Pages

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Báo chí làm gì khi cơ quan nhà nước "im lặng đáng sợ"?

"Báo Người cao tuổi hàng năm chỉ có khoảng 12-15% các vụ việc có thông tin phản hồi sau khi có bài hoặc loạt bài đăng trên báo. Có nghĩa là 100 trường hợp bị chúng tôi phanh phui chỉ có 12 đến 15 trường hợp cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương có văn bản phản hồi đến báo" - Tổng biên tập Báo Người cao tuổi Kim Quốc Hoa chia sẻ.


Hội thảo đóng góp ý kiến nâng cao mức độ phản hồi của cơ quan nhà nước đối với kiến nghị phê bình của công dân trên báo chí. (Ảnh: Đỗ Hà)

Hội thảo “Nâng cao mức độ phản hồi của cơ quan nhà nước đối với kiến nghị, phê bình của tổ chức, công dân trên báo chí” diễn ra ngày 27/10 đã trở thành một diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ giải pháp trước một rào cản báo chí đó là sự im lặng, né tránh của cơ quan nhà nước trước vấn đề báo nêu.  Hội thảo đã thu hút nhiều tham luận, ý kiến từ các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí và người làm báo. Qua đó, hội thảo chỉ ra “thủ phạm” cản trở quá trình phát triển xã hội hướng tới minh bạch hóa, dân chủ hóa đó là sự im lặng của các cơ quan nhà nước trước vấn đề báo chí, cộng đồng dư luận lên tiếng phản ánh. Nhiều nhà báo đã gọi đó là “sự im lặng đáng sợ” của cơ quan nhà nước.

Đăng, phát dai dẳng và kiên trì “đeo bám”

Nêu vấn đề dai dẳng, kiên trì bám trụ vấn đề đến cùng, đó là phương pháp được Tổng biên tập Báo Người cao tuổi Kim Quốc Hoa ứng dụng nhiều năm nay và đã thành công trong rất nhiều vụ việc lớn.

Ông Kim Quốc Hoa cho biết: “Trong 6 năm qua, báo Người cao tuổi đã đưa gần 2.300 vụ việc từ cấp xã đến cấp trung ương ra ánh sáng công luận. Trong 2.300 vụ việc ấy chưa có vụ việc nào (Báo Người cao tuổi - PV) có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chưa có vụ nào bị xử lý dưới hình thức nào. Nhiều vụ việc phải chiến đấu dai dẳng, nhiều năm tháng, nhiều kỳ báo, nhiều tin bài. Ví dụ như vụ Hà Giang, chúng tôi có loạt bài về ông Chủ tịch tỉnh Hà Giang chống lại Chính phủ. Vụ việc này kéo dài 2 năm rưỡi. Chính ông Chủ tịch tỉnh Hà Giang lúc đó đã từng dọa: “Lần này phải bỏ tù Kim Quốc Hoa”. Cuối cùng tháng 10/2010, vị lãnh đạo này đã bị cách chức và bị khai trừ khỏi Đảng. Vụ Đại học kinh tế Quốc dân kéo dài 15 tháng...”

Tuy nhiên, không phải cơ quan báo chí nào cũng thực hiện được đến cùng những vụ việc. Trong tham luận của bà Trần Hoài Thu, Phó Giám đốc kênh VTC1, Đài truyền hình KTS VTC cũng nói rõ: “Không phải cơ quan báo chí nào, ngay cả VTC, có được cơ chế cho phóng viên có tiền sinh sống hàng ngày để đeo bám sự việc”.

Cũng bày tỏ khó khăn trong vấn đề “đeo bám” sự việc, ông Nguyễn Bá Kiên, quyền Tổng biên tập Báo Giao thông Vận tải, cho rằng: “Thực ra, anh em làm báo đều biết, báo nhỏ nhiều khi liên hệ họ còn không thèm tiếp. Tôi sang báo Giao thông Vận tải, tình hình khác ngay. Liên hệ trong ngành thì rất dễ, ra ngoài ngành khó lắm. Tới đây, tôi sẽ áp dụng (cách của báo Người cao tuổi- PV) khi tính chiến đấu của báo dần dần cao lên”. Ông Nguyễn Bá Kiên nói thêm: “Tuy nhiên, việc đăng tin dai dẳng cũng phải có thông tin”.

Theo kết quả điều tra của dự án nghiên cứu, khảo sát “Mức độ phản hồi của cơ quan nhà nước đối với kiến nghị, phê bình của tổ chức, công dân trên báo chí”, 75% các nhà báo đều cho rằng cần phải nêu tiếp thông tin nếu cơ quan im lặng. Tuy nhiên, điều này cũng gây khó khăn với các cơ quan báo chí do các vấn đề kinh phí, vấn đề nội dung, vấn đề con người và cả những sức ép khác nữa...

Vừa đăng bài vừa gửi công văn

Đứng trước thực tế đã từng bị im lặng, "chìm xuồng", một số cơ quan báo chí chọn cách “Đông - Tây y kết hợp” là vừa đăng bài vừa gửi công văn. Tuy nhiên, theo nhà báo Phan Lợi, Trưởng đại diện miền Bắc Báo Pháp luật TP HCM, ở những cơ quan báo chí lớn như Tuổi trẻ, Thanh Niên... những thông tin của độc giả phản ánh trên báo chí lại được giải quyết, trả lời nhanh hơn gửi công văn. Do vậy, rất hiếm cơ quan báo chí chọn 2 cách đồng thời, thậm chí, ít khi dùng đến phương án gửi công văn.

Từ góc nhìn nghiên cứu cơ quan nhà nước (cụ thể là Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao), ông Hoàng Nghĩa Nhân, Phó trưởng Văn phòng đại diện Hà Nội của Báo Pháp luật TP HCM, cung cấp phát hiện khá thú vị: “Qua theo dõi thông tin báo chí, rất hiếm trường hợp cùng một vụ việc, cơ quan báo chí vừa dùng hình thức đăng, phát, vừa dùng công văn để đề nghị ngành kiểm sát xem xét, giải quyết vụ việc. Nếu xảy ra như vậy chắc chắn VKS sẽ có hồi đáp bằng công văn”.

Điều này, theo ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra Báo chí, Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông), cơ quan báo chí chưa thực hiện hết quyền yêu cầu trả lời của mình khi rất ít cơ quan báo chí thực hiện việc gửi công văn yêu cầu cơ quan nhà nước liên quan trả lời.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu, khảo sát trên cũng đã chỉ ra một số các biện pháp khác mà báo chí vẫn sử dụng để "đối phó" với sự im lặng của các cơ quan nhà nước như: gửi công văn đến các cơ quan nhà nước cấp cao hơn (46% người được hỏi); lờ vấn đề cho đến khi xuất hiện sự kiện mới (15%); nêu vấn đề trên báo khác (6%)...

Đối với cách gửi công văn lên cấp cao hơn, trong tham luận của Báo Người cao tuổi cũng đã thể hiện đơn vị nhiều lần dùng biện pháp này, cũng nhiều lần rơi vào im lặng hoặc rất lâu vẫn chưa có câu trả lời...

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hùng, Hàm vụ trưởng Vụ Báo chí, Ban Tuyên giáo Trung ương, cũng đưa ra ý kiến của mình cùng cơ quan báo chí cải thiện tình hình. Ông cho rằng: “Quan tâm chống tham nhũng là phải đưa ra những bằng chứng hết sức thuyết phục. Theo đuổi đến cùng để tạo sự đồng thuận của dư luận, các cơ quan chức năng hợp sức cùng báo chí. Tôi cảm giác sự liên kết giữa các cơ quan báo chí còn chậm quá, còn rụt rè quá”. Ông cũng chỉ ra nhiều ngành mà báo chí còn ngần ngại không dám động chạm.

Nhiều đại biểu tham dự hội thảo đồng tình với ý kiến: Một trong những cách yêu cầu cơ quan nhà nước trả lời nghiêm túc các sự việc báo nêu chính là các báo phải làm đến cùng. Khi gửi công văn tới mà không trả lời phải đốc thúc bằng các cách khác nhau và không bỏ dở sự việc. Nếu bỏ dở sự việc sẽ tạo cho các cơ quan này tâm lý trả lời cũng được không trả lời cũng không sao. Tuy nhiên, dù có cố gắng thế nào, “cây gậy pháp lý”, chế tài xử phạt luôn là giải pháp giải quyết tận gốc vấn đề.

Giải quyết tận gốc vẫn phải là chế tài

Xem ra, chuyện “báo cứ đăng, cơ quan nhà nước có nghĩa vụ phải trả lời cứ im lặng” là câu chuyện sẽ còn kéo dài nếu như chưa có một chế tài hợp lý. Từ đầu tháng 10, dự án nghiên cứu, khảo sát "Mức độ phản hồi của các cơ quan nhà nước đối với kiến nghị, phê bình của tổ chức, công dân trên báo chí” đã gửi đến 4 Bộ có chức năng quản lý nhà nước, có liên quan trong lĩnh vực báo chí với đề nghị: Các vị Bộ trưởng, lãnh đạo các ngành này bổ sung chế tài cho việc không/ chậm trả lời báo chí theo điều 8 Luật báo chí vào dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 02/2011.

Kiến nghị trên đã được các nhà báo Nam Đồng (nguyên Tổng biên tập Báo Pháp luật TP HCM), nhà báo Nguyễn Văn Bá (Phó Tổng biên tập Báo Bưu điện Việt Nam), nhà báo Phan Lợi (Phó Tổng TKTS Báo Pháp luật TPHCM), nhà báo Hoàng Nghĩa Nhân (Phó trưởng Văn phòng đại diện tại Hà Nội, Báo Pháp luật TPHCM) và nhiều cộng sự khác đã dày công nghiên cứu và dựa trên những cơ sở pháp lý và thực tiễn báo chí Việt Nam.

Cung cấp căn cứ thực tế hoạt động báo chí của Báo Người cao tuổi, ông Kim Quốc Hoa, Tổng Biên tập tờ báo này cũng cung cấp một thông tin quan trọng về việc trả lời của các cơ quan chức năng với các sự việc báo nêu.

Ông cho biết: “Báo Người cao tuổi hàng năm chỉ có khoảng 12-15% các vụ việc có thông tin phản hồi sau khi có bài hoặc loạt bài đăng trên báo. Có nghĩa là 100 trường hợp bị chúng tôi phanh phui chỉ có 12 đến 15 trường hợp cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương có văn bản phản hồi đến báo. Trong đó 5% trả lời phản ứng gay gắt, hoặc là thanh minh, hoặc là phê phán lại báo, cho chúng tôi viết sai sự thật, vu khống, bịa đặt, buộc phải cải chính đòi xin lỗi công khai. Còn có khoảng 3% trường hợp có công văn phúc đáp thanh minh, trình bày, tỏ lời cảm ơn báo, đề nghị báo tạm dừng để chúng tôi khắc phục hậu quả. Rất hiếm hoi có cơ quan đơn vị tiếp thu một cách khách quan, trung thực, nhận khuyết điểm, nhận sai lầm. Trong khi đó một số trường hợp chống đối báo một cách hết sức quyết liệt”.

Mặc dù, việc đề xuất bổ sung chế tài vào dự thảo Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí xuất bản có thể sẽ là “hơi muộn” khi các cơ quan tham mưu soạn thảo đã trình dự thảo lên Chính phủ nhưng nhóm nghiên cứu đã nhận thấy có sự chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi tiếp thu lẫn nhau giữa các cơ quan báo chí trong việc nâng cao mức độ phản hồi của cơ quan nhà nước, từng bước giảm dần “sự im lặng đáng sợ” của cơ quan nhà nước trước vấn đề báo chí nêu.

Hồng Chuyên
 
(Infonet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét