Các "đại gia Vinalines" |
Như PetroTimes đã nêu trong bài viết trước, sau khi gật đầu với “giao dịch ma” để rước đống sắt vụn 83M, các đại gia Vinalines đã đút túi 1,66 triệu đô la. Họ đã nhận tiền như thế nào?
Toàn bộ lời khai tại cơ quan điều tra của Trần Hải Sơn – “chân chạy” trong đường dây tham ô đã thể hiện rõ điều này.
Như đã đưa tin, Dương Chí Dũng đã “rộng tay” với đàn em khi tuyên bố: “Chia theo tỉ lệ 10 tỉ đồng cho anh, 10 tỉ đồng cho anh Phúc, còn lại cho em (Sơn - PV)”
Vào khoảng tháng 3/2008, trước khi Vinalines ký hợp đồng mua ụ nổi 83M qua trung gian AP, giám đốc của AP là ông Goh Hoon Seow đã đến thẳng trụ sở Vinalines để gặp Trần Hải Sơn và nói: “Ông chuẩn bị tiếp nhận khoản tiền lại quả, tôi đã thống nhất với ông Dũng và ông Phúc rồi. Các ông ấy nói giao cho ông nhận, số tiền lại quả là 1,66 triệu đô la”.
Sau khi hỏi ý kiến “các sếp”, Trần Hải Sơn ngầm hiểu là “các sếp” đã chọn đối tác này.
Trần Hải Sơn đã khéo léo "phù phép" khoản tiền hoa hồng này qua tài khoản của Công ty Phú Hà ở Hải Phòng. Số tiền 20 tỉ đồng sau đó được Sơn chuyển cho Mai Văn Phúc và Dương Chí Dũng.
Khoảng tháng 7/2008, khi Dương Chí Dũng vào TP HCM đi công tác, ở khách sạn Victory trên đường Võ Văn Tần, Sơn đã gọi điện thoại và nói ngắn gọn: “Em gặp bác để chuyển ít quà”.
Khi Dũng đồng ý, Sơn liền chạy ra chợ, mua một cái valy Trung Quốc có bánh xe kéo và xếp 5 tỉ đồng tiền mặt, loại mệnh giá 500 nghìn đồng. Sau đó, Sơn gọi taxi và kéo valy thẳng vào khách sạn, lên phòng giao cho Dũng.
Toàn bộ thời gian Dũng ở phòng Vip khách sạn Victory này đều do Vinalines trả tiền công tác phí.
Trụ sở Vinalines ở Hà Nội. |
Lần giao nhận 5 tỉ đồng tiếp theo cũng “nhẹ nhàng như đẩy xe hàng”. Sơn ra đường Xã Đàn, Hà Nội mua bừa một vali Trung Quốc rồi ném lên ô tô, lái về Hải Phòng. Sau khi xếp tiền vào vali, Sơn cứ thế ung dung kéo vali thong dong đi bộ nửa cây số sang nhà mẹ vợ Dương Chí Dũng ở đường Phạm Ngũ Lão.
Đến nơi, Sơn cũng chỉ thỏ thẻ “Gửi anh nốt chỗ quà”
Lần đưa tiền cho Mai Văn Phúc, Sơn cũng “diễn” lại kịch bản cũ, xếp tiền mặt loại 500 nghìn đồng vào vali Trung Quốc mua ngoài chợ rồi kéo thẳng đến nhà “trao tay”. 2 lần Sơn kéo vali tiền đến tận nhà Phúc ở Làng Quốc tế Thăng Long, Hà Nội. Một lần Sơn mang 2,5 tỉ về tận quê Mai Văn Phúc ở An Dương, Hải Phòng. Vali chứa tiền tham ô được giao nhận ngay trong đám giỗ người nhà Phúc.
Ngoài ra “chân chạy” Trần Hải Sơn còn không quên gửi “chút bồi dưỡng” 340 triệu đồng cho Trần Hữu Chiều vì "nhắm mắt làm ngơ" cho "giao dịch ma" diễn ra thuận lợi.
Sơn được Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc xem là thân tín vì trước khi mua ụ nổi và thành lập Công ty TNHH sửa chữa tàu biển phía Nam, Dũng và Phúc đều hứa tạo điều kiện, giúp đỡ Sơn được bổ nhiệm làm tổng giám đốc công ty này.
Số tiền 1,66 triệu đô la này được Sơn khéo léo “rửa” qua tài khoản của Công ty Phú Hà, TP Hải Phòng. Có một chi tiết mà ít ai biết, công ty Phú Hà mà Sơn “rửa tiền” qua là công ty do Trần Thị Hải Hà, em gái Sơn làm giám đốc. Sau khi giao dịch thành công, Sơn rộng tay “bo” cho em gái 2 tỉ đồng.
Tuy nhiên, trước cơ quan điều tra, Sơn khai số tiền này là Sơn cho em gái và Hà không biết đây là tiền gì. Chính lời khai này của Sơn đã cứu em gái khỏi bị trở thành đồng phạm trong việc tham ô tài sản.
Lưu Thủy
(PetroTimes)
-----------------------------
'Kịch bản' chia tiền của cựu Chủ tịch Vinalines
TP - Cục CSĐT tội phạm tham nhũng - Bộ Công an làm rõ “kịch bản” tham ô 1,666 triệu USD của bị can Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Vinalines cùng thuộc cấp trong thương vụ mua ụ nổi 83M.
Như đã đưa tin, ngày 14/10, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã kết thúc điều tra vụ tiêu cực xảy ra tại Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), đề nghị truy tố cựu Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng cùng 9 bị can. Ông Dũng bị cáo buộc có hành vi cố ý làm trái trong việc phê duyệt dự án sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam và việc mua ụ nổi 83M.
Thỏa thuận ngầm trong thương vụ mua “sắt vụn”
Theo tài liệu điều tra, ông Dũng và Tổng giám đốc Vinalines Mai Văn Phúc biết rõ ụ nổi 83M sản xuất năm 1965 tại Nhật Bản, bị hư hỏng nặng, đã bị Đăng kiểm Nga không cho hoạt động từ năm 2006... nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới hợp thức thủ tục để mua với giá 9 triệu USD thông qua Cty AP (Singapore). Trong khi đó, chủ sở hữu ụ nổi chỉ rao bán với giá 2,3 triệu USD.
Quá trình điều tra, C48 Bộ Công an đã cử đoàn công tác sang Singapore để ghi lời khai của ông Goh Hoon Seow, Giám đốc Cty AP và đã phát hiện ra kịch bản tham ô tài sản của các cán bộ, lãnh đạo Vinalines. Cụ thể, giám đốc Cty AP đã cung cấp một bản thỏa thuận ngày 7/7/2007 do Cty Global Success (Cty của Nga, có chi nhánh tại Hồng Kông) và Cty AP ký kết, nội dung ghi rõ việc ăn chia 9 triệu USD tiền bán ụ nổi 83M.
Theo đó, Cty Global Success được hưởng 4,334 triệu USD; Giám đốc Cty này được hưởng 1,134 triệu USD và bên thứ 3 do Cty Global Success chỉ định được hưởng 1,666 triệu USD...
Vẫn theo cung cấp của ông Goh Hoon Seow, ngay sau khi Vinalines chuyển 9 triệu USD, Giám đốc Cty Global Success lập tức yêu cầu ông Goh chuyển 1,666 triệu USD cho Cty Phú Hà (tại Việt Nam) thông qua ngân hàng UOB - Chi nhánh TPHCM, ghi rõ: Cty AP chuyển cho Cy Phú Hà để thanh toán cho các công việc chuẩn bị tài liệu xuất khẩu, hải quan và thuế xuất khẩu ụ nổi 83M.
Lần tìm theo đường đi của số tiền 1,666 triệu USD, CQĐT xác định Cty này không thực hiện bất kỳ công việc gì liên quan tới ụ nổi 83M, đồng thời làm rõ Giám đốc Cty này là bà Trần Thị Hải Hà, em gái ông Trần Hải Sơn - nguyên Tổng giám đốc Cty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines.
Xếp đầy valy tiền đưa sếp
Tại cơ quan công an, Trần Hải Sơn khai, đầu tháng 3/2008, trước khi Vinalines ký hợp đồng mua bán ụ nổi 83M với Cty AP, ông Goh Hoon Seow gặp Sơn tại trụ sở Vinalines và nói: “Ông chuẩn bị tiếp nhận khoản tiền “lại quả”, tôi đã thống nhất với ông Dũng và ông Phúc rồi. Các ông ý nói là giao cho ông nhận, số tiền là 1,666 triệu USD”.
Sau đó, Sơn đến phòng làm việc của ông Dương Chí Dũng kể lại sự việc và được ông Dũng xác nhận, chỉ đạo “chia theo tỷ lệ 10 tỷ đồng cho anh, 10 tỷ đồng cho anh Phúc, còn lại cho em”.
Ngày 18/6/2008, ông Goh chuyển 1,666 triệu USD cho Sơn qua tài khoản của Cty Phú Hà. Đến tháng 7/2008, sau khi được Cty Phú Hà chuyển hơn 28 tỷ đồng (quy đổi từ 1,666 triệu USD), Sơn gọi điện hẹn gặp ông Dũng tại một phòng VIP khách sạn Victory, TP HCM. Trước khi đi, Sơn tự tay xếp 5 tỷ đồng, mệnh giá 500 nghìn đồng, vào valy kéo, rồi mang đến đưa cho ông Dũng. Sau đó khoảng 1 tháng, Sơn đưa tiếp một valy chứa 5 tỷ đồng cho ông Dũng tại nhà mẹ vợ của ông này ở Hải Phòng.
“Phần” của ông Mai Văn Phúc, Sơn đã chia làm 3 lần đưa, tổng cộng 10 tỷ đồng tại nhà riêng của Phúc tại Làng quốc tế Thăng Long và tại quê ông Phúc ở TP Hải Phòng. Số tiền còn lại, Sơn chia cho em gái 2 tỷ đồng; chia cho Trần Hữu Chiều 340 triệu đồng và chiếm hưởng 5,8 tỷ đồng.
Lê Dương
(Tiền phong)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét