Pages

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Trung Quốc muốn “gần gũi hơn” với Việt Nam

Ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc vừa bày tỏ mong muốn “cải thiện toàn diện các mối quan hệ với Việt Nam”.
Chủ tàu, thuyền trưởng và các thuyền viên tàu cá QNg 96382 trên cabin hoang tàn bị tàu tuần Trung quốc bắn cháy ngày 20/3/2013 ở gần khu vực quần đảo Hoàng Sa. (Hình: Đất Việt)

Đây là tin mới nhất do Tân Hoa Xã loan báo sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc gặp ông Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Việt Nam, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc hôm 26 tháng 9, 2013.
Tân Hoa Xã tường thuật rằng, khi trao đổi với Ngoại trưởng Việt Nam, Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh yếu tố, Việt Nam và Trung Quốc là “láng giềng” và Trung Quốc “rất quan tâm tới mối quan hệ với Việt Nam, sẵn sàng cùng Việt Nam tạo ra các quan hệ cao cấp song phương gần gũi hơn, sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác, kiểm soát các vấn đề nhạy cảm, tăng cường hợp tác - phối hợp trong các vấn đề của khu vực và quốc tế, cũng như nâng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước lên mức cao hơn”.

Cách nay chừng mười ngày, trước khi Ngoại trưởng Trung Quốc bày tỏ mong muốn “cải thiện toàn diện các mối quan hệ với Việt Nam” để quan hệ hai bên “gần gũi hơn”, trong cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật khi ông này đến thăm Việt Nam, Thủ tướng Việt Nam đã chính thức "đề nghị Nhật hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong hiện đại hóa trang thiết bị của lực lượng cảnh sát biển”.

Ở cuộc gặp đó, Thủ tướng Việt Nam còn nhấn mạnh, ”Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản" và hy vọng bộ quốc phòng hai quốc gia sẽ “tiếp tục thắt chặt quan hệ”. Cả Nhật lẫn Việt Nam đều đang phải đối phó với các tuyên bố cũng như các hành động nhằm mở rộng yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Trước sự gia tăng các tranh chấp trên biển, chính phủ Nhật khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với các quốc gia có “cùng mối quan tâm”, đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á.

Gần đây, Nhật vừa tăng cường lực lượng hải quân, vừa đẩy mạnh việc yểm trợ các quốc gia Đông Nam Á đang trong tình trạng phải đối phó với tham vọng bành trướng của Trung Quốc như mình. Theo nhật báo Asahi Shimbun, Việt Nam là một trong tám quốc gia đề nghị Nhật hỗ trợ tàu tuần tiễu để bảo vệ chủ quyền và an ninh trên biển.

Cũng theo tờ Asahi Shimbun, Thủ tướng Nhật “đặc biệt quan tâm đến vấn đề hỗ trợ tàu tuần tiễu cho Việt Nam”. Theo một thỏa thuận song phương giữa Việt Nam – Nhật hồi tháng 7 năm nay, Nhật cam kết sẽ viện trợ cho Việt Nam 10 “tàu tuần tiễu mới, loại 40 mét”.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy, Việt Nam đang tìm cách mở rộng “hợp tác về quốc phòng”, sau khi liên tục nhượng bộ nhưng vẫn tiếp tục bị Trung Quốc chèn ép và bị dân chúng Việt Nam chỉ trích bởi “nhu nhược, hèn yếu” đối với việc bảo vệ chủ quyền.

Ngoài những thỏa thuận với Nhật, Việt Nam còn cam kết “tăng cường hợp tác quốc phòng”, “cùng nhau phát triển khả năng quốc phòng” với Philippines và gia tăng thăm viếng, hội đàm, tìm kiếm những thỏa thuận tương tự với Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Nhật, Nam Hàn, Ấn Độ, Nga.

Tháng trước, hai Bộ trưởng Quốc phòng của Philippines và Việt Nam đã cùng “thảo luận về các vấn đề an ninh mà gần đây cả hai quốc gia cùng quan tâm, đặc biệt về tình hình biển Đông”.

Theo Phát ngôn nhân của Bộ quốc phòng Philippines, trao đổi về quốc phòng giữa Philippines với Việt Nam đang tiến triển tốt, sau khi hai bên đạt được một thỏa thuận về hợp tác quốc phòng, thúc đẩy quan hệ quân sự song phương hồi năm 2010.

Đặc biệt là trong tháng trước, lần đầu tiên, Việt Nam chính thức bày tỏ sự ủng hộ việc Philippines kiện tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông tại Liên Hiệp Quốc.

Cũng trong tháng trước, các quốc gia ASEAN đã thông qua một thỏa thuận, theo đó sẽ cùng thúc đẩy Trung Quốc chấp thuận một Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Năm 1996, ASEAN đã từng đề cập đến việc xây dựng COC nhưng bất thành. Do các tranh chấp trên biển Đông càng ngày càng gay gắt, năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký “Tuyên bố về cách ứng xử ở biển Đông” (DOC).

Tuy nhiên DOC không giúp giảm bớt căng thẳng trên biển Đông vì phạm vi áp dụng thiếu rõ ràng và các quy định thì thiếu cụ thể. Chưa kể DOC không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý.

Đến năm 2011, ASEAN và Trung Quốc tiếp tục thông qua Bản Quy tắc hướng dẫn DOC nhưng văn kiện này cũng không khắc phục được hết những hạn chế của DOC.

Người ta hy vọng nếu ASEAN có thể thông qua một COC cùng với Trung Quốc, các tranh chấp trên biển Đông có thể được phân xử bởi một cơ quan tài phán quốc tế.  Cho đến nay, Bắc Kinh chưa bao giờ tỏ ra đồng tình với giải pháp này và tìm nhiều cách để tạo bất đồng giữa các quốc gia trong khối ASEAN khi họ bàn luận về COC.

Tại cuộc gặp ở Hua Hin, Thái Lan hồi tháng trước, Ngoại trưởng của các quốc gia thuộc khối ASEAN đã cùng cho rằng, cần phải đoàn kết để đạt được một COC với Trung Quốc. ASEAN sẽ phải có cùng một giọng. Sự đoàn kết không nhằm chống lại bên nào mà chỉ để dễ đối thoại với bên đó.

(Người Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét