn luyện để nâng cao khả năng hiệp đồng giữa chiến đấu cơ không quân và hải quân trên Biển Đông; tăng cường thực hiện các cuộc tập trận và huấn luyện chung. Trong tập trận chung, hàng trăm máy bay chiến đấu của lực lượng không quân hải quân và không quân có thể thực hiện trao đổi thông tin với sở chỉ huy trên bờ và hạm đội tàu tăng cường khả năng tác chiến tấn công trên không của Quân đội Trung Quốc. Thông qua phương thức tác chiến chung này, lực lượng máy bay chiến đấu của Không quân và Hải quân Trung Quốc có thể thực hiện kiểm soát hiệu quả đối với khu vực biển xung quanh.
Ngoài ra, Hạm đội Nam hải của Trung Quốc (PLA) đã thiết lập tuyến đường tuần tra mới theo yêu sách “đường chín đoạn” phi lý trên Biển Đông, bao trùm tất cả các đảo, bãi đá, bãi cạn trên Biển Đông. Trung Quốc tăng cường các tàu chiến và tàu chấp pháp Trung Quốc “tuần tra” theo các tuyến đường này với mục tiêu từng bước hiện thực hoá yêu sách “đường chín đoạn”, khống chế và độc chiếm Biển Đông.
Mặt khác, Hải quân Trung Quốc đang tăng cường củng cố các công trình quân sự ở bãi cạn Vành Khăn biến Vành Khăn thành căn cứ hải quân hoàn chỉnh với bãi đáp trực thăng, radar và thiết bị vệ tinh, các ụ súng cho súng phòng không và hai súng máy và một tháp quan sát ba tầng. Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng căn cứ tại bãi can Scarborough (Philippines đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc thả 75 cột bê tông trên bãi cạn Scarborough để chuẩn bị cho việc xây dựng công trình ở đây). Nhiều nguồn tin còn cho biết Trung Quốc còn tăng cường các cơ sở quân sự trên một số khu vực mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép ở Trường Sa, nhất là ở bãi đá Xu Bi.
Một số nhà phân tích chiến lược quân sự cho rằng Trung Quốc đang mưu toan tạo ra tam giác chiến lược trên Biển Đông với việc mở rộng căn cứ quân sự ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, xây dựng căn cứ ở bãi cạn Scarborough và củng cố căn cứ của họ trên bãi đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa. Tam giác chiến lược này sẽ giúp Trung Quốc khống chế được toàn bộ Biển Đông một khi chiến sự xảy ra..
Mặc dù luôn lớn tiếng tuyên truyền cho chính sách “phát triển hoà bình” của mình, nhưng trên thực tế Trung Quốc đang ráo riết chuẩn bị cho việc tiến hành một cuộc chiến tranh trên biển để thực hiện cái gọi là “bảo vệ lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, gây mối đe doạ cho các nước láng giềng ven biển của Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét